Chết bò, ra nhiều chuyện

1. Sự việc náo loạn đến nỗi báo chí gần như vô tình đã quên mất số phận của cụ già bị con bò húc trước đó. Trong một bài báo hiếm hoi viết về người phụ nữ xấu số này, chúng ta biết được bà là một cụ già neo đơn, rất nghèo, “suốt cuộc đời lầm lũi nuôi con, nhưng vì mưu sinh các con đều xa mẹ, đến khi chết mới có dịp trở về, nhưng về thì mẹ đã ra đi”[1].

Không náo động sao được khi chỉ ngay trước sự việc này, 2 con cá tra dầu quý hiếm cũng đã chết, trong đó một con chết khi đã được cơ quan chức năng mang về chăm sóc. Và cũng trước đó ít ngày, nhiều người phải rùng mình sợ hãi và căm phẫn trước hành vi giết voọc rồi đem khoe mẽ man rợ trên mạng.

Bò chết, ra nhiều chuyện. Một con bò tót nặng đến cả tấn, và vốn nổi tiếng là loài vật vô cùng khỏe mà lại lăn ra chết, “phụ lòng” biết bao công sức, thời gian, tiền bạc của rất nhiều lực lượng được huy động để cứu bò. Có người đã ước tính, xã hội mất tiền tỷ nhưng chú bò tót vẫn phải chết.

Kiệt sức, nội thương,  xung huyết, tim xuất huyết, tụ huyết ở cơ tim, v.v… là một số trong rất nhiều lý do được đưa ra giải thích cho cái chết này, chung quy lại là bò chết là… tại bò. Còn các lực lượng chức năng, như mọi khi, đã làm hết sức và trách nhiệm.

Câu trả lời này rõ ràng khó có thể khiến hầu hết chúng ta thỏa mãn. Nghi ngờ khả năng của chuyên gia cứu hộ, phương pháp cứu hộ không phù hợp đã “tiếp tay” cho cái chết này? Hãy cứ nghi ngờ, vì ngoài việc đó ra giờ chúng ta cũng khó có thể làm gì thêm.

Dù sao, xác con vật to lớn ấy cũng đã được “nhiệt tình” xử lý, với tốc độ nhanh chóng hơn hẳn tốc độ của cuộc giải cứu. Được biết, xác bò tót đã được tiêu hủy theo kiểu… “hủy diệt” ngay tại chỗ, mật bị đập nát để đề phòng có kẻ lấy trộm bán kiếm lời, thịt, xương, da, nội tạng… chôn, chỉ có sọ được bàn giao để làm mẫu vật bảo tàng thiên nhiên.

Về chuyện này, cũng đừng ai mong nảy sinh nghi ngờ bộ xương cùng da, thịt con bò tót đã được sử dụng vào “một số mục đích khác”. Vì giấy tờ đầy đủ cả, biên bản xử lý hiện vật đường hoàng chữ ký của đại diện các bên như công an, kiểm lâm, thú y, chính quyền địa phương, chuyên gia… Tất cả đều được làm một cách “rõ ràng, chặt chẽ”, theo lời một vị giám đốc sở.

Chỉ vừa mới đầu tuần, chúng ta nhận được thông tin Tổ chức Quốc tế bảo vệ Thiên nhiên (WWF) xếp Việt Nam chót bảng về khả năng chống buôn bán trái phép động vật hoang dã. Nay với sự kiện này, kèm theo không ít bài học trước đó như vụ cứu mèo cá, sư tử biển, có lẽ tổ chức này lại phải thêm danh hiệu đầu bảng cho chúng ta trong khả năng… cứ cứu (động vật hoang dã) là chết.

Chết bò còn đánh động chuyện làm rào của hàng không Việt Nam. Sau cái chết của con bò, một cuộc họp rút kinh nghiệm cũng đã được tổ chức trong cục hàng không – cục quản lý việc chuyên chở con người.

Nhân chuyện bò chết, chúng ta được nghe “thú thực” của một lãnh đạo ngành hàng không. Hóa ra, tình trạng sân bay còn rất nhiều khoảng trống và kẽ hở từ hàng rào, súc vật có thể xâm nhập vào cũng phổ biến. Và hóa ra ngành hàng không đến nay “chưa bao giờ diễn tập ngăn chặn, khống chế động vật xâm nhập sân bay gây mất an toàn như trường hợp vừa xảy ra tại sân bay Phú Bài”.

Mới đây một cô gái đã bị phạt tiền và án tù treo vì nói đùa có bom trên máy bay. Nếu một chuyện thật như đùa xảy ra, ví như chúng ta bị một con bò lạc nào đó truy đuổi tại sân bay, lúc đó biết phạt ai?

Con bò tót đã chết sau khi được giải cứu

2. “Kiếp sau xin chớ làm bò”, biết đâu nếu con bò tót có linh hồn, và linh hồn nó còn đủ chỗ trú ngụ trong cái đầu – bộ phận duy nhất được lưu giữ lại – nó sẽ tự nhủ như thế. Và nó hẳn sẽ mơ được chuyển lên cái kiếp làm người để được làm chủ cuộc đời.

Nhưng con bò tọt nọ hẳn sẽ chẳng mơ thế nếu nó biết cuộc sống con người cũng mong manh lắm. Ví như chỉ mới cách đây không lâu, một người phụ nữ đã chết tức tưởi vì căn bệnh không đâu trong một phòng khám (PK) có cái tên đẹp đẽ – Maria.

Khi vừa mất lòng tin, đau xót vì những vụ sản phụ chết, rồi chuyện pha loãng máu tại một số bệnh viên công, thì dư luận lại thêm phẫn nộ vì sự tắc trách, moi tiền, làm ăn bát nháo của các phòng khám có yếu tố nước ngoài. Nhiều người mất cả đống tiền ở các phòng khám như thế vì những lời đe dọa đầy đanh thép của các “bác sĩ”, mà rồi vẫn chuốc bệnh vào thân.

“Bác sĩ” Trung Quốc của PK Maria đã cao chạy xa bay, nói cách khác là “chuồn êm” trước nguy cơ bị xử lý. Nhưng các cơ quan có trách nhiệm thì chẳng thể áp dụng cái kế “tẩu vi thượng sách” đó, mà vẫn phải đối diện với sự chất vấn của dân chúng – những người trong đời hiếm ai không một lần cần đến chăm sóc y tế.

Cái khiến nhiều người bức xúc là tại sao cơ quan chức năng lại thường để đến tình trạng có người chết rồi mới xử lý, có người chết rồi mới đình chỉ. Trước khi gây ra cái chết cho nữ bệnh nhân kia, PK Maria đã “kịp” chịu phạt 4 lần. Tuy nhiên, “sở cứ phạt nhưng sở đừng đóng cửa”, vì số tiền phạt đó có đáng là bao so với số tiền PK này đã “móc hầu bao” của những bệnh nhân nhẹ dạ.

Tất nhiên, để đình chỉ được thì phải căn cứ đúng quy định, pháp luật, sở y tế đã nói thế. Và sở cũng khẳng định mình đã nỗ lực làm hết chức năng, nhiệm vụ, nhưng vô vàn khó khăn khách quan, thiếu thốn khiến nhiều việc không như sở ý.

Và cũng tất nhiên, câu trả lời của cơ quan chức năng không đủ thuyết phục nổi báo chí cũng như công chúng. Những từ như “đá bóng”, “né”, “tránh”, “phủi”, “đổ thừa”, v.v… đã được các nhà báo dùng để miêu tả thái độ của cơ quan chức năng khi đứng trước vấn đề ai chịu trách nhiệm. Nghe sao như đang nói về chiến thuật môn túc cầu chứ không phải trước vấn đề sống chết của con người!

Nếu không truy trách nhiệm tận gốc để làm sạch môi trường quản lý, e rằng hỗn loạn trên thị trường sức khỏe sẽ vẫn tiếp diễn và thêm nhiều cái chết oan![2], một tác giả đã phát biểu như vậy trong bài viết của mình. Đáp lại nỗi bức xúc đó, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cũng rất cầu thị cho rằng, “sự việc tại phòng khám Maria là cơ hội để ngành y tế rà soát, chấn chỉnh, khắc phục những vấn đề còn tồn tại[3].

Vậy đấy, từ chuyện này, chúng ta đừng nên bao giờ oán trách cuộc sống nữa nhé. Vì chết là hết. Chỉ có người sống mới còn (nhiều?) cơ hội rút ra bài học từ người chết!

Một đối tượng khác, hi vọng là cũng tìm thấy bài học nào đó từ những cái chết như thế này, dù có muộn màng. Đó là những phương tiện truyền thông tiếp tay quảng bá tên tuổi các phòng khám như Maria mà không hề kiểm chứng.

Khi sự việc xảy ra, chúng ta biết được rất nhiều bệnh nhân tìm đến các phòng khám này do xem quảng cáo. Và như một bài báo đã nhận xét, những quảng cáo hô mưa gọi gió đó đâu chỉ xuất hiện trên những tớ báo mang danh “cải”, mà còn đường hoàng tung hoành trên không ít báo chính thống và đài truyền hình lớn.

Phòng khám đa khoa Maria sau khi xảy ra vụ việc. Ảnh: Tiến Nguyên/ Dân trí

3. Trước hàng loạt vụ việc xảy ra gần đây, nhiều người đã cố tìm lời lý giải cho tình trạng tắc trách, vô tình, độc ác trong việc nuôi dưỡng, bảo vệ động vật tại Việt Nam.

Có thể, rất nhiều cái ác đã bắt nguồn từ lối sống hưởng thụ ngày càng trở nên phổ biến trong xã hội Việt Nam. Con người ngày càng cho mình cái quyền là trung tâm vũ trụ, chúa tể muôn loài. Chúng ta giết thịt động vật quý hiếm, ăn thịt chúng như một thú vui xa xỉ để thỏa mãn bản tính thèm của lạ.

Có thể là do trong cả trong thời đại văn minh, con người vẫn còn những niềm tin hoang đường vào những loại thần dược như kiểu sừng tê giác, mật gấu, đông trùng, hạ thảo… nên rất nhiều con vật đã phải chết cho những niềm tin hoang đường như thế.

Và cũng rất có thể còn một nguyên nhân sâu xa khác. Đó là trong một xã hội mà giữa con người với con người vẫn đầy rẫy những vô cảm, thiếu trách nhiệm thì lấy đâu ra sự nâng niu cho các con vật.

Ngay cả mạng sống con người nhiều khi cũng trở thành “trò đùa” của chính con người chứ chẳng phải số phận. Đôi lúc chúng ta lại giật mình, phẫn nộ khi những tội ác với con người lại chỉ chịu những trừng phạt chẳng đủ sức răn đe, chứ đừng nói đến trả giá.

Khi “kiếp” con người còn vậy, thì nói chi đến “kiếp” những con vật. Tự dưng, vơ vẩn nghĩ đến câu hỏi đau đáu của Lão Hạc: “Thế thì không biết nếu kiếp người cũng khổ nốt thì ta nên làm kiếp gì cho thật sướng?”.

Theo Vietnamnet


[1]Báo Đất Việt: Cảm thương cụ bà sống neo đơn bị bò tót húc chết

[2] Tuổi trẻ: Hỗn loạn thị trường sức khỏe

[3] Dân trí: Vụ phòng khám Maria: Lãnh đạo Sở Y tế trả lời thế nào?


From the same category