Chết vì thơm?

 

Tôi cứ bị ám ảnh mãi bởi câu nói của Jean Claude Ellena về eau de cologne – “tiền thân” của các loại nước hoa được pha trong cồn ngày nay, rằng người ta pha chế cologne để dùng nó như một phương thuốc giúp cơ thể khỏe mạnh. Hỗn hợp tinh dầu chanh, bergamot cùng hoa cam neroli pha loãng trong cồn được người châu Âu thế kỷ 18 dùng để sát trùng, rửa tay (tôi nhớ hồi nhỏ mình cũng từng được dạy cách dùng nước hoa bôi lên vết đứt tay – điều cấm kỵ đối với nước hoa bây giờ) hay làm sạch sẽ, tươi mát không khí trong phòng. Họ còn dùng eau de cologne làm đồ uống “tăng lực”, chống đau đầu hay giúp cơ thể được sảng khoái mỗi khi trở trời. Ngày nay, eau de cologne chỉ chiếm vài phần trăm thị trường nước hoa thế giới, nhường ưu thế cho các loại eau de toilette và eau de parfum có hương thơm nồng nàn và phong phú hơn. Quan niệm “nước hoa là thuốc” (mượn lời Rei Kawakubo khi bà nói về loại nước hoa đầu tiên của mình – hiệu nghiệm như một liều thuốc, gây nghiện như một thứ thuốc phiện) có lẽ đã không còn tồn tại. Các nhà pha chế nước hoa hiện đang phải vắt óc nghĩ cách thay thế hay làm sạch các hương liệu cơ bản bởi chúng đồng thời cũng là các chất độc hoặc có khả năng gây dị ứng.

Một vài “hương liệu độc” được dùng trong nước hoa có lẽ chính vì bản chất độc hại hay những huyền thoại về khả năng gây kích thích hệ thần kinh của nó. Absinthe hay tinh dầu cây ngải tây (wormwood) là một ví dụ điển hình. Absinthe là một trong ba thành phần chính của rượu áp-xanh (hai thành phần còn lại là tinh dầu hạt hồi và cây thì là) – loại đồ uống yêu thích của giới văn nghệ sỹ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, như Arthur Rimbaud, Vincent Van Gogh hay Oscar Wilde. Ở Mỹ và Tây Âu, rượu áp-xanh chỉ mới được “giải oan” trong thập kỷ 1990, sau một thời gian dài nằm trong danh sách những chất độc kích thích hệ thần kinh, tạo ảo giác và gây nghiện. Tuy nhiên, tiếng tăm tồi tệ của hương liệu này đã “gây cảm hứng” cho các thương hiệu nước hoa niche nhỏ nhưng được giới sành chơi săn lùng. By Kilian có nước hoa “vị của thiên đường” A Taste of Heaven (Absinthe Verte). Thương hiệu Nasomatto từ Amsterdam (tên hãng có thể được hiểu nôm na là “cái mũi điên khùng”) miêu tả loại nước hoa có tên gọi đơn giản Absinth của mình là “làm bạn hoảng loạn vì những hành động vô trách nhiệm của chính mình”.Tương tự, lá cây cà chua có hương thơm xanh, tươi mát, khó có thể bắt chước được (là hương liệu đặc trưng của nước hoa Eau de Campagne của Sisley) thì lại chứa thành phần độc tố giống như quả cà chua khi chưa chín (tuy bạn phải ăn rất nhiều thì chúng mới “có tác dụng”). Tuy nhiên, nói đến hương liệu độc nhất thì phải kể đến tinh dầu cây cần độc (hemlock), loại thảo dược dùng để chế thuốc độc xử tử các tội nhân thời Cổ đại (trong đó có cả nhà triết học Socrates). Nhưng đây cũng chính là hương liệu đem lại danh tiếng cho nhà pha chế nước hoa niche nổi tiếng Ormonde Jayne của London. Chất độc còn có thể là một công cụ PR được sử dụng ở mức cực đoan nhất, ví dụ như khi quảng cáo cho loại nước hoa mang tên mình, Lady Gaga đã tiết lộ thành phần của nó có một chút máu của cô, tinh dịch và tinh dầu cà độc atropa belladonna.

Khó có thể phủ nhận sức quyến rũ của các loài thảo dược độc hại đối với các nhà pha chế nước hoa ưa tìm tòi các hương liệu độc đáo. Tuy nhiên, những hương liệu cổ điển nay “bỗng dưng” trở nên độc hại mới thật sự là thử thách cho ngành công nghiệp nước hoa trong việc bảo tồn các loại nước hoa kinh điển, hay điều chỉnh các cấu trúc hương cổ điển để làm ra các dòng nước hoa mới. Trường hợp điển hình nhất phải kể đến ở đây là cuộc chiến giữa ngành nước hoa và cơ quan quản lý sự an toàn của mỹ phẩm IFRA nhằm “giải cứu” oak moss khỏi danh sách đen các hương liệu có khả năng gây dị ứng. Hương liệu có tên gọi thông dụng là rêu sồi này được chiết xuất từ một loài địa y (lichen) sống trên thân cây sồi hoặc các loài cây lá kim. Có hương của đất và vị xanh của rừng núi, oak moss được dùng để tạo mùi hương từ thế kỷ 16 và là thành phần cơ bản tạo nên hai dòng nước hoa kinh điển Fougere và Chypre. Bạn có lẽ cũng đã biết rằng Fougere Royal (tên gọi của dòng nước hoa mới xuất phát từ đây) ra đời cuối thế kỷ 19 nhờ sự kết hợp của coumarin (hương liệu ngọt có trong đậu tonka), oak moss và hoa oải hương. Fougere Royal là tiền thân của các loại nước hoa hiện đại có mùi trừu tượng, không sao chép hương thơm của các loài hoa trong thiên nhiên. Nói oak moss làm nên lịch sử nước hoa thế giới (từ Mitsouko của Guerlain, Chanel No5, No19 đến Miss Dior) kể cũng không quá lời. Và không có oak moss, khó có thể nói đến các loại nước hoa tươi mát có mùi thơm của gỗ, rừng xanh hay cây cối. Tuy nhiên, từ năm 2001, hiệp hội IFRA đã liệt hương liệu này vào danh sách hóa chất có tiềm năng gây dị ứng khi tiếp xúc với da người và đòi hỏi hạn chế tỷ lệ hương liệu xuống dưới 0,1% trong các sản phẩm nước hoa bán trên thị trường. Phải đến năm 2006, công nghệ mới mới cho phép các nhà pha chế loại bỏ hai phân tử có thể gây dị ứng là atranol và chloroatranol khỏi tinh dầu oak moss tự nhiên. Vòng đấu tiếp theo giữa IFRA và các nhà pha chế nước hoa xoay quanh oak moss sẽ còn diễn ra trong năm nay.

Từ vài năm nay, các thương hiệu lớn như Chanel, Dior, Guerlain hay Hermès được cho là hiện có trong tay các phòng thí nghiệm có khả năng sàng lọc “chất bẩn”, làm sạch hương liệu tự nhiên khỏi các hợp chất có thể gây tác dụng phụ. Đây cũng là lý do người ta cho rằng các loại nước hoa hiện đại thiếu chiều sâu, mất đi vẻ đẹp tự nhiên vốn được hiểu là không thể sạch sẽ tinh tươm như không khí trong phòng thí nghiệm. Đơn giản là “nước hoa sạch” nếu có giữ y nguyên công thức và nguồn hương liệu, thì cũng không thể thơm y hệt, mang lại cảm xúc y hệt như nước hoa vintage. Nhân đây phải nhắc đến nước hoa Cuir de Russie của Chanel do Ernest Beaux pha chế năm 1924. Cuir de Russie là dòng nước hoa đặc biệt có mùi da thuộc, quyện đầy mùi khói, xộc lên mũi, mạnh mẽ “tấn công” khứu giác một cách không thương tiếc. Dùng từ mùi hương nam tính để miêu tả cũng không sai, tuy đây là dòng nước hoa đã được phái nữ thời hiện đại thập kỷ 1920 cực kỳ ưa chuộng. Hãy tưởng tượng ra mùi da thuộc của những đôi giày mới của lính kỵ binh còn đang sạch sẽ, bóng bẩy, những chiếc áo da của các phi công đầu tiên bay xuyên lục địa, hay mùi da bọc ghế của các loại xe hơi tân thời.

Luca Turin viết rằng có hai cách để tạo hương thơm của da thuộc “kiểu Nga”. Một là dùng dầu hắc chế từ than gỗ bạch dương birch tar – chất liệu mà người Nga, Phần Lan và các nước Bắc Âu khác vẫn dùng để thuộc da. Hai là dùng hóa chất tổng hợp có tên isoquinolines. Hiện cả hai chất này đều nằm trong danh sách các hương liệu bị cấm. Khi dầu hắc từ than gỗ bạch dương bị cấm sử dụng vì khả năng gây ung thư cách đây vài chục năm, Guerlain đã phải bỏ đi hương khói thoang thoảng trong nước hoa Shalimar nổi tiếng.

Tác giả cuốn “Perfumes: The Guide A-Z” khẳng định rằng Ernest Beaux chỉ sử dụng dầu hắc tự nhiên, và Jacque Polge đã dùng hoa ylang, hoa nhài, gỗ cây diên vĩ (iris) – những mùi hương “nữ tính” không liên quan gì đến da thú, để tái tạo lại mùi da thuộc đặc biệt giống hệt với mùi hương nguyên bản từ năm 1924. Tôi không biết có thể tin Luca Turin được đến đâu, vì điều ông viết có thể ví với những điều kỳ diệu. Cuir de Russie “mới” trong dòng Les Exclusifs của Chanel, cho dù có giống nguyên bản 100% hay không, vẫn là một mùi da thuộc thơm tho đầy sức chinh phục. Và công nghệ tinh chế tinh dầu hắc gỗ bạch dương nhằm loại bỏ các chất độc hại hiện cũng đã không còn là đặc quyền của các thương hiệu nổi tiếng. Tôi tin rằng nếu Ernest Beaux có thể làm được điều này vào năm 1924, ông cũng sẽ dùng dầu hắc than gỗ bạch dương tự nhiên thật “sạch”.

Bài: Thành Lukasz

Hãy chia sẻ bí quyết làm đẹp của bạn với độc giả Đẹp Online bằng cách gửi thông tin, hình ảnh và công thức làm đẹp của bạn tại đây. Bài được chọn đăng sẽ hưởng nhuận bút theo quy định chung của tòa soạn.

From the same category