Tôi sẽ không ngồi kể lại những gian khổ chúng tôi đã trải qua để đến được Thường Châu, điều này bạn có thể đọc trên khắp mặt báo từ các đoàn cổ động viên khác. Những chuyến bay dài dằng dặc, những giờ ngồi xe vô tận trong bão tuyết và mưa lạnh, những đêm liên miên hầu như không ngủ… Nhưng tôi thấy mình vẫn quá đỗi may mắn và hạnh phúc vì được đến Thường Châu, được tận mắt chứng kiến những khoảnh khắc lịch sử, được choáng ngợp bởi một vẻ đẹp mới, được xâm chiếm bởi một tình yêu mới dạt dào và một hy vọng mới. Tất cả đều đến từ U23 Việt Nam!
Thành thật, tôi chỉ bắt đầu xem U23 đấu từ trận bán kết. Trận tứ kết hàng xóm hò la nhưng tôi nằm trên ghế đọc sách. Tôi không biết gì về lứa cầu thủ này. Bóng đá Việt Nam với tôi đã thuộc về thời của Hồng Sơn và Huỳnh Đức. Thế nhưng xem xong trận bán kết, tôi chỉ nghĩ đúng một điều: Mình phải đến Thường Châu, mình không thể lỡ được trận này. Và thế là tôi đi.
Chuyến đi của chúng tôi, một tay Dũng bên First Class lo liệu. Dù vợ còn ba ngày nữa sinh, tôi không hiểu Dũng lấy đâu ra năng lượng và vận tốc để làm được tất cả các việc cùng một lúc. Chắc Dũng nghĩ, chúng tôi có thể hò la cổ vũ một phần thay Dũng. Ngày 26 chúng tôi bay từ Hà Nội, không khí nườm nượp như đi hội. Chúng tôi gặp các đoàn khác đỏ rực cả góc sân bay, cờ phướn rộn ràng. Nửa đêm 26 chúng tôi đến sân bay Thượng Hải, gặp cả những du học sinh bay hùng hục từ Chicago về xem trận này. Em kể 10 giờ lấy được visa, 12 giờ đã lên máy bay. Nghe em kể mà lòng tôi thấy hân hoan hơn trẩy hội! 27 chúng tôi di chuyển đến Thường Châu trong thời tiết “đại tuyết” theo lịch Trung Quốc. Trời đất, cây cối, không gian, tất cả đều ngập ngụa tuyết, càng đến gần Thường Châu tuyết càng rơi dày. Mọi người đều chung một tâm trạng mâu thuẫn, vừa lo trận đấu bị hoãn thì ngàn dặm thành không, vừa thương mưa tuyết như vậy không hoãn thì đội mình đá sao?
Đến trạm nghỉ không khí đỡ căng hơn vì nhà hàng lớn duy nhất của Thường Châu kín đặc khách Việt. Đi qua phòng ăn nào cũng thấy cờ đỏ, áo đỏ, cũng nghe “Việt Nam vô địch”. Dọc đường vào sân vận động, chúng tôi gặp những thanh niên trẻ đứng phát cờ miễn phí cho cổ động viên người Việt. Vào đến sân là một cảnh tượng choáng ngợp! Gần nửa sân phủ kín cờ đỏ, tiếng hò reo, trống, tù và rầm rập. Không khí sôi động đó khiến bạn chuếnh choáng hơn say rượu, mặt mũi nóng bừng hồ hởi dù hai chân ướt nhoét lạnh cóng vì lội tuyết. Tôi thực sự không biết 6 miếng dán nhiệt hay biển người đỏ hôm ấy đã giúp tôi khỏi cảm lạnh.
Và vào sân cũng là một cảnh tượng kinh hoàng! Cả một giải đấu lớn như vậy mà công tác tổ chức rất “cấp thôn”. Hầu như ít người được ngồi đúng hàng ghế trong vé ghi, mạnh ai người đó chạy đến chỗ ngồi gần nhất còn trống. An ninh và điều phối viên không nói một chữ tiếng Anh nào, 10 câu tiếng Trung chị Hằng dạy gấp trước lúc lên đường đông đặc lại trong mưa tuyết. Hãi hùng hơn, cả sân vận động là một cánh đồng tuyết mênh mông nham nhở, được đào đúng một lỗ hình chữ nhật để các cầu thủ thi đấu. Do không có xe dọn tuyết chuyên dụng mà chỉ dựa vào sức người và bồ cào gỗ, nên khi trận đấu bắt đầu, lớp tuyết phủ trên sân gần như chuyển thành băng mỏng. Làm sao người ta có bước đi trong điều kiện như vậy chưa nói đến việc chạy đua, giành bóng, sút bóng, phán đoán hướng bóng bay…
Dưới chân là tuyết trắng, nhưng ngẩng đầu nhìn lên còn mênh mang hơn. Tuyết bay ngợp trời, đẹp một cách độc ác trong ánh đèn vàng vọt. Ở nhiều hàng ghế, cổ động viên vừa ngồi vừa phải né tuyết đóng thành tảng và phi thẳng xuống đầu. Nhưng mặc nhiên không ai kêu ca một tiếng. Bởi tất cả vừa phải căng mắt ra xem trận đấu mờ ảo, vừa dồn sức để phát ra tiếng động lớn nhất có thể. Người có trống dồn trống, người có thanh la đập thanh la, ai có tù và liền thổi không ngừng nghỉ, và tất cả như đều có cái cổ họng khoẻ hơn bình thường nên ra sức hò hét. Bên cạnh điệp khúc “Việt Nam cố lên – Việt Nam vô địch”, hình như tôi nhớ mình còn hét: “Các em ơi chị đợi điều này lâu lắm rồi”! Chúng tôi, một tập thể mới gặp không người chỉ đạo, nhưng ai cũng cố gắng tạo tiếng động hết sức, với niềm tin chắc chắn rằng, tiếng cổ vũ sẽ sưởi ấm các cầu thủ, khiến các em yên lòng hơn, tập trung hơn, mạnh mẽ hơn, và nếu may mắn, còn khiến đội bạn có đôi chút run sợ. Quả sút thần sầu của Quang Hải tạo một hiệu ứng khủng khiếp. Cả sông người bật tung lên gào thét với toàn bộ sức lực. Người ta nắm tay vỗ vai đập đầu quăng quật tay chân mũ mão vào nhau một cách sung sướng. Tôi nhớ mình còn quay đầu lại nói với mấy người anh em xa lạ là thôi hay mình hô giữ sức đi để lát vô địch còn sức hô to hơn. Bà con sướng quá cười hố hố khen “chí lý”!
Có một điều tôi thấy rõ trong mưa tuyết hôm đó, là ai ai cũng phải lòng U23 Việt Nam. Chúng tôi phải lòng một tập thể xuất sắc, quật cường, quá đỗi tài năng và khiêm nhường như những trái tim Á Đông mẫu mực. Hải ơi làm sao em có thể sút một quả giông bão đẹp như Beckham vậy? Trường ơi, Đức ơi làm sao em lại ngồi thụp xuống cào cào dọn tuyết cho bạn? Và Duy Mạnh ơi điều gì khiến em biết lội lên cả núi tuyết để cắm cờ tổ quốc lên đỉnh cao? Khi nhìn hình ảnh Duy Mạnh cắm cờ, mọi người trên sân đều lặng đi, và ước giá như mình có thể khóc, chắc sẽ thấy trọn vẹn hơn trước một hình ảnh đẹp sử thi đến vậy. Cả một đội tuyển đem lại cho bạn những khoảnh khắc thật, không hẳn là trong mơ, mà đẹp hơn mơ vì nó lý tưởng, tuyệt đối, và ngoài sức tưởng tượng. Cả một đội tuyển khiến bạn mong ngóng, hy vọng và ao ước rằng sẽ tốt biết mấy nếu các chàng trai này cứ lớn lên như vậy, mạnh mẽ, vững vàng, đúng hướng, và không bị hoen ố bởi bất cứ điều gì. Và nếu ai cũng làm tốt việc của mình, với một sức tập trung phi thường và sự khiêm nhường hiếm thấy như U23 thì nước mình sướng quá và sáng quá!