Hàm răng đều tăm tắp và nụ cười xinh ngày một trở thành tiêu chí quan trọng trong công cuộc làm đẹp của các cô gái.
Có một sự thật khó có thể chối cãi: nếu như không làm việc trong những lĩnh vực đặc thù có tiêu chuẩn cao về ngoại hình, phần đông chúng ta không dành quá nhiều thời gian để chăm chút cho hàm răng, tất nhiên là ngoài việc đánh răng ít nhất 2 lần/ngày và xỉa răng sau mỗi bữa ăn. Trong khi làn da, mái tóc hay môi – “người hàng xóm” gần kề nhất của khoang miệng, luôn là “nhân vật chính” của công cuộc dưỡng nhan hàng ngày, răng thường chỉ được quan tâm nhiều hơn khi bạn nhận thấy có điều gì đó không ổn. Chẳng hạn như chiếc răng khôn mọc lệch hay một lỗ sâu nhức nhối khiến bạn mất ngủ.
Tuy vậy, kể từ khi đại dịch xuất hiện với những đợt giãn cách xã hội tưởng chừng không hồi kết, dường như có một sự thay đổi đáng kể trong thế giới của những “nụ cười”. Cụ thể là, các khái niệm “Oral care”, “Oral beauty” và các phương pháp chăm sóc răng miệng DIY dần trở thành những từ khóa quen thuộc xuất hiện dày đặc trên các cộng đồng làm đẹp.
Tiến sĩ Steve Pringle, đồng tác giả của Tạp chí Global Cosmetic Industry số tháng 1/2021 khi đề cập đến xu thế này đã nhận định: “Chăm sóc răng miệng đã trở thành một phần của thế giới làm đẹp và hứa hẹn sẽ là thị trường ngách hấp dẫn không hề kém cạnh ngành công nghiệp triệu đô”. Đặc biệt, điều này cũng phần nào được chứng minh qua cái bắt tay hợp tác của Kendall Jenner với thương hiệu Moon Oral Care năm 2019, biến chăm sóc răng miệng trở thành một xu thế làm đẹp thời thượng hơn bao giờ hết trong thời đại này.
Suốt hai năm 2020-2021, giai đoạn điểm đỉnh dịch COVID-19, trong khi những thỏi son, hộp phấn phải chịu cảnh bị “bỏ xó”, các cuộc hẹn spa và làm móng bị hoãn vô thời hạn do chuỗi ngày giãn cách kéo dài, “Oral care” đã nổi lên như một mối quan tâm mới, kéo theo nguồn cầu khổng lồ đối với các sản phẩm và phương pháp vệ sinh răng miệng tại nhà trong giai đoạn này. Theo nghiên cứu từ Mintel GNPD, doanh số của sản phẩm tăm nước tại Mỹ tăng vọt lên đến 104% vào năm 2020 và có hơn 15.000 sản phẩm kem đánh răng và làm trắng mới được ra đời để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Từ đây, không ít người tự hỏi “Tại sao trong suốt thời kỳ đại dịch khi hầu như mọi hoạt động liên quan đến khuôn mặt đều diễn ra dưới lớp khẩu trang, răng miệng lại có thể trở thành đề tài thu hút nhiều sự chú ý đến thế?”
Tiến sĩ Matt Nejad, nha sĩ thẩm mỹ được hội đồng chứng nhận ở Beverly Hills giải thích: “Từ các cuộc họp qua Zoom, cuộc trò chuyện trực tuyến bằng Skype cho đến FaceTime, con người đã dành nhiều thời gian hơn cho các cuộc gọi video trong đại dịch. Điều này khiến ta nhìn nhận và hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của nụ cười và răng miệng khi thấy chúng xuất hiện trên màn hình.” Ngoài ra, cũng từ đại dịch, nhận thức của con người về sức khỏe tổng thể cũng dần được nâng cao. Răng và khoang miệng, nơi chứa hệ thống dây thần kinh phức tạp có có liên quan trực tiếp đến khả năng điều khiển cảm giác của các cơ quan trên khuôn mặt, từ đó đã trở thành mối quan tâm hàng đầu.
Một động lực khác đã thúc đẩy sự bùng nổ của ngành công nghiệp “nụ cười” phải kể đến chính là Gen-Z. Những người trẻ sinh từ năm 1995 trở đi tuy không phải là nguồn cơn của xu hướng, nhưng chắc chắn thế hệ này đã nâng nó lên một tầm cao mới. Thế hệ Gen-Z coi ngành công nghiệp làm đẹp là một công cụ để chăm sóc bản thân. Do đó, đối với họ, chăm sóc răng miệng không còn chỉ gói gọn trong câu chuyện về những chiếc răng đau, giờ đây, địa hạt này còn là nơi để giúp vẻ ngoài thêm phần tỏa sáng.
Đồng thời, phương tiện truyền thông xã hội cũng đóng một vai trò không hề nhỏ trong khoản khiến xu hướng làm đẹp này trở thành một cú nổ lớn. Hình ảnh các nha khoa thẩm mỹ hay nhãn hàng chăm sóc răng miệng hiện nay trở nên phổ biến hơn bất cứ lúc nào trong lịch sử, phần lớn nhờ vào sự phát triển của Facebook, Instagram và TikTok và sự lăng xê mạnh mẽ của các influencers. Bằng chứng là có đến hơn 117,3 triệu video có gắn thẻ #oralcare, 31 triệu video gắn thẻ #oralcarrroutine trên TikTok và Colgate-Palmolive cũng được ghi nhận là một trong những thương hiệu chi nhiều tiền nhất cho những nhân vật có sức ảnh hưởng để quảng bá cho chiến dịch #SmileChallange của mình trên nền tảng này.
Hậu đại dịch, người tiêu dùng bắt đầu chi tiêu nhiều hơn cho các phương pháp điều trị làm đẹp tại nhà, giống như xu hướng chăm sóc sức khỏe DIY. Bên cạnh rất nhiều loại chăm sóc cá nhân như peel da và triệt lông bằng laser tại nhà,… họ bắt đầu tìm kiếm các sản phẩm chăm sóc răng miệng có thể biến đổi nụ cười tươi sáng hơn chỉ sau một đêm. Nắm bắt được tâm lý này, các thương hiệu tập trung phát triển dòng sản phẩm mà người tiêu dùng đang khao khát, với 3 yếu tố là thước đo bao gồm: chức năng, thành phần và thiết kế.
Chức năng: Các thói quen chăm sóc răng miệng đã được nâng lên thành một trải nghiệm làm đẹp. Ngày nay, chúng ta dần thay thế bàn chải truyền thống bằng bàn chải điện có sáu chế độ rung làm sạch được tích hợp các loại đèn làm trắng răng. Đồng thời, các công cụ chăm sóc răng thông minh như tăm nước, bút tẩy trắng răng,… giúp cho thị trường này càng thêm đa dạng hơn bao giờ hết.
Thành phần: Chức năng sẽ luôn luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu, nhưng nó không phải là điều duy nhất mà người tiêu dùng Gen-Z đang tìm kiếm. Thế hệ này thường bị thu hút bởi các sản phẩm chăm sóc răng miệng có khả năng cải thiện vẻ đẹp một cách tự nhiên, lành mạnh và không chứa thành phần khắc nghiệt hay gây hại cho nướu. Do đó, các sản phẩm chăm sóc răng miệng K-Beauty chứa hoạt chất lấy cảm hứng từ skincare như Cica và Hyaluronic Acid, nhân sâm và chiết xuất thảo dược,… dần chiếm được nhiều tình cảm hơn so với các công cụ truyền thống.
Thiết kế: Trong thế giới làm đẹp, mọi chi tiết đều quan trọng, từ nội dung bên trong cho đến “lớp áo” bên ngoài. Người tiêu dùng muốn các sản phẩm chăm sóc răng miệng phải đủ đẹp để trưng bày trên kệ và khoe chúng trong những bức ảnh check-in trên Instagram hay chiếc video 60s trên TikTok. Do đó, để có thể tiếp cận khách hàng Gen-Z trong thời đại này, phó chủ tịch Colgate-Palmolive Dana Medema cho biết: “Với sự cạnh tranh ngày càng tăng trong thế giới “Oral beauty”, chúng ta sẽ được tiếp cận với nhiều thiết kế sản phẩm bắt mắt hơn trong những năm tới.”
“Ngành công nghiệp chăm sóc miệng hiện nay đang làm được điều tương tự như ngành công nghiệp chăm sóc da đã làm cách đây 20 năm”, hai nữ tiến sỹ thuộc Học viện Nha khoa Hoa Kỳ Lisa Creaven và Vanessa Creaven kết luận. Do đó, có thể nói, với nhu cầu và kỳ vọng trên, không có dấu hiệu nào cho thấy xu thế xem chăm sóc răng miệng như một cách để đầu tư cho nhan sắc này có chiều hướng chững lại. Thay vào đó, nó sẽ tiếp tục phổ biến và “làm mưa làm gió” mạnh mẽ hơn trong tương lai gần.