Không dễ mở lòng sau biến cố
gia đình (sự ra đi của người cha, tướng Nguyễn Cao Kỳ), MC Nguyễn Cao
Kỳ Duyên kêu: Đẹp làm chị “chết khiếp” bởi một núi câu hỏi. Đổi lại, yêu
cầu của MC số I hải ngoại: Viết gì thì viết, phải giữ nguyên cách xưng
tên (Kỳ Duyên, thay vì dùng chữ “tôi”) của chị. Khi
đó không chỉ là một thói quen, mà hẳn còn vì tình yêu đối với cái tên
duyên dáng mà chị được mang – một cách hết sức vừa vặn với nó?
Thời gian là liều thuốc duy nhất
Chị đã ổn hơn chưa? Làm thế nào để hát được cái câu mà Lưu Bích bạn chị thường hát: “Làm sao để ta quên đi một cơn bão lớn”?
Những lúc gặp khó, Kỳ Duyên thường ngồi thiền, đọc sách (về giáo lý, triết lý, tâm lý…), hoặc chỉ ngồi yên bên bờ biển, để cảm thấy mình thật nhỏ bé, vô nghĩa trước bao la. Mình chỉ là một hạt cát. Sự hiện hữu của mình trên cõi đời chỉ là một chớp mắt của vũ trụ. Mình có đó rồi mình sẽ biến đi… Vậy sao mình không hưởng thụ những giây phút ngắn ngủi quý giá này? Sao mình phải phiền não những chuyện mình nghĩ là trọng đại nhưng thật ra chẳng mấy ai để ý đến?
Khi bố Kỳ Duyên qua đời, có lẽ niềm an ủi lớn nhất là lòng tin của KỳDuyên vào một thế giới vô hình. Kỳ Duyên tin là phần hồn mình sẽ tiếp tục cuộc hành trình mới. Rằng đây chỉ là một lời tạm biệt, rồi hai bố con Kỳ Duyên sẽ được gặp lại nhau…
Mặc dù được coi là “cô gái sinh ra trong nhung lụa” nhưng cuộc đời chị cũng đã từng phải trải qua khá nhiều biến cố: hai lần đò, bố mẹ chia tay, và giờ là sự ra đi của thân phụ… Sau mỗi biến cố, chị có thấy có thêm kinh nghiệm đối phó, hay là trên đời này chẳng có nỗi đau nào giống nỗi đau nào?
Trước đây Kỳ Duyên chỉ đi qua những cuộc chia ly, xa nhau nhưng biết người đó vẫn còn đó. Còn đây là lần đầu tiên Kỳ Duyên trải qua một mất mát vĩnh viễn. Một sự ra đi không trở lại. Cái buồn của sự mất mát đó nó sâu đậm hơn cái buồn của sự chia ly nhiều.
Kỳ Duyên nghĩ không có một kinh nghiệm hay bản lãnh nào có thể giúp ta đối phó với những mất mát to lớn đó. Ta có thể lao đầu vào công việc. Ta có thể tìm quên với bạn bè. Ta có thể chống chọi bằng trách nhiệm và bổn phận. Nhưng rồi sẽ có lúc ta sụp ngã để cơn đau tràn đến. Bất ngờ như lúc ta đang đứng rửa chén. Chịu thôi. Khóc. Khóc nhiều. Rồi lau nước mắt và tiếp tục rửa chén. Ta không làm thể gì hơn vì thời gian là liều thuốc duy nhất.
Ưa hầu rượu bố
Trong bài điếu văn, chị đã gọi bố mình là “điểm tựa tinh thần vô cùng quí giá” khi ông từng cho chị những lời khuyên nhủ xác đáng. Vậy lời khuyên nào là ý nghĩa nhất, trước những quyết định quan trọng của chị, chẳng hạn như quyết định lấy và chia tay Trịnh Hội; làm MC, thay vì luật sư…?
Thật ra thì ông không bao giờ khuyên Kỳ Duyên về những chuyện cá nhân, đó là vai trò của mẹ. Thường thì Kỳ Duyên chỉ thích hỏi ông những chuyện thời sự, lịch sử, chính trị… Hai bố con có thể ngồi hàn huyên với nhau hàng giờ, nhất là khi có thêm hai ly rượu đỏ và vài món nhắm. Ở nhà có bốn ông anh mà không hiểu sao chỉ có mình Kỳ Duyên là ưa hầu rượu bố nhất. Những lúc như vậy, Kỳ Duyên thú vị ngồi nghe ông nói, phân tách, dẫn chứng từng quan điểm một cách tường tận và rành mạch.
Cùng với sự ra đi của bố chị, câu chuyện tình lãng mạn giữa ông tướng Nguyễn Cao Kỳ và cô hoa khôi Đặng Tuyết Mai cũng được kể lại. Quả thật khi nhìn ảnh bố chị, tôi không nghĩ một người trông nghiêm thế mà lại lãng mạn đến thế!
Bố Kỳ Duyên trông ngoài mặt thì nghiêm nhưng trong lòng rất mềm. Ông luôn đối xử với vợ bằng sự kính trọng. Không bao giờ nạt nộ, quát mắng và đánh vợ thì lại càng không.
Còn với con cái thì ông thương và chiều con một cách vô điều kiện. Sáu đứa con, nhưng trong đời ông chỉ đánh anh Thắng – anh cả một lần duy nhất. Tại anh Thắng, lúc ấy 8 tuổi, lấy súng của ông ra chơi và bắn xém trúng một người… Đánh là phải!
Ông không bao giờ đòi hỏi các con phải làm bất cứ việc gì cho ông hoặc vì ông. Con muốn lấy ai cũng được, bỏ ai cũng được, đi học hay đi làm cũng được. Tết nhất con đến thăm được thì tốt, còn con bận, như Kỳ Duyên năm nào cũng vướng đi show mà không đến được, ông cũng không bao giờ trách nửa lời. Ông không bao giờ làm phiền con cái và cho đến lúc ông nhắm mắt thì chưa đứa con nào phải lo cho ông.
Bố mẹ không định sinh tôi
Trân trọng vợ nhưng vẫn… chia tay, điều đó theo chị có là nghịch lý?
Là phận con, Kỳ Duyên không nghĩ mình lại có quyền phán xét những chuyện riêng tư của cha mẹ và nếu có đi chăng nữa thì chắc mình cũng không nên mang lên báo chí rêu rao, nhất là sau khi người đó vừa nằm xuống.
Nhưng thực sự thì đã bao giờ chị dám hỏi bố chị vì sao lại chia tay mẹ chị chưa?
Ô không! Như đã nói, bố và Kỳ Duyên không bao giờ bàn về chuyện riêng tư. Cũng như ông chưa bao giờ hỏi tại sao Kỳ Duyên ly dị người này hay người nọ. Luôn luôn, Kỳ Duyên tin tưởng vào quyết định của ông. Ông thương ai và người đó mang lại cho ông hạnh phúc thì đương nhiên Kỳ Duyên sẽ thương người đó. Ngược lại, ông cũng nghĩ thế về chuyện của Kỳ Duyên nên đâu có gì để bàn? Chuyện nhỏ mà!
“Bố thương ai thì mình cũng sẽ thương người đó” – nói thì dễ nhưng thực ra làm thì có khó không? Đơn cử như vì sao chị gần như không bao giờ nhắc đến các anh chị em cùng cha khác mẹ của mình, cũng như người vợ Pháp và người vợ thứ ba của bố chị?
Kỳ Duyên không nhắc đến những người đó đơn giản là vì chưa có ai hỏi đến thôi. Khi mẹ Kỳ Duyên lấy bố, các anh chị còn rất nhỏ. Mẹ thương và nuôi các anh chị như con ruột. Mẹ kể lúc lấy bố, mẹ không dự định có con thêm vì hai người đã có 5 con rồi, Kỳ Duyên là một “surprise” (oops!).
Kỳ Duyên lớn lên với các anh chị trong một nhà như một gia đình bình thường, không biết phân biệt con riêng con chung gì cả. Còn người mẹ Pháp của anh chị hoàn toàn biến ra khỏi cuộc đời của các con sau khi ly dị bố Kỳ Duyên. Nghe nói bà về nước hoặc sang Mỹ lập gia đình. Nên khi trưởng thành, có lần một người anh của Kỳ Duyên đã cầm tay mẹ và nói: “Mẹ là người mẹ duy nhất mà tụi con biết”.
Về người vợ sau của bố, Kỳ Duyên vẫn đối xử kính trọng và thân mến, không có vấn đề gì khó khăn tế nhị cả. Bà là người vui tính và khi nào có thì giờ, Kỳ Duyên vẫn thường tới đánh tứ sắc gia đình với bố, Tata và Vân (con gái Tata chỉ lớn hơn Kỳ Duyên một tuổi và cũng là bạn của Kỳ Duyên vì hai đứa từng ở chung với nhau khi còn học đại học).
Sau khi bố chị về VN và gặp phải chống đối ở hải ngoại, chị đã có phản ứng cứng cỏi như chủ động đề nghị đối chất, cũng như lên tiếng bảo vệ bố mình. Hãy nhớ lại sự khó xử của chị lúc ấy, khi một bên là chữ hiếu, một bên là một bộ phận cộng đồng người Việt đồng thời là khán giả của chị?
Đối với Kỳ Duyên không có gì khó xử cả. Chữ Hiếu là trên hết!
Cuộc tình đẹp hay không, chỉ trong cuộc mới biết
Từng chứng kiến sự tan vỡ của bố mẹ mình, vì sao chị đã không tránh được “vết xe đổ” ấy trong hai cuộc hôn nhân của mình, nhất là trong cuộc tình đẹp với Trịnh Hội?
À, chuyện này cũng giống như khi đi đường, ta thấy thiếu gì tai nạn xe cộ, nhưng điều đó đâu có nghĩa là ta có thể tránh? Có những chuyện ta không thể tránh và đôi khi cũng có những “vết xe đổ” ta không muốn tránh. Không có hai cuộc hôn nhân nào giống nhau. Không có hai con người nào giống nhau. Còn cuộc tình đẹp hay không chỉ người trong cuộc mới biết.
Lúc nhìn thấy Trịnh Hội nhanh chóng vui duyên mới, sau những lời xã giao phải nói trước công chúng như “lẽ thường”, “mừng cho Trịnh Hội…”, thực tình, chị có cảm thấy chua chát?
– Nếu những câu Kỳ Duyên nói trước đây được coi là “những lời xã giao phải nói trước công chúng” thì câu hỏi này tất nhiên cũng sẽ được trả lời bằng những lời như vậy. Chị biết rồi còn hỏi làm gì? Hay chị muốn nghe Kỳ Duyên nói là đã từng tìm đến nhà Trịnh Hội và mang theo chai thuốc ngủ và cái kéo thật bén? Hehehe…
Ngoài chuyện hôn nhân đổ vỡ, chị thấy mình có điểm gì giống mẹ?
Ngoài việc hôn nhân đổ vỡ thì hai mẹ con không có điểm gì chung. Điểm khác là Kỳ Duyên đổ vỡ hai lần, mẹ mới một lần. Kỳ Duyên hy vọng sau khi chứng kiến sự tan vỡ của con mình, mẹ sẽ tránh được “vết xe đổ”… lần hai! Haha!
Chị nghĩ mình có phải là người đa tình từ “trong máu”, hay số phận bắt chị phải thế? Và đa tình trong ngưỡng nào thì là… “phải đạo”?
Huh? Đa tình thì chắc có lẽ là phải sẵn trong máu rồi vì không ai có thể học để trở thành đa tình. Còn để “phải đạo” thì nói chung Kỳ Duyên nghĩ con người ta có thể làm bất cứ việc gì miễn không hại ai và không trái với lương tâm là được.
Thường thì chị hay được đàn ông yêu ở điểm nào? Đã bao giờ vì người đàn ông của mình mà chị sẵn lòng “thu bớt móng vuốt” và “gọt chân cho vừa giày”?
Đàn ông yêu Kỳ Duyên ở điểm nào và dị ứng ở điểm nào chắc chị phải hỏi những người đến với Kỳ Duyên. Còn nếu để Kỳ Duyên nói biết đâu có thể rất chủ quan và hoàn toàn trái ngược với sự thật? Phần mình Kỳ Duyên chỉ biết sống thật với con người mình. Có cố đóng vai “người tình lý tưởng” thì cũng chỉ được màn đầu. Rồi cùng lòi ra cá tính và bản ngã thật của mình.
Còn chuyện “thu bớt móng vuốt” ư? Kỳ Duyên làm gì có móng vuốt mà cần phải thu bớt? May ra thì Kỳ Duyên chỉ có “bàn tay sắt bọc chì” để lâu lâu đánh vài chiêu “Cửu Âm Bạch Cốt Trảo” thôi, hehe…
Mối tình của chị với người đàn ông ở “đầu kia của nước Mỹ” hiện đến đâu rồi? Câu nói “xa mặt cách lòng” có bao giờ là nỗi sợ của chị?
Chúng tôi vẫn rất hạnh phúc và những khoảng thời gian ngắn ngủi bên nhau vẫn là những món quà quý giá mà dường như bao giờ cũng trôi qua quá nhanh. Kỳ Duyên không sợ sự xa cách vì có sợ cũng chẳng làm gì được. Rất may là cho tới bây giờ thì câu “xa mặt cách lòng” không áp dụng cho hai đứa mà đúng hơn, là câu “xa nhớ, gần thương”, hay cái câu mà người Mỹ rất hay nói: “absence make the heart grows fonder” (tạm dịch: “Sự vắng mặt làm con tim rung động hơn”).
Khi những bức hình về người đàn ông mới của chị xuất hiện trên mạng, dân tình đã kháo nhau đây chính là… “bồ cũ của Hồ Ngọc Hà”. Sự thật có đúng thế?
– Ủa họ nói vậy sao? Aiyyaaa…(thở dài)… Lại là một tin đồn, mệt quá!
Phẫu thuật thẩm mỹ? Nên tận dụng, nhưng đừng lạm dụng!
Lúc này chị vẻ như rất lưu tâm đến thị trường trong nước: mở quán bar, làm đại diện hình ảnh, làm MC cho các show hải ngoại tại VN… Đó là vì chị muốn làm mới mình hay đơn giản, là gánh nặng lo toan của một người phụ nữ nuôi con đơn thân?
Làm mới là sao? Có những cơ hội mới để thử sức (hay nói trắng ra là để kiếm thêm tiền) cho bản thân và cho gia đình thì sao lại không bắt lấy? Quan trọng là điều đó không khiến Kỳ Duyên cảm thấy mệt mỏi mà ngược lại, là hưng phấn. Nhất là khi thấy việc làm thành công và càng ngày càng gặp đà.
Nhưng chị biết là điều đó cũng có thể gây hồ nghi: Hay MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên đã bắt đầu… “hết thời” ở hải ngoại?
Một thị trường với hơn 80 triệu dân thì chắc không thiếu gì người tài, vậy mà khán giả vẫn dành chỗ cho mình thì sao lại phải sợ bị cho là “hết thời”? Sao lại có thể coi thị trường trong nước đứng sau thị trường hải ngoại, nên chỉ những gì “hết thời” ở hải ngoại thì mới mang về dùng cho trong nước? Thế thì buồn thật!
Nhưng chữ “hết thời” – nếu nó xảy ra, thì cũng là đáng buồn chứ? Giữ xuân sắc – vì vậy – đã bao giờ là một áp lực với chị?
Chị có bao giờ không ngủ được vì sợ mất ngủ không? Hồi còn đi học, cứ buổi tối trước ngày thi là Kỳ Duyên thấy khó ngủ vô cùng chỉ vì cứ tự nhẩm: “Ngày mai đi thi, tối nay cần ngủ thật nhiều để có sức làm bài”. Và cứ càng muốn ngủ thì lại càng mất ngủ. Sau này Kỳ Duyên cứ để tự nhiên không lo nghĩ nữa thì lại ngủ được. Kỳ Duyên nghĩ nhan sắc cũng vậy. Mình càng lo, càng căng thẳng lại càng xuống dốc mau hơn. Chi bằng cứ để tự nhiên và chấp nhận sự tiến hóa bình thường của con người.
Có cố “chống lại” thì chỉ nên cố giữ gìn sức khỏe bằng cách ăn uống điều độ, tập luyện thể thao, giữ tinh thần sao cho thoải mái để giúp mình trở thành một con người hoàn thiện nhất ở lứa tuổi của mình. Còn nếu mình đang ở tuổi 40 mà cứ mong thành một người 20 thì chắc chắn sẽ chuốc cái khổ vào người. Ở mọi lứa tuổi, mọi khoảng đời đều có cái đẹp cái hay riêng. Mình phải tìm được hạnh phúc ở hiện tại chứ đừng ngồi hoài trông quá khứ và những gì đã qua.
Vậy chị từ chối, hay ủng hộ phẫu thuật thẩm mỹ?
Chuyện phẫu thuật, Kỳ Duyên thấy cũng bình thường thôi! Khi khoa học đã có những phương tiện tân tiến để trì hoãn lại thời gian, tại sao ta không tận dụng, dù không nên lạm dụng?
Tôi chỉ phải “cạnh tranh” với… anh Ngạn
Gần đây tiếp xúc nhiều hơn với các nghệ sỹ trong nước, chị có cảm thấy có sự khác biệt nhiều so với không khí văn nghệ ở hải ngoại?
Nghệ sĩ là nghệ sĩ. Ở đâu cũng vậy. Một nhóm nghệ sỹ ngồi tụm lại với nhau bao giờ cũng có nhiều tiếng cười vì chắc chị cũng biết, nghệ sỹ thường là những những người có duyên, có máu tếu và rất phóng khoáng…
Trong khi các show hải ngoại luôn cháy vé ở Việt Nam, thì những ca sĩ Việt Nam gia nhập Thúy Nga Paris trên thực tế có gặp nhiều khó khăn không, theo quan sát của chị?
Nhìn bề ngoài thì việc hội nhập trong xã hội cũng như trong giới nghệ sĩ không có vấn đề gì, còn nếu có thì tất nhiên chỉ có người trong cuộc mới biết rõ. Nhưng Kỳ Duyên nghĩ những khó khăn họ gặp cũng là những khó khăn mà mọi ca sĩ phải đi qua: Làm sao chinh phục được những khán giả mới. Nói chung khi bước ra sân khấu ta chỉ có thể thi thố bằng tài năng, ngoài ra tất cả những thứ khác là phụ. Cuối cùng thì khán giả vẫn là người quyết định chỗ đứng của từng ca sĩ.
Nhưng với khán giả hải ngoại thì cái giá để được chấp nhận có khi không chỉ là chuyện nghệ thuật, và với bạn nghề, thì còn có thể bị coi là “cướp miếng cơm” nữa? Hay vì chị là một người không có “quyền lợi liên quan” nên khó nhìn thấy cái khó đó?
Đúng là với vị trí MC trong Thúy Nga Paris thì Kỳ Duyên may mắn chưa phải cạnh tranh với ai, trừ… anh Ngạn (hehe!), nên quả tình Kỳ Duyên cũng không biết chuyện các ca sĩ có bị làm khó nhiều hay không. Nhưng được cái, người Việt mình phần đông khôn ngoan, lanh lợi, học hỏi mau nên đi đâu cũng hòa nhập vào xã hội một cách dễ dàng.
Là một người tuy lạ mà quen với các ca sĩ trong nước, chị có từng được đề nghị giúp đỡ?
Thực sự là những ca sĩ mới sang, trong những năm đầu đôi khi cũng gặp phải sự chống đối. Và điều đó ít nhiều cũng gây khó cho MC khiến họ buộc phải bỏ show hoặc không dám giới thiệu những cái tên mới ấy. Nhưng riêng Kỳ Duyên thì vẫn đi show chung, vẫn lên sân khấu giới thiệu vì Kỳ Duyên nghĩ rằng cũng như mình, họ chỉ muốn đem niềm vui đến cho khán giả và đi hát kiếm tiền thôi. Kỳ Duyên không bao giờ muốn đem chính trị vào văn nghệ.
Thực ra thì thì lớp trẻ, thế hệ thứ hai thứ ba bây giờ ở hải ngoại (như con Kỳ Duyên) chỉ thích nghe nhạc ngoại quốc (nhạc Mỹ hoặc nhạc Hàn Quốc) mà thôi. Còn lại lớp khán giả nghe nhạc Việt phần đông là những người lớn tuổi. Và tất nhiên những người lớn tuổi, lại sống xa quê thì thường thích những gì có thể gợi lại nơi họ kỷ niệm. Ngược lại một nước dân số trẻ như Việt Nam thì chắc chắn là ưa chuộng những gì mới mẻ hơn.
Tuy nhiên bên cạnh đó, Kỳ Duyên thấy thời gian gần đây, nhiều ca sĩ tên tuổi trong nước như Đàm Vĩnh Hưng, Lam Trường… cũng đã cho ra một loạt CD nhạc xưa và cũng được khán giả ủng hộ nồng nhiệt đấy thôi? Nên có lẽ trào lưu “bình cũ rượu mới” cũng đang khá là phổ biến. Mà nói cho cùng, một ca khúc hay thì sẽ được khán giả yêu thích ở mọi thời điểm…
Câu này tôi hay hỏi mọi người: Chị cầm tinh con gì nhỉ? Có thấy nó “vận” vào mình?
Kỳ Duyên không tin về bói toán cho lắm, nên con gì cũng được, miễn không phải… con rệp là được, hehe!
Bài: Thư Quỳnh (thực hiện)