Theo các kết quả nghiên cứu công bố trên tạp chí y khoa The Lancet ngày 17/4, các yếu tố về cân nặng và chế độ ăn của bố mẹ trước khi có ý định sinh con có tác động sâu rộng đến sự tăng trưởng, phát triển và sức khỏe lâu dài của con cái sau này. Nghiên cứu này giúp tăng cường nhận thức về những yếu tố nguy cơ trước tiên tác động đến sức khỏe con người cả đời.
Các nhà khoa học đã rà soát lại những tài liệu trước đây, đồng thời tiến hành cả nghiên cứu mới, và đưa ra kết luận rằng thói quen sống không chỉ của người mẹ mà còn cả người bố có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người con sau này.
Hiện giới y khoa thường cảnh báo người mẹ đang mang thai hút thuốc và uống đồ uống có cồn quá mức cho phép sẽ ảnh hưởng đến thai nhi. Tuy nhiên, các nghiên cứu mới cho thấy giai đoạn tiền mang thai là thời gian quan trọng khi sức khỏe của cả bố và mẹ, bao gồm tình trạng cân nặng, sự trao đổi chất và chế độ ăn, có thể tác động đến nguy cơ gây ra các bệnh mãn tính ở trẻ sau này.
Nếu bố hoặc mẹ hoặc cả hai bị béo phì có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh tim, đột quỵ và tiểu đường ở người con. Mẹ bị béo phì có nguy cơ làm tăng mức độ viêm nhiễm và lượng hoócmôn, những yếu tố có thể trực tiếp làm thay đổi sự phát triển của trứng và phôi thai. Điều này có thể làm tăng tỷ lệ mắc bệnh mãn tính sau này. Trong khi đó, người bố bị béo phì sẽ dẫn đến tình trạng thiếu tinh trùng và cũng có nguy cơ gây ra các bệnh tương tự.
Trong trường hợp người mẹ có chế độ ăn kém dinh dưỡng cũng có thể gây ra các vấn đề về phát triển ở người con sau này. Điều chỉnh chế độ ăn uống sau khi đã mang thai thường là chưa đủ. Các chuyên gia cho rằng việc bổ sung vi chất dinh dưỡng khi bắt đầu mang thai có thể chỉ đủ để khắc phục sự thiếu hụt dinh dưỡng quan trọng ở người mẹ chứ không đủ để cải thiện căn bản sức khỏe của trẻ.
Theo thống kê, có đến 40% phụ nữ mang thai trên thế giới không có sự chuẩn bị cho giai đoạn quan trọng này. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo rằng nên trang bị kiến thức làm cha mẹ cho trẻ thành niên, cả trai và gái, khi còn đi học.