(Minh họa: Ngọc Diệp)
Cụ thể, dự thảo thông tư quy định người ngồi xe máy phải mang mũ bảo hiểm có cấu tạo đủ 3 bộ phận: Vỏ mũ, đệm hấp xung động bên trong vỏ mũ và quai đeo; có kiểu dáng đáp ứng yêu cầu quy định và đã được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN2: 2008/BKHCN, được gắn dấu hợp quy CR, ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật. Đồng thời người đội mũ bảo hiểm phải cài quai đúng quy cách, không được để quai mũ lỏng lẻo mà phải đóng khít với cằm.
Theo nghị định mới nhất thì hành vi đội MBH không đảm bảo chất lượng, hay đội MBH không đúng quy cách sẽ bị xử phạt như hành vi không đội MBH, tức là sẽ bị phạt từ 100.000-200.000đ.
Bằng các quy định của pháp luật, nhà nước bắt buộc công dân chấp hành việc đổi mũ bảo hiểm là cần thiết, an toàn sức khỏe, tính mạng của con người luôn được đặt cao nhất. Tuy nhiên, quản lý chất lượng mũ bảo hiểm không thể nhắm đến việc xử phạt người vi phạm, mà quản cái gốc của nó, đó là các nhà sản xuất.
Để không có mũ dởm xuất hiện trên thị trường, biện pháp hiệu quả nhất là quản lý chất lượng sản phẩm từ các nhà sản xuất. Nếu không có mũ dởm ra thị trường thì người dân sẽ không thể mua mũ dởm. Ngoại trừ những công tử, tiểu thư tuổi teen muốn chơi hàng thời trang ra, đa số người dân vẫn muốn sử dụng một chiếc mũ bảo hiểm đảm bảo chất lượng. Nhưng, nhiều người không thể phân biệt được được mũ nào là giả hay thật, hợp quy hay không hợp quy.
Về xử phạt cũng rất khó. Cảnh sát giao thông có thể xử phạt những người không mang mũ bảo hiểm, nhưng phạt người đeo mũ với lý do không đảm bảo chất lượng lại là chuyện khác. Để chứng minh được chiếc mũ nào đó không đạt tiêu chuẩn, phải cần đến quản lý thị trường, thanh tra khoa học công nghệ. Chỉ riêng cảnh sát giao thông với người sở hữu chiếc mũ, cãi nhau chán cũng không kết luận được chiếc mũ đó có đạt tiêu chuẩn hay không? Vậy thì không có căn cứ đễ xử phạt.
Chưa kể, quản một vài chục nhà máy, cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm thì dễ, nhưng quản cả hàng triệu người đi xe máy thì quả là thách đố lực lượng cảnh sát giao thông.
Xử phạt người sử dụng là quản cái ngọn, dẹp cho được các nhà sản xuất mũ bảo hiểm dởm mới là quản cái gốc. Cả 4 bộ, chính quyền các địa phương, chẳng lẽ không dẹp được cái mũ bảo hiểm dởm?
Đối với người dân, bên cạnh xử phạt người không đội mũ bảo hiểm, cần tuyên truyền rộng và sâu để nâng cao nhận thức tự bảo vệ sức khỏe, tính mạng khi tham gia giao thông. Biện pháp xử phạt những người đội mũ bảo hiểm dởm sẽ không thay thế được tư duy quản lý của các cơ quan quản lý và cũng không hiệu quả bằng sự thay đổi nhận thức trong suy nghĩ của từng công dân.