Chuẩn bị diện mạo xinh tươi, cơ thể thanh sạch, tinh thần vui vẻ và bỏ qua chuyện cũ để chào đón một năm mới an lành.
Giữa tiết trời giá rét ngày đầu năm mới, người dân Nhật Bản có phong tục tắm nước lạnh vào sáng chủ nhật thứ hai của tháng 1 để thanh tẩy cơ thể và tâm hồn tại ngôi đền cổ Teppozu Inari Shinto (thủ đô Tokyo). Tại Việt Nam, cứ đến chiều 30 Tết là người Việt đặc biệt là người dân miền Bắc lại mua lá mùi già về đun nước tắm.
Việc giữ nếp tắm gội thơm tho, dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa sạch đẹp đón năm mới đã trở thành một trong những thói quen lâu đời của nhiều dân tộc, đất nước mỗi dịp Tết đến xuân về. Điều này không chỉ giúp làm sạch, giữ ấm cơ thể mà còn giúp tinh thần trở nên thoải mái. Dưới đây là một số lưu ý bạn có thể áp dụng để công cuộc tắm rửa mùa xuân trở nên hiệu quả và thư giãn hơn.
Khi nhiệt độ cơ thể hạ xuống, quá trình trao đổi chất chậm lại và chức năng tái tạo da không phát huy được đủ vai trò của nó. Đây là lý do tại sao khi trời lạnh, các tế bào da chết tích tụ trên da vào tạo lớp sừng thô ráp ngay cả khi bạn có thoa kem dưỡng ẩm. Vì vậy, hãy thường xuyên tẩy tế bào chết để làn da cơ thể thanh sạch và mịn màng.
Khi da tiếp xúc quá lâu với nước, lớp màng hydrolipid yếu đi làm làn da trở nên sần sùi, mất nước và nhạy cảm hơn. Do đó, bạn thực hiện bước tẩy tế bào chết trước khi tắm với nước ấm để giảm kích ứng da. Sử dụng các hoạt chất hóa học AHA/BHA để loại bỏ lớp sừng dịu nhẹ hoặc massage da bằng sản phẩm chứa các hạt muối biển mịn nếu bạn muốn tận hưởng cảm giác sảng khoái. Bàn chải khô cũng là một công cụ đắc lực khác để tẩy đi lớp da chết sần sùi và cải thiện lưu thông máu giúp da hồng hào hơn.
Cứ mỗi 1°C nhiệt độ giảm sút, khả năng miễn dịch của cơ thể sẽ giảm khoảng 30%. Chưa kể, khi nhiệt độ cơ thể thấp hơn mức trung bình, các mạch máu sẽ bắt đầu co lại để ngăn sự thoát nhiệt, từ đó làm chậm quá trình lưu thông máu khiến da sần sùi, nhạy cảm, dễ bị sạm nám và tàn nhang.
Tắm với nước ấm là một cách đơn giản để tăng nhiệt độ cơ thể mà không cần vận động. Nó không chỉ thúc đẩy lưu thông máu mà còn giúp giảm mệt mỏi bằng cách gột rửa các chất bụi bẩn và mồ hôi trên cơ thể. Nhiệt độ nước nên ở khoảng 38~40°C và bạn chỉ nên tắm trong khoảng thời gian không quá 30 phút. Ngâm mình trong nước nóng trong một thời gian dài có thể khiến cơ thể mất nước và khiến hàng rào bảo vệ da suy yếu.
Sau khi tắm, độ ẩm của da tạm thời tăng lên và tạo cảm giác ẩm mượt. Nhưng trên thực tế, hàng rào lipid của da sau khi tiếp xúc với nước đã suy yếu hơn nên da không thể duy trì khả năng tự giữ ẩm lâu dài. Vậy nên, trong vòng 3 phút sau khi tắm, hãy thoa lotion hoặc kem dưỡng ẩm để da bổ sung dưỡng chất và khóa lại lớp màng ẩm trên da, tránh độ ẩm bị bay hơi và da không bị khô nhanh.
Khi chọn kem dưỡng, bạn nên ưu tiên chọn các sản phẩm có chứa ceramide hay axit hyaluronic để làn da căng mọng và nhẹ nhàng ngay tức thì mà không gây bí bách. Những loại kem dưỡng chứa mùi nước hoa nhẹ dịu có tác dụng xoa dịu tâm trí.
Chăm sóc da đầu và tóc trong khi tắm sẽ mang lại kết quả mỹ mãn gấp đôi bình thường. Điều này là do hơi nước ấm và độ ẩm của phòng tắm sẽ giúp các lỗ chân lông trên da đầu và biểu bì tóc mở rộng, từ đó đào thải chất thải ra ngoài và hấp thụ tinh chất của các sản phẫm dưỡng hiệu quả hơn. Chỉ cần đầu tư 30 phút tại nhà, bạn có thể thấy hiệu quả không thua kém gì một spa chăm sóc tóc cao cấp.
Thoa sản phẩm tẩy tế bào chết lên da đầu, xoa bóp kỹ bằng các ngón tay rồi rửa sạch. Sau đó thực hiện các bước gội xả quen thuộc và sau cùng đừng quên massage tóc với dầu dưỡng.