Răng sữa đóng vai trò quan trọng trong việc ăn, nhai, phát âm và tạo nên vẻ thẩm mỹ cho khuôn mặt trẻ. Đồng thời, răng sữa cũng đóng vai trò giữ chỗ trên xương hàm cho các răng vĩnh viễn sau này. Cha mẹ có thể giúp cho trẻ giữ răng chắc và khỏe bằng cách tập cho trẻ những thói quen răng miệng lành mạnh ngay từ những năm tháng đầu đời.
Cách chăm sóc răng miệng cho trẻ
Vi khuẩn gây bệnh răng miệng lây từ răng này qua răng khác và từ miệng người này qua miệng người khác. Chúng không có trong miệng trẻ sơ sinh. Khi răng bắt đầu mọc, vi khuẩn này được truyền từ mẹ qua việc hôn hít, nếm thức ăn hay mút vú giả trước khi cho trẻ bú. Việc bà mẹ chải răng thật kỹ, chế độ ăn có lượng đường thấp sẽ giảm lượng vi khuẩn sâu răng trong miệng, từ đó làm giảm hay chậm khả năng truyền vi khuẩn sang cho trẻ. Để loại trừ sự lây nhiễm, không nên nhai hay cắn thức ăn rồi đút cho trẻ, không cho trẻ sử dụng chung muỗng, đũa với người bị sâu răng và tránh sử dụng chung bàn chải đánh răng.
– Trước khi trẻ có răng (6 tháng tuổi), nên cho trẻ uống vài muỗng nước ngay sau khi bú (và ợ). Dùng gạc hay vải ướt quấn quanh ngón tay, lau sạch và xoa nắn nướu, lưỡi cho trẻ sau khi cho trẻ bú hay ăn.
– Sau khi trẻ có răng, nên cho uống vài muỗng nước ngay sau khi bú hay ăn rồi dùng gạc hoặc vải ướt quấn quanh ngón tay lau sạch răng (đừng quên lau mặt trong của răng) và xoa nắn nướu lưỡi cho trẻ.
– Trẻ 1 tuổi (có 8 răng cửa), cho dùng bàn chải đánh răng có lông mềm với kích thước nhỏ. Với trẻ dưới 3 tuổi, nên cẩn thận khi sử dụng kem đánh răng trẻ em có chứa flour. Trẻ em hơn 3 tuổi có thể sử dụng kem đánh răng trẻ em chứa flour, với lượng kem phết lên bàn chải bằng hạt đậu. Dùng chỉ nha khoa để làm sạch mặt bên trong.
– Thường xuyên cho bé đi khám bác sĩ nha khoa. Nên cho trẻ đến bác sĩ răng hàm mặt lần đầu tiên khi trẻ được 6 tháng tuổi để phát hiện các vấn đề sức khỏe toàn thân có liên quan đến răng miệng; đặc biệt do cách cho trẻ ăn (sâu răng do bú bình) và áp dụng kịp thời các biện pháp phòng ngừa sâu răng. Duy trì chế độ 6 tháng tái khám 1 lần. Không nên chờ đến khi trẻ có răng sâu hay đau răng mới đến bác sĩ răng hàm mặt.
Tập cho bé đánh răng đúng cách
Đặt lòng bàn chải hướng về phía đường viền nướu một góc 45 độ so với răng, lắc nhẹ bàn chải. Chải từng nhóm răng, mỗi nhóm độ 2 – 3 cái, chải ba mặt răng: mặt ngoài (nhìn thấy khi há miệng), mặt trong (phía dưới) và mặt nhai. Cha mẹ cần tiếp tục chải răng cho trẻ đến 9 – 10 tuổi, vì trẻ không có kỹ năng tự chải răng một cách hiệu quả trước độ tuổi này.
Thường trẻ không thích kem đánh răng. Nhưng bạn đừng lo lắng, vì chính bàn chải (chứ không phải kem) mới làm sạch được các mảng bám trên răng. Nếu trẻ có thể sử dụng kem đánh răng, cha mẹ phải cẩn thận không cho trẻ nuốt kem. Nên sử dụng một lượng rất ít kem đánh răng (nhỏ bằng hạt đậu). kem đánh răng chứa flour sẽ làm răng thêm rắn chắc.
Trẻ bú mẹ có răng “xịn” hơn trẻ bú bình – Thông thường, đa số răng được hình thành trong thời kỳ thai nhi còn trong bụng mẹ. Sau khi trẻ chào đời, 20 răng sữa gần như đã vôi hóa dưới lợi để sáu tháng sau bắt đầu mọc lên. Sữa mẹ được xem là nguồn dinh dưỡng quý giá mang lại nhiều lợi ích cho răng của trẻ sơ sinh. – Mặc dù chứa ít canxi, nhưng sữa mẹ được hấp thụ tốt hơn với tỉ lệ 67% so với 25% của sữa công nghiệp. Vì vậy, trẻ bú sữa mẹ thường có hệ xương và răng tốt hơn so với trẻ bú bình. Ngoài ra, trẻ bú mẹ luôn tốn nhiều sức lực hơn nên bú mẹ tạo thuận lợi cho sự phát triển cơ mặt và hàm, giúp răng của trẻ bú mẹ mọc thẳng hàng hơn. |
Theo CNMS