Mọi chú ý đều đang đổ dồn về Paris sau cơn hỏa hoạn ở Nhà thờ Đức Bà vào chiều ngày 15/04 (giờ địa phương). Nhiều người không khỏi ngưỡng mộ khi hay tin một linh mục người Pháp đã chẳng ngại ngần lao vào đám cháy để đưa các thánh tích đến nơi an toàn.
Linh mục Jean – Marc Fouriner đang được công chúng vinh danh như một người hùng khi cứu được Bí tích Thánh thể và vương miện gai khỏi nhà thờ đang bốc cháy. Etienne Loraillere, biên tập viên của kênh truyền hình Công giáo KTO của Pháp, cho biết: “Cha Fournier không tỏ ra sợ hãi khi đi thẳng vào nơi cất giữ các thánh tích bên trong nhà thờ và đảm bảo chúng được an toàn .”
Cha Fournier đã bắt đầu sự nghiệp là một linh mục Công giáo tại Đức và từng làm việc với quân đội trên toàn thế giới suốt 7 năm. Đây không phải là lần đầu tiên Cha Fournier không sợ hãi trước thảm họa, dù phải đứng giữa lằn ranh sự sống và cái chết. Ngày 13/11/2015, Cha đã vào bên trong nhà hát Bataclan ở Paris sau khi những kẻ khủng bố thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng giết hại 89 người bằng súng và thuốc nổ. Cha Fournier đã cầu nguyện cho những người chết và an ủi những người bị thương hoặc thân nhân của các nạn nhân.
Theo Daily Mail, mặc dù Cha Fournier đã cứu kịp vương miện gai khỏi đám cháy đêm qua nhưng một mảnh nhỏ của nó đã bị đốt. Vương miện gai được cho là chiếc vòng mà Chúa Giê-su đội trên đầu trước khi bị đóng đinh trên thập giá. Thánh tích này được vua Louis IX đưa về Pháp năm 1238.
Còn Bí tích Thánh thể được coi là thân thể và máu của Chúa Giê-su dưới hình thức bánh thánh và rượu. Thánh tích này thường được đựng trong chiếc bình tinh xảo bằng vàng. Ngoài vòng mạo gai và Bí tích Thánh thể thì áo choàng của nhà vua của Saint Louis – vị vua thế kỷ thứ 13 của Pháp cùng một số vật phẩm vô giá khác cũng được di dời nhanh chóng đến nơi an toàn.
Giới nghệ thuật cũng thở phào nhẹ nhõm khi ba ô kính hoa hồng dựng từ thế kỉ 13 được đánh giá là “có giá trị không thể thay thế” không bị phá hủy sau vụ hỏa hoạn.
Đặc biệt, hình ảnh cây thánh giá bằng vàng trong nhà thờ vẫn còn nguyên vẹn, phát sáng giữa đống tro tàn đã thu hút sự chú ý của dư luận.
Theo nguồn tin mới nhất được Daily Mail cập nhật, lính cứu hỏa đã được điều động đến nhà thờ vào khoảng 6 giờ 20 chiều (giờ địa phương), ngay sau khi báo động cháy được gửi đến. Nhưng sau khi thực hiện các bước kiểm tra ban đầu, lính cứu hỏa không tìm thấy dấu hiệu của đám cháy. Khoảng 30 phút sau, báo động cháy inh ỏi thêm lần nữa và lúc này họ không thể kiểm soát được ngọn lửa đang nhanh chóng lan ra khắp nhà thờ. Công tố viên Paris cho biết: “Cuộc điều tra sẽ kéo dài và phức tạp. Chúng tôi đang trong quá trình phỏng vấn các nhân chứng.”
Gần 500 lính cứu hỏa phải mất 9 giờ mới kiểm soát được đám cháy, cứu được hai tòa tháp nhưng phần mái nhà bị thiêu rụi hoàn toàn.
Đối với người Pháp, Nhà thờ Đức Bà là trái tim của Paris. Khi đám cháy đang được lính cứu hỏa dập tắt, hàng trăm người đã tụ họp cùng hát thánh ca và quỳ xuống cầu nguyện. Nhiều người đã rơi nước mắt khi thấy biểu tượng 850 năm tuổi của Paris dần chìm trong biển lửa.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã phát động chiến dịch quyên góp quốc tế để phục dựng nhà thờ. Tính đến thời điểm hiện tại, ngoài hai tỉ phú hàng đầu Pháp là François Pinault và Bernard Arnault đã tuyên bố ủng hộ hàng trăm triệu USD thì Tim Cook – CEO của Apple cũng đăng tweet khẳng định công ty của mình sẽ góp tiền phục dựng Nhà thờ Đức Bà sau hỏa hoạn.
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) cũng đã cam kết sẽ hỗ trợ Pháp phục dựng lại nhà thờ. “Chúng tôi đã liên lạc với các chuyên gia và sẵn sàng cử một phái đoàn khẩn cấp tới đánh giá các tổn thất, bảo vệ những gì có thể cứu được và bắt đầu các biện pháp phục dựng cả về ngắn hạn và trung hạn”, Tổng thư ký UNESCO Audrey Azoulay cho biết.
Trước sự chung tay và nỗ lực không ngừng của quốc tế, hi vọng một ngày nào đó, công chúng sẽ nhìn thấy Nhà thờ Đức Bà vẹn nguyên bên dòng sông Seine như chưa từng có thảm họa này.