Những bộ phim được ông Kamaluddin trình chiếu thường là những tác phẩm của “thời kỳ vàng” Hollywood (1930-1960) hay những bộ phim Bollywood mà Ấn Độ đã ngừng lưu hành.
Ông tin rằng những bộ phim cổ mang nhiều tính nghệ thuật hơn các tác phẩm hiện đại và âm thanh thì tốt hơn so với phim kỹ thuật số, có thể giúp người xem thư giãn, giải tỏa mệt mỏi. Trong khi đó, các phim Bollywood rất phổ biến tại Indonesia, đặc biệt tại các đảo Bali và Java, nơi âm nhạc và vũ điệu chịu nhiều ảnh hưởng từ nghệ thuật và văn hóa truyền thống Ấn Độ.
Địa điểm chiếu phim thường là các bãi đất trống hay tại các bữa tiệc gia đình. Khán giả sẽ tụ tập trong khi ông Kamaluddin chuẩn bị sẵn sàng thiết bị từ trong chiếc xe tải của mình, bao gồm một máy chiếu phim 35-mm, hệ thống âm thanh, các cuộn phim và màn chiếu. Các buổi chiếu phim thường diễn ra vào buổi sáng.
Rạp chiếu phim di động của ông Kamaluddin cũng thu hút các quầy hàng rong bán thức ăn, quần áo và đồ chơi đến phục vụ những người yêu phim cổ.
Tuy nhiên, trong thời đại mà giới trẻ tầng lớp trung lưu khó có thể cưỡng lại sức hút từ những rạp chiếu hiện đại và tiện nghi, được trang bị máy điều hòa, ghế dựa, thậm chí cả giường nằm và phục vụ sẵn sàng đồ ăn thức uống, niềm đam mê điện ảnh của ông Kamaluddin đang phải đối mặt với bài toán tài chính.
Ông cho biết vào thập niên trước, một đêm chiếu phim có thể mang về 300 USD trong khi hiện tại, con số này đã sụt xuống 100 USD/đêm và thông thường rạp của ông chỉ có cơ hội hoạt động 2 lần/tháng.