Rèn khả năng tự nhận thức
Nền tảng của trí tuệ cảm xúc chính là hiểu và nhận thức được cảm xúc của bản thân. Không quá khó để quan sát rồi nhận ra tại sao ta lại hay buồn bực khó chịu, và có thể làm gì để loại bỏ trạng thái đó. Khi dành thời gian trả lời những câu hỏi này, bạn sẽ ý thức hơn về cảm xúc của mình.
Điều chỉnh cảm xúc
Bạn tức giận? Thay vì “bốc hỏa”, hãy chờ đợi thời điểm thích hợp mới tỏ thái độ để tránh đổ dầu vào lửa. Khi một cơn bão hoảng loạn tấn công, bạn hãy hít một hơi thật sâu, từ từ chấp nhận và tìm cách đánh tan cơn bão đó. Không ai bắt bạn giấu nhẹm cảm xúc, nhưng thể hiện nó một cách thích hợp sẽ giảm bớt sự căng thẳng trong mọi tình huống.
Trở nên đồng cảm
Kỹ năng này giống như việc khoác lên mình bộ đồ của người khác và biết cảm giác của họ. Khi hiểu người khác đang cảm thấy thế nào, vì sao họ suy nghĩ và hành động như vậy, bạn sẽ có cách hồi đáp hợp lý. Hãy
chú ý đến cả cách trả lời. Bạn có cho họ cơ hội chia sẻ suy nghĩ của mình không? Tạo cho ai đó cảm giác đặc biệt, câu chuyện sẽ dễ tiếp nối và thân thiết hơn nhiều.
Quản lý mối quan hệ
Trong vô thức, những biểu hiện trên khuôn mặt chúng ta còn cho thấy sự thật nhiều hơn lời nói. Bằng cách đọc vị tâm lý, bạn sẽ hiểu những gì ẩn giấu đằng sau và nhận ra cảm xúc thực sự của mỗi người.
Tuy nhiên, hiểu cảm xúc của người khác mới chỉ là một nửa, bạn cũng cần thực sự hiểu tác động cảm xúc của mình lên người khác. Liệu người đó có trở nên khó chịu khi thấy bạn? Mối quan hệ sẽ được cải thiện nhiều hơn nếu ta nhìn ra và thay đổi những điều này.
Cuối cùng, trung thực với cảm xúc chính là thái độ khôn ngoan trong giao tiếp. Đừng nói “tôi ổn” với khuôn mặt cau có. Là chính mình sẽ giúp người khác thực sự hiểu bạn và tin tưởng bạn hơn trong những lần gặp mặt sau.