Nếu đến xem “Chị trợ lý của anh” bằng ký ức khả năng diễn xuất của Mỹ Tâm cách đây 8 năm thì hẳn nhiều người sẽ ngạc nhiên. Bởi so với phim truyền hình “Cho một tình yêu”, lần này Tâm diễn duyên quá, tròn trịa quá. Dù chưa đến mức phải thốt lên “xuất sắc” nhưng bấy nhiêu cũng đủ với những gì người hâm mộ mong mỏi ở Tâm.
Vừa là đạo diễn vừa giữ vai nữ chính, Tâm có một quyết định thông minh khi bê nguyên xi bản thân mình lên màn ảnh, thay vì gò ép hóa thân vào một người khác. Đó là một lựa chọn an toàn đủ để người hâm mộ thở phào. Bởi những màn đối đáp ngẫu hứng, điệu bộ hài hước lẫn cách cười đặc trưng thường ngày của Tâm vốn chiếm được tình cảm nhiều người. May mắn hơn, trên màn ảnh rộng, nhan sắc của người phụ nữ tuổi 37 không lộ quá nhiều khuyết điểm, vừa vặn cho một cuộc tình với chàng trai kém tuổi.
Nội dung phim tuy không mới mẻ, vẫn mô típ nàng tiếp cận chàng vì lợi ích riêng nhưng cuối cùng tình cảm lại nảy sinh. Nói một cách chi tiết hơn, Mỹ Tâm vào vai Khả Doanh – một phó tổng giám đốc quyền lực kiêm gái ế lâu năm. Trước nguy cơ mất quyền điều hành công ty gia đình, Khả Doanh gật đầu trước lời đề nghị chấp nhận tìm bạn gái cho Phúc Nam (Mai Tài Phến đóng) – cháu đích tôn của cổ đông lớn nhất công ty. Vấn đề nan giải được đặt ra, cô chỉ có thời hạn 2 tháng và chưa rõ giới tính thật của chàng trai “chuyên mặc áo hoa hòe, thích tập gym, chỉ tụ tập với đàn ông” này là thẳng hay cong. Sau khi trở thành trợ lý cá nhân cho Phúc Nam, Khả Doanh trăm phương ngàn cách gán ghép Phúc Nam cho người khác nhưng rốt cuộc chính mình lại vướng vào lưới tình.
Kết thúc của phim tuy dễ đoán nhưng điều níu khán giả lại là diễn biến tình cảm của Khả Doanh và Phúc Nam. Cái cách cả hai “tình trong như đã mặt ngoài còn e” hẳn là đoạn hồi hộp, nhiều cảm xúc nhất trong một cuộc tình. Và tình huống ấy khiến nhiều khán giả tìm thấy sự đồng cảm khi chợt nhận ra bản thân cũng đã từng cư xử ngớ ngẩn lúc phải lòng một ai đó. Gọi cho người ta chỉ để nói vài điều vớ vẩn, ngóng trông từng cái tin nhắn, lén nhìn nhau hay tìm cách “hạch họe” hòng gây chú ý.
Tình yêu luôn là điều không thể giấu giếm, ví như từ cô gái chỉ mặc đúng hai màu đen trắng như Khả Doanh khi yêu lại bắt đầu chuộng các gam màu chói lọi. Đây hẳn là minh họa sống động nhất cho câu hát của Lana Del Rey: “Living without you is like TV in black and white/You turned me on and brought color into my life” (Tạm dịch: Khi em thiếu anh đời như tivi trắng đen/Và anh nhìn thấy em mang đến cho em nhiều màu sắc)
Khán giả thêm phần chao đảo khi “chàng phi công” Phúc Nam thổ lộ tình cảm với Khả Doanh không chỉ bằng lời mà còn kèm cả hành động. Nàng khéo léo từ chối một lần, chàng càng tiến tới. Nàng thẳng thừng lần hai, chàng không bỏ cuộc. Nàng né tránh lần ba, chàng quyết làm cho bằng được. Kiểu quyết liệt rất đàn ông ấy tưởng chỉ có trong những trang tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc hay phim thần tượng xứ Hàn cuối cùng cũng xuất hiện trên màn ảnh phim Việt.
Điểm cộng của “Chị trợ lý của anh” là lời thoại không quá sến sẩm, giáo điều, vốn là yếu điểm của nhiều phim trước đây. Tâm diễn tròn vai ở những phân đoạn thể hiện quý cô cuồng công việc hay hóm hỉnh như chính cô ngoài đời thật. Riêng các cảnh tình cảm Tâm cần nhập tâm hơn nữa để thể hiện được yêu từ trong ánh mắt như cách Mai Tài Phến nhìn cô.
Điều đáng tiếc nhất của phim là thay vì dừng đúng lúc thì lại dây dưa kéo dài. Nhất là cái kết đậm chất Hàn Quốc cách đây… gần 20 năm và khán giả đã quá ngán ngẩm khi liên tục xuất hiện đầy rẫy trên các MV nhạc Việt. Dường như dự định gây tiếc nuối cho người xem để dấu ấn về phim thêm đậm nét hẳn đã thất bại trong trường hợp này.
Nếu bỏ qua những điểm yếu, “Chị trợ lý của anh” xứng đáng được khán giả dành thời gian dõi theo để cười một chút, lắng đọng một chút hay ngắm nghía “chị đẹp quốc dân”. Đây cũng là tín hiệu mừng khi ngay đầu năm, công chúng đã có một phim Việt xem được, có khả năng “phá đảo” phòng vé. Điều này càng thắp lên hi vọng về một năm điện ảnh Việt có nhiều thêm những phim được đầu tư chỉn chu cả về nội dung lẫn hình thức.