Cô em tôi đến chơi, kể: Dạo này em cũng hay đi chùa, chả cứ rằm mùng một, tháng đôi ba lần, chùa trong làng gần nhà em thuê. Tôi hỏi: Chùa gì? Cô ấy bảo: Em cũng chả biết tên chùa nữa, đến chùa để được an tịnh thôi. Một câu trả lời tuyệt vời! Họa hoằn mới được nghe. Bình thường, giản dị vậy nhưng lại vô tình “đạt đạo”.
Mã Tổ Đạo Nhất dạy “bình thường tâm thị đạo” có nghĩa tâm bình thường đã là đạo rồi. Sở dĩ tôi nói họa hoằn là bởi phần lớn những người đi chùa đều cầu cúng, xin xỏ nào tài, nào lộc, nào danh… và đặc biệt ai cũng thích đi chùa to, chùa nổi tiếng. Tại sao? Đáng nhẽ nên giữ một cái tâm “vô sở cầu”, đứng trước Tam bảo, thắp một nén nhang, cúng dường một gói hoa, một chai nước để lòng mình trong lại, yên lại, an lại là đủ. Tại sao phải cầu, phải xin? Mà giả sử có phải xin, phải cầu, sao không cầu cho mọi người, tại sao không phát tâm Bồ Tát có sẵn trong lòng mình, cầu điều hay, lẽ tốt đến với mọi người. Ở đời luôn có hai mặt âm dương, tốt xấu, lành dữ. Ai cũng chỉ mong cái hay, cái tốt, cái lợi cho mình, gia đình mình. Vậy thì hỏi những điều dở còn lại thì để cho ai hưởng?
Những vị sư đến Việt Nam vào thế kỷ thứ II giả sử có sống dậy sẽ không thể hình dung nổi sự biến dạng của một triết lý sống cao đẹp của Phật giáo ở xứ này hôm nay. Rõ nhất là những dịp đầu năm, mùa lễ hội từ đình đền miếu phủ đến chùa chiền, từng đoàn người chen chúc, giẫm đạp lên nhau, nào xôi nào thịt, nào rượu đặt lên ban thờ Phật, rồi nhét tiền vào lòng Phật, giắt lên mái chùa, thả đầy giếng chùa, bạ chỗ nào cũng thắp nhang, cắm nhang, đốt vàng mã vô tội vạ. Họ có một tư duy rất thiển cận là nếu càng nhét được nhiều tiền vào tay Phật, càng đốt được nhiều hương nhang ở nhiều ban, nhiều chùa thì càng nhiều lộc. Bất chấp chay tịnh, họ chất lên Tam bảo cả những khay rượu, khay thịt… vẫn biết họ là chúng sinh nhưng không thể ngờ nổi có những loại chúng sinh lại vô minh đến thế.
Có lẽ đã đến lúc báo động về sự phá sản tinh thần của cả một dân tộc. Mà nào triết lý nhà Phật có gì khó hiểu đâu. Phật tức tâm, tâm tức Phật. Đức Thích ca dạy: ngọn cỏ còn có Phật tính. Ta là Phật đã thành còn chúng sinh là Phật sẽ thành cơ mà. Đáng nhẽ mọi người nên hiểu, tượng Phật, chùa chỉ là phương tiện, là “ngón tay chỉ trăng”, để dẫn mình trở về tâm mình. Không có một ông Phật nào để đến cả, không hề có một niết bàn nào khác ngoài cái “bản lai diện mục” của mình, cái tâm vô nhiễm, trong suốt của mình.
Không ai cứu được mình ngoài chính mình, phải sống bằng năng lực của mình, bằng lao động của mình, bằng sự thiện tâm của mình. Cũng như không thể có một ông Thánh, ông Trời, ông Phật nào bao che nâng đỡ cho cái ác. Không thể cứ tham ô, tham nhũng, ăn cướp, ăn cắp tiền của mồ hôi nước mắt của nhân dân rồi “sám hối” bằng cách trích những đồng tiền bẩn thỉu đó ra xây chùa, làm tượng, hoặc thuê máy bay to, xe hơi đời mới đắt tiền đi Tây trúc thỉnh xá lợi Phật về để mong hết tội được. Không thể chia tội với Phật như vậy được. Không thể núp dưới cái vỏ hòa dương Phật pháp để rửa tội được.
Trở lại chuyện lễ hội, có cầu ắt có cung, tình trạng đua nhau xây chùa to, đúc tượng to, chuông to để đặt hòm công đức xảy ra ở khắp nơi. Bản chất là buôn thần bán thánh, buôn thần bán Phật chứ không còn là nơi tu hành Phật pháp, nơi lễ bái thanh tịnh nữa. Không gian tâm linh nhiều nơi đã ô nhiễm, Cửa Phật thành nơi kinh doanh của những nhà sư biến chất, họ coi đó là một loại dịch vụ. Lấy ví dụ, nếu các bạn rảnh, hãy đi một vòng hồ Tây, Hà Nội, rất nhiều các ngôi chùa cổ quanh hồ Tây đã “được” tu bổ không phải để đẹp hơn mà để mới hơn, to hơn, xịn hơn, hiện đại hơn nhằm thu hút nhiều con nhang, đệ tử đến lễ bái cầu xin tài lộc. (Những dốt nát về thẩm mỹ cộng với văn hóa nền vốn đã thấp, sẽ rất sính những gì tân kỳ, từ đèn đóm nhấp nháy sáng choang, đến tượng cũ thì sơn lại bằng sơn công nghiệp xanh đỏ lòe loẹt, lọ gốm đồ thờ toàn hàng Trung Quốc lênh khênh dị hợm, những cây đại, cây ngâu rất hợp chùa Việt được thay bằng các chậu cây cảnh bon – sai kệch cỡm đắt tiền, ấy là chưa kể tệ nạn sư tử đá kiểu Tầu chầu hẫu ở khắp các cửa chùa, cửa đền. Lối sống chạy theo vật chất, xa hoa không chỉ ở ngoài xã hội mà nay đã bao phủ ở trong hầu khắp các ngôi chùa Việt.
Thời trước, đói nghèo thì chùa còn, còn đẹp, tượng Phật còn nguyên, sư ra sư, tăng ra tăng, Phật tử ra Phật tử và lòng người yên hơn, thanh tịnh hơn bây giờ rất nhiều. Chưa bao giờ có nhiều chùa được tu sửa, nhiều tượng được tô lại, nhiều chùa được xây mới, nhiều tượng được đẽo như bây giờ. Chưa bao giờ có nhiều chùa to, tượng to được làm mới như bây giờ. Nhưng cũng chưa bao giờ tinh thần Phật giáo lại bị cả người trong chùa và người ngoài chùa làm méo mó đi như hiện nay. Chưa bao giờ mà lòng người lại bất an như hiện nay. Cái hình ảnh hàng đoàn người ùn ùn kéo đến các lễ hội, đình, chùa, đền, miếu, phủ sì sụp cầu khấn, đáng nhẽ phải mừng thì lại chỉ thấy tủi, thấy buồn.
Gốc của gốc vẫn là văn hóa, phải coi trọng văn hóa. Không chỉ là những người đến chùa mà cả những người tu hành, những vị sư, ngoài việc trau dồi kinh kệ – đạo pháp vẫn cần có văn hóa. Nếu cả một xã hội chạy theo vật chất, coi vật chất là mục đích, là tiêu chí sống như hiện nay thì chốn thanh tịnh nơi cửa Phật bị ô uế mùi tiền bạc là điều không quá khó hiểu.
Bài: Lê Thiết Cương
>>> Có thể bạn quan tâm: Xem “The Missing Picture” (Hình ảnh mất tích), găm vào trí nhớ khán giả nhiều nhất có lẽ không phải là những hình ảnh lịch sử còn lưu giữ được mà là những búp bê đất sét được tạo hình khá bắt mắt. Đó là những người dân bình thường, những gia đình bình thường bị cướp đi cuộc sống bởi nạn diệt chủng.