Đủ bố mẹ vẫn đi làm con nuôi
Sinh ra ở Thường Tín, Hà Tây (cũ) nhưng từ nhỏ Bùi Cường đã cùng gia đình sống ở phố Hàng Cháo, Hà Nội. Từ nhỏ tới giờ Bùi Cường chưa một lần cất tiếng gọi “bố” . Cha của Bùi Cường gia nhập đội cảm tử quân, chiến đấu bảo vệ Hà Nội suốt 60 ngày đêm năm 1947 và đã hy sinh khi anh còn đang nằm trong bụng mẹ.
NSƯT Bùi Cường trong “Biệt động Sài Gòn”
Trước đây mẹ Bùi Cường là người rất mê tín. Vì tin rằng bố ông tuổi Dần xung với tuổi Hợi của Bùi Cường nên bà đã gửi ông làm con nuôi nhà khác. Không có cha, lại sống xa mẹ, Bùi Cường khóc suốt ngày. Mỗi lần mẹ đến chơi, ông ôm bà khóc như cháy ruột khiến bà phải bỏ trốn. Lần nào mẹ đến thăm Bùi Cường cũng xin bà được về nhà cho có mẹ có con nhưng bà nhất định không chịu, bà sợ mất nốt Bùi Cường. Người mẹ 31 tuổi ở vậy từ ngày ấy.
Từ công nhân điện chuyển sang diễn viên
Không như những diễn viên cùng trang lứa, Bùi Cường bén duyên với điện ảnh bằng đường vòng. Tốt nghiệp phổ thông, Bùi Cường học Trung cấp Kỹ thuật Điện rồi về làm việc ở Xí nghiệp Điện Tam Quang (Sở Công nghiệp Hà Nội). Trong thời gian ở đây, ông đã tham gia Đội kịch Công nhân thành phố và đã đoạt Huy chương Vàng với vở diễn “Anh Tư”.
Tham gia đội kịch là vậy nhưng Bùi Cường chưa từng có ý định mình sẽ trở thành diễn viên cho tới khi một đạo diễn khuyên ông nên đăng ký đi thi vào trường Sân khấu-Điện ảnh vì thấy ông có năng khiếu. Đắn đo mãi vì lúc đó Bùi Cường đã 25 tuổi, nhưng rồi ngày cuối cùng hết hạn nộp hồ sơ thi tuyển, ông đã nhờ bạn gái (vợ ông bây giờ) đi nộp hồ sơ.
Hôm thi tuyển, Bùi Cường vẫn nhớ, ông diễn vở kịch “Dạy em”. Thành phần ban giám khảo lúc đó cũng có đạo diễn Phạm Văn Khoa (sau này chính là người đã mời Bùi Cường vào vai Chí Phèo). Lúc đó đạo diễn Phạm Văn Khoa đã thử phản xạ của Bùi Cường và ông phản ứng rất nhanh, rất chân thật nên đã trúng tuyển.
Bùi Cường trong “Làng Vũ Đại ngày ấy”
Từng bị bảo vệ đuổi ra khỏi cơ quan vì… quá xấu
Hơn các bạn cùng lớp tới 7-8 tuổi cũng là một hạn chế với Bùi Cường. Trong khi các bạn liên tục được mời đi đóng phim từ lúc học đại học thì Bùi Cường ra trường về Hãng phim truyện Việt Nam tới 3-4 năm mà chưa có một vai diễn nào gây ấn tượng.
Vào một ngày định mệnh, đạo diễn Phạm Văn Khoa đã gọi Bùi Cường đến bảo rằng muốn mời Bùi Cường vào vai Chí Phèo trong Làng Vũ Đại ngày ấy. Bùi Cường lúc đó mừng tới rơi nước mắt nhưng cũng lo lắng không kém vì không biết có thể hiện thành công Chí Phèo bằng xương bằng thịt hay không.
Rồi ông nghiên cứu kịch bản, cái khó nhất đối với ông khi vào vai Chí Phèo lúc đó là diễn làm sao ra được điệu say của anh Chí và cười như thế nào để lột tả hết tâm trạng của một kẻ bị đẩy tới tận cùng của xã hội. Không biết bao nhiêu lần ông uống rượu tới say mềm, không biết bao nhiêu lần ông đứng trước gương để cười, nhiều người không biết còn tưởng ông bị điên. Nhưng cuối cùng, ông cũng tìm được dáng đi say rượu “không giống ai” cùng một tiếng cười “chó hóc xương” không trộn lẫn. Đây cũng là điều làm nên thành công của vai diễn Chí Phèo.
Bùi Cường với vai trò đạo diễn.
Một kỷ niệm đáng nhớ trong lúc quay Làng Vũ Đại ngày ấy là ông và NSƯT Đức Lưu (vai Thị Nở) cùng nhau đến gặp nghệ sĩ hóa trang Nhữ Đình Nguyên. Hôm diễn thử, hóa trang xong, Bùi Cường vào cơ quan. Đang đi thì anh bảo vệ quát: “Thằng kia, mày đi đâu đấy, ra khỏi đây ngay!”. Lúc đó, Bùi Cường sững người bảo: “Ơ… Cường đây mà!”. Anh bảo vệ chạy ra tận nơi, soi từng tí một trên gương mặt Bùi Cường rồi phá lên cười bảo: “Mày vào vai gì mà rách rưới, xấu xí như thằng dở người?”. Bùi Cường lúc đó vui lắm, hóa trang thành công như vậy cũng góp phần gây ấn tượng cho nhân vật Chí Phèo của ông.
Bị “đơ” vì cảnh quay “chộp” ngực Thị Nở
Một kỷ niệm hài hước không kém mà sau này, khi xem phim, nhiều đồng nghiệp của ông đùa rằng, Bùi Cường “lưu manh” nên cố tình diễn không đạt để được “chộp” ngực người đẹp. Đó là cảnh quay Chí Phèo nhìn thấy Thị Nở nằm tênh hênh ở vườn chuối. Sự vô ý của thị Nở đã khiến lòng Chí rạo rực.
Bùi Cường kể, vì lúc đó NSƯT Đức Lưu đã nhiều tuổi mà đạo diễn lại cần một người con gái có bộ ngực căng tràn sức sống nên đã mời một diễn viên đóng thế. “Đúp” đầu tiên, nhìn thấy Thị Nở nằm hớ hênh, Chí Phèo đã lật tung cái yếm của Thị rồi ngắm nghía bộ ngực căng tròn nhưng dạo diễn lúc đó lại “mắng”: “Cường ơi, Chí Phèo không thưởng thức cái đẹp từ tốn thế đâu”.
Bùi Cường truyền đạt những kinh nghiệm cho lớp diễn viên trẻ.
“Đúp” thứ 2, rút kinh nghiệm lần trước, khi đạo diễn hô bắt đầu, Bùi Cường đã vội lật tung yếm của Thị Nở rồi chộp lấy chộp để bộ ngực của Thị. Đạo diễn lúc đó lại than: “Cường ơi, máy quay chưa quay được bộ ngực của Thị Nở mà Cường đã chộp rồi”. Cả đoàn làm phim phá lên cười khiến Bùi Cường bị “đơ”, lúc đó Bùi Cường phải cầu cứu đạo diễn: “Thôi, bao giờ anh bảo em chộp thì em chộp vậy”.
Làm phim để tự cứu mình
Sau thành công của một loạt vai diễn tiếp theo như Mộc trong phim “Không có đường chân trời”, Năm Hòa trong phim “Biệt động Sài Gòn”… NSƯT Bùi Cường “lấn sân” sang lĩnh vực đạo diễn. Vào đầu những năm 1990, phim thị trường xuất hiện, Bùi Cường thử sức mình trong cả việc làm phim lẫn kinh doanh phim và đã đạt được thành công bước đầu ngay từ phim truyện video hài đầu tay “Người hùng râu quặp”. Chọn cách làm phim giải trí lúc đó với Bùi Cường là cách tự cứu lấy mình và để lấy ngắn nuôi dài.
Bộ phim truyện nhựa đầu tay của đạo diễn Bùi Cường là Người đàn bà không con rồi được Hãng Phim Truyện Việt Nam giao làm phim Mái trường yên tĩnh (2004), Năm ngày trong đời vị tướng (2005).
Cho tới bây giờ, Bùi Cường không còn nhớ nổi mình đã làm bao nhiêu phim nhưng ông luôn ấp ủ sẽ làm phim để tri ân nhà văn Nam Cao. Vì nhờ có tác phẩm của ông với nhân vật Chí Phèo đầy bi kịch, Bùi Cường mới đến gần hơn với công chúng. Bùi Cường tiết lộ kịch bản “Bữa ăn cuối cùng của Lão Hạc” để tri ân nhà văn Nam Cao đã hoàn thành, nếu có nguồn tài trợ, bộ phim sẽ bấm máy ngay.
Vợ ông có một cửa hàng áo dài tại 94 Đội Cấn rất đông khách, 2 con gái đã yên bề gia thất, kinh tế ổn định. Nếu làm phim ở Hà Nội, ngày nào ông cũng tham gia vào đội đá cầu chinh tại công viên Bách Thảo. Ông khoe đã từng nhận được 4 huy chương vàng với môn thể thao này.