Chiếc lược của ông sư

Bởi vì hai người đó vĩnh viễn giữ một vị trí vô cùng quan trọng trên quãng đường tôi trở thành tôi. Quá trình của một người viết bằng bản năng và duy cảm nặng nề trở thành một người biết lọc chọn tri thức và cảm xúc trước khi gõ những chữ đầu tiên của mỗi ngày. Nếu không được quen biết chú Mai chú Biền, hẳn tôi không thể tiếp tục kiên trì ngồi viết cho tới lúc tôi có độc giả, tôi sống được bằng ngòi bút.

 

Trang Hạ hơn 10 năm trước

Chú Biền là người ngồi đọc bài, chọn bài đăng trên Áo Trắng của NXB Trẻ TPHCM ngày xưa gần hai mươi năm trước. Bây giờ Áo Trắng đã trở thành tập san của báo Tuổi Trẻ, và đọc đã mất chất Áo Trắng, chẳng còn hay như xưa. Chú Mai là trưởng ban biên tập Hoa Học Trò, thời mà Hoa Học Trò còn là… Hoa Học Trò, chưa trở thành một thứ gồng gánh hầm bà lằng như bây giờ. Hai người giống nhau bởi đều bị tôi dội bom các tác phẩm, từ thơ, truyện ngắn, tranh minh họa, bản nhạc, truyện dài, tản văn, thơ xuôi, kịch bản sân khấu (kịch nói)… Những trang viết trên giấy một mặt bằng mực tím, mỗi lần gửi hàng chục trang viết tay, dở như nhau và hỗn độn ngây ngô như nhau. Có điều cách hai người chống đỡ lại sự tấn công của tôi khác hẳn nhau.

Nhà văn Đoàn Thạch Biền thỉnh thoảng gửi thư khích lệ, bảo cứ viết nữa đi, dù… vẫn chưa có sáng tác nào đủ sức đăng lên Áo Trắng. Khi đó chú Biền đã rất nổi tiếng với độc giả miền Nam bởi nhiều tập truyện ngắn và tiểu thuyết, còn với độc giả ngoài Bắc chú gần như là… số không, vì đâu có ai đọc được cuốn nào của chú. Tôi nhớ có một lá thư, chú Biền nói rằng, lời khuyên của chú dành cho cháu cũng vô ích như chiếc lược dành cho ông sư thôi, trong nghề viết thì chẳng ai dạy được ai. Nhưng bản thân những lá thư trao đổi nhận xét của chú Biền đã mang lại động lực mạnh mẽ và khao khát vô biên cho tôi, để viết nhiều hơn và tốt hơn. Làm cho tôi khao khát vô cùng được khẳng định mình, được có bài đăng báo, được nói với cả thế giới rằng tôi có tồn tại và tôi đang nghĩ gì.

Cho đến giờ, đôi khi vào Sài Gòn tôi vẫn gọi điện hoặc hẹn gặp để hỏi thăm chú Biền. Còn thường thì không, vì tôi xấu hổ và hơi mặc cảm khi bản thân thật sự vẫn không làm được cái gì to tát xứng đáng để khoe với chú Biền rằng, cháu cảm ơn chú đã giúp cháu niềm tin, nỗ lực, hy vọng.

Và mỗi khi có người gửi bản thảo nhờ đọc và cho ý kiến, xin kinh nghiệm viết văn… tôi thường né tránh. Vì tôi biết tôi lại cho ông sư chiếc lược mà thôi, thậm chí còn tệ hơn, vì tôi không có sự kiên nhẫn đi khơi gợi và đọc, viết như nhà văn Đoàn Thạch Biền với cộng tác viên.

Chú Nguyễn Như Mai khác hẳn, chú chưa bao giờ viết thư cho tôi. Tôi học năm thứ nhất đại học, tan học về sớm, bốn giờ chiều đang nằm ngủ lười thì chú Mai đến. Trưởng ban biên tập Hoa Học Trò tìm đến tận nhà một cộng tác viên viết lắm mà viết bao nhiêu… dở bấy nhiêu, chỉ để xem mặt và hỏi thăm. Chú Mai ngồi yên chờ cho tới lúc tôi ngủ dậy. Có lẽ nếu có cây viết Hương Đầu Mùa nào vào đây đọc được bài này thì sẽ nhận ra, chú Mai cũng đã dùng cách đó để đối xử với tất cả chúng ta cho tới tận mười năm sau này, tôn trọng, không can thiệp bất kỳ trò quậy quá quắt nào, không đòi hỏi, thậm chí chưa bao giờ rầy la, nhưng không bao giờ bỏ rơi ai.

 

Chúng ta chỉ nhận từ chú Mai, nhận sự động viên, chăm sóc, gợi ý viết, nhận xét tác phẩm thấu đáo, thậm chí nhận cơ hội làm việc, nhận quà bánh, mà chưa từng tặng lại cho chú Nguyễn Như Mai thứ gì. Dưới sự gợi ý của chú Mai, chúng tôi trưởng thành mà không hề nhận ra được chú âm thầm ủng hộ. Và điều quan trọng nhất là, chú Mai luôn luôn để ta nói, chú không bắt chúng ta nghe chú nói. Tất cả những điều này phải gần hai mươi năm sau, tôi mới nhận ra nó quan trọng trong đời mình ra sao. Thậm chí, những gì cảm nhận từ chú Mai không chỉ ảnh hưởng trong cách viết, cách nghĩ của tôi, còn ảnh hưởng trong cả cách sống của tôi.

Đó là lý do vì sao, mỗi khi tôi được đặt vào vị trí của chú Mai chú Biền, để đối diện với những người như tôi xưa, hoặc những người đang nghe tôi nói, tôi lại cảm nhận sâu sắc những gì tôi đã may mắn được nhận.

Đó cũng là lý do vì sao tôi ít dám khuyên người khác, tôi chỉ dám chia sẻ cách mà tôi đã nghĩ và đã sống. Chiếc lược của tôi biết đâu xa xỉ hoặc vô ích với người khác?

Trang Hạ


From the same category