Đôi chân thon là điểm nhấn tạo sự hấp dẫn cho dáng vóc phụ nữ. Nếu chúng lại được phủ một làn da láng mịn mượt mà nữa xem như đã đầy đủ vẻ quyến rũ. Đáng lo là nét duyên ấy luôn là mục tiêu hủy hoại của một căn bệnh đến từ từ: chứng suy giãn tĩnh mạch chi dưới.
Chân ngắn đã lo, “chân dài” càng sợ
Bệnh suy giãn tĩnh mạch phần chi dưới là kẻ thù lớn nhất đối với những đôi chân đẹp
Với bệnh này, phải nói là… trời hành phái đẹp. Theo thống kê, có 57% phụ nữ và 26% nam giới bị suy giãn tĩnh mạch chi dưới. Nghĩa là, trong khi đàn ông (không cần chân đẹp) cứ 4 người mới có 1 nạn nhân thì ở 2 phụ nữ đã có một nàng gặp tình trạng tĩnh mạch ở chân bị suy yếu, căng giãn quá mức. Đó là do tình trạng tăng mạnh các hormone nữ như estrogene, progesteron và vì độ co giãn của các cơ ở thành tĩnh mạch phái nữ yếu hơn nam.
Phụ nữ, dù chân dài hay ngắn, đều muốn khoe ra vẻ đẹp của mình. Thế nhưng, một khi bị căn bệnh này tấn công, chắc chẳng ai muốn ra ngoài với đôi chân tê buốt, cổ chân phù nề, thậm chí chạy vằn xanh ngoằn ngoèo như rêu lưới, nhất là lúc bắp chân nổi lên những búi tĩnh mạch thiếu thẩm mỹ.
Bệnh đến âm thầm trong sự thiếu cảnh giác của chính nạn nhân. Nguyên nhân của bệnh này là những xáo trộn, từ di truyền, phái tính, điều kiện làm việc, ăn uống, lối sống và cả chứng béo phì.
Vì nó, sinh hoạt của bạn bị đảo lộn, chất lượng sống xuống cấp và mối nguy hiểm cho cơ thể tăng dần.
Điểm mặt kẻ thù
Do hiểu mơ hồ về bệnh, biết ít về bộ máy vận hành mạch máu, bạn không để ý đến trạng thái chân tê tê như kiến bò mỗi khi nằm nghỉ. Khi bạn xoa bóp vài phút, chúng biến mất. Thế nhưng, những cơn khó chịu ấy sẽ trở lại với tần số ngày càng dày, cho đến khi bạn bị những cú chuột rút đau thót ruột.
Bình thường, máu từ chân khó vượt qua được đoạn đường gần 1,5m để về tim nếu thiếu sự trợ giúp (bằng 2 công năng giữ và đẩy) của hệ thống van nhỏ và nhiều ống giác tiếp lực nằm đẩy ở gan bàn chân.
Dãy van được bố trí với khoảng cách cân đối, cách 5cm một, ngăn không để chút máu nào chảy ngược từ tác động luật trọng trường.
Khi hệ thống van gặp sự cố, đóng mở không kín, máu hồi lưu, ứ lại, gây tình trạng sưng tĩnh mạch. Vì luôn phải chứa máu quá căng, thành tĩnh mạch bắt đầu giãn, nổi gồ ra trên bề mặt da, gây xấu và gây đau đớn cho chân.
Thật ra, hệ thống van ở bất cứ đâu trên cơ thể cũng có thể gây giãn tĩnh mạch, nhưng ở chân và đùi là lộ rõ nhất, đặc biệt khi chúng phát triển ngay từ mạng tĩnh mạch hiển và các khúc phân nhánh.
Vì đâu nên nỗi?
Tình trạng tuổi tác, nhất là ở phái nữ, luôn là nguyên nhân chính. Các tĩnh mạch phục vụ máu lưu thông quá lâu sẽ giảm dần trương lực, giãn độ săn. Chất lượng máu sa sút vì nhiễm các bệnh như béo phì, tiểu đường… càng làm khổ cho hệ thống van, ống đã xuống cấp.
Bệnh dễ phát tác nếu bạn lười vận động, ra nắng gắt thiếu bảo vệ, tiếp xúc nhiệt nhiều (đứng gần bếp, lò sưởi, ngâm chân trong nước nóng ở spa), ngồi tàu xe, máy bay chặng dài, diện quần ôm bó hoặc đi giày gót quá cao trong thời gian lâu. Không may, bệnh này lại dễ xảy ra với nữ giới sắp đến hạn về hưu (60%).
Nỗi lo vẫn còn đó
Nếu trước đây bạn dùng nhiều thuốc ngừa thai có chất hormone, từng sinh con quá dày hoặc nằm giường quá lâu vì một căn bệnh khác… hãy coi chừng khi bước vào tuổi tiền mãn kinh hoặc mãn kinh. Căn bệnh giãn tĩnh mạch chi dưới đang rình rập tấn công đấy!
Theo thống kê, hiện nay có khá nhiều người mắc bệnh này. Nhiều người khác cũng đang bị suy giãn tĩnh mạch chi mà không biết. Chỉ riêng tại Bệnh viện Đại học Y Dược (TP. HCM), mỗi năm tiếp nhận 7000 bệnh nhân, phẫu thuật cho hơn 150 ca bị giãn tĩnh mạch. Cũng may, bệnh thường ít biến chứng nguy hiểm, trừ trường hợp xuất huyết ngoại hay máu tràn ứ tạo huyết khối dưới da. Chúng có thể trôi về tim làm nghẽn mạch, gây đột quỵ hoặc tiềm ẩn họa ung thư tĩnh mạch.
Đã là phụ nữ, bạn không thể “bình chân như vại” để bệnh hoành hành gây hại đôi chân, hạ thấp nhan sắc. Tốt nhất là phòng bệnh hơn chữa bệnh. Giới nữ văn phòng, các bạn gái làm trong ngành sáng tạo, phải ngồi lâu, đứng lâu nên để ý nghiêm túc cả về bệnh lý, cách đề phòng, theo dõi chữa trị kịp thời, để đôi chân vừa đẹp vừa khỏe.
Bạn biết chưa? Có nhiều cách điều trị bệnh, cả Tây lẫn Đông y. Nhưng cách phòng tránh và ngăn bệnh phát triển là điều bạn cần phải biết 1. Phòng khám bác sĩ Bạn cần phẫu thuật để điều trị khi bệnh đã tạo ra huyết khối ở thành mạch, bằng 2 phương pháp: cổ điển là bóc, lột tĩnh mạch, hiện đại là phương pháp CHIVAS. Nếu nhẹ, có thể điều trị bằng kỹ thuật tiêm chất gây co rút (dạng dung dịch, bọt), làm cứng lại các tĩnh mạch. 2. Bệnh viện tại gia Để phòng bệnh, bạn nên tránh đứng lâu và nhiều, tránh ngồi suốt 8 giờ. Lâu lâu bạn nên xoa bóp chân, co duỗi ngón, gập duỗi, xoay cổ chân, nhón gót. Khi nằm bạn nên kê cao chân bằng gối mềm. Bệnh nhân cần mang loại tất y khoa có công dụng tạo áp lực lên chân. 3. Nhỏ mà không nhỏ Nếu bạn cẩu thả trong việc vệ sinh răng miệng, vi khuẩn sẽ phát sinh gây viêm lợi, dẫn đến bệnh nha chu. Các vi khuẩn ấy sẽ từ miệng lần xuống tim hình thành bệnh Osler, tấn công hệ tim mạch, trong đó có cả tĩnh mạch ở phần chân. 4. Ra vườn tìm thuốc Hoa hòe màu vàng lục nhạt, vị đắng, tính bình, có công dụng hạ nhiệt, mát huyết, cầm máu. Rutin, một loại vitamin P trích từ hoa giúp gia cố thành mạch máu. Sao khô hoa đang nụ, sắc uống, trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới |
Theo Shape