Mất ngủ vì máy giúp… ngủ ngon
Hiện trên các gian hàng trực tuyến, máy chống ngủ ngáy, giúp ngủ ngon được giao bán phổ biến cùng những lời quảng cáo với nhiều công năng hấp dẫn. Nhưng theo phản ánh của nhiều người tiêu dùng, công dụng của máy chống ngủ ngáy này không như quảng cáo.
Vốn là người khó ngủ, lại phải chịu đựng những màn “kéo bễ” hàng đêm của người chồng mắc chứng ngáy to khi ngủ khiến cho chị Hoa bị suy nhược vì thiếu ngủ. Được giới thiệu trên các gian hàng trực tuyến có giao bán thiết bị chống ngáy, giúp ngủ ngon, chị Hoa lập tức tìm mua với hy vọng cải thiện giấc ngủ của mình và chứng ngáy to của chồng.
Chị Hoa mua một chiếc máy chống ngủ ngáy được giao bán trên mạng với giá gần 300 nghìn đồng về cho ông xã dùng. Mấy đêm đầu tiên dùng máy, chị Hoa thấy chồng cũng bớt ngáy thật nhưng cứ trở mình liên tục. Nhưng ngày hôm sau, ông xã chị Hoa lại như người mất ngủ, kêu mệt mỏi quyết định vứt bỏ…
Anh Bách cũng trang bị cho vợ mình một chiếc máy chống ngáy “xịn” công nghệ Mỹ giá hơn 1 triệu đồng. Nhưng hiệu quả lại không được như mong đợi. Chị vợ của anh Bách gần như “miễn dịch” với chiếc máy được quảng cáo là ngăn chặn tiếng ngủ ngáy, chữa được thói quen ngủ ngáy hay giúp ích cho tuổi thọ, phục hồi sức khỏe sau đêm nghỉ ngơi. Vợ anh Bách vẫn ngáy như thường, thậm chí còn ngáy to hơn.
Theo các bác sỹ về hô hấp, máy chống ngáy ngủ, chữa mất ngủ chỉ kích thích não tỉnh dậy một lúc theo kiểu vô thức, làm tăng trương lực cơ vùng hầu họng, làm tạm thời bớt ngáy, nhưng ngược lại chất lượng giấc ngủ sẽ giảm đi. Vì thế mà lợi bất cập hại. Hơn nữa, những máy này không rõ nguồn gốc, chưa thử nghiệm lâm sàng kiểm chứng về hiệu quả, người bệnh không nên sử dụng để tránh tình trạng tiền mất tật mang.
Máy xung điện chăm sóc sức khoẻ rởm
Tháng 9/2012, Công an thị xã Sơn Tây (Hà Nội) phát hiện một số đối tượng giới thiệu và bán sản phẩm máy xung điện chăm sóc sức khoẻ rởm trên địa bàn. Ngày 25/9/2012, Công an thị xã Sơn Tây phát hiện 2 đối tượng Đoàn Công Trang (SN 1988, trú tại Huyền Sơn, Lục Nam, Bắc Giang) và Hoàng Bắc (SN 1989, trú tại Quỳnh Lưu, Nghệ An) đến phường Phú Thịnh (thị xã Sơn Tây) giới thiệu và bán sản phẩm máy xung điện chăm sóc sức khoẻ, nên tiến hành kiểm tra.
Ảnh minh họa
Đồ diệt khuẩn có như không
Các cửa hàng, siêu thị bày bán các mặt hàng chống độc, diệt khuẩn, hầu như đều đưa ra hàng loạt cam kết về chất lượng sản phẩm. Trong đó, không ít người bán nhấn mạnh đến khả năng chống độc, diệt khuẩn đạt 100% của sản phẩm với cam đoan ngay cả nước rửa chén được lọc qua máy cũng trở nên hoàn toàn tinh khiết có thể uống ngay.
Nắm bắt tâm lý chuộng hiệu quả chống độc, diệt khuẩn, nhiều người bán không ngại quảng cáo “ăn theo” cho các sản phẩm đồ gia dụng không có chức năng này. Chẳng hạn, với các loại bình lọc nước gia đình, hay bộ lọc nước chỉ có chức năng lọc cặn bẩn với giá bán vài trăm ngàn/sản phẩm hiện được nhiều người bán giới thiệu có cả chức năng diệt khuẩn, chống độc để thu hút khách hàng.
Một loại bình sữa tráng nano được giới thiệu là diệt khuẩn (Ảnh: VietQ)
Có loại điều hoà được quảng cáo có thể khử mùi, diệt đến 99,9% vi khuẩn, khử nấm mốc và ngăn chặn, tiêu diệt nhiều loại virus… Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, công nghệ này diệt được khuẩn đến đâu, hiện chưa có cơ quan nào nghiên cứu cụ thể.
Máy sục ôzôn cũng có khả năng phân hủy được chất hóa học nhưng chưa ai phân tích được nó có thể phá hủy hoàn toàn độc tố của thuốc trừ sâu. Đối với thức ăn trước và sau khi cho vào tủ lạnh có ôzôn cũng chưa có thiết bị để kiểm nghiệm xem bao nhiêu con vi khuẩn được diệt và khả năng khử mùi đến đâu. Còn việc sử dụng công nghệ nano bạc vào các sản phẩm điện từ sẽ giúp người tiêu dùng hạn chế, phòng tránh được một số vi khuẩn nhất định như vi khuẩn thường gây các bệnh đường ruột Ecoli chứ không thể đảm bào diệt khuẩn, tiệt trùng hoàn toàn.
Đối với quạt diệt khuẩn, TS.Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm – ĐHBK Hà Nội) cho hay, kết cấu của sản phẩm này là hút đằng sau và thổi đằng trước. Nó không đủ cầu kì như điều hòa nhiệt độ để diệt khuẩn. Điều hòa có một bộ phận hút vào và thải ra. Qua màng lọc bụi. Vì vi khuẩn rất bé và bao giờ cũng đi theo bụi nên máy tạo ion âm sẽ kết tủa bụi lại, vi khuẩn cũng được giữ lại, không thải ra môi trường nhưng không phải là diệt được hoàn toàn. Còn quạt không có chỗ để lọc. Một số quạt phả ra hơi nước để mát không khí chứ không phải là tỏa ra chất để diệt khuẩn.
Theo nhận định của các chuyên gia, không ít sản phẩm được tung hô là “diệt khuẩn” từ 99 – 100% chỉ là… “chém gió”. Bởi thực hư chất lượng “diệt khuẩn” các sản phẩm đến đâu vẫn chưa được kiểm nghiệm.
Chuột, gián nhởn nhơ với máy “diệt côn trùng”
Nhiều loại máy được quảng cáo là “khắc tinh của côn trùng”, có khả năng đuổi chuột, diệt gián…, giết côn trùng mọi lúc mọi nơi. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều người tiêu dùng, công dụng của chúng không như mong đợi.
Bà Lê Thị Thanh (ngụ P.4, Q.8, TP.HCM) cho biết, thấy tivi quảng cáo thiết bị Pest Free có sóng điện từ tác động vào hệ thần kinh của chuột, gián, muỗi… khiến chúng “choáng váng” bỏ đi chỗ khác, vợ chồng bà liền mua một cái về dùng. Mua máy về cắm ổ điện liên tục trong ba tháng, bà Thanh mới biết công dụng thật sự của thiết bị là “máy kêu o o nhưng chuột từ bãi rác từ ngoài bờ sông vẫn cứ chui vào, muỗi, gián vẫn dày đặc”.
Một loại máy diệt chuột (Ảnh: Tuổi trẻ)
Ông Ngô Văn Thành (ngụ P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức, TP.HCM) kể, gia đình ông đã nhờ một đại lý cho người đến lắp đặt thiết bị Pest Free, hướng dẫn cách sử dụng và kèm theo lời quảng cáo “đảm bảo trong vòng một tháng chuột, gián, muỗi… sẽ tự động biến đi chỗ khác”. Tuy nhiên, sau hơn một tháng sử dụng, đàn chuột vẫn “vô tư” vào nhà tìm thức ăn, cắn dây điện, con trai 2 tuổi của anh bị muỗi chích đỏ tấy người.
Nhiều người tiêu dùng cho biết, các loại máy quảng cáo là máy diệt côn trùng đều là hàng rởm, hầu như không tác dụng gì. gián thì vẫn nhiều chuột cũng chả đi.
Theo các chuyên gia về công nghệ thông tin, một số thiết bị đuổi côn trùng phát ra tần số siêu âm thì có thể đuổi được muỗi nhưng không triệt để, còn các loại côn trùng khác thì chưa hề được nghiên cứu chính thức, kiểm chứng.