Một buổi sáng… xấu trời, bạn thức dậy và bỗng thấy chán ngắt cái người đàn ông – gọi là chồng – đang “kéo gỗ” bên cạnh? Bạn ngắm nghía và tự hỏi: “Sao mình có thể từng chết mê chết mệt anh ta?”, rồi bao nhiêu hình ảnh hào hoa của người đàn ông từng làm bạn say đắm thuở nào tuột đâu hết, chỉ còn lại những thói hư, tật xấu. Trong tay bạn giờ là một chiếc kính hiển vi, và anh ta trở thành một… con bệnh, càng soi càng lắm tật. Ấy là khi bệnh “chán chồng” của bạn đã ở giai đoạn cửa sổ!
“Chán chồng” – có vẻ như đây là một cơn “bĩ cực” mà người vợ nào cũng từng gặp phải. Tuy nhiên, có người tìm thấy “ngày thái lai”, có người lại chấm dứt căn bệnh chán chồng bằng liều thuốc ly hôn.
VỢ: “Tôi quá chán chồng!”
– Tôi cảm thấy mình bị bỏ rơi. Chồng tôi không còn là người bạn đời của tôi nữa. Anh ấy không bao giờ có mặt khi tôi cần. Anh ấy giống hệt người độc thân vui tính, đi đâu, làm gì tôi không hay, không biết. Ngược lại, anh ấy cũng không cần biết tôi làm gì, nghĩ gì… Với tôi, chồng không khác gì gã hàng xóm. Đêm nằm ôm con, tôi chua xót vì phận làm vợ có chồng hờ hững cũng như không. Thử hỏi có nên kéo dài cuộc hôn nhân như thế nữa không?".
– Sau 12 năm chung sống, chồng tôi vẫn thế. Mộc mạc, giản dị, chân chất, nhưng công việc thì vẫn vậy. 12 năm làm anh nhân viên bàn giấy, không thăng tiến, không có ý chí học hỏi, vươn lên. Đồng nghiệp – ai thích “về nhất”, anh lập tức “né” qua một bên. Chồng tôi có sức ì kinh khủng và thêm cả thói quen ỉ lại. Tôi và anh ấy cùng xuất phát điểm như nhau, nhưng tôi vừa sinh con lại vừa lo học hành nâng cao. Đến nay tôi đã là một trong những nữ tiến sĩ trẻ nhất của ngành. Tôi hài lòng vì những kết quả đạt được nhưng ngày càng thấy anh kém cỏi, không tương xứng.
– Tôi năm nay 31 tuổi, vẫn căng tràn sức sống. Vậy mà, chuyện vợ chồng của chúng tôi xuống dốc thảm hại. Khoảng 2 tháng, anh ấy mới có nhu cầu gần gũi tôi 1 lần, mà cũng chỉ chăm chăm “về đích” một mình, bỏ lại tôi ê chề, tủi thân. Tình trạng này kéáo dài đã 2 năm. Nếu nói bỏ chồng vì lý do không thỏa mãn chuyện đó thì thật nhục nhã, nhưng tôi luôn thấy căng thẳng, mệt mỏi.
– Tôi chán chồng vì những chuyện tưởng chừng rất nhỏ, đó là lối sống, là những thói quen xấu mà anh ấy đã nhanh chóng nhiễm phải từ bạn bè. Nhậu nhẹt, đàn đúm, đi sớm về muộn, ăn tục nói phét, bừa bãi, vô tổ chức… Tôi như con ở của ba bố con anh ấy, vậy mà chưa bao giờ được một lời động viên, một lời cảm ơn. Tôi thèm được chia sẻ, được an ủi, cho dù là của… người đàn ông khác.
Trong 4 người vợ nói trên, có bao nhiêu người tiếp tục cam chịu? Bao nhiêu người muốn chữa khỏi bệnh chán chồng bằng phương thuốc ly hôn?
Thực ra, người vợ nào cũng muốn chồng thay đổi và họ kỳ vọng cảm giác chán chồng rồi sẽ có lúc qua đi. Họ mua rất nhiều sách về hôn nhân và thực hiện tất cả các lời khuyên trong đó với hy vọng cải thiện mối quan hệ vợ chồng nhưng không kết quả gì. Họ than phiền về cuộc hôn nhân với bạn bè thân thiết và đôi khi với bất kỳ ai.
Tại sao đa số phụ nữ không hài lòng về cuộc hôn nhân của mình? Cái gì khiến họ
Chưa bao giờ phụ nữ chán ngán đàn ông như bây giờ. 70% số người đứng đơn ly dị là phụ nữ. Tỷ lệ phụ nữ từ chối lấy chồng ngày càng cao. Phải chăng vai trò đơn giản của đàn ông trong quá khứ đã được thay thế bằng vai trò ngày càng phức tạp hơn, nhất là trong hôn nhân. Có người cho rằng phụ nữ sinh ra để phàn nàn và đàn ông muốn tồn tại chỉ còn cách tốt nhất là … điếc đặc. Số khác cảm thấy phụ nữ luôn không bằng lòng với người đàn ông họ có và hằng mơ ước một người đàn ông làm họ hài lòng. Và chính suy nghĩ này đã dẫn tới nhiều cuộc ly hôn. |
phải chán nản tới mức muốn từ bỏ người chồng mà họ đã lựa chọn, cho dù ly hôn là vạn bất đắc dĩ, nếu không muốn nói là mạo hiểm với tương lai của họ và con cái.
Nhưng nếu không chọn giải pháp ly hôn thì bệnh chán chồng khi trở thành mãn tính sẽ khiến người phụ nữ dễ đưa chân vào những cuộc lãng du nhằm tìm kiếm sự sẻ chia của những người đàn ông khác (biết đâu trong đó có cả những ông đang bị vợ chán đến tận cổ). Và khoảng cách giữa sự chia sẻ, an ủi với việc đi ngược đạo lý gia đình chỉ là một sợi tóc. Và lúc này, bi kịch của những mối quan hệ ngoài luồng còn tệ gấp nhiều lần bi kịch ly hôn.
Chồng: “không hiểu vợ chán cái nỗi gì?”
Khi tiếp xúc với những người chồng bị vợ coi như… hàng xóm, lại nghe họ giải thích khác hẳn. Đa số họ cho rằng mình đã tình nguyện mất hết… tự do vì vợ con, đã hạn chế tối đa bạn bè vì gia đình, và họ thấy mình còn khá hơn ông A, thằng B. Và với những cố gắng “vượt bậc” ấy không hiểu “vợ còn chán cái nỗi gì?”
100% các ông chồng biểu quyết: làm cho vợ hài lòng là điều không tưởng.
Những người chồng trong trường hợp 1,3,4 đều cảm thấy họ đã cố gắng hết mức để chăm sóc và quan tâm đến vợ, không từ bất cứ một điều gì đóng góp cho hạnh phúc gia đình nhưng họ luôn bị sức ép ngày càng gia tăng thôi thúc họ vừa phải kiếm tiền, vừa phải quan tâm đến vợ con hơn nữa.
Người chồng trong trường hợp thứ 2 thì cho rằng mình lui về làm hậu phương cho vợ yên tâm thăng tiến chứ không lại ù lì hay ỉ lại. Không ít đàn ông gần như kiệt quệ cảm xúc vì bao nhiêu công sức của họ chỉ đổi lấy những lời chê trách. Phải chăng vai trò đơn giản của người đàn ông trong quá khứ đã được thay thế bởi một vai trò ngày càng phức tạp hơn, nhất là trong quan hệ vợ chồng.
Có những người kết luận phụ nữ sinh ra để kêu ca phàn nàn và đàn ông muốn yên ổn chỉ còn cách giả đui giả điếc. Số khác cảm thấy phụ nữ luôn mơ ước tìm kiếm người đàn ông làm họ hài lòng. Vậy họ cứ thử đi. Những suy nghĩ này chỉ càng đẩy nhanh tốc độ ly dị hơn mà thôi.
Bên bờ vực của ly hôn
Ngày càng nhiều cuộc hôn nhân kết thúc bằng ly dị. Khi trình bày lý do ly hôn trước pháp luật, người phụ nữ đều cho là mình bị lừa dối. Những người đàn ông bị mang tiếng là chẳng quan tâm gì đến gia đình, hờ hững với vợ. Họ liên tục ra khỏi nhà, có khi để vợ phải cô đơn nhiều tuần lễ. Tóm lại lý do cơ bản mà phụ nữ chán chường đến mức bỏ chồng chính là sự xao lãng trách nhiệm của người chồng. Điều làm các nhà tâm lý bối rối là rất ít phụ nữ ly hôn vì chồng sa đọa, nghiện ngập, bạo hành hoặc những hành vi phạm tội. Có ông không hiểu vì sao mình bị vợ đòi ly hôn. Lẽ nào phụ nữ rời bỏ đàn ông chỉ vì họ… hờ hững. Thật là khó hiểu. Liệu có tin được không khi lý do người ta bỏ nhau chỉ đơn giản là sự xao nhãng. Vậy người đàn ông phải làm gì để vợ họ hài lòng?
Ngôi nhà của đàn ông
Không có hình ảnh nào minh họa cho người đàn ông sát thực hơn là hình ảnh của ngôi nhà có nhiều phòng và mỗi phòng có một chức năng riêng. Một phòng dành cho công việc, một phòng dành cho bóng đá, một phòng cho bạn bè, một phòng cho con cái và dĩ nhiên, một phòng cho vợ anh ta. Mỗi ngày anh ta đến từng phòng, thực hiện từng vai trò của mình và khi ở trong phòng nào, anh ta đều phải toàn tâm toàn ý cho phòng ấy trong thời gian đó. Với chức năng nào anh ta cũng hết mình và không nghĩ gì tới những cái khác. Vợ chỉ là một trong số những cái phòng này. Khi có mặt ở đó, anh ta vào vai người chồng. Anh ta hiến dâng nguyên vẹn để đáp ứng các yêu cầu của vợ và cũng giải quyết nhu cầu bản năng giới tính của đàn ông. Điều chán chường của các bà vợ chính vì họ chỉ là một phòng trong số những căn phòng ấy, trong khi họ muốn là tất cả ngôi nhà, không chừa lại dù chỉ một góc. Nếu không được như vậy họ bất mãn, họ từ chối mọi sự thân mật và trong nhiều trường hợp còn “cấm vận”, đóng chặt cửa phòng.
Chính vì vậy, giải pháp cho tình trạng mâu thuẫn vợ chồng là đàn ông hãy mời vợ vào thăm mỗi phòng trong ngôi nhà của mình để biết tất cả các khía cạnh trong cuộc sống của người chồng. Thử nghiệm cho thấy khi đàn ông làm được điều này, kết quả thật không ngờ. Chồng mời vợ vào thăm từng phòng một, người vợ có quyền tham gia vào mọi việc. Kết quả là người chồng đã cho vợ hiểu rõ toàn bộ cuộc sống của mình và vị trí cô ấy ở đâu. Từ đó, anh ta cũng học được cách hoạch định thời gian để quan tâm đến vợ.
Sách lược “thỏa thuận cùng nhau”
Để những người đàn ông có thể thoải mái đưa vợ vào thăm mỗi phòng, cần phải tuân theo sách lược “thoả thuận cùng nhau”. Không bao giờ làm bất cứ cái gì mà không có một thỏa thuận giữa vợ và chồng. Điều này sẽ tạo ra sự tương thích trong hôn nhân và sự liên kết cảm xúc. Vợ được tham gia vào mọi hoạt động của chồng, không có gì là bí mật. Tránh thói quen suy nghĩ và hành động một mình. Nếu có điều gì còn lăn tăn, vợ chồng cần bàn bạc để đi đến thống nhất.
Dĩ nhiên, giải pháp này sẽ khiến nhiều ông ngỏng cổ đòi tự do, vì nếu để vợ họ thò mũi vào tất cả các phòng như vậy thì còn gì là tự do của họ nữa? Thêm nữa, người vợ sẽ tham gia vào mọi việc và sẽ rối tung lên. Nhưng thỏa thuận không phải người này áp đặt lên người kia mà là bàn bạc đi đến thống nhất, chứ không áp đặt, điều khiển nhau.
Khôi phục tình yêu chẳng khó
Những đôi vợ chồng sau khi đã xây dựng được mối quan hệ như vậy phải làm sao từ đó người này hiểu người kia có những mối quan tâm nào trong cuộc sống. Dần dần họ làm quen với việc chấp nhận những mối quan tâm của nhau, thông cảm với nhau, giữa họ không còn khoảng cách nữa. Họ cảm thấy dễ sống với nhau hơn. Những người đàn ông theo sách lược “thỏa thuận cùng nhau” cảm thấy vợ mình không còn một chút nghi ngờ nào về cuộc sống riêng tư của mình và tình cảm giữa họ ngày càng tin cậy, thắm thiết hơn. Họ tạo ra lối sống thích hợp và có sự liên kết cảm xúc và tình yêu lại lãng mạn như thuở ban đầu.
Và khi đó, bệnh “chán chồng” chắc chắn sẽ nhanh chóng qua đi như một căn bệnh bộc phát do thời tiết vậy!