Chiến thắng cho làng nhạc

Hai giải thưởng quan trọng của 2 làng nhạc lớn nhất thế giới là Mỹ và Anh đã được trao đầu năm. So với Grammy đình đám và hoành tráng kiểu Mỹ, giải thưởng của làng nhạc Anh Brit awards có vẻ lép vế hơn. Nhưng ở cả hai giải thưởng này năm nay có điểm chung: phần thắng quan trọng luôn thuộc về người Anh trong đó có 16 giải thưởng Grammy quan trọng dành cho nghệ sĩ Anh.

 
 Robert Plant và Alison Krauss.

Tại Grammy, rực rỡ nhất là chiến thắng của cặp song ca “kỳ lạ” gồm rocker người Anh Robert Plant và nữ ca sĩ người Mỹ Alison Krauss. Nhóm nhạc Anh nổi nhất hiện nay Coldplay lụm về kha khá giải, cặp đôi Duffy và Adele chia nhau các giải thưởng trong đó bất ngờ nhất là Adele qua mặt được nhóm nhạc nổi bật nhất của giới teen trong năm qua là Jonas Brothers để có giải Nghệ sĩ mới xuất sắc nhất. “In Rainbows” của Radiohead có giải album alternative xuất sắc nhất.

Duffy, cô ca sĩ Xứ Wales đã chiến thắng ở cả hai bờ Đại Tây Dương. Ở Grammy, “Rockferry” của Duffy chiếm giải album hát nhạc pop hay nhất còn về quê nhà, tại Brit Awards, cô có 3 giải trong đó có giải quan trọng là album của năm cũng cho đĩa “Rockferry”.

Album này nằm trong danh sách những album bán chạy nhất ở Anh trong năm 2008 và doanh số đĩa trên khắp thế giới là gần 5 triệu bản. Hai giải thưởng khác mà Duffy có được là Nữ nghệ sĩ Anh xuất sắc nhất và Nghệ sĩ Anh đột phá nhất.

Khác với các nữ ca sĩ người Mỹ thường rất bốc lửa, các cô gái người Anh này không cuốn hút về mặt hình thể nhưng giọng hát và chất retro – hoài cổ đang ăn khách thì hơn hẳn.

Bên cạnh ngôi sao có cuộc sống cực kỳ chuẩn mực như Leona Lewis (vẫn yêu người yêu thuở thiếu thời làm kỹ sư điện dù rằng cô đã là một ngôi sao nổi tiếng khắp thế giới) thì làng nhạc Anh cũng cung cấp một con cừu đen giữa đàn cừu trắng: Amy Winehouse. Cả Adele và Duffy đều ít nhiều bước theo con đường âm nhạc mà Amy đã khơi lại nhưng còn mức độ “quậy” của Amy thì hiện tại chưa ai sánh nổi.

Trong 10 thứ hạng đầu của danh sách những đĩa bán chạy nhất thế giới năm rồi có đến 4 là từ Anh quốc: “Viva La Vida or Death and All His Friends” của Coldplay, “Spirit” của Leona Lewis, “Rockferry” của Duffy và “Back To Black” của Amy Winehouse.

Huyền thoại Mick Jagger, ca sĩ chính của Rolling Stones cũng cất lời ngợi khen “lớp trẻ” “Với thành công của nghệ sĩ Anh tại Grammy cho thấy đây là một giai đoạn thật tuyệt vời đối với các tài năng nội địa. Điều thú vị nữa là các phong cách khác nhau đã được ghi nhận: Coldplay, Duffy, Adele và Radiohead làm thành một nhóm thật đa dạng, chứng tỏ còn có nhiều tài năng tươi mới người Anh đang chuẩn bị trỗi dậy.”

Thật ra, các nghệ sĩ Anh cũng tích cực hoạt động trên đất Mỹ, dù không rầm rộ kiểu như “sự xâm lăng của người Anh” (trào lưu nhạc British Invasion) ở thập niên 60. Cả Radiohead và Coldplay đều chọn lưu diễn quảng bá album ở Bắc Mỹ trước ở Anh. Duffy miệt mài diễn ở Mỹ, cả show riêng lẫn hỗ trợ cho Coldplay.

   
 Coldplay  Adele

Adele xuất hiện trong các show trò chuyện ở Mỹ ngay ở thời điểm nóng sốt nhất: giữa cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Hai cô gái quốc tịch Anh là M.I.A và Estelle thậm chí dọn hẳn đến Mỹ ở để “làm nhạc” cho chuẩn! Tinh thần “nhạc cho không biếu không” của Radioheah khi phát hành album “In Rainbows” cũng được ngưỡng mộ và sao chép bởi các nhóm nhạc Mỹ.

Mười lăm năm trước, năm 1994, Oasis là nhóm nhạc mới hứa hẹn nhất thế giới nhưng trong một tour diễn ở Mỹ, Liam Gallagher sỉ nhục khán giả người Mỹ và quay sang đánh nhau với Noel ngay trên sân khấu. Danh tiếng và mức độ “phủ sóng” của Oasis ở Mỹ không bao giờ có thể phục hồi được.

Làng nhạc Anh cống hiến vài cô gái, được dự đoán sẽ trở thành sao trong năm 2009

Little Boots

Làng nhạc phổ thông sẽ khó biết đến Victoria Hesketh này nhưng dân đi club, thích nhạc dance sẽ phải lưu ý đến cô gái 24 tuổi nghệ danh Little Boots.

Đầu năm mới, BBC sẽ đưa ra danh sách các tên tuổi hứa hẹn trong năm sau. Danh sách Sound of 2008 được đưa ra hồi đầu năm 2008 đã xếp Adele hàng đầu, hứa hẹn nhất, tiếp đó là Duffy, The Ting Tings và Glasvegas.

Năm nay Little Boots xếp đầu danh sách Sound of 2009 của BBC vừa đưa ra hồi tháng giêng và xếp sau Florence and The Machine trong danh sách những gương mặt hứa hẹn nhất do giới phê bình bầu chọn tại giải Brit awards vừa qua.

Các gương mặt xếp đầu danh sách này trước đó đều làm nên chuyện như Mika, Corinne Bailey Rae, Keane…

Florence and The Machine

Florence Welch mới 22 tuổi nhưng cô đã cùng với nhóm nhạc của mình chinh chiến tại các nhạc hội lẫy lừng nhất ở Anh như Glastonbury, Reading và Leeds. Florence rất được BBC ưu ái, xuất hiện ở vị trí trọng tâm trong chương trình giới thiệu nhạc mới BBC Introducing. Tạp chí NME (New Musical Express) cũng mời Florence trong tour diễn cho giải thưởng năm 2009 của họ.

Florence còn được xếp đầu trong danh sách Critics choise tại Brit award 2009 và xếp hạng 3, sau Little Boots và nhóm White Lies trong Sound of 2009. Album đầu tay của nhóm sẽ được tung ra trong năm 2009. Phong cách của Florence sẽ nhắc nhớ đến các nữ ca sĩ hơi quái như Kate Bush, Bjork, PJ Harvey…

Elly Jackson

Elly năm nay 20 tuổi, là giọng hát và gương mặt của cặp đôi La Roux, chuyên chơi nhạc pop điện tử, khởi lại Eurythmics, Depeche Mode, Gary Numan, Heaven 17. Một nhân vật nữa của La Roux là Ben Langmaid chỉ đứng sau như một nhà sản xuất.

Elly đóng khung nhạc của La Roux theo kiểu nhạc pop của thập niên 80 bởi “có một kho tàng vô tận trong nhạc của thập niên này. Tôi không thể bước tới với nhạc hiện đại bởi nhạc của thập niên 80 vẫn còn quá nhiều điều để tôi khám phá.”

Bạn thân thời trung học của Ben Langmaid chính là Rollo Armstrong, anh trai của Dido và là bộ não của nhóm nhạc điện tử Faithless. Ben Langmaid cũng lăn lộn trong làng nhạc nhiều năm trước khi gặp dược Elly, lập nên Automan, sau đó đổi tên thành La Roux, tiếng Pháp có nghĩa là “người tóc đỏ”.

Đĩa đơn đầu của nhóm là “Quicksand” cho thấy rõ rệt ảnh hưởng từ Prince, giai đoạn “When doves cry.” Đĩa đơn kế “In for the kill” tung ra giữa tháng 3, sau đó là album đầu tay. 

Trí Quyền


From the same category