Chàng trai 26 tuổi ăn chay và đi bộ khắp thế giới

Meigo Märk, 26 tuổi, ăn chay, đến từ Estonia. Cách đây 2 năm, Märk bán nhà, bỏ việc để bắt đầu đi bộ vòng quanh Trái đất. Anh đi không phải để phá kỷ lục Guiness thế giới hay tạo tiếng tăm mà chỉ vì Märk nghĩ rằng anh có thể làm được, anh có thể tiến đến nhiều vùng đất trên thế giới bằng chính đôi chân của mình. Như cách mà 13 người khác đã làm*. Trong ít ngày lưu lại tại Việt Nam, chúng tôi đã có dịp lắng nghe câu chuyện của chàng trai trẻ để rồi được anh dẫn dắt đến những vùng đất, những con người và những hồi ức trên từng chặng đường của mình.

do_meigo-1

– Chào Meigo Mark. Anh có thể giới thiệu đôi chút về mình?

– Xin chào! Tôi là Meigo Märk đến từ Estonia, quốc gia nhỏ hơn Việt Nam gấp 7 lần và chỉ vỏn vẹn có 1,3 triệu người tại Bắc Âu. Ngôi làng tôi ở cũng chỉ có 70 người và không có gì ngoài những cánh đồng, các khu rừng hay những dòng sông. Chính vì thế mà tôi được lớn lên trong thiên nhiên hài hòa cùng bố, mẹ và hai chị gái. Âm nhạc và du lịch là hai sở thích hàng đầu của tôi. Tôi biết chơi khá nhiều nhạc cụ như kèn trompet, piano và cũng đã sáng tác kha khá ca khúc. Ngoài ra tôi cũng đã đến được 35 quốc gia.

– Từ bao giờ anh quyết định du lịch bằng cách đi bộ?

– Tôi đặc biệt ngưỡng mộ bất kỳ ai ngao du khắp thế giới và càng “sốc” hơn khi biết rằng một vài người đã làm điều đó bằng cách đi bộ. Tôi bắt đầu tìm hiểu và phát hiện rằng hóa ra cơ thể con người có thể liên tục di chuyển hàng ngàn km mà chỉ cần nghỉ ngơi chút ít. Thế rồi tôi ngẫm nghĩ, tôi có thể làm được – tôi cũng có thể đi khắp cả địa cầu này. Đó là một cảm giác không thể mô tả được! Dĩ nhiên là cũng có lúc tôi lưỡng lự nhưng không đáng kể vì tôi đã quyết định lên đường ngay lập tức sau đó. Quyết định này đến tận bây giờ đối với tôi là hoàn toàn đúng đắn vì đó không phải là du lịch, trải nghiệm hay để phá kỷ lục này nọ, mà là hành trình để tôi hiểu thêm về bản thân, về con người, về thiên nhiên và về những điều khả dĩ trong cuộc sống. Nếu chỉ ngồi ở nhà và làm công việc văn phòng thì tôi sẽ không bao giờ biết được cảm giác hành hương cùng 1,5 triệu người Ấn Độ khác đến ngôi đền thiêng Ambaji là như thế nào. Cũng như sẽ không có cơ hội đứng trước hàng trăm em học sinh của trường THPT Đồng Hới (Quảng Bình) để chia sẻ về câu chuyện của mình. Sẽ không bao giờ!

– Chúng tôi đang tò mò không biết anh đã kể gì với những em học sinh ấy?

– Một phần rất nhỏ trong hành trình của tôi. Chẳng hạn như trong suốt 2 năm 6 tháng qua đã được “cưu mang” bởi 145 gia đình ở nhiều quốc gia khác nhau. 145 đấy, bạn có tin được không?

Những “ngôi nhà” mà tôi từng lưu lại có ở khắp mọi nơi. Lúc thì tại những thành phố lớn của thế giới như Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), New Delhi (Ấn Độ), Bangkok (Thái Lan)… lúc thì là những ngôi làng nhỏ sâu tận trong hang núi hoặc cánh rừng già. Tôi từng co mình trong khu ổ chuột với hàng chục người vô gia cư khác và cũng từng nằm trên những chiếc giường sang trọng bậc nhất trong dinh cư của các triệu phú.

Những người cho tôi ăn nhờ ở đậu có thể là người theo đạo Tin Lành, Thiên Chúa, Hồi Giáo, Hindu, Phật Giáo, đạo Sikh, đạo Jana… Họ cũng có thể là tu sĩ, bác sĩ, thầy giáo, cảnh sát, quân đội, nhân viên chính phủ, thậm chí là mafia hay mấy tay buôn thuốc phiện.

Càng nhiều anh chị em, càng nhiều “ngôi nhà” cho tôi trú ngụ!

do_meigo-4

 Vẫn chưa đủ, anh bạn à. Chúng tôi muốn nghe nhiều hơn về cái lần anh hành hương ở Ấn Độ ấy…

– À, Ấn Độ thì tôi còn nhiều chuyện đáng nhớ hơn. Tôi đã đi qua được 11 bang trong 7 tháng tại đấy. Ngoài chuyến hành hương đến Ambaji thì tôi còn có một tuần đi bộ cùng hàng trăm người khác. Tại Đông Bắc Ấn, tôi có dịp được gặp gỡ những thành viên của đội hợp xướng nổi tiếng Shillong Chamber Choir và đã được họ hát tặng 3 ca khúc. Lạy Chúa, là những 3 ca khúc từ một trong những đội hợp xướng tài năng nhất thế giới đã từng trình diễn cho Tổng thống Barack Obama đấy. Bạn có tin không? Ngoài ra tôi còn có buổi trò chuyện đầy thú vị cùng Mary Kom, vận động viên boxing từng 5 lần vô địch thế giới và giành Huy chương vàng Olympics.

Lần hiếm hoi tôi có một người bạn đồng hành là khi ở Hungary. Tôi gặp “nàng” giữa chốn đồng không mông quạnh không một ai. Nhìn nàng có vẻ hơi đói nên tôi chia sẻ một ít nước và thức ăn. Sau ấy thì nàng theo tôi luôn! Chúng tôi đã có khoảng thời gian rất vui vẻ bởi cô ấy chẳng bao giờ hỏi tôi những câu rất ngớ ngẩn. Chỉ đơn giản là im lặng đi cùng và đặt trọn niềm tin nơi tôi. Đáng tiếc là sau 10 ngày 9 đêm cùng nhau chúng tôi buộc phải chia tay vì dù sao một ngôi nhà với một người chủ dễ mến sẽ hợp với một “cô cún” hơn là cứ lang bạt với tôi (cười).

Còn khi bắt đầu đến gần thành phố Erzurum, một trong những thành phố lớn nhất ở phía Tây Thổ Nhĩ Kỳ, một cảm giác kỳ lạ trỗi dậy trong tôi khi biết rằng mình chuẩn bị chia tay đất nước xinh đẹp và thân thương này. 5 tháng gắn bó với đất nước trộn lẫn hai nền văn hóa Á, Âu cùng những con người tốt bụng, nhiệt thành khiến tôi cảm thấy thật khó để nói lời tạm biệt. Khoảnh khắc ấy không hiểu sao tôi òa khóc như một đứa trẻ giữa đường sá đông đúc. Tôi có cảm giác hàng trăm cô chú anh chị đã giúp đỡ mình trong suốt 3 tháng qua đang hiện diện trước mặt với cái nhìn trìu mến cùng nụ cười chân thật. Tôi lại càng khóc lớn hơn đến mức phải ngồi xuống… khóc cho đã để vơi đi cơn xúc động mạnh bất chợt.

– Vậy Việt Nam đã đối đãi với anh như thế nào?

– Rất tuyệt vời. Tôi đặt chân vào Việt Nam đầu tháng 11/2016 từ cửa khẩu Lao Bảo sau hai quốc gia là Lào và Cambodia. Sau đó tôi đến Đông Hà, Đồng Hới, Phong Nha rồi tiếp tục trên con đường Hồ Chí Minh và theo quốc lộ 1 để đến Vinh. Các bạn học sinh ở trường THPT Đồng Hới đã tặng tôi một chiếc áo sơ mi xanh cùng rất nhiều quà. Tôi còn chơi đá bóng cùng các bạn nam ở đấy.

Tôi phải lòng từng cảnh vật và con người đất nước các bạn. Mỗi ngày trên đường đi tôi có cơ hội gặp gỡ những người bạn mới. Họ trò chuyện, đi cùng tôi, cho tôi nước, trà xanh, đồ ăn, bia, mời tôi dùng bữa trưa và còn cho tôi cả tiền. Có một người đàn ông còn sửa đôi giày rách của tôi nữa. Hai bạn Huyền và Tuấn đã cho tôi ở nhờ nhà họ khi tôi đến Đồng Hới cũng như giúp tôi rất nhiều. Việt Nam đúng với những gì mà bạn bè tôi chia sẻ, một đất nước xinh đẹp với những người dân giàu lòng hiếu khách.

– Sau Việt Nam đâu là điểm đến tiếp theo của anh?

– Từ Vinh tôi sẽ đi bộ đến Hà Nội rồi từ đó đến Trung Quốc. Lộ trình sẽ được tiếp tục với Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Nam Mỹ, châu Phi và sau đó quay trở lại châu Âu. Tôi mong rằng mình có thể hoàn thành chuyến đi này trong 7 năm tới.

do_meigo-6

– Làm thế nào để anh chi trả cho chuyến đi có khả năng kéo dài đến 10 năm này?

– Những ngày đầu tôi cho thuê căn hộ mà mình đang sinh sống sau đó thì bán hẳn. Khoảng 150 người bạn ở quê nhà Estonia cùng 10 người ở các quốc gia khác cũng quyên góp thông qua tài khoản ngân hàng để giúp tôi hoàn thành trọn vẹn hành trình. Nhưng thực tế tôi chi trả không nhiều cho chuyến du lịch của mình. Tôi có một chiếc lều cùng túi ngủ phòng trường hợp không tìm được nơi tá túc tôi sẽ căng lều ngoài trời.  Dọc đường đi tôi cũng được tiếp tế lương thực và nước uống từ những người không quen biết. Sự giúp đỡ không điều kiện ấy càng khiến tôi tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống này.

– Trải nghiệm kinh khủng nào anh từng trải qua trong suốt 2 năm qua?

– Nhiều tuần liền tôi đã từng đi bộ dưới cái nắng 40 độ C cũng như phải lê bước trong cái lạnh -17 độ C hay dầm mình trong cơn mưa tầm tã không dứt. Có một sáng tôi ngủ dậy và thấy xung quanh mình là hàng trăm con kiến. Chẳng vui chút nào cả! Tôi cũng từng hai lần bị chó cắn và phải “thăm” bệnh viện lúc nửa đêm.

Tôi có bị cướp không à? Có chứ. Một số nơi tôi buộc phải đi qua có tỷ lệ tội phạm rất cao. Chính vì thế tôi không giặt quần áo trong cả tuần, đi giày rách, không cạo râu cố tạo vẻ ngoài nghèo khổ, dơ bẩn đến mức chẳng ai buồn chạm vào. Vậy mà tôi vẫn bị lục trộm ba lô như thường nhưng chẳng mất gì cả vì… tôi chẳng có gì để họ lấy (cười).

Thú thật tôi không hề cảm thấy sợ hãi nếu rơi vào tình huống nguy hiểm hay khó khăn vì tin rằng chính những lúc như thế mới càng khiến tôi mạnh mẽ và trưởng thành hơn. Do đó những lúc quá lạnh, quá đói, quá nóng, quá cô đơn hay tuyệt vọng tôi luôn tự nhủ rằng: Mọi thứ còn có thể tệ hơn nữa nên đừng than vãn.

– Một ngày của anh sẽ bắt đầu và kết thúc như thế nào?

– Tôi thường dậy trước 6 giờ sáng thu dọn hành lý và bắt đầu đi. Trung bình một giờ tôi đi khoảng từ 4-5km, một ngày sẽ từ 25-50km trong khoảng 6-12 tiếng. Còn nếu mỗi ngày chỉ đi từ 8-9 tiếng thì sẽ được tầm 35km.

Thông thường mỗi ngày tôi sẽ nghỉ nhiều lần, mỗi lần từ 5-15 phút tùy vào khí hậu, vùng đất mà tôi đến. Tôi không đi vào ban đêm và thường tìm chỗ ngủ trước khi mặt trời lặn.

– Hành trang của anh sẽ không thể thiếu những vật dụng gì?

– Nước, thức ăn, lều, camera, điện thoại (với Internet, GPS và ứng dụng dịch thuật), tiền, hộ chiếu cùng năng lượng, lòng biết ơn, sự tôn trọng, dũng khí, niềm vui và hy vọng.

do_meigo-3

Kể từ ngày đầu tiên (11/5/2014) xuất phát từ thủ đô Tallinn (Estonia), Meigo Märk đã đi được:

+ 12,690km (tính đến 2/11 khi có mặt tại Tp. Vinh)

+ 19 quốc gia

+ 925 ngày

+ Sử dụng 13 đôi giày

+ Tiêu hết 3900 euro (~105 triệu đồng)

* Tính đến thời điểm hiện tại đã có 13 người được xác nhận là đi bộ vòng quanh thế giới, Meigo Märk có thể là người thứ 14 (Theo Wikipedia)

 

Bài: Phạm Huyền
Ảnh: Cuội Hoa
logo


From the same category