Bạn đã bao giờ bị bố mẹ phủ nhận: “Loại mày thì làm được cái gì!”?.
Bạn đã bao giờ từng bị đổ tội: “Tất cả là tại mày, mọi chuyện đều do mày, biết thế đẻ ra tao bóp mũi mày luôn cho xong”?.
Bạn đã bao giờ bị từ chối: “Mày không phải con tao. Họ nhà tao không sản sinh ra cái loại như mày”?.
Bạn đã bao giờ bị áp đặt: “Trẻ con không được cãi, người lớn nói sai cũng là đúng, im mồm mà nghe!”.
Có bao giờ không?
Và bạn còn đau không?….
Tôi gọi đó là những lời nói sát thương hơn dao chém.
Tôi biết nhiều bạn đang sống trong những ngôi nhà khang trang, nhìn ngoài tưởng rất ấm êm, nhưng đã từng trầm cảm, cắt cổ tay, uống thuốc ngủ và bỏ nhà đi bụi. Nhiều bạn thú nhận mình cực kỳ đau đớn, và luôn cảm thấy sự tồn tại của mình là thừa thãi…
Tôi cũng thế, tôi rất sợ những trận đánh mắng của bố mẹ.
Trong con hẻm nhà tôi cũng có bà mẹ cứ dạy con học là cả khu nghe chửi bới, chì chiết. Tôi cũng gặp một bạn gái bị trầm cảm, sau mỗi lần bị bố chửi lại đóng cửa phòng tự đập phá, xé thú bông, sách vở…. Bác sỹ tâm lý phải khuyên sống tách bố mẹ ra một thời gian thì may ra mới ổn được, và cuối cùng bạn ấy phải đi học nội trú với rất nhiều thương tổn trong tim.
Tôi sợ nhất là lúc nào cũng bị so sánh với bạn bè: “Mày học không giỏi bằng con abc, không lanh lẹ như con xyz”. “Tao cho mày ăn cơm mà sao mày ngu thế. Nhìn con abc thằng xyz kia, nó cũng ăn cơm mà sao nó khôn thế hả”. Rồi: “Phải chi tao đẻ được đứa con như…”. Tủi kinh khủng!
Với quá nhiều khát khao kỳ vọng, bố mẹ không bao giờ thấy thỏa mãn. Bố mẹ luôn muốn hơn nữa, hơn nữa, và hơn nữa. Nhưng giá mà bố mẹ biết rằng, so sánh không bao giờ làm con cái giỏi giang hơn, cố gắng hơn. Nó chỉ làm các em tổn thương, sụt giảm tự tin, nếu có vươn lên thì cũng là vươn lên trong ganh ghét và đố kỵ. Mà đố kỵ là cái làm con người ta khổ nhất trong cuộc đời này!
Sao nhiều trẻ em Việt Nam lớn lên thiếu sự tự chủ, thiếu chính kiến nhút nhát, tự ti mặc cảm? Tôi nghĩ, nó xuất phát từ sự áp đặt, cấm đoán và bạo hành khi còn nhỏ. Thường xuyên bị mắng là ngu si dốt nát, bị mạt sát, bị so sánh với người khác, sao có thể lớn lên khỏe mạnh, lạc quan và tự tin?
Ở một số nước phát triển, khi cha mẹ bạo hành con cái, phải bị xử phạt, nhẹ thì cảnh cáo phạt tiền, phạt lao động công ích, nặng thì xử tù, hoặc tước quyền nuôi con. Nhưng truyền thống Á Đông chưa cho ta đồng ý với cách giải quyết đó. Phần lớn người lớn vẫn cho rằng: “Chuyện đánh con là chuyện thường, chuyện riêng của mỗi nhà”. Thậm chí nhiều nhà chưa bao giờ thấy bố mẹ nói: Xin lỗi con!
Trong một lớp học về hàn gắn vết thương tuổi thơ, có câu hỏi: “Bạn đã bao giờ được ba mẹ ôm chưa?”. Tôi và các bạn tôi trong nhóm đều trả lời “Tôi chưa bao giờ được ba mẹ ôm cả!’ Nói xong đứa nào cũng khóc. “Hồi còn nhỏ, nếu gặp chuyện buồn bạn thường làm gì?. “Tôi ngồi một mình”, “tôi trốn đi đâu đó một mình”, hoặc “nói với bạn bè”. Thật tiếc, không có ai chọn kể với ba mẹ và tìm sự an ủi ở ba mẹ!
Hôm rồi có một mẹ kể với tôi: “Con em 3 tuổi mà lì lợm, hỗn láo, lười nhác lắm. Em muốn chuyển nhà lên Q.12 để con em được học trường mẫu giáo Montessori, để bé ngoan hơn.
Có mẹ dàm dụm đóng học phí gần 40 triệu/tháng cho con học trường quốc tế để mong con tự tin: “Ở nhà em nghiêm khắc lắm, nó làm sai là em đánh cho tím cả chân, nhiều lần em còn đuổi ra khỏi nhà, mà sao con em vẫn cứ vừa nhát vừa lì”.
Tôi muốn kể lại cho các bạn nghe câu chuyện của đại văn hào Ernest Hemingway về sự tha thứ. Cha và con trai nhà nọ cũng luôn căng thẳng. Sau một trận cãi vã kịch liệt, cậu bạn đùng đùng bỏ nhà ra đi. Tuy giận dữ và đau lòng, nhưng người cha bôn ba khắp nơi để tìm kiếm con. Cuối cùng, khi tới Madrid, trong nỗ lực cuối cùng của mình, ông cho đăng một thông cáo trên báo: “Paco thương yêu, hãy đến gặp cha chiều mai trước cửa tòa soạn. Mọi tội lỗi đều được tha thứ. Cha yêu con. Cha của con”.
Chiều hôm sau, người cha đến tòa soạn thật sớm. Và, tới đó, ông đã gặp… tới 800 cậu bé tên Paco! Cả 800 cậu bé này đều đã bỏ nhà ra đi và đều đang mong đợi sẽ gặp được người cha rộng lượng của mình.
“Ba mẹ ơi, con cũng muốn làm một Paco! Ba mẹ có biết rằng con đau đến thế nào không! Có biết con trông đợi một cái ôm, một lời xin lỗi của ba mẹ tới đến mức nào không!” – Chắc hẳn nhiều người sẽ thốt lên như thế khi nghe xong câu chuyện này.