Cha, con và JAZZ

Cụ thân sinh ra Quyền Văn Minh là một nghệ sĩ chơi saxophone, nhưng “cái khó bó cái khôn”, cụ chỉ là một nghệ sĩ nghiệp dư, chơi cho các hội nghị và nhà văn hóa phường. Đến đời Quyền Văn Minh, suốt thời niên thiếu trùm chăn nghe radio và đạp xe đến Nhạc viện Hà Nội “nghe lỏm” âm thanh hỗn độn của các loại đàn, nhưng cuối cùng ông trở thành nghệ sĩ chơi jazz lão làng của Việt Nam. Đến đời thứ ba – Quyền Thiện Đắc được học đại học Berklee College of Boston (Mỹ). Sau 3 năm miệt mài với “tay kèn tay bút”, Đắc đã làm rạng danh dòng họ Quyền khi được nhận chứng chỉ loại ưu (5/2004).

Quyền Văn Minh quyết định giúp Đắc ra một chương trình tổng hợp bao gồm 2 CD phát hành vào đầu tháng 11. CD đầu tiên sẽ chơi jazz standard (jazz của phương Tây), CD thứ 2 dựa trên âm hình, màu sắc nhạc Việt, kết hợp với nhạc jazz hiện đại. Cuối tháng 12, đầu tháng 1 sẽ có 4 chương trình độc tấu của Đắc tại Nhà hát lớn Hà Nội và Nhà hát lớn Tp.HCM. Trong đó, nửa đầu chương trình của đêm đầu tiên sẽ chơi nhạc cổ điển, nửa sau “Việt hóa” jazz phương Tây. Đêm thứ hai, sẽ là những sáng tác của Đắc, phần đầu chơi jazz theo phong cách nước ngoài, phần hai sẽ dựa trên những hình thức âm nhạc Thái, Mèo, Nam Bộ, Quan họ, Tây Nguyên và kết hợp với jazz hiện đại


Tôi hoang tưởng khi nghĩ jazz có sức hút mạnh với mọi người

Trước đây một số nhà phê bình quan niệm saxophone thuộc dạng “lẳng lơ quá mức”, anh cũng bị những âm thanh lẳng lơ quyến rũ nên quyết định dấn thân?

Đúng là trước đây các cụ, kể cả bố tôi thổi saxophone – dùng từ không hay lắm, là thổi “chảy nước” ra, uốn éo quá – không mang được tính chất nghệ thuật đích thực của cây kèn. Vì âm nhạc hồi đó phần lớn du nhập từ Sài Gòn, hầu như là nhạc vàng, mà đã nhạc vàng thì rất ẻo lả. Kèn saxophone cũng gắn liền với thứ ẻo lả ấy. Nhưng người nghệ sĩ chơi jazz ở đỉnh cao phải khai thác được toàn bộ tính năng của kèn saxophone, trong đó có cả cái uốn éo, lẳng lơ, có cả sự nghiêm túc với những tiếng sẵng, tiếng đẹp. May mắn là tôi chịu ảnh hưởng của các nghệ sĩ quốc tế chứ không bị ảnh hưởng của các cụ. Không phải tôi quá sùng ngoại, mà bản thân một nhạc cụ như thế, anh phải khai thác được hết tính năng của nó. Vì vậy, tôi luôn nắn học trò phải có tiếng kèn chuẩn xác, sau đó mới pha trộn kỹ thuật.

Sau này, trong cuộc “lột xác” của saxophone – người nghe không còn định kiến về nó như một loại nhạc cụ “tội lỗi”, có thể kể đến tên anh trong hàng ngũ những người thay đổi “thân phận” cây kèn?

Sau 10 năm chơi saxophone, năm 1988 tôi làm chương trình kèn saxophone với 3 loại hình âm nhạc. Đầu tiên tôi chơi các tác phẩm cổ điển – trước đó hầu như chưa có nghệ sĩ nào chơi cổ điển – để khẳng định kèn saxophone có rất nhiều tính năng, chứ không chỉ “lẳng” như mọi người vẫn nghĩ. Chương trình đã gây một tiếng vang lớn, mọi người bắt đầu quan tâm đến tiếng kèn của tôi. Thầy Phúc Linh (chủ nhiệm khoa kèn Nhạc viện Hà Nội) đã mời tôi về trường dạy môn saxophone, khi trong tay tôi không có một tấm bằng nào làm bảo chứng.

Vừa là nghệ sĩ, vừa là ông chủ của Jazz club đã có 7 năm phát triển với thương hiệu Minh. Nghĩa là trong nghệ thuật, anh cũng có máu kinh doanh?

Tôi là một nhà kinh doanh tồi, nhưng niềm đam mê nhạc jazz làm tôi trở thành nhà kinh doanh khá. Năm 1997 tôi hăng hái đem giấy tờ nhà cửa ra thế chấp để vay 200 triệu đồng mở câu lạc bộ nhạc jazz. Sau 3 tháng hoạt động, người ta đòi lại địa điểm, câu lạc bộ phải đóng cửa. Sau đó tôi mở lại câu lạc bộ ở Lê Thái Tổ, nhưng cũng tạm bợ, không có hợp đồng cụ thể. Nếu là nhà kinh doanh giỏi thì phải có hợp đồng, phải nhìn thấy tương lai mới đầu tư. Còn tôi luôn nghĩ nhạc jazz có sức hút mạnh với mọi người, điều này hơi hoang tưởng. Nhưng cái hoang tưởng đó làm tôi cảm thấy mình rất đáng yêu! Bây giờ tôi phải cảm ơn Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long đã cho thuê mảnh đất để nhạc jazz phát triển đến ngày hôm nay.

Dạy học, chơi jazz ở các sân khấu lớn, chủ Jazz club, bây giờ lại kiêm luôn nghề sửa kèn. Sao anh phải lao động cật lực như vậy?

Trước đây tôi phải thổi cây kèn hở. Hồi đó đi sửa khó khăn quá, nên tôi tự nghiên cứu, tự sửa, lắt lay lắm mà chẳng đâu vào đâu. Sau này có một ông thợ người Nhật truyền lại nghề, đó là một cơ hội quý giá, vì ở Việt Nam đâu có nhiều người biết sửa kèn. Kiếm tiền bằng nghề sửa kèn chỉ là lấy công làm lãi. Những hôm trời mưa, ít khách quá thì chỉ cần Đắc thổi, còn tôi tranh thủ về sửa cái kèn, kiếm thêm vài trăm nghìn.

Trần Mạnh Tuấn là một trong những học trò của anh, bây giờ rất thành danh, ở góc độ thị trường trò còn hơn cả thầy. Điều này làm anh vui hay chạnh lòng?

Tôi là người dạy và đưa Tuấn đi thực tế, bây giờ Tuấn biết cách marketing. Marketing luôn là điều tốt cho thị trường, nhưng đôi khi không tốt lắm cho âm nhạc. Tôi không chạnh lòng vì điều này, nhưng buồn! Nhiều bạn bè hỏi “Tại sao làm được mà ông không làm?”. Nếu thân thì tôi nói “Tại sao ông không đi tìm hiểu cái tôi đang làm? Tôi cần tiền lắm, cuộc sống còn khó khăn hơn Trần Mạnh Tuấn. Nhưng tôi muốn cái giá của cuộc đời mình phải khác. Hơn nữa, con đường tôi đi có rất nhiều cặp mắt dõi vào, vừa động viên vừa kiểm soát. Mình phải để các giảng viên, học trò trân trọng.

Cầu thủ trẻ ra sân, cầu thủ già “về vườn”

Anh có hy vọng sẽ tạo nên một Quyền Thiện Đắc đi theo con đường nghệ thuật giống bố, nhưng ở góc độ thị trường cũng có thể cạnh tranh với Trần Mạnh Tuấn?

Nếu nhạc jazz đích thực có đất sống, mọi cái sẽ thay đổi. Với thị trường nhạc trẻ hiện nay, tất cả các loại hình âm nhạc khác đều bị đẩy lùi. Nhạc cổ điển, cổ truyền phải có Nhà nước nuôi. Nhạc jazz thì manh mún. Đắc còn rất trẻ, sẽ chờ thị trường chuyển đổi. Nếu chưa nổi danh thì thời cuộc chưa thay đổi.

Cuộc đời anh đã chứng minh: không học trường này trường nọ vẫn làm “nên chuyện”, sao phải đầu tư cho Đắc đi học tận Berklee?

Tôi quan niệm muốn thành tài phải có sức ép nhất định. Trong khi đó sức ép ở Việt Nam gần như không có. Nhưng va đập với một môi trường mà một năm có mười mấy nghìn học sinh, toàn những tinh hoa của các nước thì anh sẽ phải vượt lên để khỏi hổ thẹn. Tôi cũng muốn tự hào là người Việt Nam chơi được thứ âm nhạc jazz chuẩn mực để thế giới nể. Cái ức của người không được học là như thế. Bây giờ muốn cũng không học được, nên nhất định tôi phải đầu tư cho con trai.

Học ở một trường danh giá như Mỹ không đơn giản như xách kèn đến Nhạc viện Hà Nội, anh lấy đâu ra tiền trong khi “sổ đỏ” vẫn đang được ngân hàng “giữ hộ”?

Khi Berklee có chương trình cấp học bổng, Đắc thu băng gửi sang, sau đó được mời đi Seoul kiểm tra trực tiếp. Cuối cùng nhận được thư mời với học bổng 8000 USD/năm. Tất nhiên con số này không đủ. Để có tiền cho Đắc đi học, trong bộ sưu tập kèn 7 chiếc tôi phải bán 5. Toàn kèn quý, nên phải gửi sang Nhật, Mỹ mới được giá, vì ở Việt Nam không phải ai cũng hiểu giá trị của nó, người hiểu thì không có tiền mua. Đến học kỳ thứ hai Đắc được xét là học sinh xuất sắc, lúc này một số người bạn đã đồng ý cho tôi vay tiền đầu tư cho Đắc.

Đắc đã không làm anh thất vọng! Cảm giác của anh khi cậu ấy tốt nghiệp loại ưu?

Sung sướng! Suốt chặng từ Việt Nam bay sang San Francisco tôi cứ tủm tỉm cười. Lúc Đắc bước lên bục nhận danh hiệu, ở dưới tôi khóc! Trong buổi lễ tốt nghiệp, tôi rất tự hào khi đứng cạnh con trai dưới lá cờ Việt Nam. Rất nhiều người nước ngoài nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng, họ hiểu đó là hai cha con người Việt Nam.

Nhưng phải quay lại với thực tại: Đắc phàn nàn chơi jazz rất nghèo, nghĩa là anh đã chủ động dẫn dắt con trai mình đi vào con đường nghèo khó?

Cuộc sống phải có tiền, nhưng một ngày cũng chỉ ăn 3 bữa cơm, hãy làm sao để cuộc sống phong phú. Cả đời tôi phấn đấu vì nhạc jazz thì đứa con trai duy nhất của tôi phải tiếp tục con đường tôi đi. Như thế có phải là đẹp cho một dòng họ, một ngành nghề không? Một nhạc sĩ chơi jazz đích thực hay hơn là một người giàu có. Tôi muốn khi nhắm mắt, ít nhất mình phải có một chặng đường để người ta ghi nhận đó là sự cống hiến.

Đắc thẳng thắn thừa nhận: Muốn được biểu diễn nước ở ngoài hơn trong nước. Anh có sợ quý tử của mình bắt đầu “vọng ngoại”?

Tôi cho đó là con người bị nhìn ngắn chứ không phải vọng ngoại. Đắc thèm một sân khấu lớn, thu nhập cao với những khán giả hiểu Đắc. Phải nói thẳng là giờ này ở Việt Nam chưa có những sân khấu ấy. Đó là một khó khăn, nhưng muốn thành tài anh phải vượt qua khó khăn đó. Con đường của Đắc rất rộng, mới 25 tuổi, còn 26 năm nữa bằng tuổi tôi để phấn đấu, để vươn ra thế giới.

Đắc ảnh hưởng bố về con đường đi, tiếng kèn, cách lấy hơi. Còn anh, có bị ảnh hưởng ngược từ con trai mình – một người đang hừng hực sức trẻ?

Tôi công nhận, khâm phục âm nhạc đương đại. Tôi luôn lái các học trò của mình phải theo con đường đó. Còn tôi già rồi, làm gì có thời gian để thay đổi toàn bộ tư duy âm nhạc và càng không thể lột xác để chơi như một người trẻ. Hơn nữa, trái tim của tuổi 51 đón nhận âm nhạc mới không phù hợp.

Anh nghĩ sao về câu tuyên bố của Đắc: “Tôi sẽ hơn bố!”?

Đương nhiên cầu thủ già phải “về vườn” để cầu thủ trẻ thay thế. Cầu thủ trẻ phải chơi hơn cầu thủ già thì túc cầu mới phát triển được. Tôi tin trong tương lai Đắc sẽ làm được nhiều điều hay hơn tôi với cây kèn.

Đắc còn nhận xét: “Bố viết giai điệu hay, nhưng sự phá vỡ, sự mạnh mẽ và cá tính âm nhạc lại không nhiều”?

Nhận xét đó đúng nhưng chưa thấu đáo. Năm 1999 không thể phá vỡ mạnh bạo quá, nhất là CD đầu tay tôi càng phải thận trọng. Nếu không sẽ có người nói tôi làm hỏng âm nhạc dân gian Việt Nam, lai căng, lấy bộ áo tứ thân rồi nhồi cái mũ phớt, đưa cái batoong vào. Bây giờ, Đắc là một tay phóng túng, hỏng thì làm lại. Nhưng tôi đã 51 tuổi, không còn thời gian để gây dựng lại.

Chương trình tới đây liệu có phải là một cuộc chơi quá ồn ào với một người trẻ như Đắc?

Tôi rất cần sự ồn ào đó. Với một số tiền đầu tư như thế, với tấm bằng đã được công nhận và trên hết là với tiếng kèn của Đắc thì cần phải tạo điều kiện để được khẳng định. Thậm chí tôi hy vọng cuộc chơi này còn thức tỉnh một số nhạc sĩ đang chơi lệch lạc, một số người nổi danh với âm nhạc bình thường hiểu được: âm nhạc đỉnh cao không thể bình thường và càng không nên tầm thường. Đáng lẽ cuộc chơi này phải diễn ra sớm hơn.

(Dương Thúy thực hiện)


From the same category