Chế độ dinh dưỡng cho bé mùa hè

Các nhóm thực phẩm cần cho bé

Theo nhiều chuyên gia, trung bình trẻ cần bổ sung từ 50 đến 60 dưỡng chất khác nhau. Vì vậy trong chế độ ăn của trẻ, mẹ nên cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho trẻ để trẻ khỏe mạnh, nhanh lớn. Các nhóm thức ăn nên bổ sung đầy đủ cho trẻ bao gồm:

– Tinh bột: Có nhiều trong các thực phẩm như: gạo, bắp, bột ngũ cốc, khoai, mì… Có thể cho bé ăn đa dạng (cơm, bột, cháo, bánh quy, bánh mì…).

– Chất đạm, sắt: Có nhiều trong cá, thịt gà, thịt bò, tôm, cua, trứng… Những thực phẩm này nên có mặt trong 1-2 bữa ăn hàng ngày của trẻ. Mẹ nên cắt nhỏ và ninh mềm, thêm gia vị để giúp trẻ ngon miệng hơn.

– Chất xơ: Các loại rau xanh và trái cây rất tốt cho việc cung cấp chất dinh dưỡng cũng như hệ tiêu hóa của trẻ. Chất xơ giúp bé không bị táo bón. Mẹ có thể cho bé ăn nhiều loại rau có giá trị dinh dưỡng cao và mát như: rau ngót, rau dền, rau muống, các loại đậu…

Ngoài ra, bé còn cần nhiều năng lượng, đừng ngần ngại khi bổ sung cho bé dầu ăn hoặc mỡ trong mỗi bữa. Tuy nhiên, lời khuyên đưa ra là bạn nên cho trẻ ăn dầu thực vật hoặc mỡ động vật với liều lượng vừa phải khoảng 1-2 muỗng, bởi nếu bạn cho trẻ ăn quá nhiều sẽ dẫn đến việc trẻ ngán hoặc có nguy cơ tăng cân quá mức.


Nước

Nước cần thiết cho quá trình trao đổi chất của cơ thể. Mùa hè nóng bức, trẻ ra mồ hôi nhiều và do đó dễ mất nước, mắc các bệnh nổi mụn, rôm sảy. Việc bổ sung đủ nước cho cơ thể trẻ trong ngày hè càng trở nên cần thiết. Trẻ uống đủ nước sẽ bớt rôm sảy, trao đổi chất tốt hơn, từ đó hấp thu chất dinh dưỡng tốt hơn và nhanh lớn hơn.

Nếu trẻ lười uống nước, ngoài nước lọc, cha mẹ có thể có nhiều cách cung cấp nước cho trẻ như: cho trẻ uống sữa, sinh tố, sữa chua, nước ép trái cây, ăn canh…


Trái cây cho trẻ

Trái cây cung cấp khá nhiều dinh dưỡng, chất xơ cho trẻ và giúp trẻ tăng cường hệ miễn dịch, phòng chống được các bệnh mùa hè. Những loại quả sau rất phổ biến trong mùa hè mà lại tốt cho sức khỏe của bé. Mẹ có thể bổ sung vào chế độ dinh dưỡng hàng ngày cho bé.

– Dưa hấu: Nguồn cung cấp nước, vitamin và năng lượng tuyệt vời cho bé. Dưa hấu nhiều vitamin C, kali và pectin (một chất giống như đường, có mặt trong hoa quả chín). Mẹ có thể cắt miếng cho bé ăn hoặc làm nước ép, sinh tố.

– Qua dâu tây: Giàu vitamin C, kali, natri, sắt và ít năng lượng. Mẹ cho bé ăn trái tươi hoặc xay sinh tố, nước ép giải khát cho bé.

– Quả bơ: Trái bơ có chứa hơn 14 loại vitamin và khoáng chất. Trái bơ có lợi cho sức khỏe của bé vì trong quả bơ có chứa protein, vitamin A, E, C cao. Protein là một thành phần dinh dưỡng quan trọng đối với sự phát triển của trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Ngoài ra, các chất chống oxy hóa có tác dụng bảo vệ các tế bào não, còn vitamin B tổng hợp trong trái bơ có tác dụng tăng cường trí nhớ. Vì thế quả bơ là một nguồn dinh dưỡng hoàn hảo cho sự phát triển trí não của trẻ em. Mẹ cho bé ăn miếng nhỏ hoặc xay sinh tố.

– Đu đủ: giàu vitamin A, C, beta-caroten và chất xơ. Tương tự, mẹ cắt miếng nhỏ cho bé ăn, uống nước ép hoặc sinh tố.

– Dứa: chứa nhiều kali, canxi, sắt, vitamin C và bromelain (một enzyme hỗ trợ tiêu hóa). Nên cho bé ăn khi dứa đã được gọt sạch và ngâm nước muối nhạt trong vòng 10-15 phút.

 Những sai lầm thường gặp

– Khi cho bé ăn rau, các bà mẹ nên cho bé ăn cả nước và xác rau để có chất xơ. Nhiều bà mẹ sai lầm khi chỉ lọc lấy nước nấu cháo, bột cho bé.

– Thức ăn của bé cần tránh để ngoài nhiệt độ môi trường hơn 2 giờ.

– Với bé đang trong thời kỳ ăn bột, cháo, mẹ ninh thịt, xương vẫn không đủ năng lượng cho bé vì chỉ có chất béo và ngọt hòa tan trong nước.

– Không cho bé ăn nhiều kem hoặc kem còn đông cứng vì sẽ làm niêm mạc miệng bé bị tổn thương, dẫn đến mắc những bệnh về đường hô hấp.

– Dinh dưỡng của một chén bột cao hơn một chén cháo, nhưng các bà mẹ vẫn tính một chén cháo bằng một chén bột, dẫn đến sự thiếu chất ở con trẻ. Chưa kể, bé chưa đủ răng đã phải ăn cơm, không hấp thụ hết chất trong thức ăn.

 •   Để bé hấp thu dinh dưỡng tốt hơn, cha mẹ nên tạo cho trẻ không khí ăn uống thoải mái, vui vẻ. Khi trẻ đến tuổi đi nhà trẻ, có thể cho trẻ ăn tại trường, có chúng bạn đông vui trẻ sẽ ăn tốt hơn.

•   Để bé ăn ngon miệng hơn, quan trọng là cách chế biến. Mẹ nên tạo màu sắc và mùi vị hấp dẫn với bé.

•   Bổ sung các thức ăn vặt bổ dưỡng khác cho bé, ngoài những nhóm thực phẩm chính như: sữa chua, bánh flan, các loại chè…

 Những thực phẩm không nên cho trẻ ăn

•   Không nên cho trẻ ăn những món quá mặn vì thận sẽ bị ảnh hưởng, trẻ sẽ khát nước.

•   Không cho trẻ ăn những món có nhiều loại gia vị cay nóng: ớt, tiêu, gừng… không tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ.

•   Những thực phẩm và đồ uống như trà, cà phê cũng không nên cho trẻ sử dụng.

•   Không nên để lâu thức ăn còn lại của bé và sau đó cho bé ăn lại, bởi thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn trong mùa hè, ôi thiu – rất nguy hiểm cho sức khỏe của bé.

Theo Thái Tú – Cẩm nang mua sắm

From the same category