Chân dung các “quý bà” chứng khoán

Danh sách những nhà kinh doanh chứng khoán là phụ nữ còn dài. Có thể kể đến những tên tuổi nổi bật như Jane Mendillo, người phụ trách quỹ đầu tư trị giá 44 tỷ USD của trường đại học Harvard; Mary Callahan Erdoes, Chủ tịch Quỹ tài sản toàn cầu trị giá 80 tỷ USD của ngân hàng JPMorgan; Efrat Peled, giám đốc quỹ đầu tư Arison (Israel); Sallie Krawcheck, giám đốc quản lý tài sản toàn cầu của Bank of America; Heidi Miller, giám đốc điều hành bộ phận Chứng khoán và Ngân quỹ của Ngân hàng JPMorgan Chase – người hiện quản lý 8 tỷ USD chứng khoán của ngân hàng này.

Rất hy vọng một ngày nào đó, tên của những người phụ nữ kinh doanh chứng khoán Việt Nam sẽ lọt vào danh sách này.

Clara Furse – Người điều hành thị trường chứng khoán lớn nhất châu Âu

Năm 2001, Clara Furse, trở thành Giám đốc Điều hành Thị trường chứng khoán London (London Stock Exchange-LSE) ở tuổi 44 và trở thành người phụ nữ đầu tiên giữ cương vị này trong lịch sử hơn 200 năm thị trường này, và chỉ 28 năm khi thị trường này mở cửa cho phụ nữ.

Bà Clara Furse đã giữ cương vị này suốt trong 8 năm cho tới tháng 5/2009 vừa qua. Bà được Tạp chí Time chọn là một trong 100 người có ảnh hưởng nhất trên thế giới vào năm 2007 và tạp chí Forbes bình bầu là một trong 50 nhà kinh doanh là phụ nữ có quyền lực nhất vào năm 2005.

Mary Schapiro – Quản lý hoạt động chứng khoán Mỹ

Có lẽ nhiều người sẽ bất ngờ khi biết rằng người có quyền lực lớn nhất hiện nay trên thị trường chứng khoán Mỹ lại là một phụ nữ. Bà Mary Schapiro sinh năm 1955, hiện đang là chủ tịch thứ 29 của Ủy ban Chứng khoán và Thị trường Mỹ (SEC), cơ quan Chính phủ Mỹ chịu trách nhiệm quản lý ngành chứng khoán và các thị trường chứng khoán của nước này.

Bà Mary Schapiro nhận chức từ đầu năm 2009 và cũng là người phụ nữ đầu tiên đảm nhiệm trọng trách này. Trước đó, bà từng là thành viên Hội đồng quản trị của SEC từ năm 1988 và từng làm quyền chủ tịch SEC vào năm 1994.

Bà cũng từng làm chủ tịch trong nhiều năm Cơ quan Quản lý ngành Tài chính (FIRA), một cơ quan tự quản lý do ngành tài chính và chứng khoán lập ra. Trên cương vị của mình, bà đã tham gia giám sát hoạt động ngành tài chính, điều tra các hoạt động gian lận và hối lộ trên phố Wall và bóc trần nhiều hoạt động phi pháp trong ngành chứng khoán Mỹ.

Mickey Siebert – Quý bà Phố Wall

Ngày 28/12/1967, lịch sử nền tài chính Mỹ bước sang trang mới khi Muriel Siebert trở thành người phụ nữ đầu tiên – cùng với 1.365 người đàn ông – có được vị trí giao dịch chính thức trên Thị trường chứng khoán New York. Bà sẽ còn là người phụ nữ duy nhất ở thị trường này trong 10 năm sau đấy.

Điều đặc biệt là Siebert không hề có bằng đại học vì bỏ dở từ năm thứ hai khi người cha bị ung thư. Năm 1954, bà đến New York với 500 USD trong túi và may mắn có việc làm trợ lý nghiên cứu cho một hãng chứng khoán ở phố Wall.

Bà thành lập công ty môi giới chứng khoán của mình vào năm 1969 và trở thành người giám sát toàn bộ các ngân hàng của bang New York vào năm 1977. Hiện nay ở tuổi gần 80, bà vẫn tích cực điều hành công ty môi giới chứng khoán của mình và tham gia các hoạt động từ thiện.

Dominique Senequier – Nhà đầu tư huyền thoại

Dominique Senequier (người Pháp) là một trong những nhà đầu tư huyền thoại của lịch sử tài chính thế giới. Năm 1972, bà là một trong 7 cô gái được nhận vào Trường đại học danh tiếng L’Ecole Polytechnique (Pháp) – và đây cũng là lần đầu tiên trường này chấp nhận học sinh nữ.

Năm 1996, bà thành lập quỹ đầu tư AXA Private Equity với số vốn ban đầu chỉ có 140 triệu USD. Mười hai năm sau, quỹ này đã có số tài sản 27 tỷ đôla và là một trong những quỹ đầu tư hàng đầu châu Âu, có danh mục đầu tư ở trên 500 quỹ đầu tư và hơn 7500 công ty trên toàn cầu. Không chỉ là một nhà đầu tư xuất sắc, Dominique Senequier còn là một người rất sành rượu và có tài chơi piano ấn tượng.

Ho Ching – Nhà đầu tư thành công nhất Singapore

Trên cương vị nhà đầu tư, không thể không nhắc tới Ho Ching (Hà Tinh), Tổng giám đốc công ty Temasek Holdings, công ty do Bộ Tài chính Singapore sở hữu có tổng giá trị tài sản hơn 100 tỷ USD. Bà Ho Ching vốn không phải được đào tạo về tài chính. Bà tốt nghiệp Đại học Quốc gia Singapore với bằng Cử nhân Điện và sau đó có bằng Thạc sĩ về Điện của Đại học Stanford.

Sau khi lấy Lý Hiển Long, con trai cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu và hiện là đương kim Thủ tướng nước này vào năm 1985, bà bắt đầu làm việc ở nhiều cơ quan chính phủ và các tập đoàn của nước này, trước khi trở thành Tổng giám đốc Temasek vào năm 2002.

Trên cương vị Tổng giám đốc của Temasek, bà Ho Ching đã đưa ra hàng loạt các cải tổ về bộ máy của công ty, khiến công ty này ngày càng trở nên hùng mạnh. Hiện nay Temasek là một trong số rất ít các hãng trên toàn cầu nhận được xếp hạng tín dụng cao nhất của cả Standard & Poor và Moody ở mức AAA/Aaa.

Và mặc dù là công ty thuộc chính phủ Singapore, Temasek vẫn được đánh giá rất cao về độ minh bạch trong các quyết định đầu tư. Bất chấp các khó khăn kinh tế xảy ra do khủng hoảng kinh tế, Temasek đã vượt qua khá vững vàng.

Dưới thời lãnh đạo của bà Ho Ching, lợi nhuận của công ty này từ năm 2003 tới 2009 đạt 38,5 tỷ đôla, với mức lợi tức hàng năm đạt 15%, cao hơn đa số các quỹ đầu tư khác trên toàn cầu. Tổng giá trị danh mục đầu tư của Temasek cũng đăng hơn 38 tỷ USD trong cùng thời gian.

Với những thành công đó, bà Ho Ching được Tạp chí Time xếp vào trong số 100 người có ảnh hướng nhất thế giới trong năm 2007. Cũng trong năm 2007, Tạp chí Forbes xếp Ho Ching là người phụ nữ có ảnh hướng thứ 3 trên toàn cầu, trên cả Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là Condoleezza Rice. Năm 2008, bà xếp vị trí thứ 8.

Bài: Linh Vũ


From the same category