Chấp nhận kiếp phận - Tạp chí Đẹp

Chấp nhận kiếp phận

Sống

Con người ta sinh ra, không là trai thì là gái. Khuôn khổ đó là một thực tế tưởng như không bao giờ có thể phủ nhận. Thế nhưng, những người đồng tính thì sao, họ được xếp vào đâu trong khuôn khổ đó của giới tính? Câu hỏi ấy từng ám ảnh Nguyễn Văn Dũng trong vài chục năm.

Để rồi, 6 tháng cuối năm 2008 cũng là quá đủ với việc mang lại cho anh một cuộc sống khác – khi cuốn sách "Bóng"- tự truyện của một người đồng tính ra đời. Được nhiều hay mất nhiều, Dũng cũng chẳng thể tự biết một cách rạch ròi. Chỉ biết, nhiều thay đổi đã đến với anh sau cuốn tự truyện ấy, đơn giản như nó phải thế và vẫn thế.

1. Dũng cao lớn, vạm vỡ và thô ráp. Trông anh còn đàn ông hơn vô số những người đàn ông chúng ta gặp. Anh từng đi làm người mẫu vì thân hình săn chắc rất đẹp của mình. Ngày anh còn trẻ, phụ nữ chết vì Dũng không ít.

Khó có thể ngờ người đàn ông cao lớn như vệ sỹ kia lại có những sở thích kỳ lạ. Anh thích cắm hoa, thích màu xanh dịu nhẹ, thích sưu tập búp bê Nhật Bản, thích thơ Xuân Quỳnh và đặc biệt nghiện ca cải lương. Dũng nói đời anh buồn lắm. Anh hay khóc mỗi khi nghĩ về thân phận của mình, khóc trước bàn thờ mẹ, khóc trước mặt người tình, khóc trong những đêm cô đơn “phải vục mặt xuống chiếu và tưởng tượng đó là cơ thể một người đàn ông”.

Đơn giản thôi, Dũng là người đồng tính.

Ngày còn bé, anh chưa nhận thức được giới tính của mình. Anh chỉ biết rằng mình thích chơi búp bê, chơi đồ hàng và ghét những trò đá bóng hay súng ống của con trai. 15 tuổi, anh bỏ nhà đi theo một anh xé vé tàu điện. Bây giờ, Dũng ở tuổi 40. Anh đã có 11 cuộc tình với đàn ông, phần lớn trong đó là những người đàn ông hoàn toàn bình thường. Nhiều người đến với anh vì anh có điều kiện kinh tế để “bao” họ. Còn anh tìm đến họ bởi nỗi khao khát mãnh liệt được “yêu”.

Tất nhiên, họ cứ đến với anh một thời gian ngắn rồi lại ra đi. Cũng dễ hiểu, là đàn ông, họ làm sao có thể ăn đời ở kiếp với một người như anh được. Biết thế, nhưng Dũng vẫn đau khổ, vẫn ghen tuông, vẫn uất hận khi có một ai đó bỏ anh và ra đi. Hai lần tự tử không thành, hàng trăm đêm trắng vật vã khổ sở, Dũng bảo: “Tình yêu của người đồng tính như một cuộc chạy marathon không có đích”.

Bạn bè khuyên: “Dũng ơi, tỉnh ra đi, yêu đương mê muội thế này sao được, phải sống như một con người chứ”. Vâng, biết thế, nhưng trong cơn mê và khi bao khao khát đòi hỏi, làm sao Dũng có thể dừng?

2. Từ lời kể của Dũng, “Bóng” – tự truyện của một người đồng tính được hai nhà báo hoàn thành và ra mắt độc giả vào tháng 8/2008. Hơn 300 trang sách, con người Dũng hiện ra với gần như đầy đủ những gì đã có trong cuộc đời mình, cả bóng tối và không nhiều khoảng sáng. Sách bán chạy tới mức nhiều tờ báo đã đặt câu hỏi: từ “Bóng”, một dòng văn học đồng tính đang manh nha và sẽ được khơi ra…?

Tất nhiên, Dũng phải xuất hiện lên báo và trả lời những câu hỏi. Về cuộc đời anh, về cuốn sách và cả những chuyện không được đưa vào trang viết. Rồi tiếp tới những lần xuất hiện trên truyền hình. Trước đó, tuần đôi lần, Dũng vẫn dạo qua phố sách ở góc Tràng Tiền. Nhưng từ khi đứa con tinh thần của mình được rao bán ầm ầm trên sạp, anh mất cả tháng mới đủ can đảm quay lại đó lần nữa.

Vừa thấy mặt, bà chủ quen thân đã kêu ối trời. Rồi các chủ sách khác cũng xô lại, thậm chí nhờ mình kí sẵn vào sách để bán cho độc giả. Lúc ấy, khi mất đi sự riêng tư, tôi như con cá nằm trên thớt, ai muốn dùng dao chém xuống cũng được thôi – Dũng gượng gạo đùa.

Bạn bè cùng giới có người hỏi: Dũng điên hay sao mà chuyện chẳng hay ho gì cũng đưa vào sách? Rồi mát mẻ: Sau này không ai dám đến chơi với mày nữa đâu, đến rồi lại bị đưa lên sách thì mất mặt chết. Những câu chuyện ấy, Dũng đã lường trước nên không mấy bất ngờ.

Kèm với nỗi buồn và những hệ lụy, niềm vui rồi cũng đến. Những người đồng tính quen và lạ gọi điện động viên anh. Biết Dũng hay nghe cải lương, một độc giả từ Sài Gòn cậy cục chuyển tặng anh một bộ đĩa CD qua đường bưu điện. Cũng từ nơi ấy, một cô gái gọi cho Dũng, khóc nức nở rồi nhờ bạn bè ngoài Bắc mang hoa tới nhà anh. Và những người khác, người khác nữa…

Đơn cử một ngày gần nhất vào đầu năm 2009: Sinh nhật Dũng. Bạn bè cùng học đến rất đông, cả những người anh chưa từng gặp sau chục năm nay. Sự tế nhị đủ để họ không đề cập đến câu chuyện riêng tư, mà chỉ là một lời chúc: “Tao thương mày” sau khi nâng cốc…

3. Sách ra, Nhân – người bạn tình mà Dũng từng yêu quý nhất – cũng quay lại thăm anh. Ngồi đọc sách trong nhà Dũng, thỉnh thoảng Nhân lại ngước lên nhìn anh và cười. Dũng kể tối hôm ấy, hai người đi dạo. Đó cũng là lần đầu tiên sau khi chia tay, Dũng có dịp bộc bạch hết lòng mình.

Nhân nói khẽ: “Đọc sách, tôi biết Dũng vẫn còn yêu tôi lắm, nhưng số phận đã an bài rồi. Dũng đừng buồn”. Dũng lắc đầu: “Tôi đã đào sâu chôn chặt tình cảm. Dù không ai thay thế được Nhân trong lòng tôi, thì tôi cũng không làm gì để ảnh hưởng đến hạnh phúc riêng tư của gia đình Nhân. Vợ Nhân vô tình chịu nhiều thiệt thòi, Nhân hãy thương người ta mà liệu bù đắp”.

Bây giờ thì Dũng đang sống khá hạnh phúc với một người đàn ông bình thường (không phải người đồng tính). Dù hạnh phúc, ánh mắt anh vẫn buồn buồn: Tôi biết một ngày nào đó, cậu sẽ phải lấy vợ và có cuộc sống riêng của nó. Nhưng giờ thì tôi ngộ ra rồi, dẫu có thế cũng mừng. Cả tuổi thanh xuân nó dành cho mình, như thế cũng là quá đủ.

Một câu hỏi: “Đến lúc ấy, anh còn định đi tìm ai tiếp không?” Chút thoáng suy nghĩ để lắc đầu: “Có lẽ thôi em ạ, đời anh buồn nhiều rồi, bây giờ thì anh hiểu, mình phải thương lấy mình, thôi thì lấy cháu làm con, tuổi già chúng nó đỡ đần cho vậy”. Nghĩ tới đó, Dũng lại rơm rớm nước mắt…

Kể về cái thời yêu trai đến mụ mẫm cả người đó của mình, Dũng đọc cho tôi nghe hai câu thơ của Xuân Quỳnh: Có một thời ngay cả nỗi đau /Cũng lặng lẽ, ồn ào không giấu nổi. Giờ đây, anh thấy thanh thản hơn nhiều so với ngày xưa. Anh chỉ thích đi lễ chùa.

Những khổ đau triền miên trong cuộc đời đồng tính của mình đã khiến anh nói ra được những câu khiến tôi bất ngờ: Tình dục có thể đem lại cho người ta sự giải toả, nhưng tâm linh mới đem lại cho người ta sự giải thoát.

4. Dũng đồng ý thực hiện cuốn tự truyện với một suy nghĩ nghiêm túc: “Thế hệ tôi không có cái nhìn cởi mở như bây giờ, nên tôi thấm thía tất cả những tủi hổ và đơn độc trong cuộc sống của người đồng tính. Tôi chỉ muốn được chia sẻ, để cộng đồng giới tính thứ ba có thể được xã hội cảm thông hơn”.

Nếu bảo cuốn tự truyện ấy đem lại cho Dũng một bước ngoặt thì cũng không hẳn. Như cách nói của anh, bát nước nóng rót ra, để mãi cũng tới lúc nguội dần. Cuốn tự truyện, xét cho cùng, chỉ là điểm cuối, khi Dũng đã đi hết một chặng đường khổ ải trong mấy chục năm.

Từ khi nghĩ rằng mình bệnh hoạn đến lúc ý thức được rằng về căn bản, người đồng tính bình thường về sức khỏe, trí tuệ, chỉ khác về khuynh hướng tình dục bẩm sinh; từ lúc yêu đương đau đớn triền miên, cho tới khi biết bằng lòng với suy nghĩ: người đồng tính sinh ra đã chịu phận ngang trái và thiệt thòi, hãy chấp nhận kiếp phận của mình…

Sinh ra ai chả muốn được là người bình thường nhưng sự đời đâu đơn giản. Dũng nói với tôi rằng anh và những người bạn chỉ mong muốn đồng tính được công nhận như một xu hướng giới tự nhiên, rằng: “Giới tính là một dạng lỏng, đừng nên đưa nó vào khuôn khổ”. Có lẽ anh đúng, giới tính không có khuôn khổ nào hết, khuôn khổ nếu có là ở trong nhận thức mỗi người.

Bài: Vũ Lam
Ảnh: Đinh Hùng Sơn

Thực hiện: depweb

11/02/2009, 15:03