Chạy trời không khỏi làn sóng

Cuối mỗi buổi chiều hè, ở Sài Gòn, một năm đã xa, tôi hì hụi đóng các thùng hàng trong một cái kho to đùng và nóng bức. Những cô đồng nghiệp trẻ vừa kiểm hàng vừa tranh thủ liếc mắt nhìn màn hình TV trong tiếng chuông điện thoại liên tục đổ về để đặt hàng.

Cái TV hiệu Goldstar của Hàn Quốc treo gần phía cửa không một phút nghỉ ngơi. Nó phục vụ những người đàn ông xem Hải Quan, Cảng Sài Gòn, Công An Thành Phố đá mỗi chiều cuối tuần. Và phục vụ chị em xem phim Hàn Quốc các chiều trong tuần.

TV Hàn Quốc lúc đó không còn lạ lẫm với người tiêu dùng. Nó là lựa chọn rẻ tiền hơn so với Sony, JVC và bởi vậy được các gia đình bình dân ưa chuộng. Hãng GoldStar nay là hãng LG nổi tiếng với điện tử gia dụng. Còn đối thủ của nó, Samsung, đã trở thành thế lực tầm cỡ thế giới, dám đương đầu với cả Apple lẫn Sony.

 

Những bộ phim Hàn mùa hè năm ấy quá lạ lẫm với tôi. Từ tên phim, nhạc phim, tới các tài tử mặt mũi lạnh lẽo, ăn mặc chỉn chu, từ đầu đến cuối phim chỉ ngồi yên lặng nhìn cái gì đó không ai biết. Với tôi, nó cũng lạ lẫm chả khác gì những bộ phim Đài Loan như “Xóm vắng” hay “Bến Thượng Hải” của Hong Kong tràn vào các hộ gia đình Hà Nội trước đó chừng hơn mười năm.

Thế nhưng cứ như trừ tôi và bạn bè ra, cả phim Hong Kong lẫn Hàn Quốc đều quyến rũ hầu hết những người khác. Thậm chí, với hiểu biết hữu hạn của tôi về phim ảnh Hàn Quốc, thì trong phim Hàn cách ăn mặc và sử dụng đồ xấu hơn hẳn các vai diễn tương tự trong phim Hong Kong. Hong Kong sành điệu hơn nhiều, đến cảnh sát trong phim Hong Kong hồi trước còn xài đồ hiệu “đúng kiểu” hơn cả đại gia trong phim Hàn Quốc bây giờ. Có người giải thích với tôi, rằng phim Hàn Quốc toàn sử dụng đồ nội địa để khuyến khích xuất khẩu hàng hóa của mình, khác với phim Hong Kong toàn xài hàng hiệu nhập khẩu. Điều này, nhiều năm sau, ngẫm lại thì thấy có lý. Nhất là khi Samsung hiện trên ngực áo của đội bóng giàu có nhất châu Âu. Hay smartphone của họ còn chui cả vào lễ hội của Hollywood.

Tôi đã phải rất mất công xem nhiều phim Hong Kong, để rồi rất thích một vài phim và cả tài tử của họ. Có lẽ khá nhiều bạn bè tôi, vốn ưa thích điện ảnh và âm nhạc phương Tây, đã không chịu mất công như vậy. Nhưng đã không có làn sóng chống lại “xâm thực” văn hóa Hong Kong, như đã từng có làn sóng bài văn hóa Mỹ ở Sài Gòn rất lâu trước đó.

 

Với điện ảnh và âm nhạc Hàn Quốc thì khác, đang có những làn sóng mạnh mẽ chống lại sự xâm lược của văn hóa Hàn. Nhưng làn sóng Hàn ập vào Việt Nam quá kinh khủng, nhờ Internet và mạng xã hội, những thứ hơn mười năm trước chưa từng có ở Việt Nam và thế giới. Cách đây gần hai mươi năm, các chị làm cùng công ty tôi thường than phiền là chồng mình rất không hài lòng với ảnh một anh giai diễn viên Hàn được treo trên tường giường ngủ. Tôi cũng không lấy làm ngạc nhiên, chỉ thấy buồn cười. Cho đến lúc anh chàng diễn viên “treo trên giường ngủ” này đến Sài Gòn, biểu diễn ở Tao Đàn, và vé vào đổi bằng vỏ kem đánh răng (một show tài trợ thời nguyên thủy) tôi cũng vẫn không thấy có gì ngạc nhiên lắm, chỉ buồn cười hơn một tý. Nhưng tôi đã ngạc nhiên không thể tưởng tượng nổi có những thanh niên Việt Nam, đàn ông đàn ang, khóc ngất lên khi đứng ở cửa sân bay đón thần tượng nhạc Hàn. Vì ngạc nhiên như thế nên tôi lại hiểu được tại sao người ta nổi sóng chống lại làn sóng Hàn.

Khi Việt Nam và Hàn Quốc chưa quan hệ nồng ấm như bây giờ, vẫn còn giá băng lạnh lẽo, trên truyền hình có chiếu một bộ phim điện ảnh về những người Hàn Quốc trẻ tuổi chống lại chế độ độc tài quân sự Park Chung Hee. Trong phim đó có cảnh người đàn ông ngồi trên mép sân thượng của cao ốc, lặng lẽ và cô độc, nhìn xuống đường với dòng người xuôi ngược. Hình ảnh ấy đi vào óc non trẻ của tôi và ở đấy đến tận bây giờ. Khi ở rạp chiếu “Tuyết rơi mùa hè”, “Cô nàng ngổ ngáo”, tôi đã đến rạp để xem. Nhưng trong phim là một nước Hàn Quốc hoàn toàn khác, trẻ hơn, tươi sáng hơn, hài hước hơn, và lãng mạn hơn. Lãng mạn đến ướt vàng rượt cả tóc đen. Còn ung thư là hiện tượng phổ cập của các nhân vật chính.

Sự thay đổi tích cực ấy là một lý do đưa các band nhạc nữ của Hàn Quốc đi khắp châu Á, đến được thị trường cực lớn là Nhật Bản, rồi mon men được cả vào nước Mỹ. Bi Rain là cái tên mà tôi để ý vì đã cố gắng, một cách bài bản hơi máy móc, tấn công nước Mỹ. Tuy thất bại, nhưng rất đáng chú ý. Đó là nỗ lực không chỉ của Bi Rain, mà là của doanh nghiệp, doanh nhân, và người dân Hàn Quốc đi chinh phục thế giới. Thành công của Samsung, ngẫm lại, cũng là điều dễ hiểu. Bộ phim “Vì sao đưa anh tới” có tới 2 tỷ lượt người xem ở Trung Quốc, một quốc gia cũng nỗ lực mang văn hóa và doanh nghiệp của mình đi khắp thế giới, cũng là một hiện tượng có thể hiểu được. Chắc người dân Trung Quốc cũng có các phong trào chống lại sóng văn hóa Hàn Quốc như ở Việt Nam chúng ta. Nhưng có lẽ cũng như ta, họ chống chỉ là để “bõ ghét”.

Bởi thật ra, rất khó thắng được các hiện tượng tự nhiên.

Chẳng cần phải đợi tới lúc Kim Soo Hyun lên kế hoạch sang Việt Nam quảng cáo cho một hãng mỹ phẩm và khiến giới trẻ háo hức ngóng đợi nhiều tháng trời; từ trước đó rất lâu, những thông tin như phim “Vì sao đưa anh tới” đạt hơn 2 tỉ lượt người xem tại Trung Quốc, kênh truyền hình StarWorld của Mỹ có hẳn một chương trình K-style hướng dẫn cách ăn mặc, trang điểm như sao Hàn; hay chuyện 90% sinh viên đăng ký vào chuyên ngành Hàn Quốc học tại trường ĐHKHXH&NV Tp.HCM là do đam mê âm nhạc và phim ảnh Hàn Quốc… cũng giúp những độc giả của Đẹp Online phần nào hình dung sức mạnh của làn sóng này.

Chùm bài “Câu chuyện kỳ tích Hallyu” của mục Giải trí, Đẹp Online không tham vọng có cái nhìn toàn cảnh về sức mạnh kỳ diệu của làn sóng Hallyu, nhưng muốn nhấn mạnh rằng Hallyu thành công chính là sự cộng hưởng của tư tưởng, tri thức và văn hóa đại chúng.

Các bài viết trong chuyên đề:

–    “Hàn hóa” – Kỳ tích từ cổ tích dành cho người lớn
–    Kim Soo Hyun – anh đến Trái đất để làm vui lòng các cô!
–    Những bong bóng từ làn sóng Hallyu
–    Alice ở xứ sở củ sâm
–    Chạy trời không khỏi làn sóng

Tổ chức: Đinh Phương Linh

Bài: Anh Xu Béo

Ảnh: Hancinema


logo

>>> Có thể bạn quan tâm: Sau “Những người thừa kế”bộ phim nổi đình nổi đám chủ yếu nhờ chiến dịch PR rầm rộ và đội ngũ diễn viên thần tượng đông đảo, màn ảnh nhỏ xứ Hàn lại tiếp tục một cơn “bão” nho nhỏ với drama “You Came From The Stars” (Vì sao đưa anh tới).

 

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

From the same category