Chiến lược tái cấu trúc: Điều xa xỉ với DN

Mập mờ, không chú trọng

Tại hội thảo “Quản trị và tái cấu trúc DN vượt qua khó khăn và tiếp tục phát triển” ngày 27/9, phần lớn các chuyên gia đều cho rằng DN Việt, đặc biệt với các DN nhỏ và vừa, vẫn chưa chú trọng tới chiến lược phát triển, thậm chí ngay cả những người nằm trong bộ máy lãnh đạo cũng còn mập mờ về chiến lược.

“Theo các số liệu chính thức, năm 2011 có 54.000 DN phá sản, giải thể và xin dừng hoạt động, con số này trong 7 tháng năm 2012 là 30.000 DN. Trong số đó, không phải DN nào thất bại cũng do thiếu tiền mà có những công ty ‘chết’ bởi thiếu chiến lược trong quản trị và tái cấu trúc”, ông Hà Mạnh Tiến, Chủ tịch các Nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam, nhận xét.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Nam Phương, Tư vấn trưởng Công ty OCD, cũng khẳng định nhiều DN Việt chưa định hình được về chiến lược để xây dựng, chưa tăng cường năng lực quản trị DN, ngay cả với lãnh đạo cũng còn mông lung chưa quan tâm.

“Cách đây một tuần, tôi làm việc với một công ty bảo hiểm lớn của Việt Nam – đứng trong top 5 của ngành bảo hiểm trong nước – mà tất cả các giám đốc chi nhánh thành viên vẫn nói rằng ‘cần chiến lược để làm gì, chuyện đó quá xa xỉ và xa xôi, việc đó là của HĐQT, còn tôi chỉ đi kinh doanh thôi’. Thị trường làm ăn chộp giật, mình không nhìn dài hạn thì không sống được đâu”, bà Nam Phương dẫn chứng.

/Uploaded/ledl/2012_09_30/Mat-xich.jpg

Bà lý giải: “Ở đây không phải ý là các nhà quản trị hiểu hay không hiểu mà do quan niệm chung về quản trị chiến lược với mọi người có thể còn quá lý thuyết. Mọi người luôn có suy nghĩ chiến lược là thứ quá xa xỉ, chỉ những tập đoàn, DN lớn mới cần còn nhỏ không cần”.

Bên lề hội thảo, nhiều vị lãnh khi được hỏi về chiến lược phát triển của DN mình phần lớn đều trả lời thị trường sao mình phát triển vậy. “Nước nổi thì bèo nổi” chứ làm ăn nhỏ không cần thiết phải có chiến lược quản trị và tái cấu trúc DN.

Bài toán về chiến lược tái cấu trúc

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, chiến lược tái cấu trúc càng cần thiết hơn bao giờ hết để định hình lối đi, giúp DN chống chọi, vượt qua được thời kỳ khủng hoảng. Tuy nhiên, việc xây dựng chiến lược quản trị và tái cấu trúc như thế nào để phù hợp là bài toán mà mỗi DN phải tìm cho mình một lời giải riêng.

Tại hội thảo, ông Đinh Văn Hiến, Tổng giám đốc Công ty TNHH cơ điện đo lường tự động hóa DKNEC, đưa ra ý kiến, các doanh nghiệp cần xây dựng hệ thống tự động hóa quản lý và điều hành doanh nghiệp. Điều này sẽ giúp công ty tiết kiệm thời gian và chi phí rất nhiều.

Tuy nhiên, để tự động hóa được, cần xây dựng một mạng lưới thông tin trực quan và truyền trực tiếp giữa các tầng trong hệ thống, mà người điều hành chỉ cần ngồi một chỗ có thể biết và điều khiển được toàn bộ hoạt động sản xuất của DN mình. Theo ông Hiến, công nghệ thông tin ngày càng phát triển càng tạo điều kiện thuận lợi cho các các DN triển khai hệ thống tự động quản lý và điều hành DN toàn diện. Trên thực tế, đã có nhiều DN thành công khi áp dụng quy trình này.

Ông Phạm Quốc Mạnh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Phú Thái, khẳng định tái cấu trúc trước hết phải “tái trong đầu lãnh đạo”. Lãnh đạo DN cần phải có sự đổi mới trong tư duy rồi mới nghĩ tới tái đầu vốn. Đối Phú Thái, ngoài những vấn đề trên, còn là tái cấu trúc hệ thống phân phối và bán lẻ. Chi nhánh nào hoạt động không hiệu quả lập tức giải thể hoặc cho sáp nhập với chi nhánh khác. Cần xác định cái cốt lõi, chủ chốt, không nên ôm đồm quá nhiều quá nhiều việc, thậm chí có thể bỏ một bớt một số ngành, lĩnh vực để tập trung cho những ngành chính của DN.

Với việc cắt giảm bớt nhân sự, tránh bộ máy hoạt động cồng kềnh, không hiệu quả… không chỉ giúp giảm gánh nặng tiền lương mà còn liên quan tới việc thuê diện tích mặt bằng làm văn phòng. Cắt giảm nhân sự đồng nghĩa với cắt giảm được rất nhiều chi phí. “Đơn cử như ở chi nhánh Cần Thơ của DN, vừa rồi chúng tôi đã cắt giảm khoảng 40-50 nhân sự, đồng thời tăng lương cho số người còn lại. Nhờ vậy, chi phí giảm nhiều mà đến giờ chi nhánh đó hoạt động vẫn hiệu quả, đảm bảo có lãi”, ông Mạnh chia sẻ.

TS. Đinh Thị Mỹ Loan, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, cũng nhấn mạnh, từ góc độ các DN, chúng ta không thể tìm được mẫu số chung cho bài toán quản trị và tái cấu trúc DN hay nói cách khác, các “không có cái áo nào vừa cho tất cả mọi người. Các DN cần có những chiến lược riêng phù hợp”.

Theo Vietnamnet


From the same category