Trong chuyên mục Women Empower Women với sự đồng hành của CAO Fine Jewellery lần này, Đẹp đã có buổi trò chuyện với doanh nhân Vưu Lệ Quyên, người hiện đang đứng đầu doanh nghiệp giày dép Biti’s. Ấn tượng lớn nhất về chị là sự giản dị, giọng nói nhỏ nhẹ mà tỏa ra nội lực mạnh mẽ của một “nữ tướng” giàu lòng nhân ái và luôn trân trọng giá trị tinh thần. Hiểu rõ giá trị bản thân, tìm thấy niềm vui trong vai trò một nhà lãnh đạo truyền cảm hứng, khích lệ nhân viên không ngừng phát triển, nuôi dưỡng lòng biết ơn, và trân trọng những điều mình đang có, doanh nhân Vưu Lệ Quyên là nhân vật đứng đằng sau những cuộc cách mạng hình ảnh với những sản phẩm mang thông điệp văn hóa Việt Nam đầy sáng tạo cho Biti’s, nâng vị thế thương hiệu Việt lên tầm cao mới.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống kinh doanh tiếng tăm, chị nghĩ thế nào về hai chữ “gia tộc”?
Quan điểm của tôi là không nên để hình tượng gia tộc đóng gói mình. Tôi là cung Bảo Bình nên rất yêu sự tự do. Tôi có suy nghĩ của riêng mình và mong muốn được là chính mình, chứ không phải vì mình thuộc gia tộc họ Vưu nên mình phải thế này, thế kia.
Trong gia đình tôi, ba mẹ rất khuyến khích sự tự do của con cái. Mặc dù họ cũng mong con cái đi theo khuôn khổ, nhưng nếu thấy chúng tôi có suy nghĩ riêng hoặc lối đi riêng thì vẫn luôn ủng hộ. Đơn cử là khi em trai tôi nói muốn theo đuổi âm nhạc, ba mẹ ban đầu không đồng ý, nhưng sau đó thấy âm nhạc là điều bạn ấy thật sự đam mê thì gia đình cũng ủng hộ. Miễn rằng những sở thích đó không nhằm theo đuổi sự nổi tiếng hay các giá trị bề ngoài mà thật sự xuất phát từ bên trong và giúp chúng tôi nuôi dưỡng, khám phá bản thân.
Vậy chị có thật sự yêu thích việc kinh doanh không?
Khi nói về kinh doanh, tôi cảm thấy mình có nhiều mâu thuẫn. Người kinh doanh thông thường hay nói về doanh số, lợi nhuận, nhưng tôi lại tập trung vào việc mình tạo được giá trị gì cho các khách hàng của mình, cho cán bộ công nhân viên của mình – những điều không liên quan tới cơm áo gạo tiền mà liên quan tới khía cạnh tinh thần nhiều hơn.
Khi Biti’s chuyển sang một giai đoạn mang tinh thần thời trang mạnh mẽ hơn, dấu ấn của chị thể hiện như thế nào?
Năm 2017, Biti’s làm một cuộc cách mạng về hình ảnh với những sản phẩm thời trang mang thông điệp văn hóa Việt Nam. Tôi muốn truyền cảm hứng cho người Việt tự tin vào những giá trị mà mình đang có. Tôi nghĩ Việt Nam mình không thua gì những quốc gia khác. Những campaign như “Đi để trở về” hay “Proudly made in Vietnam” giúp người trẻ thấy được sự gắn kết với mảnh đất mà họ lớn lên.
Trong kinh doanh, câu chuyện được kể bởi một người phụ nữ khác với câu chuyện được kể bởi một người đàn ông như thế nào?
Tôi nghĩ một doanh nghiệp được điều hành bởi phụ nữ sẽ mang tính chất nuôi dưỡng nhiều hơn. Thời ba tôi còn điều hành, ông là một người chỉ đạo và cực kỳ kỷ luật. Sang giai đoạn tôi làm lãnh đạo, tôi lại muốn làm sao giúp cho nhân viên của mình tự tin hơn và dám chia sẻ những gì các bạn nghĩ để đóng góp cho công việc. Giống như mẹ trái đất luôn luôn nuôi dưỡng một môi trường thuận lợi để mọi thứ có thể sinh sôi nảy nở, tính nữ trong kinh doanh sẽ thể hiện như vậy đó. Theo quan sát của tôi, những công ty do phụ nữ lãnh đạo có tính bền vững rất cao.
Chị có gặp mâu thuẫn với ba chị trong cách quản trị không?
Không thể gọi là cuộc chiến, nhưng tôi vẫn thường xuyên phải uyển chuyển ứng phó. Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là sự ôn hòa và thích ứng của mình đối với những cách quản trị khác.
Nghĩa là vẫn phải có một sự cố gắng từ phía người phụ nữ, đúng không?
Đúng rồi. Tôi hay nhìn vào mẹ mình, bà là người phụ nữ làm kinh doanh rất giỏi, vẫn thích ứng được với ông xã của mình mặc dù cả hai có nhiều quan điểm khác nhau. Tại sao doanh nghiệp Biti’s tồn tại được 41 năm, tôi nghĩ vì khả năng thích ứng và uyển chuyển của mẹ mình đó.
Giờ đây xã hội đã hiện đại hơn, nhưng khi nói tới vai trò của người phụ nữ, người ta vẫn quy về những vai trò truyền thống – đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm. Chị nghĩ như thế nào về sự nhận diện một người phụ nữ trong xã hội Á Đông nói chung và xã hội Việt Nam nói riêng?
Quan trọng là với vai trò đó, người phụ nữ có cảm thấy vui không. Ví dụ, tôi là típ phụ nữ thuộc về gia đình, tôi rất thích gia đình, tôi sẵn sàng ở nhà làm vợ, nuôi con. Nhưng hoàn cảnh không cho phép tôi làm điều đó vì tôi phải gánh vác một doanh nghiệp lớn. Tôi hiểu rằng sự hiện diện của mình sẽ giúp bao nhiêu con người có công ăn việc làm và có điều kiện phát triển bản thân. Khi tôi thấy được giá trị mà mình tạo ra cho cộng đồng, tôi vui với điều đó thì đó sẽ là lựa chọn của tôi. Cho nên tôi nghĩ phụ nữ ở trong bất cứ vai trò nào cũng ổn cả. Chỉ là họ có tìm thấy niềm vui và hiểu được giá trị mình tạo ra trong vai trò đó hay không.
Hiện nay trên thế giới, người ta đang cố gắng đạt được sự cân bằng về giới trong lãnh đạo. Ở Biti’s thì sao?
Ở Biti’s, lãnh đạo là nam giới chỉ chiếm 30% thôi. Có sự áp đảo này là do ngành nghề, làm giày là một lĩnh vực cần sự chi tiết và tính thẩm mỹ.
Có lần tôi tham dự một buổi lễ do một công ty khác tổ chức, khi họ giới thiệu các CEO, họ đọc tên tất cả các CEO nam trước rồi mới đến lượt các CEO nữ. Lúc đó tôi bị sốc, bởi vì trong doanh nghiệp của tôi, mọi người sẽ để lãnh đạo nữ đi trước. Đó là lần đầu tiên tôi nhận thấy rõ việc trọng nam khinh nữ vẫn đang tồn tại trong xã hội Việt Nam.
Tôi từng đọc một bài phỏng vấn chị, trong đó chị nói rằng sau 30 tuổi là thời điểm chị bắt đầu loay hoay đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi “Hạnh phúc là gì?”. Hẳn trên hành trình đi tìm hạnh phúc, chị cũng không thể nào bỏ qua gốc rễ của mình, cả những ràng buộc và quyền lợi từ đó?
Trước đây tôi chỉ biết rằng mình sinh ra trong gia tộc họ Vưu, gia tộc mình có một doanh nghiệp rất thành công. Người ngoài thường đặt câu hỏi liệu con gái có thể thành công như bố hay không. Và tôi sẽ suy nghĩ về những sự so sánh đó mãi nếu như tôi không biết mình là ai, mình tạo được giá trị gì. Năm 31 tuổi, tôi nhận ra là ồ tại sao mình có tất cả mọi thứ mà lại cảm thấy trống rỗng? Bỏ qua hết những hào quang liên quan tới gia tộc, vậy thì mình là ai, mình mong muốn trở thành người như thế nào, mình có thể tạo được những giá trị gì cho cộng đồng?
Người ta hay nói, những người như chị phải… đi lùi mới tới vạch đích. Đối với những người phải cố gắng tiến về vạch đích, thì người đi lùi để tìm hạnh phúc như chị có sự khác biệt thế nào?
Tôi không biết một người chưa có gì về mặt vật chất sẽ đi tìm hạnh phúc như thế nào, vậy nên để họ chia sẻ về điều đó thì chính xác hơn. Còn bản thân tôi thấy rằng việc sinh ra ở vạch đích cũng có sự mệt mỏi. Đối với những người như tôi, thành công không đến từ việc mình phải rèn luyện và phát triển như thế nào, mà là mình phải dũng cảm buông bỏ những gì mình đã có. Mình phải suy nghĩ rằng liệu những điều kiện vật chất thuận lợi của gia đình có làm mình hạnh phúc hay không, hay hạnh phúc là một điều gì đó khác? Mình phải đi tìm.
Tôi thấy khi con trẻ lớn lên, ba mẹ, thầy cô hay nói rằng con phải làm sao để thành công, có sự nghiệp tốt, có nhiều tiền… nhưng ít khi nào nói con hãy làm những điều đem lại niềm vui cho con. Hơn 30 năm chạy trên đường ray được đặt sẵn, cho tới lúc đó, tôi chưa bao giờ dừng lại và hỏi mình chạy trên đường ray này có hạnh phúc hay không. Tôi nghĩ mình đã buông bỏ rất nhiều.
Trên hành trình đi tìm hạnh phúc, chị nhớ nhất điều gì?
Điều thứ nhất là quyển sách “Nghệ thuật sống hạnh phúc” của đức Đạt Lai Lạt Ma mà một người bạn tặng cho tôi, trong đó ngài có nói một câu: “Mục đích của cuộc sống là hạnh phúc”. Câu này khiến tôi run rẩy, vì trước đó tôi chưa từng được nghe. Tôi còn nghĩ chắc điều đó chỉ đúng với ngài thôi chứ không đúng với mình, nhưng ngài nói thì mình cứ thử rèn luyện, đi tìm chìa khóa của sự hạnh phúc, sự bình an nội tại xem sao. Tôi là người học khoa học nên rất logic, mọi thứ đều phải chứng thực.
Điều thứ hai là khi tôi thực tập về sự biết ơn. Trước kia, vật chất đối với tôi vốn là điều hiển nhiên. Có lẽ vì có quá nhiều nhưng không biết ơn nên tôi từng không thấy được sự thuận lợi của mình trong cuộc sống. Mỗi ngày tôi viết năm điều biết ơn, viết đều đặn để rèn luyện cặp mắt của mình nhận ra những thứ tuyệt vời xung quanh. Việc này giúp tôi dần thay đổi tư duy của mình. Hồi xưa tôi chỉ thấy những điều bất như ý thôi, còn bây giờ đã đào tạo cặp mắt của mình thấy được những điều tốt đẹp.
Chị thực tập buông bỏ bằng cách nào?
Tôi học cách sống tối giản. Thứ nhất là vì công việc khá nhiều, tôi có 8.000 nhân viên và phục vụ 5 triệu khách hàng mỗi năm, cần phải dành nhiều năng lượng, thời gian và không gian cho mọi người nên bản thân phải tinh gọn. Thứ hai, tôi muốn có ít đồ hơn để thực sự trân trọng, biết ơn và nâng niu những gì mình đang có. Thêm nữa, tôi nghĩ về mẹ thiên nhiên. Mình bớt những ham muốn của mình, bớt những tiêu thụ không hợp lý để môi trường được tái tạo tốt hơn.
Nhưng người kinh doanh vẫn cần sự tiêu thụ nhiều hơn đúng không?
Hiện tại người Việt mình giàu hơn rồi, họ mua rất nhiều giày, đôi khi nhiều hơn nhu cầu thật sự. Giày để trong tủ mà không mang sẽ bị hư lớp keo, mất độ đàn hồi. Nên tôi vẫn khuyến khích mọi người nếu có nhu cầu thực sự hẵng mua. Mua mà để trong tủ là một sự lãng phí.
Cảm ơn chị vì cuộc trò chuyện!
Tìm hiểu thêm về CAO Fine Jewellery tại đây
Bài: Nguyễn Khắc Ngân Vi
Sản xuất: Chí Văn
Nhiếp ảnh: Tang Tang
Stylist: Tô Quốc Sơn
Trang điểm: Vien Huu Duc
Trợ lý nhiếp ảnh: Minh Tuan Tran, Đại Lộc
Trang sức: CAO Fine Jewellery