Chân dài Việt và những cuộc hôn nhân đồng giới - Tạp chí Đẹp

Chân dài Việt và những cuộc hôn nhân đồng giới

Review

Hoa hậu Ngọc Diễm: “Đồng tính không phải là bệnh

Tôi thấy đồng tính từ lâu đã là đề tài “nóng” và nhạy cảm. Người ta thường ngại nói về nó hay nếu có thì cũng trong một sự dè chừng nhất định, bởi tại Việt Nam, việc công nhận đồng tính vẫn chưa được hưởng ứng rộng rãi. Thời gian gần đây, mọi người nói về nó nhiều hơn qua những hình ảnh và clip đám cưới công khai của các đôi đồng tính, cũng như một hội thảo cấp bộ cũng đã bàn luận rất nhiều về vấn đề này. Cá nhân tôi nghĩ đã đến lúc cần có một cái nhìn tích cực và mới mẻ hơn dành cho những người đồng tính.

Việc kết hôn và mong muốn hạnh phúc gia đình là quyền của cá nhân mỗi người cho dù họ thuộc giới tính nào. Nếu như sự sai khác về giới tính là tự nhiên, thì thật khó để “bắt họ” có cảm xúc và sống được với người khác giới. Mối quan hệ hôn nhân với mục đích hợp thức hóa giới tính sẽ làm đau khổ cả hai. Vì thế nhu cầu được xây dựng hạnh phúc của những người đồng tính cũng là chính đáng và cần được tôn trọng.  Tôi ủng hộ hôn nhân đồng tính, nếu đó xuất phát từ tình yêu và mong muốn gắn kết của hai người yêu nhau muốn sống và chia sẻ vì nhau.

Theo tôi, đồng tính không phải bệnh mà là một xu hướng tính dục tự nhiên, nó tồn tại song song với xu hướng dị tính hoặc lưỡng tính. Nên nếu Pink, Lady Gaga, Lindsay Lohan hay nhiều ngôi sao khác trên thế giới thừa nhận mình lưỡng tính thì đó cũng là lẽ đương nhiên. Có thể thấy mặc dù không chấp nhận rộng rãi nhưng thái độ đối xử với người đồng tính ở nước ta đã có những điểm tích cực hơn so với một số nước khác. Cộng đồng vẫn còn những kỳ thị nhưng không đến mức cực đoan như nhiều năm về trước. Tại Việt Nam, cộng đồng người đồng tính mới bắt đầu công khai xuất hiện gần đây với những sinh hoạt lành mạnh và các hoạt động kêu gọi bảo vệ quyền lợi thiết thực của người đồng tính. Tuy quãng đường còn ngắn nhưng những động thái này có thể xem là rất tích cực.

Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh đã chấp nhận khi nghe con họ công khai về giới tính thật của mình. Họ đã mạnh dạn bảo vệ, hỗ trợ, thậm chí ủng hộ cả việc con chung sống với người yêu.

Có người đấu tranh ủng hộ thì cũng có người kịch liệt phản đối, bởi lẽ để thay đổi một quan điểm đã khó, thay đổi một hệ thống luật còn khó hơn rất nhiều. Việc thay đổi nào cũng dẫn đến nhiều hệ lụy, vì thế tôi nghĩ vấn đề này cần được xem xét một cách thận trọng và kỹ lưỡng. Chúng ta không có quyền lựa chọn giới tính khi sinh ra nhưng có quyền lựa chọn cách sống cho riêng mình.

Với tôi, Cindy Thái Tài hay Di Yến Quỳnh đều là những hình mẫu của sự dũng cảm – dám sống thật, sống đúng với con người của chính mình. Tôi sẽ cảm thấy ngưỡng mộ nếu đứng chung sân khấu với các chị ấy, vì trên hết họ là những người có tài và hết mình với nghề, không chỉ tôi và khán giả đều công nhận điều đấy.

Ca sĩ Tú Vi: “Vui khi tình yêu không còn bị phân biệt

Tôi cảm thấy rất vui mừng khi tình yêu đã không còn bị phân biệt và những người đồng tính đã có được ít nhiều sự đồng tình trong xã hội. Tôi nghĩ nếu dự thảo về hôn nhân đồng giới được thông qua thì nó sẽ như là một quyết định cách mạng. Tôi hi vọng mọi người dù ở giới tính nào cũng tìm thấy được tình yêu và sự công nhận tình yêu của mình để có quyền tự hào về chính bản thân và tình yêu của mình.

Việc chấp nhận hôn nhân đồng tính hay không chỉ là một hình thức sáo rỗng vì điều đó không có nghĩa là cuộc sống tình yêu của người đồng giới được dễ dàng hơn khi họ có thể kết hôn. Liệu những người đồng giới có thể bất chấp sự phản đối của gia đình mà kết hôn hay không, nếu như gia đình của họ chưa chấp nhận được một người con dâu là đàn ông hoặc người con rể là một phụ nữ.

Tôi có rất nhiều bạn bè đồng giới. Đa số họ đều rất tự tin và nhìn nhận bản thân, sống thật với chính mình. Đa số họ đều trải qua những giai đoạn rất khó khăn để đấu tranh với bản thân, với những người xung quanh, đặc biệt là với gia đình họ.

Tôi có một người bạn thân, khi gia đình phát hiện ra cô ấy đồng tính thì mẹ cô ấy đã gọi điện cho tôi để nhờ khuyên bảo cô ấy. Bác ấy cũng đã khóc rất nhiều vì không thể chấp nhận được sự lệch lạc giới tính của con gái. Tuy nhiên, với sự nghiêm túc của bản thân, cô bạn tôi vẫn học giỏi, không ăn chơi, vẫn tốt nghiệp đại học và đi làm, có một công việc ổn định… Gia đình cô ấy cũng dần chấp nhận vì cô ấy vẫn là một cô gái tốt, có trách nhiệm với gia đình và có ích cho xã hội. Tôi luôn tự hào khi đi cạnh bạn mình, khi thấy cô ấy được là chính mình.

Đối với tôi, sự bạo hành người đồng giới là hành động mất nhân tính. Chính những người như vậy mới đáng bị tách biệt khỏi một xã hội văn minh và có văn hóa. Chúng ta không có quyền đánh giá người khác qua bề ngoài và tương tự, ta không có quyền phân biệt đối xử với người khác vì giới tính của họ.

Hà Anh: “Người đồng tính không hề khác biệt

Tôi nghĩ đây là dấu hiệu đáng mừng bất luận kết quả sẽ thế nào, bởi điều này cho thấy sự cởi mở và hội nhập có tính nhân văn về tư tưởng của xã hội và các ban ngành về một đề tài vẫn đang còn mang đến nhiều tranh cãi ở nhiều quốc gia trên thế giới “hôn nhân đồng giới” – có nên được xã hội và pháp luật công nhận hay không. Theo quan điểm cá nhân tôi, thì khi 2 công dân đủ độ tuổi trưởng thành, yêu thương và mong muốn được pháp luật chứng nhận và bảo vệ quyền lợi qua hình thức công nhận đều nên được ủng hộ.

Tôi vô cùng phản đối mọi hình thức kỳ thị, phân biệt đối xử đối với bất cứ cá nhân con người nào trong xã hội… tuổi tác, giàu nghèo, màu da, giới tính… Chúng ta là những con người được sinh ra cùng có nhịp đập trái tim, cùng có dòng máu nóng chảy trong huyết quản… mọi chúng ta đều biết yêu, ghét, hạnh phúc, đớn đau… Chúng ta đều như nhau và nên đối xử với nhau thân ái và bình đẳng.   

Tôi không nói “tôi ủng hộ những người đồng tính” bởi tôi coi họ cũng giống như bất cứ con người nào, bất kể là giới tính, màu da, hoàn cảnh xã hội nào.

Tôi chưa phải là người mẹ, nên có lẽ khó có thể hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm của bậc làm cha, làm mẹ. Trẻ em vô cùng nhạy cảm, dễ bị ảnh hưởng và tổn thương… Vì vậy, khi xã hội còn chưa bình đẳng, chấp nhận những cá nhân và cộng đồng đồng tính, chưa bảo vệ họ trước pháp luật thì e rằng việc xin con, nuôi con ở những người đồng tính sẽ bị gặp khó khăn, cũng như đứa trẻ có thể chịu nhiều ảnh hưởng về tâm lý. Tuy nhiên, đối với các nước phát triển đã công nhận và giảm tối thiểu tình trạng kỳ thị, thì nhu cầu chăm sóc đứa trẻ, và khả năng chăm sóc đứa trẻ được đảm bảo thì những đất nước ấy đã bắt đầu cho phép những cặp đôi đồng giới xin con nuôi. Và xét về khía cạnh nhân bản thì tôi nghĩ, thà đứa trẻ được yêu thương bởi 2 người phụ nữ, và 2 người đàn ông, yêu thương nhau và yêu thương chúng, còn hơn là bị bỏ rơi và thiếu thốn tình yêu và sự chăm sóc vật chất.

Đây sẽ là một bước tiến lớn nếu Việt Nam có thể hội nhập. Tôi mong muốn mọi kỳ thị, phân biệt đều được tuyên truyền, để giảm và xóa bỏ hoàn toàn khi trình độ hiểu biết, nhận thức của xã hội càng tăng lên.

Khi còn nhỏ đi học, chỉ vì chiều cao khác biệt, chỉ vì suy nghĩ độc lập và khác biệt… và thực sự ngay cả đến bây giờ… tôi đã và vẫn đang chịu những sự phân biệt về hình thức, con người và cá tính của mình. Tôi hiểu rất rõ nỗi đắng cay khi không thể hoặc khó khăn khi hòa nhập vào một cộng đồng với hiểu biết và tầm nhìn có phần khắt khe và đôi khi hạn hẹp.

Trong vai trò là đại sứ thiện chí của UNICEF Việt Nam, chúng tôi làm nhiều công tác để mang đến thông tin, bổ túc về kiến thức nhằm thay đổi định kiến của xã hội đối với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV, dẫn đến việc trẻ em bị kỳ thị và bị phân biệt đối xử trong môi trường học tập và xã hội. Sau này khi tôi trưởng thành, học tập và làm việc bên cạnh bạn bè và đồng nghiệp, trong đó có những cá nhân đồng tính, tôi nhìn họ với ánh nhìn nhân văn và bình đẳng. Nhiều người trong số họ rất có tài, có năng khiếu đặc biệt về nghệ thuật, rất hài hước và tình cảm. Đặc biệt, tôi nhận thấy rằng, sự kỳ thị của xã hội và sự không chấp nhận của gia đình đã đẩy họ rời xa cộng đồng, xa gia đình… mà vốn dĩ phải yêu thương và bảo vệ họ nhất.

Họ không hề “khác biệt”, chỉ có chúng ta đối xử với họ “khác biệt” mà thôi.

Trung Lê
(Theo NĐ&ĐS)

Thực hiện: depweb

21/07/2012, 11:57