Chỉ số BMI: Thước đo của bệnh tật? - Tạp chí Đẹp

Chỉ số BMI: Thước đo của bệnh tật?

Sức Khỏe

BMI (Body Mass Index) hay còn gọi là chỉ số khối cơ thể, thường dùng để đánh giá tình trạng dinh dưỡng của cơ thể. BMI giúp bạn có cách nhìn thực tế về cân nặng của minh, xem trọng lượng có vừa vặn với chiều cao của bạn chưa. Chiều cao thì gần như bạn không thay đổi được, chỉ còn một cách là điều chỉnh cân nặng sao cho phù hợp. Điều này không chỉ tốt cho dáng vóc, cho vẻ bắt mắt bề ngoài mà còn liên quan đến sức khỏe của bạn. Có một chỉ số BMI lý tưởng cũng có nghĩa là bạn đang sở hữu một sức khỏe tốt, ít nguy cơ bệnh tật và ngược lại…


Khi BMI dưới 18,5

Bạn hẳn sẽ trầm trồ khi nhìn số đo cao 1.7m, nặng 50kg của một cô người mẫu. Đó được xem là vóc dáng hoàn hảo đối với phái nữ. Thế nhưng, nếu không tập luyện thể thao để có mức cân nặng đó, mà chỉ cố gắng nhịn ăn, ăn kiêng quá mức để có vóc dáng “mình hạc xương mai” thì đối với các chuyên gia dinh dưỡng, vóc dáng người ấy thuộc dạng thiếu cân.

Chỉ số BMI của người cao 1,7m, nặng 50kg là 17.3. Với chỉ số ấy, người gầy dễ bị mắc nhiều chứng bệnh như hạ huyết áp, loãng xương. Đó là do cơ thể không được nuôi dưỡng với đầy đủ dưỡng chất. Các vitamin và khoáng chất cần thiết để tạo xương như canxi, phosphor, magie, vitamin D… đều thiếu, dẫn đến việc xương không chắc khỏe, rất giòn và dễ gãy.

Người gầy cũng dễ mắc các loại bệnh khác nhau, đặc biệt là những bệnh nhiễm trùng như lao, viêm phổi…, vì việc thiếu dinh dưỡng cũng làm suy yếu hệ miễn dịch. Điều này đồng nghĩa với khả năng phục hồi sức khỏe sau một đợt bệnh nào đó cũng rất chậm. Như một nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ cho biết, người có BMI thấp hơn 18,5 có nguy cơ tử vong sau phẫu thuật cao hơn 40% so với người bình thường, đặc biệt trong 30 ngày đầu tiên sau phẫu thuật.


Người gầy cũng dễ có vóc dáng “khô đét”, đó là vì cơ thể thiếu đạm từ cơ bắp để tạo năng lượng, vì thế, người gầy thường bị mất khối cơ, cơ yếu, lỏng lẻo chứ không săn chắc.

Tình trạng “khô” này cũng xảy ra ở tóc và da. Tóc không được nuôi dưỡng đầy đủ sẽ dần trở nên khô, xác xơ và rụng nhiều. Làn da thiếu hẳn lớp mỡ dưới da sẽ tạo những nếp nhăn, vóc dáng cũng mất đi những đường cong gợi cảm.

Ở những người suy dinh dưỡng nghiêm trọng, tình trạng sẽ càng nặng nề hơn khi xuất hiện triệu chứng rối loạn kinh nguyệt. Điều này cũng làm giảm khả năng thụ thai của người gầy và tạo nên nhiều biến chứng đối với thai phụ cũng như sản phụ, như dễ sẩy thai trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ hay tăng nguy cơ tai biến sản khoa (do thiếu máu).

Khi BMI trên 25

Người quá gầy thường trông xanh xao, ốm yếu đã đành; người mập trông bề ngoài thường rất khỏe mạnh, nhưng thực chất lại mắc nhiều nguy cơ bệnh hơn cả người gầy. Nếu chỉ số BMI của bạn cao hơn 25, ví dụ bạn cao 1,5m và nặng 57kg, chỉ số của bạn là 25,33 thì bạn phải chấp nhận một thực tế – bạn đã thừa cân!

Thừa cân, và tệ hơn là béo phì có thể làm giảm khả năng điều hòa mức độ đường huyết của cơ thể bằng việc sản sinh insulin, dẫn tới tiểu đường hoặc huyết áp cao. Tế bào mỡ có thể sinh ra vượt quá lượng hormone giới tính. Tình trạng này khiến phụ nữ mãn kinh có thể bị ung thư vú hoặc ung thư cổ tử cung.


Béo phì dĩ nhiên là nhiều… mỡ. Và nếu mỡ làm hẹp mạch vành thì bạn cũng dễ mắc các chứng bệnh về tim. Ngoài ra, bạn cũng dễ bị rối loạn lipid máu do nồng độ triglyceride và LDL – cholesterol trong máu cao, nồng độ HDL – cholesterol trong máu thấp.

Với người béo phì, mỡ có thể ở khắp nơi trong cơ thể và nếu mỡ tích tụ ở cơ hoành, bạn sẽ bị giảm chức năng hô hấp, khó thở. Tình trạng này cũng dễ khiến bạn bị ngưng thở khi ngủ, khiến não thiếu oxy, tạo hội chứng Pickwick.

Chỉ số BMI càng lớn, nguy cơ mắc bệnh càng tăng lên. Và nếu bạn có BMI lớn hơn 30, khả năng tử vong do đột quỵ cùng các bệnh về mạch máu não rất cao.

Các bệnh về đường tiêu hóa cũng không “tha” người bị béo phì. Bạn rất dễ bị sỏi mật (bản chất là sỏi cholesterol), ung thư đường mật cũng như những bất thường về gan, ruột như gan nhiễm mỡ, ruột nhiễm mỡ, nhu động ruột giảm gây đầy hơi, táo bón, các bệnh về đại trực tràng, ung thư đại trực tràng…

Mỡ nhiều còn làm rối loạn buồng trứng gây tắt kinh hoặc rối loạn kinh nguyệt, khó có con. Ngoài ra, người béo phì cũng dễ mắc hội chứng đa năng, khó thụ thai, dễ sẩy thai. Có thể thấy, dù béo, dù gầy, nguy cơ mắc các loại bệnh cũng đều cao ở 2 nhóm. Tốt nhất nên giữ chỉ số BMI trong khoảng 18,5 – 25. Khi đó, bạn không chỉ có một vóc dáng gọn gàng, săn chắc mà còn có sức khỏe ổn định, bệnh tật phải lùi xa.


Công thức tính chỉ số BMI

CHỈ SỐ BMI = Cân nặng (kg) / ( Chiều cao(m)* Chiều cao(m))

 Bảng giá BMI:

 Bảng đánh giá theo chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới(WHO) và dành riêng cho người châu Á ( IDI&WPRO):
 Phân loại  WHO BMI (kg/m2)  IDI & WPRO BMI (kg/m2)
 Cân nặng thấp (gầy)  <18.5  <18.5
 Bình thường  18.5 – 24.9  18.5 – 22.9
 Thừa cân  25  23
 Tiền béo phì  25 – 29.9  23 – 24.9
 Béo phì độ I  30 – 34.9  25 – 29.9
 Béo phì độ II  35 – 39.9  30
 Béo phì độ III  40  40

Theo CNMS

Thực hiện: depweb

30/11/2012, 17:02