Nghiên cứu được trung tâm CE Delft của Hà Lan thực hiện theo đặt hàng của Liên minh châu Âu vì sức khỏe cộng đồng (EPHA), một tổ chức phi chính phủ tập hợp hơn 100 hiệp hội và chuyên gia y tế. Đây là lần đầu tiên một nghiên cứu về phí tổn xã hội gây ra bởi ôtô, đặc biệt là các xe chạy động cơ diesel, được thực hiện.
Nghiên cứu dựa trên dữ liệu được thu thập trong năm 2016 từ 9 quốc gia gồm Đức, Ba Lan, Tây Ban Nha, Áo, Hungary, Slovenia, Bulgaria, Romania và Estonia. Căn cứ vào tiêu chuẩn châu Âu về lượng phát thải khí gây ô nhiễm từ xe ôtô, các nhà nghiên cứu đã tính được tổng chi phí y tế lên tới 66,7 tỷ euro (khoảng 75,5 tỷ USD). Số tiền này dùng để điều trị các bệnh hô hấp và tim mạch, với nguyên nhân chính là do chất oxit nitơ (NOx) rất độc hại thải ra từ động cơ dầu diesel (chiếm tới 83%).
Ngân sách quốc gia chịu trách nhiệm thanh toán 3/4 chi phí trên thông qua hệ thống bảo hiểm xã hội. Số tiền này có thể giảm đáng kể nếu các chính phủ nhanh chóng thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ các loại động cơ thân thiện với môi trường hơn. Ước tính đến năm 2030, chi phí y tế trên có thể giảm khoảng 80% khi các loại xe ôtô ít phát thải khí độc hại được sử dụng trên diện rộng.
Tuy nhiên, theo báo cáo được Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) công bố ngày 22/11, tỷ lệ xe điện và xe hybrid (chạy bằng cả xăng và điện) hầu như không tăng từ năm 2016 (chiếm 7,1% tổng số xe tham gia giao thông) đến năm 2017 (7,2%), thấp hơn nhiều so với mục tiêu 10% vào năm 2020. Cho dù lần đầu tiên doanh số bán xe chạy xăng năm 2017 đạt 53%, cao hơn xe chạy dầu (45%), số lượng xe chạy dầu diesel vẫn chiếm ưu thế ở châu Âu với tỷ lệ 67%.
Đáng lo ngại hơn, số xe không đáp ứng tiêu chuẩn chống ô nhiễm tiếp tục gia tăng. Theo tính toán của tổ chức phi chính phủ Transport & Environment (Giao thông và Môi trường), hiện có khoảng 43 triệu xe với lượng phát thải khí NOx cao gấp 3 lần mức cho phép vẫn đang tham gia giao thông tại Liên minh châu Âu, nhiều nhất là ở Pháp với 8,741 triệu xe, tiếp theo là Đức (8,12 triệu) và Anh (7,267 triệu).