Chát với nhạc sỹ Bảo Chấn - Tạp chí Đẹp

Chát với nhạc sỹ Bảo Chấn

Bộ Sưu Tập

Có lẽ là người khởi nguồn cho “trào lưu” đạo nhạc bị phát hiện, nên “đòn” của dư luận dành cho Bảo Chấn quá nặng. Sau sự kiện đáng tiếc đó, Bảo Chấn chia tay sân khấu không một lời tạm biệt.

Anh đi khắp đất nước Việt Nam, đi Mỹ, đi châu Âu, vừa để thực hiện ước mơ từ thuở nhỏ, vừa khám phá và vừa… giải thoát.

Sau rất nhiều lần hẹn hò, và phải qua một người bạn, tôi mới gặp được Bảo Chấn. Và tôi thật sự bất ngờ, khi đối diện với mình không còn là Bảo Chấn hoạt náo như xưa, mà là một Bảo Chấn ơ hờ, dè dặt, thậm chí phòng thủ.

Kết thúc buổi trò chuyện, anh còn nhắn nhủ tôi “viết nhẹ thôi nhé”. “Nhẹ” hay “nặng” do cách nhìn của Bảo Chấn và của độc giả, nhưng tôi đã viết lại cuộc trò chuyện với Bảo Chấn một cách khách quan nhất.
 
Quãng đời đẹp nhưng kết thúc không có hậu
 
Bây giờ, anh cảm thấy cuộc sống thế nào?

Bạn phỏng vấn vào thời điểm này thì đã khác rồi. Bây giờ, tôi nhìn Bảo Chấn năm 95 – 96 như một người đứng bên kia đường. 
 
Ông Bảo Chấn đó là người như thế nào?

Đó là con người của mơ mộng, hồn nhiên, của sự đam mê, và của lòng nhiệt tâm, muốn làm nhiều cái, và đã bỏ ra quá nhiều thời giờ. Bây giờ nghĩ lại giống như chuyện đùa ấy, gia đình đã thả cho tôi đùa mấy chục năm.

Tuy nhiên, đó là một quãng đời đẹp. Nhưng một quãng đời đẹp không có nghĩa là quãng đời kết thúc có hậu. Quãng đời đẹp nhưng chẳng may kết thúc không có hậu. Cả cuộc đời của con người đó, của những bài hát đó, của những hoạt động đó cuối cùng đã không đơm hoa. Vậy hãy cứ để yên cho nó như thế. 
 
Bảo Chấn đứng bên này đường là con người như thế nào?

Nếu trước đây tôi hoạt động theo kiểu mình thích, không quan ngại chuyện gia đình, không để ý xem con cái mình ngày hôm nay và ngày mai sống như thế nào, thì bây giờ tôi là con người của gia đình, của làm việc, của thực tế hơn.

Tôi biết lo cho gia đình mình chỉn chu, con cái có một tương lai tử tế. Tôi biết sống, kể cả sống khép nép, cho phù hợp với ngữ cảnh mới.
 
Khi đứng ở con người mới nhìn về con người cũ, anh thấy con người nào tích cực hơn, ít nhất là đối với bản thân anh?

Cuộc sống là một cuộc thử nghiệm, vì mình mới ra đời nên chưa biết là cái gì, mình thử nghiệm mãi cũng chán, lại qua chỗ khác. Nhưng nó không làm tôi tiếc, kể cả những chuyện trước đây. Bây giờ tôi không nhìn nó ở khía cạnh đau đớn nữa, mà nó giống như cuộc vượt sông quá sức của mình. Nhưng vượt qua rồi thì thôi.
 
Anh đã làm gì để vượt qua con sông đó?

Thì tự thân vận động.

Bằng cách nào?

Bằng cách mình phải biết mình là ai.
 
Anh biết mình là ai?
(Cười và… im lặng)

Anh có hiểu được mình là ai không?

Mình là mình, đúng là mình. Một người giống những người khác, cũng vụng dại, cũng hồn nhiên. Bây giờ mình chín chắn hơn, mà con người này không tiếc con người kia, và con người kia cũng không tiếc con người này. Nó bắt buộc phải xảy ra và nó đã xảy ra.
 
Tôi vẫn tự tin
 
Lúc sung sức nhất – năm 95 – 96, anh đã sống như thế nào?

Cũng không khó để giải thích. Xưa đến giờ tôi sống không phải bằng nghề sáng tác, nhưng cũng không kiếm tiền bằng nghề khác, mà tôi sống dựa vào gia đình. Khi đốt đam mê lên để làm việc, hoàn toàn không phải vì tiền, nên sóng gió không nặng nề về mặt kinh tế.

Cuộc đắng cay đó được hiểu theo nhiều nghĩa. Nghĩa trần tục của người làm nghề thì là “thôi chết cha thằng này rồi, hết cửa làm ăn kiếm tiền rồi”. Người nhà thì hồn nhiên hơn, nếu như vậy tôi hãy lui về sống ở nhà cho tỉnh táo.

Thành ra tôi không bị sức ép về kinh tế, cái đó là may mắn, chứ nếu tiếng tăm mình đốt rụi theo doanh thu sẽ rất khổ. Lúc đó sẽ bị dằn vặt trần tục hơn. Đối với tôi, đắng cay đó chỉ là cuộc chơi bị gãy thôi.
 
Anh có ý định chắp vá lại cuộc chơi bị gãy đó không?

Chắc sẽ có những cuộc chơi khác, nhưng nó không nằm ở dạng đó nữa. Cuộc đời mà, sẽ có những cuộc thử nghiệm khác. Vì bản năng của con người là sống để tìm tòi.

Sắp tới có những cuộc thử nghiệm, nhưng không phải để chia sẻ nữa, mà là thu hoạch cho riêng mình. Âm nhạc không phải chỉ là một bài hát, một ca khúc với ca từ tinh khiết, đẳng cấp hay ca từ gây sốc.

Âm nhạc mang nhiều khía cạnh khác nhau. Cũng có loại âm nhạc với tâm thức chỉ dành riêng cho mỗi con người, mỗi hoàn cảnh khác nhau.
 
Sự thực thì anh không muốn chia sẻ hay không còn tự tin khi đưa âm nhạc của mình ra với công chúng?

Tôi tự tin quá đi chứ. Tôi nhìn thấy thời còn sung sức, hầu hết bài hát của mình đều được điểm. Bút lực của một người sau hay trước cuộc vượt sông không thể yếu hơn. Không chắc có mạnh hơn không, nhưng nó sẽ được sử dụng đúng cái người ta muốn. Bây giờ có nhiều thử nghiệm khác nhau, tôi tập quan sát mình cho chuẩn, cho khiêm tốn và vô tư hơn.
 
Đừng nhìn vào mặt khuất của người ta
 
Theo anh, khán giả – những người yêu thương và những người “nổi giận” với Bảo Chấn – có còn tin vào ca khúc của anh nữa không?

Tôi không suy nghĩ đến khía cạnh đó nhiều. Khán giả từng thích mình, và khán giả tỏ ra buồn về mình bây giờ đã ở một góc riêng, như một kỷ niệm của cuộc đời. Vì tôi không làm cái gì, hay ít ra là lúc này tôi không có ý định làm cái gì dành cho họ nữa.

Những khán giả nghe nhạc của tôi khi họ 25, 30 tuổi, còn bây giờ họ đã hơn 35, 40 tuổi, nên tâm thức đã khác. Nếu bây giờ tôi chìa bài mới toanh ra họ vẫn thích, thì công chúng đó là công chúng nào? Không thể là “Nỗi nhớ dịu êm”, “Bên em là biển rộng”… như ngày xưa nữa. Bây giờ là công chúng của con của họ. Tôi mới chỉ quan sát thôi, tôi chưa làm quen được.
 
Sau này, có nhiều nhạc sĩ cũng bị chỉ trích là đạo nhạc. Chưa biết đúng hay sai, nhưng ít ra họ biết bao biện, đấu tranh, thậm chí giành giật lại khán giả bằng những lí lẽ của họ. Còn anh để khán giả của mình sang một góc riêng thì có phải là quá yếu đuối trong cuộc đấu tranh bảo vệ mình không? 

Đang đi mà có một bụi rậm gai chắn ngang trước mặt, thường người ta phát quang để lấy một lối đi, còn tôi không phạt bụi gai đó để thiên hạ nhìn rõ con người của mình, mà rẽ sang ngã khác để tôi nhìn thấy mình rõ hơn. Có thể cách của tôi không hay lắm. Nhưng những năm này thì ổn và tôi tìm thấy sự bình an. 

Nhưng những người thích màu sắc âm nhạc của anh, có khi không mất niềm tin vì những sai lầm của anh, mà lại mất niềm tin vì anh… “im thin thít và lặn mất tăm”?

Nếu có lời khuyên, tôi cũng muốn nói một điều. Khi thưởng thức nhạc của bác Duy (Phạm Duy), hãy thưởng thức những bài mà lúc bác viết hồn nhiên nhất. 
 
Anh hãy nói rõ ý hơn?!

Cái này hơi tế nhị, khó tạo thành công luận lắm. Nhưng hãy cố gắng lắng nghe những gì tốt nhất người ta đã phục vụ cho mình, đừng cố tìm hoặc moi móc những mặt khuất của người ta.
 
Đi để chạy trốn dư luận?

Vì sao anh lại sang Mỹ sau “sự kiện Bảo Chấn”?

Tôi đi chơi. Không chỉ đi Mỹ, tôi còn đi Pháp 3 – 4 tháng, rồi đi mấy nước khác ở châu Âu vài đợt nữa.
 
Nếu sự việc không xảy ra, và nếu số đông không quay lưng với anh, thì anh có đi như thế không?

Đi chứ. Tại vì cái đó là mục đích từ thời trẻ của tôi. Tôi thích đi đây đi đó lắm.
 
Nhưng tại sao chuyến đi dài như thế lại rơi vào đúng thời điểm đó?

Vì nó tiện.
 
Anh có thể cho biết nó “tiện” ở chỗ nào không?

Tôi không muốn phải trả lời những câu hỏi đặt ra, kể cả những lời an ủi, động viên. Tôi muốn xếp hồ sơ đó lại, nên tôi đi.
 
Có nghĩa là chuyến đi của anh có kết hợp với cuộc… chạy trốn dư luận?

À đúng, có thể hiểu như vậy. Nó là sự yêu thích cá nhân nữa.
 
Sự chạy trốn dư luận đó chiếm bao nhiêu phần trăm chuyến đi?

Khởi đầu thì tưởng như đó là mục đích chính. Nhưng khi đi rồi, lại thấy nó là mục đích phụ, vì mình học được nhiều cái lắm, đặc biệt là học được mục đích sống. Tất nhiên không phải cứ đi qua một nước lớn là học được cái hay của họ. Mình cũng phải biết nhìn cái dở của họ nữa. 
 

Có lúc tôi cũng cảm giác công chúng được hướng dẫn nhiều quá. Họ đã tung lên trước mặt mình một khay đồ ăn rất khó nuốt, bắt mình phải nuốt. 

Âm nhạc đại chúng đưa tôi lên cao và cũng quăng tôi xuống 
 
Qua những ngày bĩ cực, anh có thấy dư luận tàn nhẫn với mình không?

Bây giờ tất cả những chuyện đó chỉ là gió thoảng mây trôi. Bây giờ nhìn lại, cảm giác của tôi giống như có người hàng xóm xưa nay sống yên ổn, người ta thương yêu mình. Khi có chuyện xảy ra, người ta tát vào mặt mình.

Có hai thái độ để đối phó, một là mình gào lên để đính chính, hai là mình thôi, và tôi chọn cách thứ hai. Dần quên, chẳng thấy có gì là tàn nhẫn cả. Vì đó là cuộc đời.
 
Nhiều khi khán giả tin vào những gì người khác nói, cho dù lời nói đó nặng nề, mà không quan tâm đến mức độ sự việc. Anh có thấy điều đó cũng diễn ra với mình không?

Có lúc tôi cũng cảm giác công chúng được hướng dẫn nhiều quá. Họ đã tung lên trước mặt mình một khay đồ ăn rất khó nuốt, bắt mình phải nuốt. Nếu nuốt hết rồi, bạn thấy làm sao? Khó khăn nhất là lúc nuốt, đến khi nuốt xong rồi thì thôi chứ làm sao bây giờ?

Tôi đã có một đoạn đời rất cay đắng, nhưng bây giờ cái cay đắng đó như thế nào thì tôi không nhớ nữa.

Anh không nhớ hay không muốn nhớ?

Ban đầu là không muốn nhớ, còn bây giờ là không nhớ nữa. Cái đó cũng phải tập. Ngay từ nhỏ ở nhà với cha mẹ, đi học rồi lớn lên, chưa bao giờ tôi phản kháng, bực mình với sai trái, bất công.

Còn nhớ ngày xưa, tôi lớn ngồng rồi, mà mẹ tôi la nhiều cái sảng lắm, tức chết đi được. Cái phản kháng lớn nhất của tôi là lấy xe phóng đi một ngày, trở về là không còn gì hết.

Hay khi đi học, làm cái gì sai trái bị thầy bợp tai tóe lửa, cũng tức chết đi được, nhưng ngày hôm sau tôi lại thấy yêu mến ông thầy như cũ. Thói quen đó có lẽ do sự giáo dưỡng của gia đình.
 
Nhưng bị mẹ la hay bị thầy bợp tai không kinh khủng bằng sự quay lưng của dư luận?

Đúng là như vậy, nhưng có lẽ tôi ít chịu đau đớn hơn vì tôi tỉnh táo hơn. Ngay cả khi người ta nói tôi đang ở đỉnh cao, nhưng tôi không cảm thấy điều đó. Đi trình diễn, tôi thân với người gác cửa hơn những người khách sang trọng. Cái đó không phải tôi cố kiềm chế, mà thật sự con người tôi là vậy.

Mỗi dịp ra Hà Nội, tôi thường đi xích lô, không phải vì tôi thích chiếc xích lô, mà là thích người đạp. Họ kể nhiều chuyện hay lắm. Cũng có nhiều an ủi lắm. Thời điểm sóng gió đó, tôi đi lang thang hết tỉnh này đến tỉnh nọ. Lúc đó là trốn đấy, tránh né nhà báo đấy.

Có một chị bán báo trước khách sạn Bạch Đằng ở Đà Nẵng và một chị bán báo ở đường Trương Định (Tp.HCM) lên tiếng an ủi mình, mặc dù họ an ủi bằng những câu nói trật lất hết trơn. Nhưng họ bơm cho tôi một sức sống. Tôi cảm động lắm. Hóa ra quần chúng là thế!

Nên trong bài học đó, tôi không nổi giận, mà tìm thấy thiện tâm của con người ta nhiều lắm, nó nhiều như hương của một buổi sáng đẹp trời. Vậy thì tại sao tôi phải buồn?!
 
Nhưng đáng tiếc là những “chị bán báo” đó ít hơn nhiều so với những quay lưng lại với anh?

Thì nó cũng giống như bài hát. Có bài hát đại chúng, bài hát đỉnh cao. Bài hát đại chúng thì bạn có quần chúng rất nhiều, nhưng quần chúng đó thờ ơ, nghe chừng một tháng là quên.

Quần chúng đỉnh cao ít, nhưng họ nhớ suốt đời. Tới giờ này bài “Chiều trên bến cảng” của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn nhiều thanh niên vẫn hát, vì tâm cảm tràn vô trái tim người ta nhiều nhất.

Lúc đó tôi cũng ở giữa hai ngả rẽ: chọn âm nhạc đỉnh cao và âm nhạc đại chúng. Âm nhạc đại chúng đưa tôi lên cao, đồng thời nó cũng quăng tôi xuống. 
 
Tôi đau đớn một thì con tôi đau đớn mười
 
Anh đã lao động và đem lại cho âm nhạc nhiều ca khúc hay, nhưng cuối cùng một vài ca khúc đã làm tổn hại nặng nề đến tên tuổi của anh. Anh có nghĩ đó là cái giá quá đắt dành cho mình không?

Nó giống như tai nạn ấy. Có người bị xe tông, hóa ra đó là ông tiến sĩ đang có một công trình rất hay. Phải chấp nhận thôi, đó là chu kỳ sống, nếu nó không rơi vào đầu tôi thì rơi vào đầu người khác.
 
Đi đường tự nhiên đi bị xe đâm thì rõ là tai nạn. Nhưng “tai nạn” của Báo Chấn đã bị hiểu là do lỗi của Bảo Chấn?

Trong tâm thức, chưa bao giờ tôi làm một điều gì sai trái. Bạn thích hiểu cái đó là tai nạn thì nó là tai nạn, còn bạn thích hiểu lỗi lầm thì nó sẽ là lỗi lầm, quan trọng là ở góc độ mình nhìn, vì ở vấn đề này sự lai tạp quá nhiều.

Trước khi sáng tác tôi là một nhạc công. Cũng nói thêm là tôi đã đọc bài phỏng vấn Hoài Sa trên tạp chí Đẹp. Hoài Sa cũng ở vào vị trí quan sát bài hát rõ nhất như tôi.

Hoài Sa nói không bao giờ sáng tác hay, đó là sự khiêm tốn tốt, chứ Sa sáng tác thì sẽ rất hay, vì cậu ấy là người quan sát nhiều bài hát nhất, nhìn thấy đầu thừa đuôi thẹo nhiều nhất.

Ở đây, người sáng tác như một đầu bếp với rất nhiều nguyên liệu, và khi anh ta chọn thực đơn có nghĩa hàng ngàn món ngoại lai đã thấm đẫm vào anh ta. Nếu là một nhạc sĩ ở tầm cỡ bình thường, người ta sẽ nói viết hơi lai một chút, nhưng cũng khá.

Nhưng nếu bạn đang ở đỉnh cao, thì người ta không chấp nhận một lỗi ấu trĩ như vậy. Với lòng vị tha thì khác, nhưng với sự nghiêm khắc, người ta sẽ lôi bạn xuống bùn. 
 
Xin hỏi anh một câu cuối: đồng nghiệp, gia đình đã phản ứng như thế nào với tai nạn của anh?

Với những người tôi quen biết thì không thấy một gam thay đổi nào. Tôi không đoán được do bài hát hay do cách ăn ở của mình. Có nhiều nhát dao, có nhát dao bọc lụa, có nhát dao trần trụi. Lời an ủi cũng là nhát dao bọc lụa. Đáng lý tất cả những nhát dao đó mình phải gánh chịu, nhưng tôi đau đớn một thì con tôi đau đớn mười. Tại con nào mà chả bênh cha.

Tôi có một gia đình tốt, tất cả những đứa con hãnh diện về bố nó lắm, nên khi chuyện xảy ra, con tôi ức chứ không phải tôi ức. Chính tôi là người khuyên các con cuộc đời là vậy, nó giống như một tai nạn, rơi vào ai chẳng được.

Tôi muốn các con có cái nhìn tích cực hơn trong đời sống, nó không ra đường nhìn mọi người bằng cái nhìn nghi ngờ. Sau sự việc đó, tôi hiểu hóa ra mình không phải sống cho một mình mình, sau lưng mình còn có vợ, có con. Điều đó thúc đẩy để tôi trở thành con người bây giờ./. 

Thực hiện: depweb

28/11/2006, 19:35