Những thành phố du lịch nổi tiếng ở châu Âu đã trở thành “thánh đường nghệ thuật” của những tay đạo chích, thậm chí là cướp giật. Du khách nước ngoài, nhất là khách châu Á luôn có nguy cơ cao bị trộm nhắm tới bằng những thủ thuật tinh ranh, khôn khéo và ngang nhiên. Mải mê chiêm ngưỡng vẻ đẹp của châu Âu tráng lệ là điều dễ hiểu, nhưng đừng để các tay trộm lợi dụng tâm lý này mà vét sạch túi của bạn nơi đất khách.
Tháng 7 vừa qua, nữ diễn viên Ngô Thanh Vân vừa chia sẻ việc cô bị trộm móc túi khi du lịch Luân Đôn (Anh). Theo “đả nữ”, nhóm nữ đạo chích đã lợi dụng chỗ đông người và tranh thủ lúc cô không chú ý ra tay thực hiện hành vi xấu.
“Hôm qua, mình đi vô chỗ đông người chen chúc. Mấy người trùm đầu chen chen, đụng đụng, cái bóp đựng tiền của mình biến mất trong tích tắc. Xoay lại thấy nhiều người trùm đầu quá không biết ai với ai. Vậy là tiền mặt của mình và hai cái credit card bay mất”, cô chia sẻ.
Đây là câu chuyện muôn thuở đối với du khách khi viếng thăm châu Âu. Ở các group du lịch trên mạng xã hội, tệ nạn này được nhắc đến qua rất nhiều tâm sự của các thành viên, với các tình huống dở khóc dở cười nhưng cái kết thì đều “đau thương” như nhau.
Những con số báo động
Năm 2016, Văn phòng Liên Hợp Quốc về ma túy và tội phạm đã thống kê danh sách danh sách những quốc gia nguy hiểm cho khách du lịch. Đáng chú ý là có tới 6 nước châu Âu có mặt trong top 10. Đứng đầu danh sách là Đan Mạch với 3.949 vụ trộm, xếp sau là Thụy Điển với 3.817 vụ, Anh quốc (xếp thứ 6 với 2.283 vụ), Pháp (xếp thứ 8 với 92.135 vụ)…
Thậm chí, năm 2018, chuyên trang du lịch Tripadvisor từng điểm mặt các thành phố nổi châu Âu có tỷ lệ trộm cắp cao. Đứng đầu danh sách là Barcelona (Tây Ban Nha), Rome (Ý), Prague (Cộng hòa Séc), Madrid (Tây Ban Nha), Paris (Pháp)…
Trang Trip Savvy từng mỉa mai rằng, nạn trộm cắp ở châu Âu giờ đây đã được nâng tầm thành một “loại nghệ thuật” với những “thánh đường” cho đạo chích hoạt động như Rome (Italy), Barcelona (Tây Ban Nha) và Prague (Tiệp Khắc).
Đây quả thực là vấn đề báo động mà bất kỳ du khách nào đang dự tính tham quan châu Âu cần phải quan tâm.
Muôn vàn chiêu thức của đạo chích
Không phải ngẫu nhiên nạn trộm cắp ở châu Âu được ví von là “nghệ thuật”. Bởi những tên trộm sở hữu hàng loạt mánh khóe tinh ranh với kỹ thuật điêu luyện. Chúng thường lợi dụng cơ hội khi du khách thiếu cảnh giác, mải mê nhìn ngắm phong cảnh hay trò chuyện thưởng ngoạn mà ra tay hành động.
Một số chuyên trang du lịch nổi tiếng như The Savvy Backpacker, The Local… đã thống kê những chiêu thức trộm cắp phổ biến ở châu Âu như: xin chữ ký, “có người gọi bạn đằng kia”, đám đông bu quanh… Thậm chí, chúng còn giả làm cảnh sát, yêu cầu kiểm tra giầy tờ và lợi dụng lấy cắp tiền.
Khảo sát một số diễn dàn du lịch tại Việt Nam, dễ dàng bắt gặp được được hàng loạt tình huống dở khóc dở cười khi khách du lịch trở thành nạn nhân của kẻ cướp. Chẳng hạn như bạn Quyên Lê có trải nghiệm nhớ đời ở Bacerlona (Tây Ban Nha). Khi vừa xuống trạm tàu điện, cô cùng nhóm bạn cẩn thận đứng gần vách tường để xem bản đồ. Nhưng thật không may, cô kể: “Sau 2 phút, nhóm mình tiếp tục lên đường. Khi tới nhà thì phát hiện ra balo của bạn mình mở toang và đã bị móc lấy 1 túi da chứa điện thoại, tablet… Lúc đó, 2 đứa rất hoang mang, vì không biết sự việc xảy ra lúc nào, hoàn toàn không thấy có người va quẹt vô mình hay cảm giác có người đi theo móc túi.”
Đặc biệt, kẻ trộm thường hoạt động thành nhóm nên rất bài bản, khó phát hiện. MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên chia sẻ: “Có lần, tôi mua vé tàu ra sân bay, một người đàn ông cao tuổi lại gần nhờ đọc vé giúp vì ông ta không nhìn được chữ ghi cổng nào. Tôi chỉ cho ông ta đi cổng 21 nhưng ông ấy lại bảo không biết cổng đó ở đâu. Tôi tiến lên một bước để chỉ về phía cổng số 21 cho ông ấy, quay đi quay lại chẳng thấy ví tiền, vali đâu nữa.”
Vấn đề ở chỗ bọn trộm cắp này hoạt động rất ngang nhiên ở những điểm đông người. Có rất nhiều du khách kể lại chuyện mình bị đánh, chửi rủa chỉ vì… không để cho chúng cướp đồ.
Làm gì để an toàn khi đi du lịch châu Âu?
Những sự việc đáng buồn trên chính là lời cảnh tỉnh đối với những ai đang tính du lịch châu Âu. Đừng vì vẻ đẹp lộng lẫy của các thành phố xa hoa mà một phút thiếu cảnh giác mà trở thành nạn nhân của kẻ đạo chích.
Nhà báo Huỳnh Thu Dung, tác giả quyển sách “Khám phá những thành phố tuyệt đẹp trên thế giới” chia sẻ một số kỹ năng giữ an toàn cho tài sản và bản thân khi du lịch nước ngoài, đặc biệt là châu Âu. Cô viết: “Điều tiên quyết khi du lịch đến bất kì quốc gia nào là phải tìm hiểu kỹ càng về nơi đó có an toàn hay không. Đồng thời tham khảo các bài đánh giá, trải nghiệm từ các trang du lịch uy tín để làm lên kế hoạch an toàn cho chuyến đi. Khi tham quan những nơi đông người như quảng trường, nhà hát, bảo tàng… luôn phải tập trung đề phòng, hạn chế tiếp xúc hay va chạm với người lạ.”
Đối với phượt thủ Trần Đặng Đăng Khoa, giấy tờ tùy thân (hộ chiếu, visa, bằng lái…) là tài sản quan trọng khi du lịch nước ngoài. Vì thế, các giấy tờ nên chụp lại, photo ra nhiều bản và cất giữ nơi an toàn.
Theo anh, khi du lịch ở nơi xa lạ, chúng ta nên cảnh giác với mọi người xung quanh, vì khó nhận biết đâu là người tốt, kẻ xấu. Nếu thấy ai nhiệt tình cởi mở quá mức, bạn nên giữ khoảng cách với đối phương. Trong trường hợp cấp thiết, hãy hô to để gây sự chú ý.
Một nguyên tắc “vàng” khi đi du lịch chính là “càng ít đồ càng tốt” nếu như bạn không muốn trở thành “miếng mồi” béo bở cho kẻ gian. Hãy để những vật có giá trị ở khách sạn, ưu tiên dùng túi, balo có khóa kéo chắc chắn.
Ngoài ra, bạn nên dự tính trước số chi phí trong ngày để đem theo ra ngoài. Đừng mang theo toàn bộ số tiền mặt mà bạn có. Đồng thời, bạn không nên để chung tiền và các loại thẻ ở cùng một nơi. Điều này giúp hạn chế hậu quả tối đa nếu bạn lỡ may gặp kẻ xấu.
Khu vực các phương tiện công cộng (trạm xe bus, tàu điện ngầm…) luôn là khu vực “sôi nổi” của những nhóm trộm cắp chuyên nghiệp. Vì thế, khi đi trên các phương tiện công cộng, nhất là giờ cao điểm, bạn tuyệt đối cảnh giác cao độ: balo, túi xách đeo trước; điện thoại, ví tiền cất kĩ càng trong balo, hạn chế để trong túi quần áo… Nếu đi nhóm, hãy luôn để mắt hộ nhau.
Trong trường hợp xấu nhất bạn làm mất tài sản và các giấy tờ tùy thân, bạn nên bình tĩnh và báo ngay cho cảnh sát khu vực điều tra. Đồng thời, hãy liên hệ ngay các cơ quan ngoại giao của Việt Nam sở tại để được hỗ trợ nhanh chóng.
Các thủ đoạn móc túi ở Bacerlona. Nguồn: National Geographic Adventure