Chân dung “Sát thủ” ăn não người - Tạp chí Đẹp

Chân dung “Sát thủ” ăn não người

Tin Tức

Sự “đổ bộ” của loại amip ghê rợn này khiến nhiều người “giật mình” trong những ngày qua vì nỗi lo bệnh mới, bệnh lạ đang đe dọa.

Kém may mắn

Trường hợp bệnh nhân P.V.T. bị nhiễm “sát thủ” ăn não người khi bơi trong bàu nước ngọt mò trai là hi hữu và cực kì kém may mắn.

Anh P.V.T. sinh năm 1987, quê Phú Yên, vào Tp.HCM sinh sống bằng nghề bán đậu phộng luộc. Trong dịp về quê gần đây, anh T. tham gia mò trai tại bàu (hồ, ao lớn) nước ngọt. Sau khi vào Tp.HCM, ngày 30/7, anh T. phát sốt, nhức đầu nên nhập Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Tại đây, các bác sĩ tiến hành chọc dịch não tủy và hội chẩn cùng các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Tp.HCM. Kết quả nghi ngờ bệnh nhân T. nhiễm amip. Sau khi chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới điều trị, bệnh của anh T. chuyển biến nhanh và có diễn tiến nặng như suy hô hấp, hôn mê sâu… và ngưng thở đến 3 lần. Thân nhân đã chuyển anh về nhà trong đêm 31/7, nhưng anh tử vong trên đường về.

Trước đó, khoa Nhiễm Việt-Anh Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đã tiến hành chọc dịch não tủy và xét nghiệm bằng kỹ thuật sinh hóa phân tử. Đến 21/8 cho kết quả loại amip khiến anh T. tử vong là amip “ăn não người” Naegleria fowleri. Hiện xét nghiệm bằng kĩ thuật sinh hóa phân tử chỉ thực hiện được tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới.

Mới ta nhưng cũ người

Bác sĩ Nguyễn Hoan Phú, Phó khoa Nhiễm Việt-Anh thuộc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Tp.HCM cho biết, trường hợp bệnh nhân P.V.T tử vong do “sát thủ” amip có thể xem là đầu tiên được phát hiện ở phạm vi cả nước.

Trên thực tế, bệnh này chỉ “mới, lạ” với Việt Nam mà không xa lạ gì với thế giới. Y văn thế giới ghi nhận từ khi được mô tả lần đầu tiên tại Úc bởi bác sĩ M. Fowler và R.F. Carter vào năm 1965. Đến nay có khoảng 150 ca bệnh được xác định tại nhiều quốc gia. Cũng theo y văn thế giới, chỉ có 1 ca trong số đó được cứu sống vào năm 1978. Điều này cho thấy amip “ăn não người” thực sự là “sát thủ” nhưng điều may mắn cho con người là chúng không hề lây lan theo diện rộng.

Amip “ăn não người” có tên là Naegleria fowleri. Loại ký sinh trùng này thường được tìm thấy trong những vùng nước tù như ao, hồ, sông, suối. Giáo sư Michael Beach, chuyên gia của Cơ quan Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) nghiên cứu về các chứng bệnh bắt nguồn từ nước chỉ ra rằng, đây là loại amip ưa nhiệt. Khi nhiệt độ tại các hồ nước ấm dần lên, chúng sẽ hoạt động mạnh hơn. Loại ký sinh trùng này chui vào cơ thể bằng đường mũi. Khi xâm nhập cơ thể người, amip Naegleria fowleri sinh sôi rất nhanh, sau đó di chuyển lên não và tồn tại, ký sinh ở đó. Chúng sống chủ yếu bằng nguồn dinh dưỡng nhờ ăn các tế bào não.

Khuyến cáo phòng tránh “sát thủ”

Mặc dù thuộc diện hiếm nhưng trước sự xuất hiện của “sát thủ” ăn não người gây tử vong cho bệnh nhân P.V.T., bác sĩ Nguyễn Hoan Phú, Phó khoa Nhiễm Việt-Anh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Tp.HCM khuyến cáo: “Cũng đã đến lúc cảnh báo những người thường xuyên bơi lặn trong vùng nước ngọt. Amip “ăn não” sống trong tự nhiên ở môi trường nước ngọt, vì vậy, những người phải mưu sinh bằng cách bơi, lặn ở vùng sông hồ, thợ lặn cứu hộ, người thích bơi lội ở vùng nước ngọt cần hết sức lưu ý và phòng tránh, kẻo nhiễm amip”.

 

Amip “ăn não người” có thể có mặt ở vùng ao tù, sông suối 

Khi nhiễm loại amip này, sau thời gian ủ bệnh từ 2 ngày đến 2 tuần, sẽ phát bệnh và tử vong chỉ sau 3-4 ngày. Vì khả năng tử vong nhanh và cao đến mức nghiêm trọng, bác sĩ Phú khuyên bệnh nhân thường xuyên bơi, lặn ở vùng nước ngọt khi thấy có dấu hiệu sốt, lơ mơ… cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất khám. “Điều quan trọng là phải thông báo đến bác sĩ yếu tố bơi, lặn trước đó để bác sĩ có cơ sở chẩn đoán tốt và nhanh nhất”, bác sĩ Phú cho biết thêm.

Riêng với người có trách nhiệm tiếp nhận, khám, điều trị tại các cơ sở y tế, bác sĩ Phú chia sẻ thêm: “Ngay khi thấy có những dấu hiệu của bệnh liên quan đến não và xác định bệnh nhân có tiền sử bơi lặn trước đó trong vùng nước ngọt, các đồng nghiệp cần nghĩ ngay đến amip “ăn não” để chỉ định tiến hành xét nghiệm soi tươi. Nếu phát hiện có amip, cần tiến hành điều trị theo đúng phác đồ, dùng thuốc kháng nấm để xử lý”.

Hiện công tác điều trị về mặt dịch tễ học nhằm đưa ra những cảnh báo cụ thể hơn cần có sự vào cuộc của cơ quan y tế có thẩm quyền và còn ở phía trước. Hiện người dân chỉ có thể tự bảo vệ mình khỏi “sát thủ” này bằng cách tránh bơi, lặn ở vùng nước ngọt kém vệ sinh. Bậc phụ huynh cần chú trọng hạn chế con em mình tắm sông, suối để tránh nỗi ám ảnh bị “sát thủ” ăn não xâm nhập.

Triệu Minh

(theo Sức khỏe)

Thực hiện: depweb

20/09/2012, 12:07