Kết tinh từ đôi tay khéo léo và khối óc tài hoa của nghệ nhân, đậu bạc là kỹ nghệ chế tác cung đình tinh hoa và độc đáo nhất của đất Hà Nội nghìn năm văn hiến.
Khởi nguồn vào khoảng thế kỷ VI ở làng Định Công, đậu bạc là kỹ nghệ chế tác kim hoàn có bề dày truyền thống lâu đời, yêu cầu sự tinh xảo bậc nhất xứ kinh kỳ Thăng Long. Trải qua hơn 15 thế kỷ thăng trầm với biết bao biến cố lịch sử và thời cuộc, ngày nay đậu bạc vẫn là kỹ nghệ nức tiếng tinh hoa với sự tinh xảo ít có kỹ thuật chế tác thủ công nào sánh bằng.
Có 4 kỹ thuật cơ bản người thợ đậu bạc cần thành thạo: trơn, đấu, chạm, đậu. Trong đó, đậu bạc là kỹ thuật kéo bạc đã được nung chảy, se thành những sợi chỉ mảnh và sau đó tạo hình các hoạ tiết hoa lá, chim muông… để trang trí lên các trang sức của quý tộc và vua chúa thời xưa. Với sự tinh xảo bậc nhất, kỹ nghệ đậu bạc ngày nay đã được ứng dụng trong chế tác vương miện để tạo ra những tuyệt tác lộng lẫy, xứng tầm sánh đôi cùng những nàng hậu tài hoa. Tùy thuộc vào hình dáng và độ phức tạp của sản phẩm hoàn thiện mà người thợ sẽ tạo khung theo các kích cỡ khác nhau, uốn lượn các sợi chỉ bạc lấp lánh với độ tương phản ánh sáng cực cao, làm nên vẻ đẹp lung linh bậc nhất trứ danh trang sức mỹ nghệ cung đình. Có những tác phẩm đậu bạc tinh xảo đến hàng ngàn chi tiết phải mất hàng tháng trời để hoàn thành.
Đặc biệt công phu và yêu cầu kỹ thuật tinh tế hơn tất cả nghề chế tác kim hoàn khác, đậu bạc đòi hỏi ở người thợ thủ công rất nhiều phẩm chất quý. Không chỉ cần có đôi tay khéo léo, điêu luyện hay mắt nhìn thẩm mỹ, một nghệ nhân đậu bạc tài hoa cần hội tụ sự tỉ mẩn, đức tính kiên trì, kỷ luật khắt khe cùng tinh thần trân quý gia sản ngàn đời của cha ông. Chính vì những yêu cầu khắt khe này mà thời gian đào tạo nghề đậu bạc kéo dài từ 3 đến 5 năm, nhiều người thợ trẻ không đủ kiên nhẫn đã bỏ cuộc trên hành trình trở thành nghệ nhân đậu bạc.
Mỗi một chế tác đậu bạc được làm ra đều là một tác phẩm nghệ thuật thủ công chứa đựng tài nghệ tinh hoa từ bàn tay của người thợ lành nghề, mang giá trị thẩm mỹ sang trọng và tinh tế. Với chiếc hộp đậu bạc phiên bản giới hạn, người nghệ nhân đã khéo léo dệt những sợi chỉ bạc đơn thuần thành bức tranh đặc sắc, qua hình ảnh phượng hoàng vươn đôi cánh ôm lấy ổ phụng – biểu tượng của vua chúa và mang đến điềm lành, sung túc trong văn hoá phương Đông.
Phải là nghệ nhân bậc thầy mới có thể thổi hồn vào tác phẩm tinh xảo từng chi tiết và khắc hoạ thành công sự mềm mại và uyển chuyển của đôi cánh phượng hoàng. Bên trong ổ phụng còn ẩn chứa những hình ảnh biểu tượng ý nghĩa, xứng đáng là tặng phẩm kiệt tác đầy ý nghĩa: hình ảnh vân mây bao trùm tượng trưng cho sự viên mãn và thăng hoa, chiếc gương tròn mang ý nghĩa cát tường may mắn, hình ảnh quạt như lời cầu chúc cho thuận lợi hanh thông, hồ lô mang đến sức khoẻ và cuối cùng là hoa mẫu đơn – loài hoa của vua chúa biểu trưng cho an khang thịnh vượng.
Có thể nói, không chỉ đạt đến độ tinh xảo bậc nhất với kỳ công của nghệ nhân bậc thầy mà hộp đậu bạc còn mang vẻ đẹp hoàn mỹ đầy ý nghĩa của loài chim tinh tú ngự trị bầu trời.
Hộp đậu bạc chính là tác phẩm nghệ thuật mang biểu tượng truyền thống phương Đông đầy tinh hoa, được chế tác từ tài nghệ đỉnh cao của nghệ nhân. Chứa đựng bên trong là sự kết hợp của hai chất vị hoàng gia phương Tây đầy trân quý.
Tết Nguyên Đán đã đến gần, mở ra khoảng thời gian để người Việt ta nhớ về nguồn cội và trao gửi tình thân như truyền thống văn hoá từ ngàn xưa. Những món quà tinh tế, ẩn trong những lời chúc ý nghĩa được gửi trao chính cũng là nét đặc sắc của Tết cổ truyền. Thế nên một lựa chọn kết hợp giữa văn hoá Đông và Tây, giữa truyền thống và hiện đại lại ẩn chứa ý nghĩa về sự sinh sôi và nảy nở, thịnh vượng và thăng hoa xứng tầm tặng phẩm tinh túy không thể bỏ lỡ.