Charlie Nguyễn: “Chúng ta nên biết thỏa hiệp trong khuôn khổ” - Tạp chí Đẹp

Charlie Nguyễn: “Chúng ta nên biết thỏa hiệp trong khuôn khổ”

Giải Trí

Chợt nhớ ra hôm nay anh còn buổi chụp hình, cô stylist đã chuẩn bị sẵn những bộ vest đợi anh và nhiếp ảnh thì chờ nắng bùng lên to chút nữa. Chúng tôi đều gọi Capuccino, ngồi xuống cạnh nhau và nói chuyện. Anh chàng đạo diễn ngoài 40 này hình như không có hứng thú với chuyện thời trang, nên người viết Star in Style số này lòng vòng câu chuyện một hồi rồi cũng thành Phim.

– Bộ phim đầu tay anh làm ở Việt Nam?

– Đó là phim “Vật đổi sao dời”. Lúc đó, tôi quyết định về Việt Nam làm phim sau mấy lần quay trở lại đây thăm gia đình và đi du lịch. Trí (Johnny Trí Nguyễn) và em gái tôi cũng theo về cùng. Bộ phim này là một bộ phim hài tình cảm nhẹ nhàng mà cả ba anh em làm chung, Trí phụ trách quay phim, ánh sáng; cô em gái vừa làm diễn viên vừa làm sản xuất và tôi thì vừa biên kịch vừa đạo diễn. Thời điểm này ở Việt Nam, các hãng phim tư nhân chưa được làm phim mà phải hợp tác với một hãng phim của nhà nước. Tôi hợp tác với Hãng phim Giải Phóng, quen và làm việc với anh Khải Hoàng – bây giờ anh đã mất rồi – và anh hỗ trợ chúng tôi rất nhiều. “Vật đổi sao dời” khi ra mắt thì khán giả rất thích, sau này tôi xem lại, trên phương diện là Đạo diễn cảm thấy nếu mình thay đổi chút xíu một số thứ có lẽ sẽ hay hơn.

– Quyết định về Việt Nam làm phim, anh đã lường trước những khó khăn?

– Không, lúc quyết định về Việt Nam làm phim tôi ngây thơ lắm, không nghĩ gì nhiều. Thích Việt Nam, thích làm phim nên về Việt Nam làm phim vậy thôi. Bây giờ, tôi thấy làm phim ở Việt Nam thì mình chủ động được nhiều chuyện, nhất là chuyện kinh phí. Tôi nhớ lúc làm “Vật đổi sao dời”, kinh phí tất tần tật từ đầu tới cuối có 35 ngàn đôla Mỹ. Nếu với chừng đó số tiền mà sản xuất một bộ phim ở Mỹ thì thật là viễn vông.

– Kinh phí phim thấp thì lương đạo diễn cũng thấp, vậy làm sao anh vẫn làm (được) phim?

– Làm giàu bằng phim ảnh ở Việt Nam có lẽ sẽ đúng với tôi trong tương lai, khoảng 5-7 năm nữa chứ còn bây giờ thì không đúng và không làm được. Đơn cử như kinh phí một bộ phim hài hiện tại là khoảng 8 tỷ, phim hành động 12 đến 13 tỉ thì lương của Đạo diễn cũng chỉ nhỏ xíu thôi, chủ yếu phụ thuộc vào tiềm năng, vào thị trường chứ không thể như Trung Quốc hay Hàn Quốc. Mặc dù vậy thì tôi chưa bao giờ đắn đo hay nghĩ ngợi gì nhiều về chuyện tiền bạc, thù lao, được làm cái mình thích, được làm bộ phim của mình, theo ý mình là được rồi.

Áo sơ mi: Emporio Armani – Áo khoác da & quần kaki: Hugo Boss

– Ngay lúc này dư luận đang xôn xao về bộ phim “Bụi đời Chợ Lớn” của anh, anh cảm thấy như thế nào?

– Khi tôi làm “Bụi đời Chợ Lớn” tôi đã nghĩ đến vấn đề kiểm duyệt, chứ không ngây ngô vô tư như khi làm các bộ phim khác. Bởi lẽ “Bụi đời Chợ Lớn” là một bộ phim hành động võ thuật nói về những kẻ “bụi đời” sống ngoài vòng pháp luật, giới giang hồ chinh chiến, tất nhiên sẽ có những cảnh đổ máu, bắn giết, những cuộc thanh trừng. Nó gần giống như một bộ phim kiếm hiệp của Trung Quốc, phim Samurai của Nhật hay phim về những chàng cao bồi cưỡi ngựa bắn súng của Mỹ.

Nhưng “Bụi đời Chợ Lớn” không khắc họa cuộc chiến tranh giành, mà khắc họa một cuộc chiến bảo vệ, nêu cao tình nghĩa huynh đệ của những người sống ngoài vòng pháp luật, lỡ sa chân vào một băng đảng nhưng khao khát hướng thiện, khao khát được sống yên bình, cố gắng bảo vệ khu vực của mình, không cho các băng nhóm khác vào buôn bán ma túy để có thể có một cuộc sống bình thường, trở thành những người bình thường.

Khi yêu cầu phải chỉnh sửa, Cục Điện ảnh có nêu ra một số lý do, trong đó có lý do “không phản ánh đúng hiện thực xã hội Việt Nam”. Nhưng thiết nghĩ đây là một bộ phim giải trí, cốt truyện được hư cấu từ sự tưởng tưởng của người viết, không phải là một bộ phim tài liệu ghi lại hình ảnh các băng nhóm xã hội đen, cũng như không phải là một bộ phim dựng trên bối cảnh lịch sử tội phạm. Đạo diễn diễn giải những hư cấu đó trên màn ảnh, đưa đến cho người xem một thế giới thực – thế giới thực của câu chuyện – và khán giả sống trong thế giới thựccủa-câu-chuyện đó khi xem phim. Đây chính là sự hợp tác không lời giữa đạo diễn và người xem, cả hai đều sống trong thế giới của bộ phim khi làm phim và xem phim.

Hiện tại “Bụi đời Chợ Lớn” đã được chỉnh sửa một số cảnh quay, cắt chỗ này thêm chỗ kia, quay lại những đoạn mới để phù hợp với tiêu chí của Cục Điện ảnh.

Áo sơ mi trắng & áo khoác len: Salvatore Ferragamo – Quần jeans: Hugo Boss

– Có nghĩa là anh thỏa hiệp?

– Mọi người có thể gọi đây là một sự thỏa hiệp. Tôi không cảm thấy phiền khi nghĩ như vậy, bởi đã là một nghệ sĩ, chúng ta ai cũng có những sự giằng xé, đối kháng, và thỏa hiệp ngay trong chính bản thân mình. Chúng ta nên biết thỏa hiệp trong khuôn khổ.

– Anh nghĩ bộ phim khi ra rạp sẽ ăn khách?

– Tôi hy vọng như thế.

– Vậy sau những ồn ào, bận rộn, đâu là khoảng lặng của anh?

– Là lúc tôi ngồi đây cà phê, nghĩ kịch bản mới hay đơn giản chỉ ngồi thế thôi không nghĩ gì cả. Máy tính tôi còn quá nhiều phim hay chưa có thời gian xem, tủ sách tôi còn quá nhiều sách hay chưa có thời gian đọc, tôi không có thời gian đi xem phim ở rạp nếu không phải là những buổi lễ ra mắt. Tôi không thích đám đông, mà công việc thì cần phải đi chỗ này chỗ khác. Vậy nên sau mỗi bộ phim là tôi lại về Mỹ, lúc nào có phim mới thì quay lại Việt Nam.

– Thế khi ở Việt Nam, anh nhớ điều gì nhất ở Mỹ?

– Tôi nhớ được lái xe ở Mỹ. Ở Việt Nam xe cộ đi lại lung tung nhiều quá đi thôi!

Áo vest, sơ mi, quần kaki & cà vạt: Hugo Boss

Quần tây: Emporio Armani – Áo thun & áo vest: Hugo Boss

Text: Liu Tran
Art Direction: Hellos
Photograper: Gem Visual
Stylist: Thien Thanh
Location: La Rotonde Saigon
* Emporio Armani M1-14 Vincom Centre. 70-72 Lê Thánh Tôn, Quận 1, TP.HCM
* Salvatore Ferragamo Khu mua sắm Rex Arcade khách sạn Rex, 4-6 Lê Lợi, TP.HCM
* Hugo Boss Vincom Center A TP.HCM

Thực hiện: depweb

07/05/2013, 12:45