– Chị có ba cậu con trai, các chàng trai yêu mẹ theo cách thế nào?
– Mỗi ngày ra khỏi nhà, tôi hay trêu các con: “Mẹ đi kiếm chồng đây!”. Các con tôi sẽ bảo: “Mẹ đi đi. Mẹ cố lên nhé!”.
Buổi tối tôi ra ngoài, khi chào các con, tôi sẽ nhận được câu trả lời của cả ba: “Mẹ đi vui nhé, mẹ cứ yên tâm mà đi, không phải lo về đâu”. Thiên Minh (con trai lớn) sẽ nói: “Con sẽ cho các em ngủ đúng giờ. Con sẽ để điện thoại chờ mẹ, khi mẹ về hãy gọi con xuống mở cửa cho mẹ, vì gọi chuông ông bà sẽ dậy”. Các con tôi thường không buồn khi mẹ đi vắng. Về phần mình, tôi cũng không sốt ruột vì tôi biết các con sẽ vẫn ngăn nắp, đứa cần ngủ sớm sẽ ngủ sớm, bài cần làm sẽ làm.
Vì thế, khi ở bên con tôi thấy rất an toàn và không cảm thấy có gánh nặng. Cảm giác đó sẽ sản sinh ra năng lượng tình yêu.
– Những câu hỏi của các con dành cho mẹ có khác nhau?
– Hải Minh (con thứ hai – 11 tuổi) thường hỏi các câu hỏi tại sao: “Tại sao mẹ yêu con?”, “Tại sao mẹ yêu con nhất?” và tôi thoải mái trả lời tại sao yêu Hải Minh trước Thiên Minh và Thiện Nhân mà chả sao cả. Các con tôi hiểu mẹ sẽ yêu mỗi đứa bằng một tình yêu đặc biệt nên chả yêu đứa nào giống đứa nào.
Thiện Nhân (10 tuổi) không bao giờ đặt câu hỏi, vì Nhân và tôi luôn bàn luận một vấn đề. Chẳng hạn khi hai mẹ con đi qua showroom xe máy, Nhân sẽ bảo: “Mẹ ơi, con nghĩ mẹ thay xe máy đi, vì con thấy xe máy của mẹ cũ rồi”. Tôi bảo con: “Để mẹ sẽ tính toán xem thế nào. Mua cũng được, chả sao! Vì lâu lâu mình mua một cái gì đấy dù không cần thiết như để tự thưởng cho mình niềm vui”. Nhưng đi một đoạn, Nhân lại bảo: “Thôi, con nghĩ rồi, cũng không cần thiết đâu. Xe cũng chỉ để đi thôi mà. Xe máy mới có khi chỉ tổ tốn xăng”.
Thiên Minh (con lớn – 15 tuổi) lại luôn hỏi các câu: “Mẹ đã ăn cơm chưa?”, “Giờ này mẹ chưa về thì mẹ nhớ ăn ở ngoài và nhớ ăn ngon vào nhé!”.
Hải Minh mỗi ngày tan trường, lên taxi lại gọi cho mẹ kể chuyện ở trường: Hôm nay con ngã thế này, con đá bóng đau thêm chỗ kia. Và tôi tin chắc, Thiện Nhân (lúc ấy cũng đang ở trên xe) sẽ nghĩ: Có mỗi ngã như thế mà cũng lằng nhằng phiền mẹ (cười). Trong đầu Nhân có khi đang rất “coi thường” Hải Minh vì những cuộc điện thoại kiểu ấy (cười lớn). Mà tôi nghe điện thoại của Hải Minh xong cũng không nghĩ đến chuyện nói cả với Nhân cho công bằng đâu. Chúng tôi không cần làm vậy. Vì nếu có chuyện gì, Nhân sẽ tự gọi cho mẹ.
– Freud có cho rằng, trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái ngoài tình yêu thương còn tồn tại một phương diện đối lập của tình cảm – đó là sự hận thù. Trong khi chúng ta bằng đạo đức luôn mặc định rằng cha mẹ và con cái thì chỉ có yêu thương! Nhìn vào mình, chị thấy gì?
– Tôi không biết nữa, nhưng cũng có thể.
Giống như nhiều người hay hỏi tôi: Nếu bố mẹ đẻ ra Nhân xuất hiện, đón Nhân về, chị có đồng ý không? Có người còn dẫn thành ngữ: “Nuôi vật vật trả ơn, nuôi người người trả oán”. Tôi nghĩ khi làm mọi việc, khi yêu mọi thứ có tính mục đích thì nó không còn thuần là tình yêu nữa đâu. Dù mục đích ấy có tính phổ thông thì tôi vẫn thấy tình yêu nó không phải vậy. Nên dù Nhân ở với tôi một ngày, ngày mai Nhân có chỗ vui để đi thì tôi vẫn sẽ đồng ý. Sống như thế sẽ rất thoải mái, nên người có đi sẽ không bao giờ đi mất. Và nếu thấy người kia đang vui thì mình có ở một mình cũng không sao cả. Còn hơn việc giữ một người ở bên cạnh với một mục đích mà khi không thỏa mãn được, bạn sẽ rất đau khổ.
Tôi nghĩ tình yêu là một phạm trù không có tính mục đích, nó phải từ con tim. Một người thích người nào đó phải là thứ thiêng liêng và không biến động.
“Gia đình là tình yêu chứ không phải trách nhiệm”
– Cũng vẫn là Freud cho rằng, tuổi thơ của một người ảnh hưởng vô cùng lớn, nếu không muốn nói là thứ định hình đa số tính cách con người. Thật ra, chị đã lớn lên thế nào?
– Tôi nghĩ tuổi thơ đúng là thứ tạo nên tôi. Tôi lớn lên ở khu dốc Thọ Lão, vòng hồ Hai Bà Trưng, một ngách đi ra chợ Giời, một bên là đền Hai Bà Trưng, bên là trường học, bên là đồn công an phường Đồng Nhân. Hồ không có bờ kè, năm nào cũng có rất nhiều người chết đuối. Nhà tôi ở ngay mặt hồ. Tôi bế em, trông em và thường chơi ở bên sân đình. Nhưng cuộc sống bên sân đình chỉ là một phần cuộc đời thôi. Vì bên kia là đồn công an, ngày nào cũng phải giải quyết các vụ đâm chém tập thể, giết người, hiếp dâm… Trẻ con ngày ấy làm gì có nhiều trò chơi như bây giờ, nên cứ thấy ồn ào bên đồn, tôi lại bế em chạy sang xem. Người bị bắt cũng thay đổi theo ngày, cứ còng người này đến lại đưa người kia đi. Cứ ai bị nhốt ở đó lâu lâu mà không ai đến tiếp tế, tôi lại đút đồ ăn qua cho họ mà không cần biết đấy là người thế nào.
Ngày ấy cũng có rất nhiều người chết đuối. Mỗi lần có người chết đuối, trẻ con lại hùng hục chạy ra xem. Hôm nay có người chết đuối được vớt lên, mai mình vẫn cầm rổ và cái ống bơ ra hồ vớt cá, nòng nọc, cá rô phi là bình thường. Ở nhà, mẹ cho tôi nuôi hũ lớn, hũ bé nòng nọc, cá, cung quăng. Nuôi nòng nọc đứt đuôi thành con ếch, một ngày nó nhảy đi hết lại nuôi mẻ khác. Cứ vậy.
Chuyện giang hồ vác dao rượt nhau, các anh chị pê-đê mặc váy đám cưới diễn ra như cơm bữa. Tôi chứng kiến quá nhiều thứ: có những thứ rất đẹp, có cả những thứ không ra sao, trộn tùm lum lại, tạo thành những năm tháng tuổi thơ tôi. Vì vậy, đối với tôi, tất cả mọi thứ đều gần gũi. Tôi không có ác cảm với người xấu, không kì thị một đối tượng nào.
– Và chị có bao giờ tự hỏi, tại sao mình lại đón Nhân về?
– Thực ra lúc đó tôi ở trong tình trạng nghe người ta nói, nếu không chống chân lên thì Nhân sẽ bị ngoẹo xương. Mà lúc đó nếu lắp chân thì bệnh viện bảo là cứ 10 ngày phải thay ra lắp lại một lần. Tôi ở Hà Nội, Nhân ở Quảng Nam, mình không thể cứ 10 ngày lại vào đó một lần đưa con đi được. Mình không chống chân con lên thì mai sau cột sống sẽ bị vẹo không bẻ được. Cột sống như cái cây ấy. Ngày bé tôi trồng rất nhiều cây: lạc, vừng, tỏi, hành,… tôi trồng hết nên hình dung rất rõ về một cái cây lớn bị còng, thậm chí chết, nếu không được chăm sóc kỹ. Đối với tôi lúc đấy Nhân không khác gì cái cây mình trồng từ bé.
Tôi mang Nhân giống như mang cái cây từ vườn vào trong nhà tránh gió. Vác con về nhà rồi thì con bị lở loét ra, rồi tôi tự mò mẫm làm mọi việc và nảy nở mọi việc. Việc các bác sĩ sang đây phẫu thuật cho hàng trăm trẻ bây giờ cũng là tự nhiên gắn bó và muốn làm. Họ không phải những người từ ban đầu đã muốn làm thiện nguyện.
– Mẹ của chị có bao giờ lên tiếng về những việc làm của con gái?
– Mẹ có lần bảo: “Thôi lần này là lần cuối cùng con nhé, con đừng ‘phát minh sáng chế’ gì nữa cho cuộc sống yên ổn”. Nhưng thực ra, mẹ chính là người cho tôi nuôi cung quăng trong nhà, là người cho tôi mang một con mèo hoang về chăm sóc. Nên tôi nghĩ, việc tôi đón Nhân cũng giống như việc mẹ nhìn tôi nuôi con cung quăng hay mang con mèo về nhà vậy.
– Nếu cần chia sẻ với con về cách đối đãi với cuộc đời, thì điều chị muốn nói với Nhân nhất là gì?
– Nỗi đau của Nhân là rất lớn nên sự chịu đựng của Nhân rất lớn, cách Nhân nhìn cuộc sống rất sâu sắc. Tôi không biết điều này là tốt hay xấu, nhưng Nhân đang không có mối quan hệ kiểu xã giao. Nhân có những mối quan hệ rất thân tình với các bạn ở lớp, nhưng với những người chưa quen, Nhân hết sức xa lạ.
Nhân đã yêu thương, đau khổ tận cùng rồi nên Nhân rất hiểu. Vì thế khi người nào, việc nào chưa đạt đến mức chia sẻ, thấu hiểu, Nhân không đồng cảm được. Nhiều người bảo Nhân lạnh lùng, thiếu chan hòa.
– Chị học được gì từ Thiện Nhân?
– Một lần, tôi đặt bưu thiếp để bán lấy tiền ủng hộ quỹ. Do không có kinh nghiệm nên khi đặt in, tôi đã không dặn họ gập và cho bưu thiếp vào phong bì, phải mang về nhà nhờ các con làm giúp. Ba đứa phải làm cả buổi tối một cách cần mẫn. Thấy muộn quá, tôi áy náy động viên: “Mẹ con mình vẫn còn may, vì giờ này ai phải đi làm ngoài đường như mấy cô lao công thì chết rét mất”. Nhân mới nói lại: “Mẹ không cần nói đến vấn đề may mắn ở đây, mẹ chỉ cần nói: Các con ơi nhanh lên mà đi ngủ!”. Tôi vẫn dạy các con bằng những câu chuyện thực chất, nên một lần trót dạy đạo đức “rởm” cho con, tôi “lĩnh chưởng” luôn.
– Bây giờ chị còn gì ngạc nhiên về Nhân không?
– Nhìn vào sức chịu đựng khủng khiếp của Nhân, tôi không ngạc nhiên mà thấy sợ. Tôi sợ lúc nào đó nếu Nhân đau nhiều hơn sức con có thể mà vẫn nghĩ mình chịu được thì con sẽ rất đau và đau khổ. Thứ hai, Nhân là người luôn tự lập, nên tôi sợ rằng có một việc nào đó ngoài sức con có thể làm được mà con vẫn nghĩ mình làm được.
Bởi vậy tôi đã nói với Nhân, con người ta ai cũng có những điều không thể tự mình làm được. Ai cũng có lỗi lầm, vì chẳng ai trên đời sống không có lỗi cả. Nên nếu chẳng may con gây ra lỗi, việc đầu tiên phải nói với người nhà, vì người nhà không bỏ nhau được, và chúng ta sẽ cùng nhau tìm ra giải pháp.
– Thực ra thì tôi muốn hỏi chị điều này, phụ nữ bây giờ ngày càng hạn chế sinh con, là bởi họ bắt đầu biết nghĩ đến bản thân và lo giữ người đàn ông bên cạnh. Còn chị, đã có hai con, lại còn mang thêm Thiện Nhân về. Có khi nào chị nghĩ, người đàn ông của chị vì vượt ngưỡng chịu đựng mà đã rời xa chị?
– Tôi không nghĩ vậy. Tôi không bị ràng buộc vào quan niệm bắt buộc phải có chồng. Dù tôi tin có nhiều phụ nữ không muốn bỏ chồng bằng bất cứ giá nào. Còn tôi, khi sống với ai, tôi muốn có tình yêu từ cả hai phía. Tình yêu có thể có lúc này mà không còn ở lúc khác là điều bình thường, nhưng là con người thì trách nhiệm với nhau phải luôn còn chứ! Có điều, đối với tôi, gia đình là tình yêu chứ không phải là trách nhiệm. Nên trong nhà tôi sẽ chỉ có những người yêu nhau ở lại.
Chuyện chia tay là điều tôi không muốn nhắc tới nữa, nhưng biết đâu nó lại là sự may mắn trong đời tôi thì sao. Đến lúc này, tôi cũng rất tò mò về người đàn ông tiếp theo của mình sẽ thế nào. Việc một người phụ nữ có ba đứa con và một người phụ nữ chưa từng có đứa con nào chẳng liên quan gì đến việc hai người nào đó có yêu nhau không. Tôi vẫn tin vậy.
– Chị có bao giờ tự hỏi, mình không đẹp nhưng mình vẫn sở hữu một tình yêu rất lớn?
– Tôi thấy mình đủ hạnh phúc nên chẳng bao giờ tự hỏi mình những câu hỏi về hạnh phúc. Tôi chỉ làm những điều mình muốn và tuyệt đối không làm những điều mình không muốn. Ngay cuộc sống gia đình nếu tôi không còn thích nữa, tôi không để nó tồn tại. Nếu cứ cố chịu đựng, mình sẽ không vui thì làm sao mang lại hạnh phúc cho người xung quanh.
Người ta hay viết về tôi như một người tốt, bức tranh đó không phải là con người tôi đâu. Vì thực ra nhiều thứ tôi cũng lộn xộn lắm!
– Cảm ơn những chia sẻ của chị!
Thiên Minh – anh trai cả (15 tuổi – học lớp 10): “Nếu cuộc sống bình thường, chắc Nhân sẽ vô tư hơn”
“Thiện Nhân là cậu bé hiếu động và mạnh mẽ. Sự mạnh mẽ của em có lẽ được hình thành từ khi mới sinh ra. Từ bé, em đã phải một mình. Đến bây giờ em dần nhận ra mình không cô độc, nhưng đổi lại, em phải trải qua rất nhiều ca phẫu thuật đau đớn. Những chuyện đó khiến em dần trở lên kiên cường hơn những người khác. Nhưng nhìn vào sự mạnh mẽ đó, anh lại thấy thương em. Anh vẫn nghĩ, nếu cuộc sống của em bình thường như Hải Minh, em sẽ sống vô tư hơn.
Hầu hết những ca phẫu thuật của em đều ở xa Việt Nam, anh không có mặt bên em, không chứng kiến được những cơn đau em phải trải qua. Lần duy nhất anh tận mắt thấy những cơn đau hành hạ em là khi cùng em sang Ý. Lúc đó anh chỉ mới học lớp 5, còn em mới lên 5 tuổi. Nhìn em trải qua những cơn đau sau mổ, anh càng thương em hơn. Anh nghĩ, mình đã gắn bó với nhau hơn sau những tháng ngày đó, sau những chứng kiến đó.
Nhiều người hỏi anh về tình yêu của mẹ dành cho ba anh em. Anh chưa bao giờ thấy khác biệt gì. Cả em và Hải Minh đều là những đứa em ngoan nhất mà anh có. Và mẹ thì anh tin chúng mình đều yêu mẹ như nhau, em nhỉ?!”
Hải Minh – anh thứ hai (11 tuổi – học lớp 5): “Sống thiếu Nhân chắc sẽ buồn và nhạt lắm!”
“Thiện Nhân còn kém anh một tuổi, vậy mà nhiều lần gặp chuyện, bị cô khiển trách, anh lại rối rít đi tìm em hỏi ý kiến. Em là một chàng trai mạnh mẽ, anh rất thích, vì anh chẳng được mạnh mẽ như em. Dù chỉ có một chân nhưng em rất thích các trò chơi mạo hiểm, làm anh luôn thót tim khi xem em chơi. Khi anh nhắc, em luôn bảo ‘Em chơi thêm một lần nữa thôi’. Em là vậy, nhiều khi em rất bướng, nhưng bù lại anh yêu em vì nhiều lúc em cũng chiều anh.
Em biết rõ mẹ không sinh ra em như anh và anh Thiên Minh, nhưng em vẫn luôn vui vẻ. Anh nghĩ rằng nếu cuộc sống của mình thiếu em chắc sẽ buồn và nhạt lắm.
Nếu anh yêu mẹ như trời, yêu anh Thiên Minh như biển thì anh yêu Nhân như một con số không thể nào đếm được. Cả mẹ và em đều phải đến bệnh viện quá nhiều, nên anh chỉ ước mơ cả nhà mình luôn mạnh khỏe. Và mẹ, nếu có một người tốt yêu mẹ, biết làm những gì tốt nhất để mẹ không buồn thì tốt biết mấy nhỉ?! Lúc đấy, Thiện Nhân cứ yên tâm đọc sách lịch sử, còn anh thì lúc đọc truyện tranh, lúc lại đọc sách văn học. Còn bây giờ thì mình thay nhau mang nước và thuốc mỗi khi mẹ ốm. Nhé!