Không biên giới – không thời gian
Gạt bỏ những mỹ từ rêu rao về dự án Việt-hóa nhạc cổ điển này, vẫn có thể cho rằng Chat với Mozart góp phần thực tế là đem những giai điệu kinh điển vào một môi trường khan hiếm người hiểu và yêu thể loại gạo cội nhất của âm nhạc thế giới. Ở phạm vi nào đó, Chat với Mozart đã gọt ngắn, thu nhỏ biên giới không gian và thời gian, đem lại cảm giác gần gũi với người Việt. Đó là sự đầu tư chất xám và nhiệt huyết của những người làm nên nó: Anh Quân-Huy Tuấn, Dương Thụ & Mỹ Linh.
Cảm giác gần gũi đầu tiên mà bộ đôi Anh Quân-Huy Tuấn mang lại qua Chat với Mozart nằm trong cách chuyển thể những bản concerto vào khuôn khổ một ca khúc phổ thông. Những đoản khúc có giai điệu đẹp nhất, dễ nghe nhất được Dương Thụ tuyển chọn.
Đôi khi chỉ là phần nhỏ trong tổng thể đồ sộ như trường hợp của Sớm nay mùa xuân, một đoạn dài 1’30 trích từ vở opera Prince Igor của Alexandre Borodin. Về đây thiên nga là chương nổi tiếng nhất, trình diễn nhiều nhất trong 14 chương của Le carnival des animaux do Camille Saint-Sans biên soạn. Mùa đông, Ngày xa anh và Tháng sáu là những trích đoạn từ các tuyệt phẩm của bậc thầy A.Vivaldi và P.I.Tchaikovsky.
Album mới nhất của Mỹ Linh khép lại một mùa album 2004-2005 của các diva Việt sau Khu vườn yên tĩnh (Hồng Nhung), Nắng lên (Thanh Lam) và 9803 (Hà Trần).
Chat với Mozart là cuộc đối đáp giữa âm nhạc cổ điển và lối tư duy âm nhạc của thế hệ X, giữa các bậc thiên tài và những tài năng đang khẳng định mình, là sự thách thức kết hợp những điều ngỡ rằng không thể tương ứng tương phùng, như Mỹ Linh và Tchaikovsky hay classic và R&B. |
Ca-khúc-hóa như thế vừa giới thiệu đỉnh điểm đặc sắc của những bản concerto một cách nhanh nhất, vừa thu hẹp khoảng cách để biến âm nhạc bác học thành những ca khúc có thể hát nghêu ngao. Hơn thế, 8 bản nhạc cổ điển trong album khi đã được chuyển thể, đều được Anh Quân-Huy Tuấn khoác lên tấm áo âm thanh thế kỷ 21, với những tiết tấu đương đại, sôi động – nhiều biến chuyển của soul, funk, jazz và R&B. Ngoài ra, những đoạn viết riêng cho dàn dây hòa theo những đoạn vocal “à la bel canto” làm bản phối thêm phong phú, giàu màu sắc. Khi R&B có thể sánh vai với nhạc cổ điển, khi tiếng trống lập trình đi đôi với dàn nhạc giao hưởng, đó chính là khi “Chat” song hành với “Mozart”.
Ca-khúc-hóa thuộc phần hình thức, cái khuôn bên ngoài được Quân-Tuấn uốn nắn trong khi nội dung bên trong vẫn được Dương Thụ o bế như mọi khi. Ca từ của Chat với Mozart có thể là yếu tố gây phản cảm nhất đối với dân sành nhạc cổ điển, nhưng đấy chính là phương pháp hiệu quả nhất để giai điệu dễ đi vào lòng người hơn. Chuỗi nốt dài liên thanh, những hợp âm bác học chói tai, khó nuốt bỗng trở nên quen thuộc, dễ nhớ qua những câu chuyện được nối kết bởi một chủ đề: chờ đợi và hy vọng.
Hy vọng về một “nơi chỉ có yêu thương mà thôi” qua lời kinh nguyện cầu (Ave Maria); vẫn mong chờ sẽ có một ngày được “bên anh ấm áp”, “được gần gũi anh mãi mãi, mãi trong vòng tay xiết chặt của anh, những ngày êm đềm” (Những ngày mộng mơ), vẫn mong đợi đàn thiên nga bay về tổ ấm, rồi con thuyền sẽ cập bến, mùa xuân lại mỉm cười và anh sẽ về cho dù biết “anh ra đi làm sao giữ được, làm sao giữ anh được?” (Ngày xa anh)…
Cảm hứng từ những tựa đề nguyên gốc, Dương Thụ đã dựng lên một bối cảnh rất Việt Nam, tô vẽ vào đó những bức họa đồng quê, đặt vào những tâm tình thuần Việt nhưng vẫn níu giữ một đường dây liên kết giữa quá khứ và hiện tại. Mùa đông, chương 2 (Largo) của bản Concerto en F majeur trong tổ hợp Bốn Mùa của Vivaldi 3 thế kỷ trước lại được khắc họa lên thêm nỗi nhớ khắc khoải của đứa con xa quê hương vào những ngày rét lạnh mùa đông. Barcarolle (Khúc đò đưa) mà Tchaikovsy đã viết trong Les Saisons 2 thế kỷ trước trở nên thơ mộng, quyến rũ hơn hẳn, bến đang nhớ thuyền, bến đang ngóng chờ… “thuyền ơi bến đợi”…
Chất hoài niệm, hoài cổ bẩm sinh của Dương Thụ in đậm trong phần lời ông đặt, xóa mờ những khoảng cách ngăn cản âm nhạc bác học và ca khúc phổ thông giao hòa cùng nhau. Tiếc cho Ngày xa anh, nếu không có khung cảnh “…khung cửa ấy, bậc thang lên căn gác nhỏ bé…” thì sẽ trung thực hơn với huyền thoại nàng công chúa mỏi mòn chờ đợi ngày hoàng tử về, để tình yêu của chàng hóa giải lời nguyền của phù thủy đã biến nàng thành thiên nga. Cũng như lời ca trong Sớm nay mùa xuân không ăn nhập với sự tích hoàng tử Igor trở về nước sau trận chiến thất bại dưới tay người Kuman, một tác phẩm nổi tiếng trong lịch sử văn học Nga mà Alexandre Borodin đã dựa vào để dựng nên vở opera này.
Không khoảng cách – không màu da
Càng nghe Chat với Mozart mới thấy “âm nhạc không khoảng cách, không màu da” trên thực tế vẫn là lý tưởng, ảo vọng được nuôi dưỡng của những người làm nghệ thuật. Thực tế có lẽ phũ phàng hơn khi thấy con đường vẫn còn dài lắm, rất dài để không còn là một câu khẩu hiệu sáo rỗng động viên tinh thần, củng cố lòng tin.
Khoảng cách đầu tiên hiện diện giữa giới làm nghệ thuật và thị hiếu công chúng. Những ca khúc tồn tại lâu dài ắt hẳn không phải là bản thu thanh “bất hủ” bằng công nghệ thu âm. Đời sống ca nhạc Việt cho thấy hiện tượng ca sĩ, đặc biệt nhóm 4 diva, chỉ phát hành những sản phẩm audio như một cách cập nhật quá trình hoạt động nghệ thuật, khẳng định đẳng cấp của họ. Công chúng đón nhận như món lạ, còn việc tiếp nhận và chấp nhận để trở thành món ăn chính, thói quen thường thì chưa được.
Chat với Mozart, rồi sẽ chẳng khác Nhật thực của Trần Thu Hà, Khu vườn yên tĩnh của Hồng Nhung. Cho dù Chat với Mozart về tổng thể sẽ được đánh giá cao, cho dù đã được ca-khúc-hóa, hiện-đại-hóa, Việt-hóa và muôn ngàn cái hóa nữa để rút ngắn khoảng cách người làm và người nghe. Song chắc gì Mỹ Linh đã dám trình diễn Chat với Mozart, ngoài phạm vi đêm giới thiệu album, trước chính khán giả của cô trên sân khấu?
Một thực tế là người nghệ sĩ vẫn chưa có đất để chơi nghệ thuật giữa ê hề và tạp nham thể loại âm nhạc. Khán giả thì cũng chưa dọn mình cho một đêm thưởng thức nghệ thuật mà không phải lúc nào họ cũng … dám xưng mình hiểu. Rồi Chat với Mozart cũng sẽ thành một album nhạc sưu tập cần phải có, là một CD kính nhi viễn chi cho mọi người mà thôi. Đề cập đến vấn đề trên chẳng phải để “truy lùng thủ phạm”, đổ lỗi người nghe hay quy tội cho người làm nghệ thuật. Nó chỉ vạch ra thực tế bẽ bàng rằng, khoảng cách còn dài ngăn cách giữa sáng tạo cấp tiến và công chúng mà thôi.
Còn âm nhạc không màu da? Có lẽ lại thêm một câu cửa miệng hữu nghị, nghe nhộn tai trong buổi giao lưu văn hóa hơn là thực tế của thị trường . Dù muốn hay không, chất soul & blues vẫn thuộc lãnh địa của người da màu. Có nhiều thứ thuộc về bản năng mà nỗ lực rèn luyện chưa chắc sẽ đem lại kết quả khả dĩ và đương nhiên, những cô gái da trắng 18 tuổi hát blues như Joss Stone chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Sau 3 album với sở trường âm nhạc của Quân-Tuấn thì giọng hát của Mỹ Linh vẫn thiếu những luyến láy uyển chuyển, những xử lý ngẫu hứng hơn để người nghe không phải tặc lưỡi khen nhạc thì “quá Tây” mà người hát vẫn chưa lột tả ra đúng chất. Cách nhả chữ tròn trịa của Linh đôi khi ghì chặt tiết tấu funky trong sáng tác của Anh Quân, làm mất đi sự bay bổng, tung tăng cần thiết của nó. Khả năng fill-in hạn chế làm cho những bản soul ballad của Huy Tuấn quá trơn tru, đôi khi lại mờ nhạt.
Qua Chat với Mozart, Mỹ Linh được dịp phô diễn một giọng hát có học tuyệt đẹp, mượt mà nhưng vẫn nồng nàn, một cách hát crossover không lạm dụng kỹ thuật falsetto như dân opera chuyên nghiệp để làm người nghe cảm nhận ca từ rõ ràng hơn. Nhưng chính cách xử lý ấy lại tạo cảm giác một Mỹ Linh gò bó, thiếu chất soul phóng túng trong Ngày xa anh hoặc Những ngày mộng mơ đã được người hòa âm phối khí tân cách. Những điểm mạnh trong giọng hát Mỹ Linh lại trở thành những khiếm khuyết trong lối hòa âm của Quân-Tuấn. Với soul & funk, Mỹ Linh là người có phong cách âm nhạc rõ nét nhất trong 4 diva. Nhưng không có nó, Mỹ Linh vẫn là giọng ca đẹp nhất hơn một thập niên vừa qua./.