Chát với Trần Thu Hà - Tạp chí Đẹp

Chát với Trần Thu Hà

Bộ Sưu Tập

Tôi không ảo tưởng về tên tuổi của mình

Khi chị phát hành album “Đối thoại 06”, có những phát ngôn – không biết từ chị hay do phóng viên đặt quá nhiều kỳ vọng vào chị – về việc Hà Trần sẽ “tấn công” vào thị trường Mỹ (ở đây được hiểu là thị trường của người Mỹ chứ không phải người Mỹ gốc Việt). Điều này thực hư thế nào?

Có thể báo chí giống nhiều khán giả Việt Nam đều hy vọng và chờ đợi có một người Việt ở tầm quốc tế, giống Củng Lợi của Trung Quốc, Bi Rain của Hàn Quốc… đã ra ngoài khuôn khổ đất nước của họ, nên họ nghĩ mình có album làm việc chung với người Mỹ là tấn công vào thị trường Mỹ.

Nhưng không phải, thị trường Mỹ mênh mông lắm. Nếu ở đây tôi được gọi là một người giỏi thì Mỹ có hàng tỷ người hơn tôi rất nhiều về mọi mặt mà còn chưa đi đến đâu. Điều này cũng gây cho nghệ sĩ một số ảo tưởng. May mắn là tôi sống ngay trong lòng nước Mỹ, nên tôi không ảo tưởng về thân phận của mình.

Nhân đây cũng hỏi cho rõ là với nội lực của mình, chị có nghĩ mình sẽ bước được vào thị trường của người Mỹ?

Thị trường Mỹ rất rộng lớn. Nếu ở Việt Nam phân biệt hai thị trường nhạc sang – nhạc sến, ca sĩ đẳng cấp – ca sĩ thị trường, thì ở Mỹ có muôn vàn thể loại.

 Vào thị trường Mỹ không có nghĩa phải lên MTV hay được giải Grammy – cái đó là một phần bề nổi của thị trường Mỹ, mà còn nhiều khu vực khác.

Chắc chắn tôi không thể ra bề nổi của thị trường Mỹ. Vì để trở thành một ngôi sao nổi tiếng ở Việt Nam đã cực, ở Mỹ còn cực hơn rất nhiều lần, nó bon chen và cũng đủ mánh lới, và mình phải làm việc gấp 10, 15 lần như thế.

Vấn đề là tôi sẽ vào theo dòng chảy nào. Có thể một lúc nào đó, có khi báo chí Việt Nam cũng không biết, tôi diễn loanh quanh ở một địa phương nào đó.

Ngay thị trường người Việt ở Mỹ có thật sự phù hợp với cá tính âm nhạc của chị, vì ở đó giới trẻ chỉ nghe nhạc Tây, thậm chí nói tiếng Việt còn chưa sành, người lớn tuổi lại chỉ nghe nhạc cũ, nhạc sến?

Tôi nghĩ không phải hai, mà thị trường hải ngoại có 3 “gu”. Thứ nhất là lớp người lớn tuổi, họ hoài cổ, thích nghe những giá trị của quá khứ. Họ cũng nghe nhạc Việt Nam mới, đó là giai đoạn hoàng kim của nhạc Việt từ 1997 trở lại đây, lúc nhạc Hà Nội lên ngôi.

Thứ hai là lứa tuổi từ 18 đến 40, họ khá cập nhật với ca sĩ trong nước. Họ thích nhạc dễ nghe, bóng bẩy, đẹp màn hình, âm nhạc hoàn toàn giải trí, không có gì sâu sắc. Rất ít trong số đó có quan tâm đến nhạc Việt Nam theo trường phái nghệ thuật sáng tạo của những tác giả như Dương Thụ, hay dân tộc hiện đại như Lê Minh Sơn.

Thứ ba là lớp khán giả, cùng thang tuổi lớp thứ hai, có thể do vùng đất họ sống, có thể do giáo dục gia đình. Họ không tiếp cận với văn hóa Việt Nam, tôi có thể nói là họ chối bỏ văn hóa đó, và họ nghe nhạc Mỹ, viết nhạc bằng tiếng Anh. Ba khu vực này rất khác biệt, và ít nhiều không có sự quan tâm đến nhau.

Cá tính âm nhạc của chị đã trật khỏi thị trường lớn ở hải ngoại?

Tôi may mắn khi ở trong nước đã là người thành danh, nên ra nước ngoài cũng là thuận lợi. Khán giả đầu tiên ở hải ngoại đến với mình đã tìm mua băng đĩa của mình ở trong nước. Vì kéo được lượng khán giả đó, nên sau này tôi có cơ hội hợp tác với các trung tâm lớn ở hải ngoại, gần nhất là Thúy Nga.

Hà Trần nói một cách duy tâm rằng mình là người tuổi Tỵ, lại sinh ban đêm, nên bản năng thích ẩn hơn là lộ ra ngoài. Tôi cũng mượn “tuổi Tỵ” của Hà Trần để ví tính cách của cô. Ai cũng biết loài rắn có một đặc điểm là có thể vươn dài hàng mét, nhưng cũng có thể cuộn tròn bằng quả bóng của trẻ con. Hà Trần cũng vậy – một người rất cá tính nhưng rất thực tế, luôn gai góc nhưng luôn khôn ngoan, “điên” trong nghệ thuật nhưng bình tĩnh trong cách lựa chọn. Ngay cả cuộc đối thoại với Đẹp, cô luôn biết làm chủ cảm xúc và tiết chế lời nói của mình một cách, có thể nói là rất hợp lý!

Khi làm việc, vì đã có tên, nên tôi có điều kiện xuất hiện ở trung tâm này trong những tiết mục liên quan đến phong cách của mình, tôi không chấp nhận biến hình 100% để đáp ứng thị trường hải ngoại.

Tạm thời, tôi có đầy đủ việc ở cả hai thị trường, nhưng muốn hướng nhiều đến thị trường thứ 3. Vì tôi lớn lên, học hành ở Việt Nam giống các bạn cùng thế hệ, nhưng vì lý do nào đó, cách suy nghĩ, cả cách sống, ăn mặc, ca hát của tôi hơi quá đối với người Việt Nam. Khi qua Mỹ, mặc dù cũng có những thành công, nhưng vẫn có cái gì đó khiến tôi cảm thấy mình hơi lạc lõng.

Chị chủ động chọn sự lạc lõng đó chứ?

Không ai chọn sự lạc lõng cả. Nhưng cái gốc bên trong, có phần mình cảm thấy chưa thực thỏa đáng, chưa thực là mình.

Đến khi tới thị trường thứ 3, tôi tìm được tiếng nói chung với họ. Nhóm nghệ sĩ này rất hay, rất đặc biệt, nhưng chưa được đưa ra phía ngoài. Nên hai năm nay, ngoài thành lập Hà Trần Production, tôi và một nhóm bạn thành lập Media site: www.vietnameseartists.net – nơi tập trung những người ở nhóm thứ 3.

Có những fan của tôi nói: không phải ở Việt Nam không có những khán giả văn minh, nhưng họ không biết tìm đâu những nghệ sĩ hay để nghe, và cũng có những nghệ sĩ rất hay, nhưng lại không biết tìm khán giả của mình ở đâu. Nghĩa là chúng ta không có cái cầu – các phương tiện truyền thông. Trong khi báo chí của mình có tình trạng thích ai thì lăng xê quá trời, không thích ai thì chê, mà chê rất cảm tính.

Tôi cũng nói thẳng là có những nhà báo viết văn hóa văn nghệ, nhưng không hiểu những gì họ đang làm. Bên Mỹ cũng vậy. Rất nhiều người hay, nhưng họ không có phương tiện nào để tìm khán giả.

 Đơn giản gia đình chồng tôi, là người Mỹ gốc Việt, họ thích Việt Nam, họ ăn đồ Việt Nam. Họ cũng muốn tìm hình ảnh nghệ sĩ đại diện cho mình. Không tìm được thì họ nghe nhạc Mỹ.

Nhưng tôi biết sâu trong tiềm thức, họ vẫn thích tìm về Việt Nam, thích nhìn thấy hình ảnh Việt Nam mới, hiện đại, song hành với các nước, chứ không phải một hình ảnh của Việt Nam còn đang vật lộn với rất nhiều vấn đề, bởi họ không có thời giờ cho những chuyện đó.

Khi thị trường hải ngoại phân khúc rõ ràng như vậy, chị sẽ “nhập gia tùy tục” hay giữ đúng phong cách Trần Thu Hà?

Nguyên tắc của tôi là tách biệt hai thị trường, nói thẳng ra đó là công việc kiếm sống. Bởi muốn nuôi các dự án mới phải có tiền, trong khi mình không kinh doanh, cũng không phải con nhà giàu.

Nhưng ở đâu tôi vẫn là tôi. Tôi có hai loại album: album trong nước – tiếp theo truyền thống phong cách, hình ảnh của mình, và những album tôi làm cho thị trường hải ngoại. Có thể nó mềm hơn, dễ nghe hơn một chút, nhưng không có nghĩa là không phải Trần Thu Hà. Tôi chia hai khu vực đó ra và giữ cả hai khán giả đó.

Xu hướng của tôi là làm ít hơn trong công việc ca sĩ, vì tôi muốn là người sản xuất. Thật ra, trước đây trong tôi đã có sự mâu thuẫn: công việc là ca sĩ, nhưng tôi không thật sự thích thú 100%. Tôi thích công việc của người tạo ra cái gì đó hơn. Sau khi làm chương trình “Nhật thực”, tôi tìm thấy ở mình tiềm năng của người sản xuất. Lâu dài tôi muốn đi con đường đó hơn.

 Còn bây giờ làm ca sĩ, thứ nhất là để tiếp tục nuôi sống mình và có tiền để thực hiện ước mơ. Thứ hai là ai cũng nói tôi không làm ca sĩ thì uổng.

Lần về nước trước, có nhà báo không hiểu ý tôi, nên viết giống như tôi chán đời, buông xuôi, rằng âm nhạc không phải tất cả, tôi không còn yêu say mê nữa. Nhưng không phải, âm nhạc giống như tình yêu nam nữ, nó không mất đi, nhưng chuyển từ dạng này sang dạng khác.

Nhà báo đó cũng có những suy luận logic dựa trên thực tế. Vì rất nhiều ca sĩ nói sẽ trở thành nhà sản xuất khi giai đoạn thoái trào của công việc biểu diễn đang mở ra trước mắt?

Điều này có thể đúng với một số trường hợp, nhưng cũng khá chụp mũ. Hoạt động văn hóa văn nghệ của Việt Nam rất nhỏ, ai cũng biết ai, nên tôi thích câu nói của Quốc Bảo – “làng văn nghệ”. Nó nhỏ nên là làng, nên có những tường hào manh mún của nó, và nhiều người chỉ hiểu những gì trong đó.

 Theo một mẫu số chung, có nhiều người khi không hát thì mở nhà hàng, nên không hát nữa thì chuyển sang làm sản xuất cũng là cách tương tự. Nhưng điều đó không đúng với tôi.

Nói một cách hơi duy tâm, tôi là người tuổi Tỵ, lại sinh ban đêm, bản năng tôi thích ẩn hơn là lộ ra ngoài, mà tôi lại làm công việc lúc nào cũng trưng ra ánh sáng, nên trong chính tôi có mâu thuẫn, thành ra nó không đi đến tận cùng được.

Trở lại vấn đề, nhiều người nói tôi có nhiều khả năng, như Kim Ngọc nói: mày phải sáng tác, vì mày là người sáng tạo chứ không phải trình diễn.

Tôi có thể tỏa sáng rực rỡ, nhưng phải trong không gian do tôi tạo ra. Tôi đã may mắn được một lần làm “Nhật thực”. Tôi nghĩ “Nhật thực” đã làm lu mờ nhiều gương mặt khác ở giai đoạn đó. Nhưng không có nghĩa khi hát ở sân khấu mang tính tổng hợp tôi sẽ rực rỡ hơn những người khác. Thậm chí mọi người còn thấy tôi kỳ dị, không ăn nhập.

Chị nói nhiều nhà báo viết văn hóa văn nghệ không hiểu mình. Ngược lại, chị có thấy báo chí rất ưu ái mình?

Tôi thấy quá ưu ái. Thực ra, nhiều khi tôi cũng ngượng. Tính tôi thích sự cân bằng hơn. Tôi không ngại người ta chê mình, nếu đó là ý kiến tích cực, xuất phát từ sự hiểu biết thực sự chứ không phải những cảm tính và nhỏ mọn cá nhân.

Tôi chấp nhận, vì những điều đó cho mình đứng ra ngoài nhìn mình. Có thể sự ưu ái của báo chí dành cho tôi vì điều đó và thấy rất nghiêm khắc với bản thân? Không riêng tôi, mà tất cả ca sĩ, từ thị trường đến đẳng cấp, có cái nhìn đúng trong công việc sẽ tạo được sự kích hoạt cho hoạt động của mình.

Nhan sắc trung bình, giọng hát tầm thường

Chị có thấy cá tính đã đem lại cho chị rất nhiều thứ: danh hiệu diva, sự tôn trọng của nhiều người và cả một… ông chồng Việt kiều?

Điều này hơi liên quan đến việc hát. Khi còn nhỏ tôi không có gì đặc biệt – không xinh đẹp, giọng hát tầm thường, chỉ có cái hồn muốn diễn đạt bài hát theo ý riêng của mình.

 Nhưng lúc đó tôi không biết làm sao dùng giọng hát để chuyển tải suy nghĩ theo ý mình muốn. Mẹ dạy tôi hát như là nói, con muốn nói thế nào thì cứ hát như thế.

Tôi giữ ý tưởng đó trong đầu và mài mòn trên ghế nhà trường để trang bị kiến thức và kỹ thuật nhằm diễn đạt giọng hát như ý tôi muốn. Tôi cũng áp dụng ý tưởng đó trong cuộc sống: mình có như thế nào thì sống như thế.

Vô duyên thì vô duyên luôn, không giấu diếm. Đến khi lấy chồng, tôi cũng gặp được người khuyến khích đặc điểm đó, có nghĩa là hãy tìm cách xóa mặc cảm của mình, mình như thế nào thì cứ để như thế. Người ta yêu mình hay không, thì đầu tiên mình phải được sống thoải mái nhất. Có lẽ bắt nguồn từ quan niệm sống đó mà tôi được nhiều trong cuộc đời.

Ngoài cá tính, có phải chị còn là một người khôn: khôn khi chọn bài hát, khôn khi phát ngôn, và khôn khi… chọn chồng?

Đầu tiên tôi được thừa hưởng một nền giáo dục tốt. Gia đình luôn dạy tôi phải biết tôn trọng mình và tôn trọng người khác.

Trong nhà tôi ít nhất có hai người nổi tiếng là bố và chú. Tấm gương của họ là không kiêu căng, rất thành công trong sự nghiệp, nhưng rất bình dị trong đời sống.

Ngày nhỏ đi theo hai ông, tôi thấy người bình thường rất yêu mến họ, nên ngay từ khi có sự hiểu biết và muốn làm ca sĩ, tôi nghĩ mình sẽ đi theo con đường đó. Tôi muốn mình được yêu quý như thế, chứ không phải vì danh vọng, tài năng.

Ngoài ra, từ nhỏ đến giờ tôi quan sát nhiều, để tự rút bài học cho mình, tự thanh lọc qua những người xung quanh. Yếu tố đó là cái mà chị gọi là khôn đấy.

Xem ra chị là người mâu thuẫn khi “điên” trong nghệ thuật và tỉnh táo trong cách lựa chọn?

Có ai mà không mâu thuẫn đâu. Tôi thực tế, nhưng không nghĩ mình tỉnh táo đâu, vì nếu tỉnh táo tôi sẽ ít mắc lỗi hơn, và làm được nhiều điều hơn cái mà tôi đang có.

Nhưng chưa chắc đó đã là điều tôi muốn. Có thể nó sẽ biến tôi thành một người khác, nên trong tôi có một sự tỉnh tỉnh mơ mơ, mà chẳng thể lý giải được.

Có những nghệ sĩ thường phải mượn men gì đó để lên men nghệ thuật của họ. Còn tôi rất say khi hát, mà không cần phải uống rượu, không phải dùng chất kích thích để lên men.

Chị thích ai trong số các diva hiện nay?

Tôi rất thích Mỹ Linh. Tôi thích mẫu hình như thế – thành công ngoài xã hội mà vẫn ngăn nắp trong gia đình.

Chị đạt được điều đó chưa?

Tôi cũng là người như thế, có công việc ngoài xã hội và có một gia đình hạnh phúc.

Một trong những yếu tố giúp Mỹ Linh có được điều đó là sự hy sinh. Còn chị?

Tôi lại có được điều đó vì chồng hy sinh cho tôi.

Thường người ta nhận vào cũng phải cho đi?

Cái tôi hy sinh là tôi không được ở gần gia đình.

Nhưng sang Mỹ là giấc mơ của nhiều người?

Khi đến Mỹ, quả thực tôi không tính toán nhiều đến thế. Tôi còn lãng mạn đến mức hai người yêu nhau thì làm đám cưới.

Cưới xong anh ở Mỹ, em ở Việt Nam, 2 – 3 tháng gặp nhau một lần. Vì tôi không thấy mình có thể đi khỏi chỗ này, công việc cũng đang rất tốt.

Lần đầu tiên tôi sang Mỹ là đi cùng Mỹ Linh diễn cho một tổ chức từ thiện. Sau lần đó tôi vẫn nghĩ ca sĩ ở Mỹ sống chủ yếu bằng bán đĩa. Tôi không hề biết cứ cuối tuần là họ có show.

Trước đám cưới hai tháng qua Mỹ tôi mới biết ở đó có rất nhiều show. Nhưng lúc đó tôi nghĩ mình là khách, họ thấy lạ nên mời, chứ không biết mình có vào được thị trường đó không.

Cưới xong, chúng tôi thấy không sống cách xa nhau được, trong khi khả năng thích ứng môi trường mới của tôi nhiều hơn chồng tôi. Tôi sang Mỹ tháng giêng năm 2004. Tôi nghĩ mình sẽ đi học. Nhưng sang đến nơi công việc kéo mình vào guồng, tôi lại miệt mài đi hát như con ong thợ.

Chị đã hoà nhập với đời sống và văn hóa Mỹ như thế nào?

Thời kỳ đầu tôi buồn, nhưng buồn trong mâu thuẫn. Ở Việt Nam tôi được gia đình và xã hội bao bọc, nhưng lại gây cho tôi áp lực và tôi bị ngộp thở.

Khi sang Mỹ, thoát được áp lực và sự ngộp thở đó thì tôi lại rơi vào trạng thái cô đơn. Sự cô đơn của người đang có danh vọng, giờ sống bình thường giống như mọi người.

Chồng đi làm, còn tôi ở nhà, lúc đó tôi lại chưa biết lái xe, tiếng Anh thì bập bõm. Nhưng khả năng tự cân bằng của tôi rất nhanh. Ngay lúc đó tôi nghĩ mình cần làm cái gì có sức khỏe, đó là thể thao. Khi sức khỏe tốt, tinh thần ổn định hơn.

Tôi cũng được bố chồng và chồng hỗ trợ rất nhiều về tinh thần, nên mọi cái qua nhanh hơn. Sau 3 năm, tôi đã có công việc và bạn bè, nên cuộc sống trở lại bình thường. Nhưng tình cảm của tôi với quê hương vẫn còn nhiều. Ngay cả bây giờ, nếu ở Việt Nam thì không sao, nhưng ở Mỹ, mỗi khi nhắm mắt ngủ là tôi lại mơ thấy mình đang ở Việt Nam.

Bố chồng chị nói chị vào gia đình nghiêm khắc là không có được. Vì sao vậy?

Đúng. Nếu vào gia đình gia giáo, “chồng chúa vợ tôi” theo kiểu truyền thống chắc là tôi chết! Vì cá tính tôi không thuần được như thế.

Tôi làm cái gì đúng, chứ không thể sống theo nguyên tắc, chuẩn mực được. Tôi phải cảm ơn số phận khi gặp được gia đình chồng như vậy. Chắc phúc đức mẹ tôi để lại đấy. Đó cũng là lý do trước đây tôi có rất nhiều bạn trai mà không đi đến hôn nhân được. Tôi thấy cảnh làm dâu rồi, một cô con dâu nổi tiếng đến mấy về nhà vẫn là dâu. Có những chuẩn mực, nguyên tắc làm con người ta mụ mị và chậm tiến.

Chắc chồng chị phải cá tính lắm mới gặp là yêu chị ngay, và yêu là cưới ngay, trong khi nhiều đàn ông thích yêu phụ nữ cá tính – vì thú vị, nhưng không muốn lấy họ – vì rất mệt?

Khi ở Việt Nam tôi đã mơ hồ thấy mình kiếm một ông chồng rất khó.

 Là người cá tính, nhưng tôi cũng là một phụ nữ mềm mỏng, biết nhường nhịn, chứ không phải người độc tài, nắm đầu người khác. Trước anh Bình cũng có người bạn trai rất thương tôi, nhưng họ không đủ sức nặng để giữ chân tôi.

Người đàn ông đó không thể làm chị “mềm” đi?

Chắc là thế, thành ra mình bị tình trạng có tình yêu, nhưng không thấy bến đỗ của mình.

 Thật ra, nhiều Việt kiều mở mang, phóng khoáng, nhưng cũng có nhiều người vẫn giữ quan niệm truyền thống của gia đình Việt Nam. Tôi may mắn gặp được anh Bình, cũng chỉ có một người như thế thôi.

Giữa chúng tôi có rất nhiều điểm chung. Vì anh ấy cũng là người có tâm, có tài, ít nói và dám sống với những điều mình muốn. Thích cái gì là làm, anh ấy không ham mê hào nhoáng, mà thích làm những điều riêng của mình, và may mắn là điều riêng của anh ấy hợp với những gì tôi nghĩ.

Lúc gặp anh ấy, tôi nói tiếng Anh không giỏi, nói tiếng Việt là chính, còn anh ấy nói tiếng Anh là chính. Bất đồng ngôn ngữ, song suy nghĩ giống nhau, nên hai người phải “chộp” lấy nhau. Ba năm tôi sống với anh Bình thấy rất hạnh phúc.

Trong một gia đình mà cả hai người đều gai góc, cá tính thì sẽ thế nào?

Đều là cá tính đấy, nhưng điểm mạnh của anh ấy là điểm yếu của tôi và ngược lại.

Ví như điểm yếu của tôi là không tập trung, rất thất thường, anh Bình thì ngược lại, rất nhất quán. Tôi cảm thấy anh ấy là tảng đá vững chắc mà mình có thể tựa vào. Còn tôi, dù có mạnh mẽ đến mấy cũng là người phụ nữ, cần sống có niềm tin, và cần tin vào một số người nào đó thì mới làm việc được.

Có một… “tảng đá” như thế, sao chị không sinh con, vì nhiều người Việt Nam vẫn quan niệm con cái là sợi dây kết nối sự bền vững của một gia đình, trong khi sự đi về của chị dễ tạo cho người ta cảm giác Hà Trần vẫn còn… lông bông?

Người Việt mình hay có quan niệm lấy nhau là phải sinh con ngay, vì lớn tuổi không đủ sức khỏe, hay áp lực phía gia đình là muốn có cháu, và họ nghĩ một gia đình trọn vẹn là gia đình phải có đứa con.

Tôi và anh Bình giống nhau ở điểm muốn có con thì vợ chồng phải vững vàng, cả tinh thần lẫn tài chính, và phải có thời gian cho con. Tôi không thích sinh con xong để ôsin nuôi, mà muốn giáo dục con chu đáo. Cha mẹ tháo vát, biết hy sinh, đứa trẻ trưởng thành sẽ tốt về mọi mặt, nhưng cũng có những nghệ sĩ sinh con rồi gia đình tanh bành.

 Tôi nghĩ mình sinh con – đưa một con người vào đời sống, phải có trách nhiệm với nó. Còn nếu mình chưa đủ trách nhiệm để dạy dỗ, nuôi nấng thì không nên sinh, như vậy là thất đức.

Suy nghĩ này được nhìn từ hoàn cảnh gia đình tôi. Mẹ tôi đã hy sinh rất nhiều cho con. Nên nếu sinh con, tôi muốn mình cũng toàn vẹn như mẹ đối với mình. Bây giờ tôi chưa thực sự hoàn hảo. Có thể tôi theo chủ nghĩa hoàn hảo.

Đây có phải cũng là sự bao biện cho tham vọng sự nghiệp?

Vâng. Bây giờ sự nghiệp của tôi vẫn chưa ổn định, tôi còn muốn đi những bước xa hơn nữa, nên chưa muốn sinh con.

Nhưng Mỹ Linh – diva chị thích – sinh nhiều con, thậm chí nuôi cả con của chồng mà vẫn không ngừng tiến triển trong sự nghiệp?

Linh bản năng hơn tôi nhiều. Có lẽ tôi sống lý tính hơn Linh. Linh bản năng nên cuộc sống trôi chảy theo bản năng đó. Và Linh cũng nữ tính nhiều hơn tôi. Đầu tiên Linh phải thèm lắm, Linh thích những đứa con thì mới sinh được. Còn tôi chưa đủ nữ tính như thế.

 Bây giờ, ngoài gia đình nhỏ, chúng tôi còn phải cưu mang nhiều người trong gia đình lớn. Tôi nuôi các cháu từ nhỏ, và thấy phần nào mình có trách nhiệm với các cháu. Nói chung, tôi hoàn toàn chưa sẵn sàng sinh con, và chồng tôi cũng nghĩ như tôi!

Thực hiện: depweb

09/05/2007, 10:40