Người thì cho rằng chiếc váy có màu xanh với ren đen, người lại cho rằng chiếc váy có màu trắng với ren vàng ánh kim. Không bên nào nhường nhịn bên nào.
Cuộc tranh cãi này không chỉ là một câu chuyện về truyền thông xã hội mà nó còn liên quan tới sinh học nguyên thủy, và cách mà mắt và não người tiến hóa để nhìn và nhận biết các màu sắc trong một thế giới ngập tràn ánh nắng mặt trời.
Ánh sáng đi vào mắt người thông qua thủy tinh thể, với các bước sóng khác nhau tương ứng với những màu sắc khác nhau. Ánh sáng chiếu vào võng mạc ở phía sau của cầu mắt, nơi các sắc tố hình thành kết nối thần kinh tới vỏ não thị giác – phần não bộ chuyên xử lý những tín hiệu này để tạo thành hình ảnh.
“Hệ thống thị giác của chúng ta tự động vứt bỏ thông tin về màu của ánh sáng đang chiếu sáng các vật, và chỉ nhận những thông tin về ánh sáng phản chiếu từ vật trong thực tế,” Jay Neitz, một nhà thần kinh học thuộc Đại học Washington cho biết. “Nhưng tôi đã nghiên cứu về những khác biệt cá nhân trong việc cảm thụ màu sắc trong suốt 30 năm, và đây là một trong số những trường hợp khác biệt cá nhân lớn nhất mà tôi từng biết.” (Neitz nhìn thấy màu trắng – vàng).
Thường thì hệ thống này làm việc hiệu quả. Thế nhưng bức ảnh này lại đạt tới một ranh giới thị giác nào đó. Một lý do cho hiện tượng này là do thiết kế của não bộ con người. Loài người tiến hóa để có thể nhìn thấy các vật trong ánh sáng ban ngày, nhưng ánh sáng ban ngày lại làm thay đổi màu sắc của vật. Trục màu của ánh sáng thay đổi từ màu đỏ hồng của ánh bình minh, tới màu trắng xanh của buổi giữa trưa, và rồi quay trở lại màu đỏ của hoàng hôn.
“Điều đang diễn ra ở đây là hệ thống thị giác của bạn đang nhìn vào bức ảnh, và bạn đang cố gắng giảm bớt ảnh hưởng màu sắc từ trục ánh sáng ban ngày,” Bevil Conway, một nhà thần kinh học nghiên cứu màu sắc và tầm nhìn tại trường đại học Wellesley cho biết. “Vì thế mọi người hoặc là loại bỏ bên màu xanh và nhìn thấy màu trắng-vàng, hoặc loại bỏ bên màu vàng và nhìn thấy màu đen-xanh.” (Bằng cách nào đó Conway lại nhìn thấy màu xanh và da cam).
Khi đội ngũ thiết kế của Wired phân tích bức ảnh bằng Photoshop nhằm đưa ra câu trả lời cho cuộc tranh cãi, họ thấy rằng rõ ràng những chỗ mà một số người nhìn thấy là màu xanh thực sự đúng là có màu xanh. Nhưng điều này có thể là do màu nền chứ không phải do màu sắc thực tế.
“Khi nhìn vào giá trị RGB, R (red – đỏ) là 93, G (green – xanh lá cây) là 76 và B (blue – xanh da trời) là 50. Nếu chỉ đọc những con số này và đoán xem đó là màu gì, bạn sẽ trả lời thế nào?” Conway đưa ra câu hỏi.
Màu gần giống như màu da cam ư?
“Đúng vậy,” Conway nói. “Màu này đang được đặt trên nền trắng, và nếu được đặt trên nền đen trung tính, tôi cá rằng nó sẽ mang sắc da cam.”
Vấn đề nằm ở chỗ não của bạn đang cố gắng tự suy luận ra bối cảnh màu của nguồn sáng trong bức ảnh, và đưa ra câu trả lời cho màu sắc của chiếc váy. Thậm chí Neitz, người nhìn thấy màu trắng-vàng, cũng thừa nhận rằng có thể bộ váy có màu xanh.
“Tôi đã in bức ảnh ra,” ông cho biết. “Và rồi tôi cắt một mẩu ra rồi nhìn vào đó. Khi không có bối cảnh, màu này ở khoảng giữa, chứ không phải là màu xanh đậm. Não của tôi cho rằng màu xanh là từ nguồn sáng mà ra. Những người khác thì cho rằng đó là màu thật của chiếc váy.”
Đội ngũ xử lý hình ảnh của Wired đã đưa ra một lời giải thích theo bối cảnh màu sắc. “Ban đầu tôi nghĩ rằng nó có màu trắng-vàng,” Neil Harris, biên tập viên ảnh cấp cao của Wired cho biết. “Khi tôi thực hiện cân bằng trắng cho bức ảnh thì điều này lại trở nên vô lý.”
Harris nhìn thấy màu xanh tại những điểm sáng, và não bộ của anh cho rằng màu trắng của chiếc váy đã bị chuyển thành màu xanh, còn màu vàng chuyển thành màu đen, do màu của nguồn sáng. Nhưng khi Harris đảo ngược quá trình, cân bằng tới điểm ảnh tối nhất của bức ảnh, chiếc váy lại có màu xanh-đen không thể nhầm lẫn. “Như vậy, rõ ràng rằng điểm thích hợp để cân bằng trong bức ảnh này là điểm màu đen,” Harris cho biết.
Vậy, khi bối cảnh thay đổi, cảm thụ hình ảnh của con người cũng sẽ thay đổi. “Hầu hết mọi người nhìn màu xanh trên nền trắng sẽ thấy đó là màu xanh,” Conway cho biết. “Nhưng nếu đặt lên nền màu đen, có người sẽ thấy đó là màu trắng.”/.
Theo: My Nguyễn Vietnamplus