Cha không báo cáo, mẹ không báo cáo, tại sao phải “báo cáo” Facebook?

Facebook đã đến hồi… “phản chủ”?
Một tuần chứng kiến bao sự vụ ồn ào từ Facebook: cuộc “ẩu đả bằng status” giữa hotgirl nọ và người yêu cũ cùng fans hai bên, hay “tai nạn” của một số sao khi status cùng những hình ảnh của họ bị lôi lên báo và hứng cả “rổ đá”… Facebook đã đến thời… “phản chủ”, hay chính những người của công chúng và những “anh hùng bàn phím” phải xem lại “đường ăn ở” của mình?

Hãy cùng sao Việt chia sẻ quan điểm…

Tại sao???

Tôi vẫn thường “gào” lên như vậy mỗi khi bản thân chực post một tấm ảnh “báo cáo” kiểu như “Tôi đang đi spa thư giãn” hay “Đây là khẩu phần ăn sáng của tôi”. Thú thực, tôi cũng giống như các bạn, lúc này hay lúc kia cũng trở thành “nạn nhân của chính mình” khi quá say mê du nhập vào cái chứng “nghiện update” trên Facebook.


Siêu mẫu Hà Anh

Tôi hiểu, là con người, chúng ta có nhu cầu chia sẻ, có nhu cầu kết nối, chúng ta đều muốn được “nhìn thấy” và “nghe thấy”, nên tôi sẽ luôn tôn trọng cái quyền tự do cá nhân của mỗi người, theo cái cách thể hiện riêng của chính họ trên trang cá nhân của mình.

Nhưng tôi cho rằng, có nhiều người nhầm lẫn cái quyền “tự do ngôn luận” với việc tự cho phép mình được quyền làm bẩn mắt, bẩn tai người khác bằng những bình luận mạt sát, dè bỉu, thậm chí chửi bới đối với những cá nhân khác – những con người có thể không hoàn toàn có chung quan điểm, lối sống đối với chúng ta, nhưng hoàn toàn KHÔNG LÀM GÌ TỔN HẠI đến chúng ta. Không một cọng tóc! Không hề!

 
Trong tháng 7 này, siêu mẫu Hà Anh là một trong ba nhân vật đảm nhận vai trò cầm cân nảy mực casting tuyển chọn những gương mặt triển vọng cho cuộc thi Elite Model Look 2014 (phiên bản Việt).

Sở dĩ ta cho ta cái quyền lên mặt dạy đời, mở lời mạt sát, ăn nói thô tục, cũng là vì ta muốn chứng tỏ cái tôi, cái quan điểm, cái tầm quan trọng bậc nhất của chúng ta ư? Rằng, chúng ta tao nhã, chúng ta đạo đức, chúng ta hoàn hảo – hoàn toàn hoàn hảo?

Tôi cho rằng, văn hoá Facebook không nên khác với văn hoá đời thường.
 
Nếu như bạn nghĩ rằng, ngoài đời thực, bạn không nên tự do vào nhà một người lạ mặt khi chưa có sự cho phép, không nên đi giày bẩn từ ngoài đường vào, không nên chễm chệ trên giường của người ta, thì đương nhiên càng không được cho phép mình nhổ một bãi nước bọt giữa mâm cơm nhà người ta, rồi bỏ đi!
 
Ồ không, điều này chắc chắn sẽ không thể xảy ra ở đời sống hiện tại, bởi ta có thể lường rõ hậu quả của nó sẽ như thế nào. Đơn giản là ăn cú đấm, còn nếu không, tôi không dám nghĩ nữa!

Ấy vậy mà khi ở trên mạng xã hội, không ít người tự cho mình cái quyền này. Đơn giản vì họ chỉ là một cái “nick” – thật mà rất ảo. Họ không phải chịu trách nhiệm về những điều mình nói! Nhưng sự tự do của chính bản thân mình, có nhất thiết phải đánh đổi bằng việc chà đạp lên sự tự do của nhiều người khác?
 
Tôi vẫn thường nghĩ, thời gian rảnh rỗi sao không để nghe nhạc, nhấm nháp tách trà, đi massage, ngồi đọc sách ở hồ bơi, đến nhà bạn bè nấu ăn hay làm điều gì đó có ích cho cộng đồng. Chính vì vậy, tôi cảm thấy tốn năng lượng khi phải nhìn thấy những chia sẻ về những nhân vật tôi hoàn toàn không quen biết, cũng chẳng hề quan tâm, về những cãi vã cá nhân của họ, về việc họ tiêu bao nhiêu tiền, nhắn tin bậy bạ ra sao!
 
Trời ơi, hãy kệ xác!!! Chúng ta không thể để lãng phí năng lượng của bản thân cho những chuyện lãng xẹt như vậy được.
 
Ngày hôm nay, bạn đã nói bạn yêu bố mẹ chưa? Đã cám ơn về một cử chỉ quan tâm của chồng? Đã cảm kích về bữa ăn ngon của vợ? Đã nói lời khích lệ bạn bè để họ cảm thấy  cuộc sống của họ có thêm động lực? Hay đã chia sẻ một thông tin hữu ích gì tới cộng đồng? Vậy, còn chờ gì nữa!
 
Mạng xã hội – mạng của xã hội – bản chất của nó có thể giúp chúng ta nhân rộng, lan toả những năng lượng tích cực hay những bi quan, tình yêu hay những thứ u ám, những màu sắc tươi đẹp hay đen tối, xấu xí?
 
Tất cả, đó là lựa chọn của mỗi chúng ta.

 
Siêu mẫu Hà Anh
Ảnh:
Nhân vật cung cấp
logo

Tác giả “Thi nhân Việt Nam” từng nói: “Trong mỗi chúng ta đều có một người nhà quê”. Bạn có nghĩ, thời facebook, “trong mỗi chúng ta (cũng) đều có một… nhà báo”, một nhà “phản biện xã hội”? Nữa là, với một “người của công chúng”, mà ảnh hưởng của họ, trong mỗi phản biện, phát ngôn, nhiều khi còn có sức “công phá” hơn một bài báo “chính hiệu”?

Đẹp xin mời bạn đến với “SAO LÀM BÁO”, để được nhìn thấy những “nhà báo” trong mỗi “ngôi sao”, đồng thời xin mời những người của công chúng nói lên tiếng nói của mình, bằng trách nhiệm công dâncủa một người nghệ sỹ, trước những vấn đề không – của – riêng – ai

>> Cùng chủ đề – Nhà báo – Ca sĩ Ưng Hoàng Phúc: Facebook – thế giới ảo, bộ mặt thật
Những chuyện ồn ào từ facebook khi được đăng tải trên truyền thông thì đã có 60% là sự thật, 20% là hoài nghi và 20% còn lại là nhờ khán giả đánh giá. Cho nên, ta không thể đổ lỗi hoàn toàn cho thế giới mạng mà đôi lúc cũng cần phải xem lại “đường ăn ở” của mình.


From the same category