“Chỉ nói điều hay thôi!”

Bé Bê chưa đầy 2 tuổi, mới nói được bập bẹ năm từ một nhưng đã biết nói bậy. Ngày nào đi làm về, bố mẹ cũng được cô giúp việc “mách tội” nói bậy của Bê.

Hôm thì bé tè dầm, cô vừa thay quần vừa mắng vì vừa nãy xi không tè, giờ thì dầm, bé thủng thẳng giơ tay chỉ vào mặt cô nói: “Ít mồm thôi”, rồi thì “Cút đi”.

Có hôm, không cho cô cất đồ chơi, bé hét lên: “Kệ tao…”. Bố mẹ bé “điều tra” xem vốn ngôn ngữ của cô con gái cưng tiếp nhận từ đâu vì trong nhà không ai nói như thế. Hóa ra, chiều nào cô giúp việc cũng cho bé đi chơi khắp khu tập thể và bố mẹ chỉ có thể đoán là bé đã tiếp nhận ngôn ngữ ở nơi khác ngoài gia đình.

Khi tập nói cũng là lúc trẻ bắt đầu tiếp nhận tất cả vốn ngôn ngữ của đời sống gia đình và xã hội. Không cha mẹ nào có thể gạn lọc giúp để con chỉ nói những điều hay, từ đẹp mà không bao giờ nói câu, từ bậy bạ, khó nghe.

Bé giao tiếp với mọi người, mọi nơi và điều dễ hiểu là sẽ được tiếp nhận toàn bộ ngôn ngữ giao tiếp. Vấn đề là bố mẹ sẽ giải quyết thế nào với những ngôn từ không mong muốn ấy?

Thực tế, trẻ hai tuổi không hoàn toàn hiểu rõ ý nghĩa của những ngôn từ xấu. Trẻ không hiểu chính xác như người lớn về ngữ nghĩa nhưng hiểu ngữ điệu và hoàn cảnh nên có thể áp dụng rất đúng lúc, đúng ngữ cảnh. Sự cảm nhận của trẻ về ngôn ngữ trong thời điểm này phụ thuộc nhiều vào yếu tố biểu cảm của ngôn ngữ chứ không phải là hiểu 100% ý nghĩa của từ ngữ.

Khi nghe con chửi bậy, cha mẹ sẽ thấy đó là từ tục tĩu nhưng với trẻ, đó là ngôn ngữ thể hiện sự bực tức, phản kháng hoặc thể hiện tính cá nhân. Bé đang thực hành lại hoàn cảnh mà bé đã gặp bằng việc sử dụng từ ngữ. Trong những trường hợp này, cha mẹ không cần quá lo lắng vì sự phát triển “mặt trái” ngôn ngữ của trẻ lại sớm đến thế.

Đó đơn giản chỉ là cách học nói và học ứng dụng ngôn ngữ vào đời sống. Tuy nhiên, cha mẹ có thể điều khiển con từ từ giảm bớt và chấm dứt việc sử dụng những ngôn ngữ không đẹp ấy.

Điều quan trọng nhất là không nên có phản ứng mạnh, cấm đoán gay gắt hay quá bực tức khi thấy con có những phát ngôn không phù hợp. Phản ứng mạnh để cấm đoán như mắng mỏ con hư, đánh cho chừa đều khiến trẻ ngạc nhiên vì một câu nói – với trẻ, cũng như những câu nói khác, vì sao cha mẹ lại nổi giận.

Điều này sẽ kích thích trẻ ứng dụng câu nói ấy ở nơi khác để chờ đợi xem có phản ứng nào khác nữa không. Vô tình, điều đó trở thành trò thí nghiệm của trẻ. Bạn đừng nghĩ đơn giản rằng, nếu bạn cấm đoán và dọa nạt, bé sẽ chấm dứt ngay lập tức.

Một đứa trẻ không đơn giản như thế. Bé có suy nghĩ của mình và sẽ khám phá “sự kỳ diệu” của một câu nói. Tại sao những câu khác là bình thường và câu nói “đặc biệt” lại khiến người lớn nổi giận, phản ứng.

Ngược lại, nếu bạn có thái độ thờ ơ với ngôn ngữ không đẹp của trẻ cũng không tốt. Có thể bạn sẽ tặc lưỡi: “Ồ, bé còn nhỏ quá! Vài bữa nữa, bé sẽ tự quên ngay”. Trẻ sẽ không bao giờ tự nhận ra đó là ngôn ngữ không hay và sẽ xem đó như một thứ ngôn ngữ bình thường và sử dụng thường xuyên.

Điều tốt nhất bạn có thể làm là bình tĩnh khi nghe con nói bậy, ngay lập tức nhắc nhở bé rằng nói thế là không hay, mẹ sẽ mắng đấy. Chỉ một vài lần nhắc nhở, bé sẽ “cố” áp dụng thực hành và thấy người lớn không khuyến khích mình nói những câu ấy. Bên cạnh đó, khi trẻ nói những lời đáng yêu, bố mẹ khen ngợi, vỗ tay khuyến khích. Trẻ sẽ tự so sánh và rút ra cách sử dụng ngôn ngữ nào có ích và phù hợp.

Tuy nhiên, với những trẻ lớn hơn, cách áp dụng phải hoàn toàn khác. Bé Minh lên năm tuổi, đang đi học mẫu giáo. Bé bắt đầu nói bậy từ việc học các bạn ở lớp. Ông bà phát hiện bé nói bậy, bé mách: “Cháu học bạn Tùng Lâm ở lớp mẫu giáo”.

Bé Minh được “giao nhiệm vụ” rèn giũa bạn Tùng Lâm. Từ giờ, nếu bé Minh nghe bạn Tùng Lâm nói bậy sẽ phải mách với ông bà và được ông bà gợi ý cách nói với bạn rằng: “Nếu Tùng Lâm nói bậy, Minh không chơi với Tùng Lâm nữa”.

Trong trường hợp này, bé Minh đã lớn và có nhận thức. Do đó, phản ứng của người lớn về những lời nói bậy khiến bé hiểu nguyên nhân. Khi được giao nhiệm vụ “giám sát” cậu bạn, bé Minh đã thấy vai trò của mình là người kiểm soát. Do đó, bé không thể nói bậy theo bạn. Bé thấy mình có quyền kiểm tra bạn chứ không phải “đồng đẳng” với bạn trong thói quen nói bậy nữa.

Bất cứ trẻ nào cũng nói bậy. Với người lớn, đó là ngôn ngữ bậy bạ nhưng với trẻ con, đó chỉ là ngôn ngữ. Do đó, cha mẹ không nên quá cứng nhắc và gán ghép rằng con mình là đứa trẻ hư nên mới dám phát ngôn như thế.

Hãy bình tĩnh, từ từ tìm ra cách thức để giảm bớt và chấm dứt ngôn ngữ xấu của trẻ. Mỗi đứa trẻ đều có tính cách và điểm yếu riêng. Chỉ có cha mẹ là mới hiểu rõ con mình để có phương pháp thay đổi con theo chiều hướng tích cực.

Bài: Chung Nhi


From the same category