“Cha cõng con” - Nhiều hơn một câu chuyện cảm động về tình phụ tử - Tạp chí Đẹp

“Cha cõng con” – Nhiều hơn một câu chuyện cảm động về tình phụ tử

Review

Nhiều chi tiết đắt

“Một con cá bán được 5000 đồng, 800 triệu là bao nhiêu con cá hả cô?” – câu hỏi ngây ngô mà chân thật của người cha từ núi xuống chăm đứa con bé nhỏ ở bệnh viện khiến tất cả khán giả vừa bật cười xong là không ngừng rơi nước mắt.

cha-cong-con4
Hậu trường một cảnh trong “Cha cõng con”.

Một người cha cõng con leo đủ gần 90 tầng cầu thang trong một tòa nhà chọc trời giữa thành phố, chỉ để con có thể chạm được vào mây và nhìn thấy con chim sắt (máy bay) gần hơn là một chi tiết không bất ngờ nhưng đầy cảm động.

“Cho tôi con gà này, vì suốt hai tuần qua tôi đã xin bánh mì vụn nuôi thằng bé” là lời thoại của một người ông nghèo xin một người cha nghèo trong bệnh viện.

“Mình về bắt cá, bắt đủ 16 nghìn con cá nhá con, mình sẽ bắt đủ 16 nghìn con cá” là lời thoại của người cha và đứa con trên đường từ thành phố trở về..

Đạo diễn đồng thời đảm nhiệm vai trò tác giả kịch bản và cha đẻ của truyện ngắn bộ phim chuyển thể, Lương Đình Dũng đã lấy thiện cảm của khán giả bằng từng chi tiết đắt giá như thế trong tác phẩm đầu tay.

“Cha cõng con” đã mượn một câu chuyện cảm động về tình phụ tử (không phải là mẫu tử thường thấy) để chia sẻ một ước mơ lớn hơn về tình người. Bộ phim kiệm lời thoại, nhưng qua từng khung hình, con người hiện lên giữa thiên nhiên bao la vừa nhỏ bé, vừa hòa hợp. Cuộc đời “gà trống nuôi con” của bố con bé Cá hiện lên sống động, bên dòng sông khi hiền hoà, lúc hung dữ nhấn chìm mọi thứ trong tích tắc. Cũng vẫn con người ấy lạc lạc lõng nơi phố thị, họ bị nhịp sống ồn ào đẩy đi nhưng không quên sẻ chia cho nhau những gì còn có thể.

cha-cong-con3

Và những khung hình đẹp biết nói

Giữa thách thức của thiên nhiên, sự nghiệt ngã của số phận, mối quan hệ giữa con người hiện lên đẹp đẽ mà không xáo mòn. Điều đặc biệt, Lương Đình Dũng thể hiện tất cả những điều đó bằng thủ pháp đối lập qua từng khuôn hình. Đó là cuộc sống nghèo nhưng tràn đầy yêu thương của người cha dành cho đứa con bé bỏng. Hai cha con Cá sống trong căn nhà dột nát ven sông với nền đất nhão nhoét trơn trượt mùa mưa, với những vật dụng đơn sơ như cái bếp củi, lồng gà, con thuyền gỗ cũ kỹ… nhưng luôn ấm áp. Đó là chiếc thuyền độc mộc xuôi theo dòng nước lũ đục ngầu lọt giữa hai quả núi trên đường hai cha con Cá ra thành phố. Những đại cảnh miêu tả trận lũ tàn khốc, hay những buổi chiều bình yên hiếm hoi lũ trẻ nô đùa trên đồng cỏ mênh mông….. đều tạo ấn tượng thị giác mạnh với người xem.

cha-cong-con2

Xen giữa những khung cảnh ấy là cuộc sống thường nhật của con người. Những người dân tụ nhau lại trên rẻo núi cao mùa lũ, chia nhau từng bát cơm, con cá. Họ cùng nhau đi tìm người đến muộn và lặng lẽ che chở cho những mất mát của người ở lại. Họ tụ lại lúc lũ dâng cao và dời đi khi nước rút, sống hài hòa giữa những trận cuồng phong của tự nhiên, như một phần của dòng sông ấy, cánh rừng ấy, thung lũng ấy. Thành ra, sự may mắn của người ở lại hay sự mất mát của người bị lũ cuốn trôi đều diễn ra tự nhiên. Qua từng khung hình luôn có cả niềm vui, nỗi đau nhưng tất cả trộn lẫn như một tất yếu – cuộc sống là thế. Con người nhỏ bé trước tất cả những vần xoay của tự nhiên, của guồng quay cuộc sống, nhưng có họ, những nhánh sông không còn cô liêu, những cánh rừng trở nên sinh động. Điều này được đạo diễn tái hiện qua từng cảnh phim với nhịp phim đều nhau đầy chủ ý.

Không diễn viên ngôi sao, gần như không có diễn viên chuyên nghiệp (chỉ có nghệ sĩ Trần Hạnh vào vai ông ngoại một bệnh nhân ở vài phân cảnh trong bệnh viện), “Cha cõng con” vì thế có lúc khiến khán giả phải luận lại lời thoại vì đài từ nhân vật khó nghe. Sự “cực đoan” ấy được chính Lương Đình Dũng lý giải, anh muốn nhân vật bước ra từ cuộc sống của chính mình để từng cảnh phim đời nhất.

cha-cong-con

Mạch truyện chính của bộ phim được kết nối từ vai người kể chuyện – Chú Mù cùng câu chuyện về cha con nhà Cá. Chú Mù đã vẽ lên cho bọn trẻ nghèo miền sơn cước giấc mơ về thành phố “không có đêm”, “nơi có những ngôi nhà cao đến trời” và mang những “con chim sắt” (máy bay) – giấc mơ về bầu trời đến gần hơn với những đứa trẻ cả đời chỉ biết đỉnh núi là nơi cao nhất trên thế giới.

Điều đọng lại ở người xem “Cha cõng con” chính là ánh nhìn chưa bao giờ thôi háo hức của những đứa trẻ. Và bầu trời là biểu tượng để hi vọng của những đứa bé nghèo. Những giấc mơ ấy, hi vọng ấy đã giúp “Cha cõng con” thoát khỏi bi lụy dễ bị sa vào khi đụng đến những thân phận bên lề cuộc sống.

Cha cõng con” một bộ phim không có bất kỳ sự xấu xí nào: khung hình đẹp, những mối quan hệ đẹp, giấc mơ đẹp nhưng vẫn khiến người xem cảm động. Nước mắt của khán giả rơi xuống tự nhiên, khi họ gặp một điều đẹp đẽ dù không thể giữ lại nhưng dạy họ sống một cách xứng đáng hơn.

Bộ phim chính thức công chiếu tại các rạp trên toàn quốc từ ngày 5/4.

Trailer bộ phim “Cha cõng con”

Thực hiện: depweb

03/04/2017, 18:34