Chiếc bikini rách và những nạn nhân im lặng

Chiếc bikini rách dạy phụ nữ điều gì?

Hãy tưởng tượng, bạn là cô gái với chiếc bikini rách, xung quanh là những gã đàn ông đang chỉ trỏ, cười đùa, và quay phim lại. Và nếu bạn tin rằng mình sẽ không bao giờ rơi vào tình huống ấy, hãy nghĩ đến em gái – bạn thân – hay bất kỳ cô gái nào mà bạn biết và yêu mến. Cảm giác của bạn, của họ sẽ là gì?

Tôi chắc rằng tại thời điểm ấy, cô gái kia sẽ thấy bối rối, tức giận. Vào lúc đoạn clip phát tán khắp nơi, cô ấy sẽ thấy xấu hổ, sợ hãi. Vào lúc đọc những dòng bình luận ác ý dành cho mình, như “Đã là thân con gái mà không biết tự bảo vệ”, “Ăn mặc như thế giữa một đám đàn ông cũng chẳng phải dạng vừa đâu”, “Đây là bài học dành cho những cô gái trẻ” – cô ấy sẽ thấy: nhục nhã và tổn thương.

Không phụ nữ nào đáng phải trải qua cảm giác bối rối, tức giận, xấu hổ, sợ hãi, nhục nhã và tổn thương, dù cô ấy mặc bikini đi công viên nước hay mặc bikini đi vào trung tâm thương mại. Kể cả khi cô ấy không lường trước được sự khả ố của một nhóm người. Thậm chí cả khi cô ấy trót ham vui mà trèo vào khu vui chơi ấy. Hay, như ban quản lý khu vui chơi, lỗi là ở việc cô chọn biniki kém chất lượng.

(Ảnh: wayfaring-artist)

Nếu dư luận ngừng phán xét về lý do chiếc bikini rách, lý do cô gái xuất hiện giữa vòng vây của đám thanh niên, hay lý do họ chọn cô gái này mà không phải cô gái kia để chọc ghẹo, sự thật còn lại sẽ đơn giản: cô ấy là nạn nhân. Nếu không phải là nạn nhân trực tiếp của những thanh niên kia, thì là nạn nhân của sự tò mò và thói phán xét.

Cô ấy chỉ là một trường hợp. Có hàng ngàn trường hợp khác, đã và đang xảy ra. Những phụ nữ bị tổn thương hai lần, lần đầu bởi những kẻ quấy rối và lần thứ hai, bởi dư luận.

Khi Madonna bị cưỡng hiếp, cô đã im lặng

Nữ hoàng nhạc pop Madonna, trong cuộc phỏng vấn trên “The Howard Stern Show” vào tháng 3 đã kể rằng cô bị cưỡng hiếp vào năm đầu tiên đến New York. Cô đi về từ lớp học nhảy, bỏ quên chìa khóa, một người đàn ông tốt bụng đã hỏi rằng cô có muốn vào nhà anh ta để gọi nhờ điện thoại hay không. Sau đó, cô bị dí dao vào lưng và bị cưỡng hiếp. Madonna năm ấy đang ở tuổi đôi mươi, và cô chọn cách im lặng bởi “Tôi cảm thấy quá nhục nhã”. 


Nữ hoàng nhạc pop Madonna (Ảnh: newseveryday)

Đó cũng là lý do mà nhiều phụ nữ, và cả nam giới im lặng khi bị tấn công tình dục. Người ta ước chừng hơn 68% các vụ việc hiếp dâm đã bị bỏ qua bởi các nạn nhân sợ phải đối diện với sự kì thị, đánh giá – thậm chí ngay cả trong quá trình họ báo cáo lại vụ việc. 

Từ điển Urban lý giải cụm từ “Asking for it” (Vì cô ta muốn thế) được nhiều tội phạm cưỡng hiếp dùng để tự bào chữa cho tội lỗi của mình, tức là cho rằng nạn nhân tỏ ra khuyến khích hoặc ngầm đồng ý cho hành động tội lỗi ấy. Tâm lý “đáng đời nó” của dư luận, đáng tiếc, lại gần gũi với những kẻ tội phạm hơn nạn nhân

Bị sàm sỡ trên xe bus ư? Em có mặc váy quá ngắn không?

Bị gạ gẫm trong quán bar à? Ơ con gái mặc đồ sexy đi bar có khác gì wifi không password nơi công cộng? 

Nghe nói  A. mới bị hiếp đấy – thì nó toàn đi chơi khuya mà!

Con bé đó vừa lộ ảnh nóng kìa! Đâu tao xem? Đàn bà thời nay dễ dãi nhỉ!

Sự phán xét thật đáng sợ, bởi nó khiến nạn nhân tin rằng lỗi là nằm ở mình, và lẽ ra họ phải cư xử cẩn trọng hơn, ăn mặc kín đáo hơn, cảnh giác hơn, e dè hơn, thánh thiện hơn. Thay vì nhờ đến pháp luật, họ chọn cách đào sâu chôn chặt sự việc, tự dằn vặt, tự trừng phạt. 

Tố cáo, để nó dừng lại

“Report it to Stop it” (Tạm dịch: “Tố cáo, để nó dừng lại”)


“Report it to Stop it”
(Tạm dịch: “Tố cáo, để nó dừng lại”) là video được tổ chức Transport for London thực hiện đã gây tiếng vang lớn không chỉ ở Anh mà còn trên khắp thế giới. Đoạn video phản ánh tình trạng phụ nữ bị quấy rối khi di chuyển rằng các phương tiện công cộng, và phần lớn trong số họ chọn cách im lặng. Nội dung clip kể về một phụ nữ phải chịu đựng sự sàm sỡ từ cấp độ nhẹ và nghiêm trọng dần từ một gã đàn ông có vẻ ngoài lịch lãm, đàng hoàng. Bạn có thể thấy, sự xấu hổ và do dự của cô gái đã khiến thủ phạm có cơ hội làm tổn thương cô nhiều hơn nữa. Thông qua chiến dịch này, Transport for London mong muốn những nạn nhân bị quấy rối hãy tự cứu mình, bằng cách bước ra khỏi sự im lặng nhục nhã.

Trở lại với sự việc ở Công viên nước Hồ Tây, thay vì yêu cầu phụ nữ phải học bài học về chiếc bikini rách, có lẽ, nhiều người trong chúng ta cần học lại về cách cư xử văn minh. Để không bóp nghẹt tiếng kêu cứu tự vệ của những nạn nhân. Để họ được giữ lại lòng tự tôn và sự mạnh mẽ.  

Để thay vì thấy xấu hổ, họ sẽ lên tiếng, để cái xấu được ngăn chặn.

Để thay vì tự trách móc chính mình, họ sẽ hành động, để cái xấu bị trừng phạt.

Bài: Thu Tâm


logo


From the same category