– Rồi sẽ càng mất ngủ thôi, làm mẹ, làm vợ, rồi làm báo, không mất ngủ mới là lạ! Nhà mình, với những người thân có thể là nơi chốn bình yên cho mình mỗi ngày, những bên ngoài cánh cửa kia, vô số chuyện không lường…
– Bây giờ đúng là “chả sợ gì, chỉ sợ già”, chị nhỉ? Đấy, hôm nọ lại vừa đọc bài báo “con giàu vứt cha già ra đường”, lại càng thấy cái sợ của mình là có lý!
– Nói thế, phải tội con mình! Chuyện gì, chắc cũng phải có những nguyên do sâu xa của nó hết, mà có khi phải là những người trong cuộc mới hiểu hết được! Dù tất nhiên là hành động kia thì đúng là “động trời” không thể chấp nhận rồi! Không nhất thiết những người không thể ở cùng nhau lại cứ phải ở cùng nhau, dù là chung huyết thống. Thiếu gì cách tốt đẹp hơn chứ?
– Nói “vứt ra đường” thì nghe cũng hơi kinh và đúng là cách giật tít của báo mạng! Thực ra là vứt trước cửa nhà thì đúng hơn, nhưng không may đây lại là nhà mặt đường nên cũng là… “vứt ra đường”!
– Nhà mặt đường, mở cửa ra là một thế giới thu nhỏ, trừ khi trước mặt là…một cái hồ. Nhà mặt tiền, là “tiền mặt”… không chỉ mang giá trị là một gia sản, nó còn có ý nghĩa thông báo: “Đây là chúng tôi” với bàn dân thiên hạ!
– Đầy người lên án những đứa con bất hiếu, nhưng cũng có người đặt dấu hỏi: Hẳn phải có chuyện gì khuất tất phía sau (chẳng hạn: Người cha từng cư xử tệ bạc với người mẹ, hoặc việc phân chia tài sản thừa kế không công bằng…) nên giờ con cái mới xử tệ như thế…
– Tôi luôn nhìn hiện tượng nhưng nghĩ về bản chất, chuyện gì cũng có căn nguyên sâu xa, không ai có thể hiểu và sống thay người khác.
– Nhưng quả thực từng có không ít chuyện buồn về chữ hiếu là được bắt nguồn từ những sai lầm trong quá khứ của những người làm cha làm mẹ khi đối xử với vợ/chồng/con cái… Vậy, để chữ hiếu không có dịp “báo thù”, theo chị, bài học nào là cần thiết hơn cả cho những người làm cha, làm mẹ?
– Phải rất nghiêm túc về một vấn đề lâu nay ít được quan tâm: Sự thiếu văn minh, lối sống vô cảm của bố mẹ đôi khi cũng có thể biến con thành người ác. Rất nhiều gia đình, ông bố ăn nhậu cả triệu đồng một bữa là bình thường, bà mẹ lo làm đẹp chống lại tuổi già cả vài chục triệu không tiếc, nhưng 30 năm không ai đọc lấy một cuốn sách. Nếu có cầm tới cuốn sách vài chục ngàn lập tức la lên đắt thế! Dù bố mẹ không làm gì sai, nhưng nếu con cái sau này, một là sống như bố mẹ nó, hai là khinh bỉ bố mẹ, tìm cách thoát ly ra khỏi gia đình đó vì nó muốn chọn một đời sống văn minh hơn, học rộng biết dài… thì cũng đừng cho đấy là con bất hiếu! Bởi theo tôi, bên cạnh tội bất hiếu thì sự tầm thường của người lớn, đôi khi cũng là tội ác!
– Chị vẫn tin vào những cuốn sách đến thế sao?
– Tôi nghĩ, đây là vấn đề đáng báo động. Vì tôi biết có những gia đình thậm chí còn cấm con đọc sách văn học vì cho là nó… không thiết thực, dù đó là những tác phẩm kinh điển của trẻ con như truyện cổ Andersen. Thay vì thế, họ chỉ cần con học thuộc văn mẫu, sách công cụ… để mang về nhiều điểm 10, kỹ năng sống thiếu hiểu biết trầm trọng. Có ai dám đảm bảo tất cả những đứa trẻ học toàn điểm 10 bây giờ, sau này ra xã hội là người văn minh, không khạc nhổ ra đường, thấy người yếu thì giúp hay cũng vô cảm như cha mẹ chúng không… Tôi không tin lắm những đứa trẻ bấm Ipad nhoay nhoáy lại là người văn minh, nhân hậu sau này.
– Thì đấy! Thế nên, hôm rồi trên một diễn đàn, các mẹ thêm lần nữa lại tranh cãi chuyện “nuôi con kiểu Việt”, tức là vác bát cơm chạy theo con nài nì từng thìa, trong khi các mẹ Tây thì ung dung để con tự chiến đấu vì luôn tin rằng “kiểu gì rồi cũng cho được cơm vào mồm”. Rồi chưa biết chừng, về sau không khéo lại bị con vứt ra đường, lúc đấy thì đúng là đắng đót không biết để đâu cho hết!
– Là bởi nỗi, cơm ngon canh ngọt vào miệng, nhưng ngoài chất bổ đậm màu sắc vật chất đó, cha mẹ có gì cho con vào đầu và điều gì là quan trọng trong hành trình hoàn thiện nhân cách của con không thì mới là đáng nói!…
– “Thành phố đi vắng”, hay chính là tình người “đi vắng”, “Phố đã dài, giờ thêm lạnh…”… – Những trang văn ấy của mình, chị nghĩ nó đã gói được bao nhiêu phần trăm sự thật của đời sống hiện nay, khi tình người thường xuyên “đi vắng”?
– Tôi ngày một kinh hãi một điều đang loang rộng, phủ trùm lên xã hội, đấy là sự vô cảm, tầm thường. Một người bị tai nạn, có cả trăm người đứng xem nhưng không ai cứu. Một cái nhà cháy, vô phúc ở trong hẻm thì khỏi cứu đi, người xem bít kín đường lấy lối đâu mà vào… Người tốt vẫn nhiều, nhưng khép nép vì những cơn gió vô cảm, tầm thường thổi quét triền miên, làm người ta lạnh từ trong lạnh ra…