Chi phí ăn uống chiếm gần hết thu nhập

Lạm phát tháng 6-2012 giảm nhưng giá cả hàng hóa vẫn đứng ở mức cao. So với tháng 12-2011, chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 2,52%, nhưng nếu so với cùng kỳ năm 2011, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng đến 6,9%.

Giá tăng làm dịch chuyển sức mua

Từ năm 2007 đến nay (thời điểm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới – WTO), lạm phát chỉ dịu đi vào năm 2009, các năm còn lại liên tục ở mức cao và đạt “đỉnh” gần 20% vào năm 2008. Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên nhận xét lạm phát ở Việt Nam đang quá cao và đây là một thứ “thuế” rất nặng đánh vào đời sống người dân.

 

Chi tiêu cho bữa ăn gia đình luôn chiếm tỉ trọng rất lớn trong thu nhập của người dân. Ảnh: Internet

Hiểu một cách đơn giản nhất, lạm phát là hiện tượng tăng giá của hàng hóa khiến cho cùng một mức tiền nhưng chỉ mua được số hàng hóa ít hơn. Khi giá tiêu dùng tăng lên, thu nhập không tăng tương ứng nên người dân phải giảm lượng tiêu dùng hoặc giảm loại hàng hóa, làm dịch chuyển sức mua.

Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, ông Vũ Vinh Phú, cho biết theo thống kê của hiệp hội, lượng người mua sắm tại hệ thống siêu thị Hà Nội 6 tháng đầu năm nay đã giảm một nửa so với trước. Doanh số bán hàng phi thực phẩm giảm rất mạnh do cơ cấu giỏ hàng của khách mua hiện nay chủ yếu là mặt hàng lương thực, thực phẩm phục vụ ăn uống hằng ngày, chiếm đến 80%. Giá trị một giỏ hàng cũng giảm đến gần 20% so với trước. Các doanh nghiệp thương mại cũng tỏ ra kém lạc quan khi các đợt khuyến mãi lớn hiện nay không tác động nhiều đến các bà nội trợ vì khuyến mãi chủ yếu ở hàng công nghiệp, còn các bà nội trợ đang phải ưu tiên số một cho cơm ăn, nước uống hằng ngày.

Bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc đối ngoại của hệ thống siêu thị BigC, cũng nhận định: Chi tiêu của người dân đang dịch chuyển từ mặt hàng phi thực phẩm sang mặt hàng thực phẩm. Doanh số bán hàng của các mặt hàng gạo, thịt, trứng, đường… nhích lên trong khi hàng may mặc, tivi, tủ lạnh… bán ngày càng chậm.

Không còn tiền để nâng cao đời sống

Kết quả điều tra xã hội học về đời sống dân cư năm 2010 do Tổng cục Thống kê công bố cho thấy người dân đang phải dành quá nửa thu nhập để chi tiêu cho ăn uống hằng ngày. Năm 2002, tỉ trọng chi cho ăn uống chiếm 56,7% trong chi tiêu đời sống và đến năm 2010 giảm xuống còn 52,9%. Tỉ trọng chi ăn uống trong chi tiêu đời sống là một chỉ tiêu đánh giá mức sống cao hay thấp. Tỉ trọng chi ăn uống càng cao thì mức sống càng thấp và ngược lại.

Trong “rổ” hàng hóa gồm 10 nhóm tính CPI hiện nay, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (gồm lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình) chiếm tới 42,85% tỉ trọng cả rổ hàng hóa. Điều này cũng cho thấy cơm ăn, nước uống vẫn là vấn đề quan trọng nhất của người dân, chiếm tỉ trọng gần bằng tổng các nhu cầu khác cộng lại. Vì vậy, sau khi lo cho đủ cơm ăn, nước uống và dành một phần tích lũy, người dân không còn tiền để chi cho các hàng hóa, dịch vụ khác nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống.

Báo cáo kết quả nghiên cứu tâm lý, hành vi người tiêu dùng của người dân TPHCM năm 2011 do Báo Sài Gòn Tiếp Thị thực hiện cũng cho thấy ăn uống chiếm 34,3% tổng thu nhập của người dân. Còn lại, khoảng 30% để đầu tư, để dành và tất cả các nhu cầu khác như học hành, chữa bệnh, vui chơi giải trí, mua sắm thiết bị gia đình… đều gói gọn trong hơn 30% thu nhập còn lại.

Theo chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân, tăng trưởng thấp, lạm phát vẫn cao đang khiến người dân phải vật lộn với cuộc sống. Trong hoàn cảnh này, số người nghèo không những không giảm mà còn tăng lên do khả năng tái nghèo ở một bộ phận dân cư rất cao.

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên nhận xét lạm phát ở Việt Nam đang quá cao và đây là một thứ “thuế” rất nặng đánh vào đời sống người dân.

Theo NLĐ

From the same category