Có rất nhiều nguyên nhân gây nên dị ứng và kích ứng da như: thời tiết, thực phẩm, mỹ phẩm, ô nhiễm môi trường. Biểu hiện chung của những làn da khi bị dị ứng, kích ứng thường là trên da xuất hiện những nốt mẩn nhỏ li ti trông như mụn nước hoặc mụn trứng cá đầu trắng. Những nốt mụn này thường mọc thành cụm đi kèm với ban đỏ khiến cho bạn có cảm giác da bị dày lên, ngứa và rất khó chịu. Để mau chóng kết thúc tình trạng này và tìm lại làn da mịn màng vốn có, bạn hãy lưu ý áp dụng các biện pháp sau đây:
1. Ngưng sử dụng mỹ phẩm
Khi thấy da có các dấu hiệu bất thường, bạn cần phải kiểm tra lại xem trong khoảng thời gian từ 3-7 ngày trước khi bị dị ứng có sản phẩm mới nào đã được sử dụng hoặc thói quen chăm sóc nào được thay đổi hay không.
Ngoài ra, khi da bị dị ứng, kích ứng cũng là lúc sức đề kháng của da đang ở mức thấp. Bạn nên hạn chế sử dụng các loại sản phẩm chăm sóc và trang điểm hàng ngày. Bởi, các hóa chất có trong mỹ phẩm có thể sẽ khiến da thêm mẫn cảm, quá tải. Một tuần là quãng thời gian “nghỉ ngơi” tối thiểu mà da cần có để hồi phục.
2. Rửa mặt bằng nước muối
Vì không được sử dụng mỹ phẩm nên nhiều bạn sẽ cảm thấy rất khó chịu khi không được làm sạch da bằng các sản phẩm như dầu tẩy trang hay sữa rửa mặt. Tạm thời, trong giai đoạn bị dị ứng, chúng ta có thể sử dụng nước muối sinh lý hoặc rửa mặt bằng nước sạch có pha thêm một chút muối tinh để thay thế.
Đừng vội hoài nghi rằng nước muối không thể làm sạch sâu cho da bằng các loại sữa rửa mặt. Hãy sử dụng một miếng bông tẩy trang (cotton 100%) để thấm nước muối và lau nhẹ nhàng trên da. Nước muối không chỉ có tính sát khuẩn cao mà khi kết hợp với bông tẩy trang còn có thể cuốn đi mọi bụi bẩn, dầu thừa và tế bào chết. Sau đó, bạn có thể coi nước muối như một loại dung dịch làm sạch dạng nước, đổ ra tay và massage nhẹ nhàng trong khoảng 3-5 phút rồi rửa lại bằng nước. Có như vậy, da mới không bị tổn thương mà vẫn đảm bảo sự thông thoáng, sạch sẽ cho các lỗ chân lông.
3. Uống nhiều nước
Những ngày không sử dụng sản phẩm dưỡng ẩm, nguồn nước duy nhất để tiếp sức cho làn da chỉ có thể đến bằng con đường trực tiếp từ bên trong cơ thể. Vì vậy, nếu bạn đã từng thực hiện đúng nguyên tắc uống đủ 8 ly nước mỗi ngày thì khi da bị ốm, con số này sẽ còn phải tăng lên nhiều hơn thế. Ngoài ra, uống nước nhiều còn khiến cơ thể thải độc nhanh hơn, giúp hiện tượng dị ứng mau kết thúc.
4. Không cho tay lên mặt
Ai cũng biết tay là nơi chứa rất nhiều vi khuẩn và nếu chẳng may để tay tiếp xúc với những vùng da yếu ớt đang bị dị ứng, những nốt mẩn có thể sẽ bị viêm nhiễm, biến thể thành mụn và trở nên khó điều trị hơn rất nhiều.
5. Dùng mặt nạ trứng
Khi da bị kích ứng, tốc độ tái tạo của các tế bào da sẽ tăng lên đáng kể, các tế bào chết sẽ xuất hiện ngày một nhiều – đây được gọi là hiện tượng sừng hóa. Điều này cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều người cảm thấy da bị dày và bí hơn khi bị dị ứng.
Cách đơn giản và nhẹ nhàng nhất để loại bỏ các tế bào chết mà không làm tổn thương đến làn da mỏng manh đó là sử dụng mặt nạ lòng trắng trứng. Bạn có thể tách riêng lòng trắng trứng và bôi lên da một lớp mỏng. Sau khi mặt nạ se lại thì rửa mặt sạch và bôi tiếp một lớp lòng đỏ trứng để dưỡng ẩm. Trong trứng chứa nhiều protein, collagen và vitamin A có tác dụng tái tạo các tế bào da và tuyệt đối an toàn kể cả với những làn da nhạy cảm nhất.
6. Đi khám
Đối với các trường hợp dị ứng nặng, bạn cần phải tìm đến các trung tâm y tế uy tín để khám và dùng thuốc theo kê đơn của bác sĩ. Tuyệt đối không nghe theo lời khuyên nhủ của bạn bè hay các mẹo chữa dân gian mà áp dụng các loại thuốc bôi hoặc mỹ phẩm khác lên da.
Bởi, ngoài các tác nhân nêu trên hiện tượng dị ứng da còn có thể là biểu hiện của một số bệnh lý liên quan đến suy giảm chức năng gan, thận hoặc tạp chất có trong cơ thể… Vì vậy, việc khám bệnh và sớm phát hiện để điều trị là rất cần thiết.
Bài: Hoàng Mỹ Hà
Ảnh: beautystat, bunbunmakeuptips