Chiến trường hay chiếc giường êm ái? (P2)

>> Người đàn bà “cả gan” ruồng bỏ Hemingway (P1)

Làm báo hay làm vợ? 

Tuy nhiên, cuộc hôn nhân của Martha và Ernest chỉ kéo dài được bốn năm. Là một phụ nữ độc lập và cứng rắn, Martha không chỉ không chịu chiều theo những ý thích thất thường của Hemingway mà còn từ chối đổi họ theo họ chồng. Nàng không quan tâm đến nếp sống được coi là cho đoan chính chuẩn mực mà phụ nữ đương thời nói chung, những cô vợ cũ và tình nhân của Hemingway nói riêng vẫn tuân thủ. Nói ngắn gọn là nàng không muốn sắm vai một “nội tướng”. Hemingway từng than phiền với bạn bè rằng: “Cô ấy là người đàn bà háo danh nhất trong những người đàn bà háo danh trên trái đất này.”

Martha và Ernest trong một chuyến đi săn (Ảnh: allposters.com)



Mặc kệ đức lang quân ở lại La Habana, người đàn bà “háo danh” lại một lần nữa khăn gói đi châu Âu để viết những thiên phóng sự nóng hổi từ chiến hào Thế chiến II. Martha Gellhorn còn trở thành nhà báo hiếm hoi đã lẻn được xuống một chiếc tàu cứu thương (trong trang phục phục của nữ y tá) và nhờ đó đã trực tiếp có mặt trong cuộc đổ bộ của quân Đồng minh vào Normandy mở màn cho mặt trận thứ hai. Sau đó, Martha còn thuyết phục các sĩ quan cho phép cô được lên một chiếc máy bay ném bom của quân Anh bay sang oanh tạc Đức. Nữ phóng viên này còn có mặt vào đúng thời điểm giải phóng trại tập trung Dachau và là một trong những ký giả đầu tiên kể lại những câu chuyện kinh hoàng ở các trại tập trung Đức Quốc xã.

Vô cùng chán nản vì bị Martha “bỏ rơi” ở Cuba, cuối cùng Hemingway cũng lên đường sang châu Âu tìm vợ. Tuy nhiên, người vợ ấy vẫn cứ liên miên trên từng cây số. Rồi trong một buổi dạ tiệc, Ernest đã gặp một nữ nhà báo khác tên là Mary Welsh, và ông liền tuyên bố muốn cưới cô gái tóc vàng ấy làm vợ. Sau khi chè chén say sưa cùng người đẹp và đám bạn bè, trên đường lái xe về khách sạn ông không làm chủ được tay lái và tông thẳng vào một hồ nước. 

Khi Martha đến bệnh viện thăm đức lang quân đang trong tình trạng đầu quấn đầy băng, cô chỉ bật cười trước dáng vẻ kỳ cục của ông và bảo “Trong chiến tranh người không hành xử như vậy” và rồi lại tiếp tục… ra trận. Hemingway không bao giờ tha thứ cho Martha về chuyện này. Trong thư gửi đi sau đó ông viết:“Em hoặc là phóng viên của cuộc chiến này, hoặc là người đàn bà trên giường của tôi.”.  Rốt cục, March đã chọn chiến trường, thay cho chiếc giường êm ấm, còn Hemingway thì chọn cô nàng tóc vàng Mary Welsh để kết hôn.

Tuy vậy, cuộc hôn nhân ngắn ngủi với văn tài Hemingway đã mãi mãi ghi tên Martha vào danh sách dài dằng dặc “những người phụ nữ của ‘ông già và biển cả’” với danh nghĩa: vợ thứ ba. Sau này, trong một cuộc phỏng vấn, cô phàn nàn với đồng nghiệp rằng: “Tôi là một cây bút trước khi tôi gặp Ernest, và tôi tiếp tục cầm bút trong 45 năm sau đó. Tại sao rốt cục tôi phải là phụ chú cho cuộc đời của ông ấy?”

Những nẻo đường chiến sự

Thật vậy, sau khi chia tay với một người chồng nổi tiếng, sự nghiệp viết lách của Martha vẫn không ngừng phát triển. Những gì từng chứng kiến trong chiến tranh đã khiến Martha thật sự xúc động để rồi sau này bà trở thành nữ ký giả đứng lên bảo vệ quyền lợi của người Do Thái. Bà là một trong số không nhiều nhà báo viết về các cuộc truy tìm tội phạm chiến tranh Đức Quốc xã, đặc biệt là về phiên tòa xét xử Adolf Eichmann.

Chiến tranh vẫn chưa ngưng nghỉ trên trái đất này, cho nên nữ nhà báo vẫn tiếp tục xuất hiện trên từng nẻo đường chiến sự. Vào những năm 60, bà có mặt tại Việt Nam. Sau đó bà viết chùm phóng sự về những vụ thảm sát đẫm máu tại El Salvador và các nước Mỹ Latinh. Bà cũng là người bằng ngòi bút sắc xảo của mình đã mổ xẻ cuộc xung đột Ả Rập-Israel. Bà còn đến cả châu Phi và Java… Nhiều thế hệ độc giả Mỹ đã biết đến hầu hết các cuộc chiến diễn ra trong thế kỷ XX thông qua các bài viết của Martha Gellhorn. Chỉ riêng Nam Tư là Martha không đến, sau khi buồn bã thú nhận rằng mình “quá già để viết về cuộc chiến ấy”.



Bìa một cuốn sách viết về Martha Gellhorn (Ảnh: us.macmillan.com)

Đã có hẳn cho một giải thưởng báo chí được đặt theo tên nữ ký giả quả cảm này – Giải Martha Gellhorn – hằng năm trao cho một nhà báo mà công việc của họ đã “thâm nhập vào những góc khuất bị chôn vùi. Theo lời của chính Martha Gellhorn, bà mong đợi người giành được giải này là người có thể nói ra “một sự thật phũ phàng” dựa trên những cơ sở xác thực mạnh mẽ.

Bản tính quá độc lập, cứng rắn (và có lẽ là cả cuộc hôn nhân đổ vỡ với Hemingway nữa) đã không mang lại cho Martha hạnh phúc trong đời sống riêng. Năm 1953, bà kết hôn lần thứ ba, với Matthews – Tổng biên tập tờ Times. Nhưng cuộc hôn nhân này rốt cuộc cũng đổ bể vào năm 1963, khi Martha phát hiện ra chồng mình có một mối quan hệ “ngoài luồng” từ khá lâu với một phụ nữ khác. Martha có một người con trai là George Alexander Gellhorn và người con nuôi là Sandy Matthews. Tuy nhiên, nữ nhà báo này không giấu diếm rằng bà rất thất vọng về đời sông hôn nhân.

Cuối đời, Martha Gellhorn gần như mù lòa, bà còn bị ung thư và mắc nhiều chứng bệnh khác. Martha không thể đọc hay viết được nữa, và vì thế cuộc sống đối với bà trở nên thật vô nghĩa. Tại nhà riêng ở London, vào ngày 15/2/1998, nữ nhà báo đã dùng một liều thuốc ngủ cực mạnh để tự kết thúc cuộc đời mình. Vậy là lựa chọn cuối cùng của bà hóa ra có nét tương đồng với Hemingway, người từng tựa trán lên khẩu súng săn hai nòng rồi bóp cò.


Phan Minh Ngọc

Tài liệu tham khảo: peoples, wikipedia,  fashiony




From the same category