Cây ngũ phúc
Người ta bảo, ở Thanh Oai có một khu vườn lạ, lạ từ ông chủ vườn, lạ ở mỗi thân cây, lạ ở từng loại quả. Quả thật, đến vườn cây của ông, ai cũng trầm trồ vì loại cây mà có đến 5 loại quả cùng leo đậu trên một thân cây.
5 loại quả ấy ra hoa đậu quả một cách tự nhiên, chứ không phải dán cành, dán quả. Đó là các loại quả cam, quýt, chanh đào, phật thủ, bưởi Diễn. Điều đặc biệt hơn là bạn thưởng thức thứ trái cây ấy vẫn có thể nhận ra từng thứ mùi vị, chua, ngọt, chát, đắng, thơm đặc trưng của mỗi loại quả đó.
Lạ nữa nó lại được người ta mua về bày biện, trang trí làm như thú chơi trong ngày tết. Như thế, bên cạnh hiệu quả kinh tế thì cây của ông Giáp còn có thêm cả giá trị tinh thần, nghệ thuật. Ông Giáp gọi đó là cây ngũ quả- ngũ phúc. Tết Quý Tỵ này, cây của ông được nhiều người “săn tìm”, cả để biếu lẫn để bày trong nhà.
Ông Lê Đức Giáp nói về kỹ thuật ghép cây ngũ quả.
Để có được thứ cây mà nhiều người cho là lạ kia, ông Giáp đã mất rất nhiều thời gian nghiên cứu về cách chiết ghép. Ông đi tham khảo bạn bè, nhờ Hội Khuyến nông tư vấn, đọc sách về phương pháp ghép cây. Ông bảo: “Để ghép được trước hết chúng phải cùng họ với nhau, có những đặc điểm về điều kiện sống giống nhau, nếu không sẽ hỏng ngay”.
Ông Giáp dẫn chúng tôi đi vòng quanh khu vườn, giới thiệu cây lạ. Vừa đi ông vừa nói: “Hồi tôi mới làm cây ngũ quả, ai cũng cho là tôi gàn. Nhưng tôi nghĩ khác, làm cây ăn trái cũng tốt, thu nhập cũng khá ổn định rồi. Nhưng tại sao không kết hợp chúng lại, vẫn thời gian ấy, cây ấy nhưng lại mang lại những giá trị cao hơn? Bây giờ thì hiệu quả đã rõ”.
Cây ngũ quả của ông Giáp hiện bán từ Bắc vào Nam, nhiều nhà vườn ở phía Nam còn ra tận vườn của ông chiêm ngưỡng. Mỗi cây ông bán từ 2 tới 10 triệu đồng. Những cây cam, quýt bình thường giờ đã được nâng lên thành nghệ thuật.
“Cây lạ” đang lan rộng
Trước kia, ông Giáp giàu lên nhờ nghề trồng cam. Nhưng nghề này đến với ông cũng lắm gian nan. Từ năm 2001, ông đã có 300 gốc cam, nhưng thu nhập không được như mong muốn. Cây cho quả ít, sinh trưởng cứ kém dần. Ông chán nản, nhổ hết gần 150 các gốc cây héo úa lên khỏi mặt đất, nhìn từng nhành cây rũ lá, héo hon, nằm trên mặt đất sóng soài, lòng ông cũng xa xót vô cùng.
Ông đi quanh từng gốc cây, ngắm nghía, vuốt ve, cầm từng nước gầu nước tưới, mong sao chúng sẽ hồi sinh cho ông niềm hy vọng. Buồn tay, ông cầm con dao nhỏ, khía vào mỗi thân cây, mắt cây với nửa bán kính đường tròn, cứ tỉ mẩn làm hết gốc này sang gốc khác.
Không ngờ, độ dăm ngày sau, thấy cả một “rừng cây” bỗng biến sắc lạ kỳ, chúng mang một màu xanh của sự hồi sinh, ông vui mừng khôn xiết, lấy cuốc trồng lại những cây cam vào từng vị trí cũ rồi tưới cẩn thận
Không lâu sau, cả những thửa ruộng khô cằn, hoang hoải bỗng trở thành một vườn cam trĩu quả ngon, vàng ươm, ngọt lịm, ông vuốt nước mắt cười. Năm đó, ông thắng lớn.
Năm sau làm cũng thắng. Tới giờ, mỗi năm ông Giáp thu nhập trung bình khoảng 700 triệu đồng từ cam, quýt, phật thủ, cam Mã Lai, bưởi Diễn, chanh đào… Sau đó ông mới nghĩ tới chuyện lai chúng với nhau thành cây ngũ phúc.
Không chỉ làm giàu cho mình, ông Giáp cũng đang truyền nghề cho nhiều nông dân khác. Chẳng hạn như người trồng cam xã Cao Phong (Hòa Bình), quả sai nhưng không bán được vì không ngọt. Họ mời ông lên xem. Ông cặm cụi hướng dẫn họ cắt rễ như thế nào, tỉa cành, bỏ phân ra sao.
Giờ cam, quýt ở Cao Phong đẹp chẳng kém chỗ ông, bán ra thị trường cũng rất chạy. Vườn nhà ông hiện cũng có người tới học chiết ghép cây ngũ quả. Ông cho rằng, chỉ một vài năm tới, loại cây “lạ” này sẽ không còn lạ trên thị trường nữa.
“Sáng kiến ghép cây với nhiều loại quả của ông Giáp không chỉ giải quyết bài toán về mặt kinh tế mà còn góp phần tăng thêm không khí cho ngày tết” – Ông Nguyễn Trung Nghi – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thanh Oai |
Dân Việt